Ngưng thai là tình trạng thai nhi không còn sống trước hoặc trong khi sinh, thường được gọi là sảy thai hoặc thai lưu. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu sảy thai và thai lưu có giống nhau không và những chú ý cho mẹ bầu để có một thai kỳ mạnh khỏe.
Sảy thai và thai lưu có giống nhau không?
Về bản chất, sảy thai và thai lưu đều là sự chết, ngưng phát triển của thai nhi. Trong y khoa, sảy thai và thai lưu được phân biệt dựa trên mốc thời gian 20 tuần thai.
Sảy thai và thai lưu có giống nhau không?
Sảy thai là gì?
Sảy thai là ngừng thai trước 20 tuần thai. Đa số các trường hợp sảy thai có biểu hiện rõ ràng và thường kèm theo tình trạng tống xuất các thành phần thai ra khỏi cơ thể mẹ. Theo Hiệp hội Thai sản Hoa Kỳ, tỷ lệ sảy thai chiếm khoảng từ 10 đến 15% tổng số thai kỳ.
Sảy thai được phân loại thành các thể dựa theo dấu hiệu trên lâm sàng như sau:
-
Sảy thai hoàn toàn: Cả thai nhi và các thành phần phụ của thai cùng bị đẩy ra khỏi cơ thể mẹ trong một lần.
-
Sảy thai không hoàn toàn: Các thành phần của phôi thai bị đẩy ra không đồng loạt, có thể là hậu quả của việc giãn và co bóp bất thường của tử cung.
-
Trứng trống: Phôi thai đã bám trên niêm mạc tử cung nhưng không phát triển được.
-
Sảy thai ngoài tử cung: Phôi thai đậu ở ngoài tử cung, thường là ở ống dẫn trứng, còn gọi là tình trạng chửa ngoài dạ con. Khi thai nhi phát triển, cơ quan được phôi bám không co giãn tăng kích thước theo phôi thai được vì thế gây nên đau đớn cho mẹ, vỡ thai, xuất huyết nghiêm trọng…
Thai lưu là gì?
Thai lưu là tình trạng thai ngưng sau 20 tuần tuổi. Thai lưu có xu hướng biểu hiện ít rầm rộ hơn sảy thai, thường thai chết sẽ lưu lại trong tử cung mẹ trên 48 giờ, thậm chí có những trường hợp cơ thể mẹ không đẩy thai chết ra ngoài. Tại Việt Nam, tỷ lệ thai lưu chiếm 1%, tức cứ khoảng 100 thai phụ sẽ có 1 trường hợp thai lưu. Thai lưu được phân loại dựa vào tuổi thai:
-
Thai lưu sớm: Thai ngưng trong giai đoạn từ 20 – 27 tuần tuổi.
-
Thai lưu muộn: Thai ngưng trong giai đoạn từ 28 – 36 tuần tuổi.
Dấu hiệu ngừng thai
Chảy máu âm đạo
Đây là dấu hiệu rất quan trọng đối với một thai phụ. Mẹ bầu cần chú ý về tình trạng tiết dịch âm đạo bất thường như: Số lượng quá nhiều hoặc quá ít, màu hay mùi bất thường, đặc biệt là chảy máu.
Chảy máu âm đạo có thể là một biểu hiện sinh lý bình thường trong thai kỳ như máu báo thai, máu báo sinh, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của việc xổ thai, xuất huyết tại tử cung hoặc các phần khác trong bộ máy sinh sản, hoặc một bất thường đông cầm máu, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn…Nói chung đây là một dấu hiệu đáng lưu tâm.
Khi phát hiện bị chảy máu âm đạo, thai phụ cần được thăm khám cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa.
Chảy máu âm đạo là biểu hiện quan trọng báo hiệu trong sảy thai
Đau bụng, bụng co cứng, cảm giác nặng nề
Đau bụng là một triệu chứng không điển hình, có thể xuất hiện ở trong nhiều bệnh lý đường tiêu hóa khác. Tuy nhiên mẹ bầu có thể nhận biết đau bụng trong thai kỳ ở một số đặc điểm như đau ở vùng bụng dưới, đau cảm giác co cứng, quặn thắt cơ, đau tức có thể lan sang hai buồng trứng hoặc xuống bộ phận sinh dục…
Đau bụng là một dấu hiệu thường gặp khi chết thai, có thể dữ dội kèm các triệu chứng mất máu, tim nhanh, vã mồ hôi, vật vã trong những trường hợp xuất huyết, vỡ thai ngoài tử cung. Đau bụng cũng có thể đau âm ỉ, thoáng qua mà thai phụ khó nhận biết trong những trường hợp thai lưu không điển hình, chỉ nặng lên khi xuất hiện tình trạng nhiễm trùng.
