Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư thận: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị bệnh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư thận là ung thư hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 2% trong các bệnh ung thư. Tuy nhiên, ung thư thận được xem là kẻ giết người thầm lặng vì tỷ lệ tử vong cao. Thông thường những triệu chứng trở nên rõ ràng ở giai đoạn cuối. Vì vậy cần phải để ý những triệu chứng xảy ra để kịp thời điều trị. Vậy nguyên nhân nào gây ra ung thư thận và điều trị như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư thận là gì? 

Thận là hai cơ quan bài tiết trong hệ tiết niệu, có hình hạt đậu kích thước bằng nắm tay nằm trong khoang bụng sau phúc mạc của bạn ở hai bên cột sống. Thận có chức năng lọc chất cặn bã từ máu và tạo ra nước tiểu.

Ung thư thận là tình trạng các tế bào bất thường phát triển và tăng sinh tạo thành một khối u. Ở giai đoạn đầu, khi những khối u chủ mới phát triển, người bệnh hầu như không có triệu chứng gì. Hầu như những khối u chỉ được phát hiện khi người bệnh đi khám tổng quát hoặc khám các bệnh khác. 

Bệnh thường gặp ở nam giới hơn. Những người có nhóm tuổi từ 60 - 70 thì thường bị mắc phải nhất. Ung thư thận hiếm gặp ở những người dưới 50 tuổi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư thận

Ở giai đoạn đầu của ung thư thận thường không có triệu chứng. Các triệu chứng thường xuất hiện khi khối u phát triển lớn hơn. Một số triệu chứng của ung thư thận mà bạn có thể gặp là:

  • Máu lẫn trong nước tiểu;
  • Xuất hiện một khối u ở vùng bụng;
  • Chán ăn;
  • Giảm cân không lý do;
  • Đau vùng thắt lưng;
  • Sốt kéo dài hàng tuần mà không phải do cảm lạnh hoặc nhiễm trùng khác;
  • Mệt mỏi;
  • Thiếu máu;
  • Mắt cá chân hoặc chân bị sưng lên.

Nếu tế bào ung thư đã di căn qua các bộ phận khác, bạn sẽ gặp một vài triệu chứng sau:

  • Hụt hơi;
  • Ho ra máu;
  • Đau xương.

Các giai đoạn của ung thư thận

Ung thư thận có 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: Các tế bào ung thư vẫn chưa xâm lấn ra ngoài. Ở giai đoạn này, người bệnh vẫn chưa nhận thấy triệu chứng điển hình. Người bệnh có thể tiểu ra máu nhưng không thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
  • Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư bắt đầu phát triển nhưng vẫn nằm trong thận. Lúc này, người bệnh bắt đầu có triệu chứng.
  • Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã lây lan ra những vùng lân cận như mô quanh thận, tuyến thượng thận và những tĩnh mạch lớn.
  • Giai đoạn cuối: Tế bào ung thư đã di căn qua những cơ quan khác của cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư thận

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ung thư thận. Có thể có sự đột biến gen di truyền. Một vài yếu tố và điều kiện cũng gây nên ung thư thận là:

  • Hút thuốc lá;
  • Tiếp xúc với những chất độc hại;
  • Bệnh thận giai đoạn cuối phải lọc máu;
  • Sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài như paracetamol hoặc NSAID;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư thận.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư thận?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị ung thư thận. Tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Nam giới;
  • Người từ 50 tuổi trở lên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư thận

Các yếu tố làm tăng nguy ung thư thận: 

  • Người bị nghiện thuốc lá;
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với những chất gây ung thư;
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư thận;
  • Người mắc một số bệnh như: Bệnh thận mạn tính, bị nhiễm viêm gan C lâu dài, bị sỏi thận,...
  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài;
  • Thừa cân, béo phì.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư thận

Nếu bạn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị ung thư thận. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng đang gặp phải, kiểm tra thăm khám lâm sàng. Ngoài ra bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Phân tích nước tiểu: Dùng để kiểm tra xem trong máu của bạn có máu hay không.
  • Xét nghiệm công thức máu: Thận sản sinh ra một loại hormone là erythropoietin để kích thích tạo ra các tế bào hồng cầu. Xét nghiệm máu dùng để kiểm tra xem bất thường của thận dựa vào số lượng hồng cầu.
  • Siêu âm bụng: Siêu âm bụng có thể xác định được kích thước và hình dạng của thận. Nếu có khối u, kích thước và hình dạng của thận sẽ bị thay đổi. Nhưng xét nghiệm này khó chẩn đoán khi các khối u còn nhỏ hoặc bị nhầm lẫn với sỏi thận.
  • Chụp CT, X-quang hoặc MRI: Để có thể phát hiện hình dạng, kích thước cũng như mức độ xâm lấn của khối u. Ngoài ra còn có thể xem các tế bào đã di căn tới những cơ quan khác chưa.
  • Xạ hình xương: Để phát hiện xem tế bào ung thư đã di căn tới xương chưa.
  • Sinh thiết thận: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ hoặc tế bào bất thường để tiến hành xét nghiệm tìm kiếm tế bào ác tính.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị ung thư thận hiệu quả

Khi bạn đã được chẩn đoán và xác định được giai đoạn của ung thư thận. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bạn. Điều trị ung thư thận sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tùy thuộc vào giai đoạn cũng như loại tế bào sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được dùng ở những giai đoạn của ung thư thận. Phẫu thuật được tiến hành để cắt bỏ khối u hoặc một phần thận. Trong trường hợp khối u đã phát triển lớn, bác sĩ cần phải tiến hành cắt bỏ hoàn toàn một bên thận bị bệnh..

Hóa trị

Hóa trị là một biện pháp điều trị ung thư bằng hóa chất, được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kiểm soát sự phát triển của các khối u.

Xạ trị

Xạ trị thường được sử dụng ở những trường hợp tế bào ung thư đã di căn vào cơ quan khác như xương, não,...

Xạ trị là biện pháp sử dụng một chùm năng lượng mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng. Xạ trị thường xảy ra cùng với hóa trị.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị mới hơn cho bệnh ung thư thận. Bằng cách sử dụng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại tế bào ung thư một cách hiệu quả.Các loại liệu pháp miễn dịch sau đây đang được sử dụng hoặc nghiên cứu để điều trị ung thư thận:

  • Nivolumab: Là một kháng thể đơn dòng làm tăng phản ứng miễn dịch của cơ thể với các tế bào ung thư thận.
  • Interferon: Ảnh hưởng tới sự phân chia của tế bào ung thư và làm chậm sự phát triển của khối u.
  • Interleukin-2 (IL-2): Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách tăng cường phát triển các tế bào miễn dịch.

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp nhắm mục tiêu là sử dụng thuốc để xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư mà không gây tổn thương tới những tế bào khác. Ngoài ra, còn ngăn chặn sự hình thành của các mạch máu mới để cung cấp dinh dưỡng cho tế bào ung thư. Một số thuốc được sử dụng trong liệu pháp này là:

  • Axitinib (Inlyta);
  • Lenvatinib (Lenvima);
  • Pazopanib (Votrient);
  • Sorafenib (Nexavar);
  • Sunitinib (Sutent).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư thận

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa ung thư thận hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
  • Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc lá.
  • Duy trì cân nặng vừa phải, giảm cân khi cần thiết.
  • Tránh tiếp xúc với các chất độc hại.
  • Kiểm soát tốt những bệnh lý toàn thân như cao huyết áp, tiểu đường.
  • Điều trị kịp thời những bệnh lý của hệ tiết niệu như sỏi thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, suy thận,...
  • Tầm soát ung thư thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/kidney-cancer#diagnosis
  2. https://www.webmd.com/cancer/understanding-kidney-cancer

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư họng

  2. Ung thư da

  3. U xơ tuyến tiền liệt

  4. U xơ tuyến vú

  5. Ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ

  6. Bệnh Sacôm cơ vân

  7. Ung thư tụy

  8. Sưng hạch bạch huyết

  9. Ung thư xương

  10. Ung thư vòm mũi