Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mụn cóc sinh dục: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn cơm sinh dục là một loại tổn thương trên niêm mạc hoặc da ở bộ phận sinh dục, do một số chủng virus Human papillomavirus (HPV) gây ra, đôi khi có thể dẫn đến ung thư. Chẩn đoán mụn cơm sinh dục dựa trên những biểu hiện lâm sàng. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh nhưng cần phải lặp đi lặp lại trong nhiều tuần đến nhiều tháng mới có hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mụn cơm sinh dục là gì?

Mụn cơm sinh dục là bệnh lây truyền qua đường tình dục khá phổ biến, do Human papilloma virus (HPV) - virus gây u nhú ở người gây ra.

Thời gian ủ bệnh mụn cơm sinh dục khoảng 1 - 8 tháng. Trong thời gian này, người bị nhiễm virus không có biểu hiện bệnh nhưng đã có khả năng lây truyền cho người khác. Đa số bệnh nhân nhiễm HPV sẽ hết trong vòng 1 - 2 năm, một số trường hợp khác lại tồn tại lâu hơn.

Ở những bệnh nhân hệ miễn dịch tốt, mụn cơm sinh dục có thể tự khỏi mà không cần điều trị, tuy nhiên bệnh có thể tồn tại và lây lan rộng ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (như mang thai hoặc nhiễm HIV).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mụn cơm sinh dục

Triệu chứng của bệnh xuất hiện sau thời gian ủ bệnh (khoảng 1 - 6 tháng), bao gồm:

Nữ giới

Ban đầu là những chấm nhỏ li ti, màu đỏ, mềm, đường kính từ 1 - 2 mm, có cuống mọc đơn lẻ tại các mép trong bộ phận sinh dục, môi lớn, môi bé, đôi khi mọc ở miệng. 

Các nốt mụn còn có thể lan xuống hậu môn hay mép bẹn, mông, âm đạo, cổ tử cung gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. 

Nốt mụn tăng sinh nhanh chóng và hợp lại thành các mụn lớn hơn, có nhú gai và bề mặt sần sùi. Các mụn sùi dần dần phát triển thành từng mảng mô lớn, mềm, ẩm ướt.

Bản thân mụn không gây cảm giác ngứa hay đau nhưng có thể tạo thành vết thương khi bị cọ sát và tiết ra dịch gây mùi hôi, cảm giác khó chịu.

Nam giới

Mụn nhỏ li ti màu đỏ, mọc đơn lẻ ở bộ phận sinh dục, tập trung nhiều nhất ở bao quy đầu và dương vật. Bình thường, những mụn này không gây ngứa ngáy hoặc đau đớn, nhưng sẽ làm cho người bệnh thấy vướng víu và khó chịu khi lớn dần.

Qua một thời gian, số lượng và kích thước mụn tăng lên, liên kết lại với nhau tạo thành từng mảng, bề mặt sần sùi và ẩm ướt.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh mụn cóc sinh dục

Mụn cóc sinh dục trên cổ tử cung hoặc bên trong âm đạo có thể gây ra những thay đổi niêm mạc cổ tử cung (chứng loạn sản) và dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Ở phụ nữ có thai bị mắc mụn cơm sinh dục, nồng độ hormone trong máu thay đổi có thể làm tăng số lượng và kích thước mụn cơm dẫn đến tắc đường sinh. Ngoài ra, virus HPV truyền từ mẹ sang con có thể gây mụn cơm phát triển bên trong đường hô hấp của trẻ sơ sinh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mụn cơm sinh dục

Human papillomavirus (HPV) là nguyên nhân gây ra mụn cơm sinh dục, chủ yếu là type 6 và 11. 

Mụn cơm sinh dục lây từ người này sang người khác qua con đường quan hệ tình dục không bảo vệ với nhiều người. Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải mụn cơm sinh dục?

Mọi lứa tuổi đều có thể mắc mụn cóc sinh dục, đặc biệt phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên và thanh niên. Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mụn cơm sinh dục

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc mụn cóc sinh dục, bao gồm:

  • Có nhiều bạn tình;

  • Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục;

  • Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mụn cơm sinh dục

Lâm sàng

Chẩn đoán mụn cơm sinh dục chủ yếu dựa vào các triệu chứng và dấu hiệu trên lâm sàng.

Xét nghiệm 

Chẩn đoán phân biệt với ung thư biểu mô tế bào và sần giai đoạn 2 của bệnh giang mai thứ phát có đầu bằng phẳng (thực hiện xét nghiệm huyết thanh học cho bệnh giang mai - STS vào lúc khởi phát bệnh và sau 3 tháng).

Chỉ định sinh thiết đối với các loại mụn cóc không điển hình, có kèm loét, chảy máu hoặc tồn tại dai dẳng để loại trừ ung thư.

Quan sát cổ tử cung và hậu môn bằng soi đèn hoặc nội soi. Để làm trắng mụn cơm giúp dễ phát hiện các mụn nhỏ, có thể dùng dung dịch acid acetic 3 - 5% trong vài phút trước khi tiến hành soi.

Có thể xác nhận chẩn đoán nhiễm HPV bằng xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT) trong DNA HPV. 

Phương pháp điều trị mụn cơm sinh dục hiệu quả

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mụn cơm sinh dục vì HPV là loại virus tồn tại dai dẳng trong cơ thể. Sau khi điều trị khỏi, bệnh vẫn có thể tái phát nếu không có biện pháp phòng tránh.

Những bệnh nhân có hệ miễn dịch bình thường mụn cóc sinh dục có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Ngược lại, bệnh nhân suy giảm miễn dịch không thể tự khỏi và thường kém đáp ứng với các phương pháp điều trị mụn cơm.

Lựa chọn phương pháp điều trị mụn cơm sinh dục cần dựa vào các yếu tố: Kích thước mụn, số lượng và vị trí mọc; mức độ hợp tác của bệnh nhân; chi phí điều trị; tác dụng phụ và kinh nghiệm của bác sĩ.

Tiểu phẫu ngoại khoa

Gồm các phương pháp: Áp lạnh bằng nitơ lỏng (Cryotherapy), đốt điện, bắn laser hoặc phẫu thuật loại bỏ. Tùy vào kích cỡ và số lượng mụn, bệnh nhân có thể được gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân. Phẫu tích bằng điện là phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay (bệnh nhân được gây mê toàn thân).

Thuốc điều trị tại chỗ

Bao gồm thuốc chống phân bào (podophyllotoxine, podophyllin, 5-fluorouracil), chất ăn mòn (acid trichloroacetic), thuốc cảm ứng interferon (imiquimod) và sinecatechins.

Các thuốc này thường được chỉ định những bệnh nhân cần dùng trong thời gian dài, vài tuần đến vài tháng, có thể không hiệu quả và làm vùng da bệnh đau rát. Trước khi dùng thuốc, cần bôi sáp dầu khoáng (petroleum jelly) lên phần da lành xung quanh để tránh tiếp xúc với thuốc.

Interferon alfa (interferon alfa-2b, interferon alfa-n3)

Tiêm vào vị trí tổn thương hoặc tiêm bắp nhưng hiệu quả tối ưu và các tác động lâu dài không rõ ràng. 

Nếu bệnh nhân bị tổn thương trong niệu đạo, chỉ định thuốc thiotepa (thuốc alkylating) bơm trong niệu đạo. Ở nam giới, bôi 5-fluorouracil 2 - 3 lần/ngày có hiệu quả cao trong điều trị tổn thương niệu đạo, tuy nhiên thuốc có thể gây sưng tấy, dẫn đến tắc nghẽn niệu đạo (hiếm gặp).

Nếu bệnh nhân bị tổn thương cổ tử cung do mụn cơm, cần tiến hành xét nghiệm Papanicolaou (Pap) để loại trừ các bất thường khác ở cổ tử cung (như chứng loạn sản, ung thư) trước khi điều trị.

Cân nhắc cắt bao quy đầu ở nam giới để giảm bớt tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện cho mụn cơm phát triển.

Vợ chồng hoặc đối tượng quan hệ tình dục với bệnh nhân bị mụn cơm sinh dục cũng cần được tư vấn, thăm khám để kịp thời phát hiện và điều trị nếu cũng bị nhiễm HPV.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mụn cơm sinh dục

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm;

  • Hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Thường xuyên ăn nhiều các loại rau có chứa nhiều indole-3-carbinol (I3C) có thể giúp loại bỏ mụn cơm như: Bắp cải, bông cải xanh, bắp cải Brussels, súp lơ trắng, cải xoăn...

  • Tăng cường ăn các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và giảm khả năng tái phát HPV bao gồm: Rau quả giàu chất chống oxy hoá (việt quất, cherry, cà chua, ớt chuông, bí đỏ...), rau có màu xanh đậm (cải xoăn, rau bina...), các loại ngũ cốc, đậu, thịt nạc...

  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm có thể gây dị ứng, thực phẩm tinh chế, thịt đỏ, caffeine và các chất kích thích, chất béo chuyển hóa...

Phương pháp phòng ngừa mụn cơm sinh dục hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Không quan hệ tình dục bừa bãi;

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ nhiễm HPV vì bao cao su không thể che hết vùng da vùng sinh dục;

  • Tiêm vaccine phòng ngừa nhiễm HPV, nhất là 2 type 6 và 11 gây ra > 90% các trường hợp mụn cơm sinh dục;

  • Thăm khám với bác sĩ khi vợ chồng hoặc đối tượng quan hệ tình dục mắc mụn cơm sinh dục để được điều trị kịp thời nếu bị nhiễm.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/

2. https://suckhoedoisong.vn/mun-coc-sinh-duc-de-lay-kho-chua-169137605.htm

3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4209-genital-warts

4. https://www.healthline.com/health/std/genital-warts-home-remedies

Các bệnh liên quan

  1. Herpes sinh dục

  2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

  3. Nấm âm đạo

  4. Ung thư cổ tử cung

  5. Sa tử cung

  6. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  7. Đau tinh hoàn

  8. Nang âm hộ

  9. Tinh hoàn lạc chỗ

  10. Ung thư tinh hoàn