Cử động thai bất thường
Từ tuần thứ 20 trở đi, thai máy bắt đầu diễn ra và sẽ duy trì, tăng dần cho đến khi sinh. Thai máy là một dấu hiệu cho thấy thai nhi khỏe mạnh. Với mỗi thai nhi, tần suất cùng cường độ cử động là khác nhau và có sự thay đổi ở các tháng của thai kỳ. Vì vậy mẹ bầu cần chú ý quan sát, đánh giá đặc điểm thai máy của con mình để dễ phát hiện ra nếu như có bất thường về cử động thai.
Nếu như thai đột ngột giảm chuyển động trong các sinh hoạt bình thường, ví dụ vài giờ sau khi mẹ ăn, hoặc 8 - 10 tiếng thai cử động yếu hoặc ngưng hẳn cử động cho thấy có sự bất thường. Mẹ có thể đến kiểm tra tại các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ.
Thai máy bất thường là dấu hiệu nghi ngờ ngưng thai
Một số dấu hiệu ngừng thai khác
Bên cạnh những biểu hiện trên, còn một số dấu hiệu khác ít đặc hiệu hơn nhưng mẹ bầu cũng cần chú ý:
-
Tình trạng ốm nghén đột ngột biến mất: Thông thường sau thời gian 3 tháng, mẹ sẽ không còn bị tình trạng thai nghén nặng nhiều nữa, tuy nhiên tình trạng này sẽ giảm dần từ từ, nếu đột ngột ngưng thì cũng gợi ý đến một bất thường thai kỳ hoặc bất thường trong sản sinh nội tiết tố ở mẹ.
-
Bầu vú không còn căng, màu núm vú thay đổi bất thường, tự động tiết sữa non.
-
Sốt cao, chóng mặt kèm đau bụng.
-
Đau lưng dữ dội lan ra trước bụng hoặc xuống đùi, bị chuột rút liên tục.
-
Vỡ nước ối, chảy nước ối.
Sau ngừng thai, cần chú ý gì?
Mất thai là một nỗi mất mát lớn với gia đình và nhất là người phụ nữ. Để có thể vượt qua nỗi đau này, người phụ nữ và gia đình cần chú ý đến những điều sau:
Ổn định tinh thần
Rất nhiều phụ nữ sinh ra tâm lý tự trách, suy sụp và mất niềm tin sau khi ngưng thai. Thực tế chứng minh, 20% các trường hợp thai ngưng là do tự nhiên và không có nguyên nhân cụ thể. Những sai sót trong quá trình hình thành phôi thai, đột biến, sự không thích ứng của cơ thể…gây nên những trường hợp ngưng thai tự nhiên.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất mỗi gia đình cần làm là ở bên cạnh, an ủi để người phụ nữ đang mang trong mình nỗi đau tinh thần và thể xác có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hãy giúp họ vực dậy tinh thần, không mang vướng mắc tâm lý để có một trạng thái lý tưởng nhất cho lần thụ thai tiếp theo.
Thực hiện những can thiệp cần thiết
Sau khi xác định tình trạng ngưng thai, việc lấy thai ra ngoài và vệ sinh, hồi phục cơ quan sinh sản cho mẹ là điều vô cùng quan trọng với sức khỏe của mẹ và những lần mang thai tiếp theo.
Việc lựa chọn phương pháp can thiệp sẽ phụ thuộc vào tình trạng, kích thước và độ tuổi của thai. Các bác sĩ luôn ưu tiên các phương pháp đẩy thai tự nhiên mà không can thiệp mổ. Cần can thiệp càng sớm càng tốt, tránh để lâu gây nên những vấn đề cho mẹ như mất máu, hoại tử, nhiễm trùng… thậm chí là mất khả năng sinh sản hay tử vong.
Chuẩn bị cho những lần mang thai tiếp theo
Để chuẩn bị một trạng thái tốt nhất cho những đứa con sau này, trước tiên là bạn phải đầu tư cho bản thân những tố chất tốt nhất cho thiên chức làm cha mẹ. Chuẩn bị sẵn sàng bao gồm: Chuẩn bị sức khỏe, tinh thần và kiến thức.
Hãy bồi dưỡng thân thể thật tốt, ăn uống lành mạnh, bỏ những thói quen xấu; nuôi dưỡng sức khỏe tâm lý mạnh mẽ; trau dồi nền tảng kiến thức về thai sản và cả quá trình nuôi dạy con. Sự chuẩn bị này không chỉ đến từ người phụ nữ mà còn cả chồng và gia đình của cô ấy.
Mong rằng bài viết này giúp bạn trả lời được câu hỏi sảy thai và thai lưu có giống nhau không, đồng thời cung cấp thêm nhiều thông tin cần thiết về thai sản. Hy vọng bạn và gia đình sớm chào đón những thiên thần khỏe mạnh và hạnh phúc!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp