Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Sẩy thai nhiễm khuẩn là gì? Phòng ngừa sẩy thai nhiễm khuẩn thế nào?

Ngày 26/09/2024
Kích thước chữ

Sẩy thai nhiễm khuẩn là một trong những vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra trong thai kỳ, không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vậy sẩy thai nhiễm khuẩn là gì, mời bạn đọc tìm hiểu chi tiết tại đây nhé.

Sẩy thai nhiễm khuẩn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Hiện tượng này không chỉ gây ra những hệ lụy về mặt thể chất mà còn để lại những tác động tâm lý sâu sắc. Trong bối cảnh y tế hiện đại, việc nhận thức rõ về nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa sẩy thai nhiễm khuẩn là vô cùng cần thiết, nhằm bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc cho các bà mẹ tương lai. Qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng này và cách thức phòng tránh hiệu quả.

Sẩy thai nhiễm khuẩn là gì?

Sẩy thai, hay còn gọi là thai chết lưu, là hiện tượng thai nhi ngừng phát triển và được tống ra ngoài cơ thể trước tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc trước khi cân nặng của thai nhi được 500g.

Sẩy thai nhiễm khuẩn xảy ra khi thai đã chết kết hợp với tình trạng ối vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ hoặc sẩy thai, khi màng ối rách, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào buồng ối và tử cung, gây ra tình trạng nhiễm khuẩn. Nói một cách dễ hiểu hơn thì sẩy thai nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng tử cung nghiêm trọng ngay trước, trong hoặc sau khi sẩy thai tự nhiên hoặc sẩy thai do can thiệp.

Ở trong trường hợp này, sản phụ sau khi đau bụng dưới và ra máu âm đạo (máu chảy ra có màu sẫm kèm mùi hôi tanh) sẽ có các triệu chứng của hội chứng nhiễm trùng với các biểu hiện như sốt 37,8 - 40 độ C, mạch nhanh, xét nghiệm bạch cầu tăng, CRP tăng. Sau các cơn co thắt tử cung, bọc thai bị tống ra ngoài song nhau thai thường bị sót lại trong buồng tử cung. 

Thực tế cho thấy, sẩy thai nhiễm khuẩn thường diễn biến rất nhanh và nặng bởi ngoài tác nhân là vi khuẩn thường gặp thì sản phụ còn có thể nhiễm các vi khuẩn yếm khí. Nhiễm trùng tử cung là dạng thường gặp nhất, tiếp theo đó là nhiễm trùng nội mạc, viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết và một số trường hợp có thể gặp phải tình trạng viêm nội tâm mạc.

Theo nhận định từ phía các chuyên gia, sẩy thai nhiễm khuẩn có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của sản phụ nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Sẩy thai nhiễm khuẩn: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và phòng ngừa 1
Sẩy thai nhiễm khuẩn là tình trạng vô cùng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng

Nguyên nhân dẫn đến sẩy thai nhiễm khuẩn

Sẩy thai nhiễm khuẩn có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể kể đến:

  • Thai nhi bị dị tật bẩm sinh, bong bánh rau, bánh rau bị xơ hoá, thai nhi kém phát triển, các sự cố về dây rốn khiến cho thai nhi bị cạn kiệt dưỡng khí, tình trạng đa ối,…
  • Người mẹ có tiền sử mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, các bệnh nhiễm trùng (sởi, quai bị, sốt rét, rubella,…
  • Người mẹ thường xuyên hút thuốc lá, thường xuyên sử dụng chất kích thích, nghiện rượu, nghiện ma tuý,…
  • Mẹ bầu bị nhiễm độc thai nghén song không được can thiệp điều trị kịp thời.
Sẩy thai nhiễm khuẩn là gì? Phòng ngừa sẩy thai nhiễm khuẩn thế nào? 2
Nhiễm độc thai nghén không điều trị kịp thời có thể dẫn đến gây sẩy thai nhiễm khuẩn

Điều trị sảy thai nhiễm khuẩn thế nào?

Như đã trình bày phía trên, tình trạng nhiễm trùng có xu hướng diễn biến rất nhanh và nặng nên các trường hợp bị sẩy thai nhiễm khuẩn cần được điều trị tích cực. Cụ thể:

  • Người bệnh sẽ được điều trị với kháng sinh liều cao kết hợp với thuốc oxytocin nhằm co hồi tử cung.
  • Sau 6 giờ dùng kháng sinh, khi thân nhiệt của người bệnh đã giảm, bác sĩ sẽ tiến hành nạo hút buồng tử cung. Trong quá trình nạo hút, bác sĩ cần hết sức thận trọng bởi lúc này tử cung dễ bị thủng hơn bình thường và có nguy cơ nhiễm khuẩn lan rộng.
  • Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn nặng như viêm toàn bộ tử cung, nhiễm trùng huyết,… bác sĩ buộc sẽ chỉ định phẫu thuật cắt tử cung.
Sẩy thai nhiễm khuẩn là gì? Phòng ngừa sẩy thai nhiễm khuẩn thế nào? 3
Điều trị kháng sinh liều cao là bắt buộc trong trường hợp sẩy thai nhiễm khuẩn

Hướng dẫn phòng ngừa sẩy thai nhiễm khuẩn

Sẩy thai là điều mà không có một mẹ bầu nào mong muốn. Song nhờ tiến bộ của y học hiện nay, thai kỳ được theo dõi tốt hơn và điều này giúp giảm tỷ lệ thai chết trong bụng mẹ so với trước đây, nhờ vậy mà tình trạng sẩy thai nhiễm khuẩn cũng giảm đi đáng kể.

Để dự phòng tình trạng sẩy thai nhiễm khuẩn xảy ra, mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh

Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học và lành mạnh là điều vô cùng quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, điều này lại càng quan trọng.

Khi mang thai, bên cạnh việc ăn uống đủ chất, mẹ bầu cần uống bổ sung sắt và axit folic - đây là 2 dưỡng chất vô cùng quan trọng trong thai kỳ. Việc thiếu sắt và acid folic là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây dị tật thai nhi, sinh non, thậm chí là sẩy thai.

Duy trì lối sống cân bằng

Để ngăn ngừa sẩy thai nói chung và sẩy thai nhiễm khuẩn nói riêng, bên cạnh việc đảm bảo dinh dưỡng, mẹ bầu cần duy trì lối sống cân bằng và khoa học thông qua việc:

  • Tập thể dục thường xuyên và đều đặn: Mẹ bầu nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như yoga bầu, đi bộ, bơi lội,… để có thể cải thiện tuần hoàn máu cũng như giảm căng thẳng.
  • Luôn giữ tâm lý thoải mái: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, stress có thể ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ. Chính vì thế, thay vì lo lắng quá nhiều, mẹ bầu nên giữ cho tâm lý thoải mái. Hãy dành thời gian cho những hoạt động giúp mẹ thư giãn như nghe nhạc đọc sách hoặc ngồi thiền.
  • Tránh làm việc nặng nhọc. Dành thời gian nghỉ nghỉ ngơi nhiều hơn.

Khám thai định kỳ

Trong quá trình mang thai, bạn cần khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc làm này không chỉ giúp theo dõi thai kỳ mà còn giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường nếu có từ đó có hướng xử trí kịp thời. Chẳng hạn như:

  • Nếu mẹ bầu đang gặp phải tình trạng dọa sẩy, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu sử dụng thuốc dưỡng thai progesterone, các loại vitamin và thuốc giảm co bóp.
  • Nếu mẹ bầu bị hở eo tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định khâu vòng eo tử cung từ sớm để tránh dẫn đến hiện tượng sẩy thai.
  • Trong trường hợp mẹ bầu sắp hoặc đang sẩy thai, sẩy thai không hoàn toàn, thai chết lưu,… nguyên tắc chung trong trường hợp này là phải nạo buồng tử cung để lấy hết thai và rau thai ra ngoài. Việc làm này nhằm mục đích dự phòng băng huyết và sẩy thai nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường như ra máu âm đạo, đau bụng,… mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám và có hướng can thiệp phù hợp nếu cần.

Sẩy thai nhiễm khuẩn: Nguyên nhân, triệu chứng, hướng điều trị và phòng ngừa 4
Khám thai định kỳ giúp pháp hiện sớm những bất thường trong thai kỳ

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng sẩy thai nhiễm khuẩn mà Nhà Thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Mong rằng, với những thông tin Nhà Thuốc Long Châu chia sẻ trên đây có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng này và các biện pháp phòng ngừa sẩy thai nói chung và sẩy thai nhiễm khuẩn nói riêng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin