Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Sùi mào gà ở nữ là bệnh gì? Triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà

Ngày 04/06/2024
Kích thước chữ

Căn bệnh sùi mào gà ở nữ giới thường khó phát hiện và quá trình điều trị phức tạp hơn so với tình trạng sùi mào gà ở nam giới. Điều này được chuyên gia lý giải là do cấu tạo của cơ quan sinh dục nữ rất phức tạp với nhiều bộ phận khác nhau như âm đạo, âm vật… Sức khoẻ sinh sản của nữ giới mắc bệnh sùi mào gà có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Sùi mào gà là một căn bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở cơ quan sinh dục của cả nam giới và nữ giới. Bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ sinh sản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy sùi mào gà ở nữ là bệnh gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sùi mào gà ở nữ giới như thế nào?

Tìm hiểu về bệnh sùi mào gà ở nữ giới

Bệnh sùi mào gà còn được gọi là mụn cóc sinh dục, là một bệnh lý truyền nhiễm do virus Human Papilloma (HPV) và chủ yếu xảy ra ở bộ phận sinh dục. Bệnh sùi mào gà có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về bệnh sùi mào gà ở nữ giới.

Theo thống kê, nữ giới mắc bệnh sùi mào gà trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có tỷ lệ tương đối cao. Cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm ra hơn 200 loại virus HPV khác nhau gây bệnh sùi mào gà và được chia thành 2 nhóm như sau:

  • Nhóm HPV sinh ung thư: Có từ 15 - 20 loại, trong đó HPV 16HPV 18 gây ra bệnh sùi mào gà ở nữ giới và có thể dẫn đến bệnh ung thư tử cung ở nữ giới.
  • Nhóm HPV không gây ung thư: Phổ biến nhất là HPV 6 và HPV 11 gây ra bệnh sùi mào gà.
Sùi mào gà ở nữ là bệnh gì? Triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà  1
Sùi mào gà ở nữ là một bệnh lý truyền nhiễm do virus HPV gây ra

Ở nữ giới, virus HPV có thể phát triển ở xung quanh khu vực sinh dục như cổ tử cung, âm đạo, hậu môn, vùng háng, đùi trên hoặc phát triển sâu vào bên trong.

Sùi mào gà ở nữ có thể lây nhiễm theo các con đường như sau:

  • Đường tình dục: Virus HPV lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục. Vì thế, bất kỳ đối tượng nào có hoạt động tình dục đều có nguy cơ nhiễm phải virus HPV theo nhiều hình thức quan hệ như sinh dục - sinh dục, miệng - sinh dục và hậu môn - sinh dục.
  • Từ mẹ sang con: Virus HPV có thể lây truyền từ mẹ sang con với tỷ lệ rất thấp. Theo các chuyên gia, khi trẻ sơ sinh bị nhiễm virus HPV từ mẹ thì cơ thể của bé vẫn có khả năng tự đào thải loại virus này. Tuy nhiên, trên thực tế đã ghi nhận được một số trường hợp trẻ sơ sinh bị mụn cóc ở cổ hoặc bị đa bướu gai đường sinh dục sau khi nhiễm phải virus HPV từ mẹ trong quá trình sinh nở.
  • Vết thương hở: Virus HPV có thể lây truyền thông qua đường máu hoặc các vết thương hở. Nghĩa là, người lành bệnh có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với vết thương trên da của người nhiễm bệnh.
  • Sử dụng chung đồ dùng cá nhân: Virus HPV cũng có khả năng lây truyền sang người lành bệnh thông qua việc dùng chung đồ cá nhân như quần áo, bàn chải răng, khăn tắm, dao cạo… với người mắc bệnh.

Bên cạnh bộ phận sinh dục, virus HPV có thể gây bệnh tại các khu vực khác như vùng miệng, cổ họng… qua đường quan hệ tình dục theo hình thức miệng - sinh dục.

Bệnh sùi mào gà nói chung và sùi mào gà ở nữ nói riêng rất khó chữa triệt để và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Vậy triệu chứng của bệnh sùi mào gà ở nữ giới như thế nào?

Sùi mào gà ở nữ là bệnh gì? Triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà  2
Bệnh sùi mào gà lây nhiễm chủ yếu qua đường quan hệ tình dục không lành mạnh

Triệu chứng của bệnh sùi mào gà ở nữ giới là gì?

Thời gian xuất hiện các dấu hiệu cũng như triệu chứng của bệnh sùi mào gà ở nữ giới sẽ tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch của cơ thể và thời gian ủ bệnh. Thông thường, các dấu hiệu sùi mào gà ở nữ xuất hiện sau 3 tháng nhiễm phải virus HPV với một số biểu hiện như sau:

  • Xuất hiện nốt sần hoặc mụn cóc ở vùng bộ phận sinh dục ngoài: Đây là một trong những biểu hiện phổ biến của bệnh sùi mào gà ở nữ. Các nốt mụn thường mọc ở môi lớn, môi bé của âm đạo, hậu môn hoặc vùng bẹn và có màu da hoặc màu hồng, có hình dáng giống mào gà hoặc súp lơ.
  • Khó chịu và ngứa: Người phụ nữ bị sùi mào gà thường cảm thấy khó chịu và ngứa tại bộ phận sinh dục, từ đó gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống cũng như đời sống tình dục.
  • Đau nhức và sưng vùng kín: Bệnh sùi mào gà có thể gây sưng phù và đau nhức vùng kín của nữ giới. Từ đó, gây khó khăn cho quá trình quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu.
  • Xuất huyết: Các nốt sùi mào gà khi bị tổn thương có thể dẫn đến xuất huyết, nhất là khi quan hệ tình dục hoặc vệ sinh vùng kín.
  • Âm đạo tiết ra dịch nhầy: Ở nữ giới bị sùi mào gà thì âm đạo thường tiết ra dịch nhầy có màu sắc, độ đặc và mùi hôi không bình thường.

Bệnh sùi mào gà nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khoẻ toàn thân và sức khoẻ sinh sản của nữ giới. Vậy làm thế nào để phòng ngừa bệnh sùi mào gà?

Sùi mào gà ở nữ là bệnh gì? Triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà 3
Xuất hiện các nốt sần ở bộ phận sinh dục là một dấu hiệu của bệnh sùi mào gà ở nữ

Biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh sùi mào gà ở nữ

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà hiệu quả mà chị em phụ nữ nên biết, cụ thể như sau:

Tiêm vắc xin phòng ngừa virus HPV

Tiêm vắc xin ngừa virus HPV là biện pháp giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh sùi mào gà. Ở Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc xin ngăn ngừa virus HPV, bao gồm:

  • Gardasil 4: Giúp phòng ngừa 4 loại virus HPV là 6, 11, 16 và 18 và được chỉ định cho nữ giới trong nhóm tuổi từ 9 - 26 tuổi.
  • Gardasil 9: Giúp phòng ngừa 9 loại virus HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Loại vắc xin HPV này được chỉ định cho cả nữ giới và nam giới từ độ tuổi 9 - 45 với hiệu quả lên đến 94%.

Lịch tiêm phòng vắc xin Gardasil 4 dành cho nữ giới như sau:

Lịch tiêm thông thường:

  • Mũi 1: Lần đầu tiên.
  • Mũi 2: Sau 2 tháng từ mũi 1.
  • Mũi 3: Sau 4 tháng từ mũi 2.

Lịch tiêm nhanh (dành cho người từ 15 tuổi):

  • Mũi 1: Lần đầu tiên.
  • Mũi 2: Sau 1 tháng từ mũi 1.
  • Mũi 3: Sau 3 tháng từ mũi 2.

Lịch tiêm phòng vắc xin Gardasil 9 như sau:

Lịch tiêm cho đối tượng từ 9 đến dưới 15 tuổi:

  • Mũi 1: Lần đầu tiên.
  • Mũi 2: Sau 6 tháng từ mũi 1.

Lịch tiêm cho đối tượng từ 15 đến 45 tuổi:

  • Mũi 1: Lần đầu tiên.
  • Mũi 2: Sau 2 tháng từ mũi 1.
  • Mũi 3: Sau 4 tháng từ mũi 2.

Lịch tiêm nhanh áp dụng cho người từ 15 tuổi trở lên:

  • Mũi 1: Lần đầu tiên.
  • Mũi 2: Sau 1 tháng từ mũi 1.
  • Mũi 3: Sau 3 tháng từ mũi 2.

Tất cả 3 liều cần phải được tiêm trong vòng 1 năm..

Sùi mào gà ở nữ là bệnh gì? Triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà  4
Tiêm vắc xin Gardasil 9 là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả bệnh sùi mào gà ở nữ giới

Khám sức khoẻ định kỳ

Việc khám sức khoẻ tổng thể định kỳ, đặc biệt là sức khoẻ phụ khoa là điều rất cần thiết đối với các chị em phụ nữ. Điều này giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời bệnh sùi mào gà cũng như các bệnh lý phụ khoa khác nhằm ngăn ngừa biến chứng nặng nề.

Hoạt động tình dục lành mạnh

Thực hiện đời sống tình dục lành mạnh là một biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà hiệu quả bằng cách quan hệ tình dục chung thuỷ 1 vợ - 1 chồng, sử dụng bao cao su để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus HPV, hạn chế quan hệ bằng đường miệng - sinh dục…

Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách

Bộ phận sinh dục ngoài là một khu vực rất dễ bị viêm nhiễm nếu không được vệ sinh đúng cách và sạch sẽ. Vì thế, việc vệ sinh sạch sẽ mỗi hàng ngày và sau khi quan hệ tình dục là điều rất cần thiết để giúp bạn phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa và bệnh sùi mào gà.

Trên đây là những thông tin mới nhất về nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà ở nữ. Sùi mào gà là một bệnh lý truyền nhiễm xảy ra chủ yếu ở bộ phận sinh dục và do virus HPV gây ra. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được trị sớm, chẳng hạn như ung thư cổ tử cung, giảm khả năng thụ thai, ảnh hưởng đến thai kỳ…

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin