Sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay là một trong những kĩ thuật sơ cứu quan trọng. Bàn tay tham gia thực hiện rất nhiều vận động của cơ thể và thường bị tổn thương nhất trong tình huống tai nạn sinh hoạt, lao động nghề nghiệp. Vết thương ở lòng bàn tay gây hạn chế vận động, nguy hiểm hơn có thể cắt cụt chi, đây là điều không ai mong muốn.
Sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay cần nhanh, kịp thời và chính xác
Các nguyên nhân gây ra vết thương ở lòng bàn tay
Thống kê cho thấy rằng vết thương ở lòng bàn tay chiếm khoảng từ 40 tới 50% tổng số các ca chấn thương do tai nạn lao động.
-
Bỏng: Bỏng là một trong những nguyên nhân gây ra vết thương ở lòng bàn tay. Chúng xảy ra do sự tiếp xúc với các nguồn nhiệt như ánh nắng mặt trời, lửa, nước sôi… hoặc có thể do các hóa chất, điện.
-
Vết thương đâm thủng, vết rách, vết cắt: Nguyên nhân do người bệnh gặp tai nạn khi cầm, nắm, sờ, va đập vào các dị vật cứng, sắc nhọn.
-
Bong gân: Trường hợp này thường xảy ra khi người bệnh kéo căng hoặc rách dây chằng, chúng có tác dụng giữ sự liên kết giữa các xương trong lòng bàn tay.
Sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay
Quy trình sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay trong những trường hợp bỏng:
-
Bước 1: Rửa vết thương bằng nước sạch trong tối thiểu 15 phút. Điều này giúp vết thương ở lòng bàn tay dịu đi, tránh đau rát, sưng tấy đồng thời hạn chế vết bỏng ăn sâu tiếp vào vùng sâu hơn. Lưu ý: Chỉ dùng nước mát để làm dịu vết thương chứ không nên dùng đá hoặc nước đá bởi việc tiếp xúc trực tiếp với chúng có thể làm cho vết thương nặng thêm.
-
Bước 2: Dùng gạc sạch, băng vô khuẩn để băng vùng da bị bỏng tránh các nguy cơ gây nhiễm trùng.
-
Bước 3: Thay băng một lần mỗi ngày. Chú ý theo dõi tình hình hồi phục vết thương ở lòng bàn tay, nếu có bất cứ biến chứng xấu nào xảy ra, hãy đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.
Đối với sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay là vết rách, vết đâm thủng, chúng ta thực hiện như sau:
-
Bước 1: Rửa vết thương dưới dòng nước sạch đồng thời loại bỏ bụi bẩn và mảnh vụn tại vết thương.
-
Bước 2: Cầm máu cho vết thương ở lòng bàn tay bằng cách ấn nhẹ nhàng tại khu vực đó.
-
Bước 3: Bôi kem kháng sinh nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
-
Bước 4: Băng kín vết thương bằng băng gạc vô khuẩn. Chú ý thay băng một lần mỗi ngày.
Lưu ý khi thực hiện sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay:
-
Đối với các vết thương có dị vật đâm sâu, không nên tự ý loại bỏ chúng ra. Điều cần làm là lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế nhanh nhất.
-
Đối với trường hợp bong gân thường xảy ra ở vị trí cổ tay, nhiều khi là tổn thương phối hợp đi kèm với vết thương ở lòng bàn tay, tình trạng này thường không quá nguy hiểm nhưng tốt nhất hãy tới gặp bác sĩ để có thể hồi phục nhanh nhất tránh việc vận động khó khăn trong thời gian dài.
-
Người bệnh không nên sử dụng tay có chấn thương, việc hoạt động sẽ làm cho máu chảy nhiều hơn và vết thương lâu lành hơn.
Sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay đúng cách sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý về sau của các bác sĩ nếu cần
Cách băng bó khi sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay
Dụng cụ cần thiết:
-
Gạc vô khuẩn;
-
Băng cuộn;
-
Băng dính hoặc kim băng.
Hướng dẫn quy trình băng bó vết thương ở lòng bàn tay:
-
Bước 1: Băng 2 vòng cố định qua mu và lòng bàn tay.
-
Bước 2: Đặt gạc tại vết thương. Băng qua mu bàn tay bắt chéo với vòng trước, qua lòng bàn tay về tới chỗ cũ. Chú ý đè băng qua gạc.
-
Bước 3: Băng vòng sau đè lên vòng trước ½ hoặc ⅔, cứ băng như thế đến khi kín cả bàn tay nhưng để hở các ngón.
-
Bước 4: Băng 2 vòng ở cổ tay để cố định (cố định đầu băng bằng băng dính, kim băng hoặc quấn thắt nút).
-
Bước 5: Theo dõi lưu thông máu dưới vị trí băng phải không có tình trạng tím tái, bệnh nhân có thể cử nhận các ngón tay, không thấy tê.
Biến chứng vết thương ở lòng bàn tay
Vết thương ở lòng bàn tay thường phức tạp bởi trong một thể tích hẹp lại có chứa nhiều tổ chức khác nhau vậy nên có thể tổn thương đồng thời nhiều cơ quan như da, gân nông và sâu, xương khớp, mạch máu, thần kinh…
Nếu chỉ thương tổn nhẹ và được sơ cứu đúng cách, kịp thời thì sẽ mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vết thương nặng hoặc không được sơ cứu, điều trị kịp thời dẫn tới nhiều biến chứng phức tạp có ảnh hưởng xấu tới người bệnh. Các biến chứng phổ biến của bệnh nhân có vết thương ở lòng bàn tay là:
-
Nhiễm trùng: Đây là biến chứng phổ biến nhất vì hoàn cảnh bị thương tường là trong lúc đang cầm, nắm, sờ. Vết thương tăng tiết dịch, có mủ đặc màu xanh, vàng hoặc nâu, mùi bốc lên rất hôi và khó chịu.
-
Hoại tử: Khi này, các tế bào và mô tại vết thương dần chết đi gây ra hiện tượng vảy đen quanh khu vực đó. Trong nhiều trường hợp hoại tử, các bác sĩ buộc phải đưa ra chỉ định cắt bỏ để tránh biến chứng lây lan tới các tổ chức xung quanh.
-
Sốc: Đối với những bệnh nhân có thương tổn rộng, dập nát nhiều hoặc do hỏa khí gây chảy máu và đau đớn, kết hợp với yếu tố tâm lý của người bệnh có thể dẫn tới tình trạng sốc.
-
Liền lệch, cứng dính các khớp gây hạn chế vận động.
-
Liệt các dây thần kinh có thể gây mất cảm giác ở tay.
Phòng tránh vết thương ở lòng bàn tay
Vết thương ở lòng bàn tay tạo cảm giác rất khó chịu cho người bệnh bởi nó là bộ phận tham gia rất nhiều vào vận động trong sinh hoạt và công việc. Vì vậy để tránh gặp phải khó khăn, trì hoãn trong đời sống bởi vết thương này, ta cần có những biện pháp phòng ngừa như:
-
Cẩn thận khi cầm, nắm, sờ các vật dụng, đồ đạc có thể gây chấn thương nhưng dao, kéo…
-
Cất đồ đạc, dụng cụ tại gọn gàng. Việc để chúng lộn xộn, không đúng nơi có thể gây nguy hiểm cho bản thân và mọi người.
-
Đeo găng tay bảo hộ khi phải tiếp xúc với các đồ vật có khả năng gây chấn thương.
Hãy giữ an toàn cho bản thân và đồng nghiệp của mình bạn nhé
Qua bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu hi vọng đã gửi tới quý đọc giả những thông tin hữu ích về việc sơ cứu vết thương ở lòng bàn tay và những chú ý quan trọng khác. Hãy tiếp tục theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu để tiếp tục cập nhật nhiều tin tức hữu ích khác bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp