Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không? Có ảnh hưởng gì không?

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ

Sinh con lần 2 là chuyện hết sức bình thường, tuy nhiên ở những mẹ bầu đã sinh con lần 1 bằng phương pháp đẻ mổ thì các mẹ khá lo lắng về việc sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không. Hãy cùng Long Châu tìm câu trả lời qua bài viết sau nhé!

Sinh mổ lần thứ hai là một quyết định quan trọng đối với các sản phụ. Trong quá trình mang thai, có những trường hợp khiến bác sĩ và sản phụ cân nhắc về việc lựa chọn phương pháp và thời điểm sinh mổ.

Sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không?

Thời điểm thực hiện phẫu thuật sinh mổ lần 2 phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng sức khỏe của mẹ và sự trưởng thành của thai nhi.

Thường thì, đối với một người mẹ có sức khỏe tốt và thai nhi phát triển ổn định, thời điểm tốt nhất để thực hiện phẫu thuật mổ là khi thai nhi đạt 39 tuần tuổi. Khi đó, thai nhi đã đạt được sự trưởng thành đầy đủ về chức năng hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, đồng thời đảm bảo rằng em bé có thể tồn tại độc lập sau khi ra đời. Phẫu thuật mổ lần thứ hai được thực hiện trước khi có các cơn co thắt chuyển dạ vì những cơn co thắt này có thể ảnh hưởng đến vết mổ cũ, tạo nguy cơ vỡ vết mổ cũ và gây ra nguy hiểm về vỡ tử cung.

Từ tuần thứ 37, thai nhi đã có thể tự thở và sống được ngoài tử cung, tuy nhiên, thai phụ nên sinh con khi đủ 39 tuần vì lúc này các cơ quan của thai nhi mới đạt được sự phát triển đầy đủ và toàn diện. Việc sinh con khi thai nhi đạt 39 tuần tuổi giúp giảm thiểu các vấn đề sau sinh như suy hô hấp, hạ nhiệt và hạ đường huyết.

Sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không? 1
Sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không phải do bác sĩ quyết định

Trong trường hợp sức khỏe của mẹ không đảm bảo, mẹ có tiền sử thai lưu, thai ngoài tử cung, sinh non, thì thời điểm an toàn nhất để thực hiện mổ lần hai là khi thai nhi đạt 38 tuần tuổi. Ngoài ra, trong các trường hợp có những vấn đề bất thường về phía thai như thai quá lớn, thai đa, thai thiểu, cũng cần xem xét thực hiện mổ lần hai sớm hơn bình thường để đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé.

Do đó, chưa có câu trả lời chính xác cho việc sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không. Khi đi khám thai, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện tình trạng sức khỏe của mẹ như cảm giác đau bụng, tình trạng vết mổ cũ, tình trạng mở cổ tử cung và đánh giá sự trưởng thành của thai nhi. Các kết quả bao gồm nhịp tim của thai nhi, cân nặng và tình trạng xoay của thai cũng là những yếu tố quan trọng để quyết định thời điểm thực hiện mổ lấy thai lần hai. Nếu có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe của thai nhi hoặc của mẹ, bác sĩ sẽ ngay lập tức quyết định thực hiện mổ lần hai để giảm thiểu nguy cơ cho cả mẹ và em bé.

Những bất thường các mẹ cần chú ý khi sinh mổ lần 2

Các sản phụ cần đặc biệt quan tâm đến các thay đổi trong cơ thể của mình và thai nhi khi trải qua mổ lần thứ hai và nên nhập viện ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường sau đây.

  • Đau bụng từng cơn và liên tục: Đối với các sản phụ sinh thường, cơn đau là dấu hiệu của sự chuyển dạ sắp xảy ra. Tuy nhiên, đối với các sản phụ sinh mổ lần thứ hai, nếu có cơn đau từng cơn và liên tục, đặc biệt là tại vết mổ cũ, có thể là dấu hiệu của tình trạng đe dọa vỡ vết mổ cũ. Đây là một dấu hiệu nguy hiểm có thể dẫn đến vỡ tử cung, gây sốc cho mẹ và gây tử vong cho thai nhi.
  • Ra máu âm đạo bất thường: Bất kỳ lượng máu nào xuất hiện từ âm đạo trong suốt thời kỳ mang thai đều cần sự can thiệp kịp thời của bác sĩ. Sản phụ có thể xuất hiện ra máu trong giai đoạn sớm của thai kỳ, điều này có thể là dấu hiệu của sự đe dọa sảy thai hoặc thai ngoài tử cung. Trong trường hợp xuất hiện ra máu âm đạo vào tháng cuối thai kỳ, có thể chỉ ra sự bất thường như nhau tiền đạo, nhau bong non hoặc đe dọa sinh non.
  • Ra nước âm đạo bất thường: Nếu phát hiện dịch âm đạo nhiều hơn bình thường, chảy rỉ hoặc chảy ồ ạt, có đặc tính nhớt và mùi tanh nồng, các sản phụ cần nhập viện ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu bất thường về ối như rỉ ối, vỡ ối sớm hoặc vỡ ối non. Các trường hợp này có nguy cơ về vấn đề như sa dây rốn, sinh non, đe dọa sinh non hoặc nhiễm trùng ối.
  • Sự giảm cử động hoặc cử động bất thường của thai nhi: Bình thường, sản phụ có thể cảm nhận sự chuyển động của thai từ tuần thứ 16 trở đi và càng đến gần cuối thai kỳ, hiện tượng này càng rõ ràng hơn. Đây được xem như tín hiệu cho thấy thai nhi phát triển bình thường trong tử cung. Nhưng nếu thai nhi có dấu hiệu giảm cử động bất thường hoặc không cử động, mẹ cần lưu ý đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và theo dõi bé.
  • Sản phụ nên theo dõi cử động hàng ngày của thai nhi, bao gồm cú đấm, đá, xoay và cuộn trong vòng 1 giờ liên tục, cũng như ghi lại số lần cử động của thai trong ngày. Nếu phát hiện sự giảm cử động của thai, số lần cử động dưới 10 trong vòng 2 giờ, đây là dấu hiệu nguy hiểm và cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không? 2
Khi mẹ bầu cảm thấy đau bụng dữ dội, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế

Ngoài ra, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe của mẹ cũng cần được chú ý như sốt cao trên 38 độ, đau đầu, chóng mặt, mờ mắt, đau bụng dữ dội, ra máu âm đạo bất thường, vỡ ối sớm..., sản phụ cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và điều trị.

Khi nào thích hợp để mang thai và sinh mổ lần 2?

Theo các chuyên gia, để vết mổ trên tử cung của lần sinh đầu tiên lành hoàn toàn, cần một khoảng thời gian đủ và thường khuyến cáo ít nhất 2 năm kể từ lần sinh mổ đầu tiên. Thời gian này cho phép cơ thể phục hồi hoàn toàn và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho thai nhi.

Nếu khoảng cách giữa 2 lần sinh là dưới 6 tháng thì nguy cơ bục vết mổ cũ tăng lên vì sẹo cũ chưa kịp lành hoàn toàn và cơ thể mẹ chưa đủ để hỗ trợ một lần mang thai mới. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Sinh mổ lần 2 ở tuần 38 được không? 3
Khoảng cách giữ 2 lần sinh nên là trên 6 tháng

Quyết định mang thai và sinh mổ lần thứ hai là một quyết định phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố vì nó mang theo nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Vì vậy, sản phụ và gia đình cần tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ sản khoa để chọn thời điểm thích hợp và chuẩn bị đầy đủ mọi khía cạnh, để có một thời kỳ mang thai an toàn và sinh hạ những đứa trẻ khỏe mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin