Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sữa ong chúa là gì? Lợi ích cũng như các tác dụng phụ mà nó đem lại

Ngày 24/03/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sữa ong chúa là sản phẩm được tiết ra bởi ong thợ cung cấp dinh dưỡng cho ấu trùng đang phát triển cũng như ong chúa. Đôi khi người ta sử dụng sữa ong chúa như một hình thức trị liệu bằng thuốc hoặc thuốc thay thế sử dụng các sản phẩm từ ong. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu tác dụng của sữa ong chúa nhé.

Nhiều người tin dùng sữa ong chúa cho rằng nó có thể chống lão hóa và tăng cường hệ thống miễn dịch. Một số người cho rằng nó có thể ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường, cholesterol cao và các bệnh khác. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng cho những điều trên.

Sữa ong chúa là gì?

Sữa ong chúa bao gồm chủ yếu nước, đường, axit béo và một số loại protein độc đáo, một trong số đó được gọi là royalactin.

Khi một con ong chúa chết, những con ong thợ sẽ cho một ấu trùng cái được chọn ăn một lượng lớn sữa ong chúa. Điều này làm thay đổi DNA của côn trùng và biến nó thành ong chúa.

Sữa ong chúa không giống như mật ong, nhưng nó có thể ăn được và thường được cho là an toàn khi tiêu thụ ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm cả viên nang và chất lỏng sữa ong chúa.

Sữa ong chúa là gì? Lợi ích cũng như các tác dụng phụ mà nó đem lại 1Sữa ong chúa là sản phẩm được những con ong thợ tạo ra

Lợi ích của sữa ong chúa

Sữa ong chúa chứa các protein có nguồn gốc từ ong cùng với một số chất chống oxy hóa và các hợp chất kháng khuẩn, được cho là mang lại lợi ích sức khỏe cho con người.

Thậm chí sữa ong chúa còn được cho là có thể làm chậm quá trình lão hóa thông qua việc loại bỏ các gốc tự do hoặc chống nhiễm trùng bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch. Nó cũng được sử dụng để tăng sức bền và sức khỏe (không chỉ để điều trị các tình trạng sức khỏe cụ thể).

Tuy kết quả nghiên cứu cho thấy sữa ong chúa có thể mang lại lợi ích sức khỏe trong những trường hợp cụ thể, bạn vẫn nên cảnh giác trước những nhà sản xuất công bố sai về lợi ích sức khỏe của sữa ong chúa.

Hỗ trợ chăm sóc bệnh ung thư

Sữa ong chúa có thể mang lại lợi ích trong việc hỗ trợ chămsóc bệnh ung thư. Nhiều nghiên cứu trên động vật cũng như nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về các loại tế bào ung thư khác nhau ở người, cho thấy tiềm năng của sữa ong chúa trong việc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, lợi ích điều trị vẫn chưa được chứng minh.

Đối với viêm niêm mạc miệng, một tác dụng phụ phổ biến của cả hóa trị và xạ trị, sữa ong chúa là một trong những biện pháp hữu ích được các nhà nghiên cứu xác định để điều trị lở miệng, chảy máu và các triệu chứng khác.

Bệnh thận mãn tính

Một số nghiên cứu cho thấy sữa ong chúa - dùng một mình hoặc kết hợp với các chất bổ sung thảo dược khác có thể cải thiện chức năng và hạn chế tổn thương thêm ở những người mắc bệnh thận mãn tính.

Các nhà nghiên cứu khác đã tìm thấy tác dụng bảo vệ khi sử dụng sữa ong chúa để điều trị cho những người bị ung thư biểu mô tế bào thận (ung thư thận).

Sữa ong chúa là gì? Lợi ích cũng như các tác dụng phụ mà nó đem lại 2Sữa ong chúa có thể hỗ trợ điều trị bệnh thận mãn tính

Bệnh tiểu đường

Sữa ong chúa có thể điều chỉnh lượng đường trong máu, theo một nghiên cứu năm 2016 trên Tạp chí Bệnh tiểu đường Canada. Theo nghiên cứu, 50 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đã được cho dùng giả dược hoặc 1.000 mg sữa ong chúa ba lần mỗi ngày.

Trong cuối cuộc thử nghiệm kéo dài 8 tuần, nhóm được cung cấp sữa ong chúa đã giảm đáng kể lượng đường trong máu, trong khi những người dùng giả dược có sự gia tăng nhẹ.

Tuy nhiên, một đánh giá năm 2019 trên Tạp chí Thế giới về Bệnh tiểu đường chỉ cho thấy lợi ích tối thiểu của việc sử dụng sữa ong chúa. Dựa trên đánh giá của 18 nghiên cứu lâm sàng, các nhà nghiên cứu đã kết luận chất lượng bằng chứng ủng hộ việc sử dụng sữa ong chúa trong bệnh tiểu đường là thấp đến rất thấp.

Cholesterol cao

Tăng cholesterol máu (cholesterol cao) là một rối loạn liên quan đến xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.

Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố trên tạp chí Gynecological Endocrinology, 36 phụ nữ hậu mãn kinh dùng 150 mg sữa ong chúa mỗi ngày đã tăng 7,7% lượng cholesterol HDL cũng như giảm 4,1% lượng cholesterol LDL và giảm 3,1% tổng lượng cholesterol.

Hội chứng tiền kinh nguyệt

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy sữa ong chúa có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Trong một nghiên cứu năm 2014, 110 nữ sinh viên đại học mắc PMS đã được cho uống 1.000 mg sữa ong chúa hoặc giả dược. Điều trị bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và tiếp tục trong hai chu kỳ kinh nguyệt.

Sau hai chu kỳ, phụ nữ trong nhóm sử dụng sữa ong chúa đã giảm hơn 50% điểm hội chứng tiền kinh nguyệt, trong khi phụ nữ trong nhóm dùng giả dược giảm ít hơn 5%.

Cần nghiên cứu thêm để xác nhận kết quả và xác định rõ hơn cơ chế hoạt động chính xác của sữa ong chúa.

Làm lành vết thương

Các nghiên cứu về cách sữa ong chúa có thể thúc đẩy quá trình lành vết thương đã mang lại nhiều kết quả khác nhau. Một số nhà nghiên cứu cho biết bôi sữa ong chúa lên da có thể cải thiện khả năng chữa lành các vết thương như loét chân ở bệnh nhân tiểu đường.

Tuy nhiên, một nghiên cứu của Iran trên 25 người với 60 vết loét khác nhau đã không cho thấy bất kỳ lợi ích thực sự nào đối với những người được điều trị bằng sữa ong chúa bôi ngoài da hơn là giả dược.

Tác dụng phụ có thể xảy ra

Sữa ong chúa là gì? Lợi ích cũng như các tác dụng phụ mà nó đem lại 3Sữa ong chúa vẫn có tác dụng phụ, vì vậy không nên quá lạm dụng

Bạn có thể sử dụng với liều hàng ngày lên tới 1 g trong ba tháng mà không có tác dụng phụ đáng kể.

Tuy nhiên, sữa ong chúa có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số người, từ các triệu chứng nhẹ ở mũi đến sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Điều này có thể là do phản ứng với sữa ong chúa hoặc với các thành phần thường được thêm vào, bao gồm phấn ong và phấn hoa.

Gọi ngay cấp cứu nếu bạn cảm thấy khó thở, thở khò khè, nổi mề đay, nhịp tim nhanh, chóng mặt hoặc sưng mặt, cổ họng hoặc lưỡi sau khi uống sữa ong chúa. Đây là những triệu chứng của sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể dẫn đến ngất xỉu, sốc, hôn mê, suy hô hấp hoặc suy tim và tử vong.

Tương tác thuốc

Quá trình đông máu có thể bị làm chậm bởi sữa ong chúa, đồng thời nó tăng cường tác dụng của chất làm loãng máu, dẫn đến bầm tím dưới da hoặc chảy máu. Nếu bạn có lịch phẫu thuật thì hãy nhớ ngừng sử dụng sữa ong chúa trước hai tuần để tránh chảy máu quá nhiều.

Sữa ong chúa cũng có thể tương tác với thuốc hạ huyết áp được sử dụng để điều trị huyết áp cao, làm giảm huyết áp bất thường (hạ huyết áp).

Nếu bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ sản phụ khoa trước khi bổ sung sữa ong chúa.

Hà My

Nguồn tham khảo: verywellhealth.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm