Tác hại của phun môi, xăm môi mà bạn không nên chủ quan
Ngày 21/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Phun môi, xăm môi là biện pháp can thiệp thẩm mỹ được nhiều chị em yêu thích. Ngoài những ưu điểm của phương pháp này, tác hại của phun môi và xăm môi cũng gây tranh cãi không ít. Vậy chúng thực sự ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ? Bài viết sẽ bật mí đến bạn.
Phun môi hay xăm môi là phương pháp thẩm mỹ giúp định hình đôi môi thêm hoàn thiện, cải thiện sắc tố môi cũng như giúp khắc phục khuyết điểm của môi. Hiện nay với công nghệ làm đẹp tân tiến, giải pháp phun hay xăm môi được đánh giá là lành tính và nhanh hồi phục. Tuy nhiên liệu có tồn tại tác hại của phun môi hoặc xăm môi hay không là vấn đề được đặt ra.
Phun môi, xăm môi là gì?
Xăm môi là phương pháp dùng kim đâm xuyên qua lớp biểu bì, sau đó kỹ thuật viên sẽ thoa đều mực xăm lên hoặc lấy mũi kim nhúng vào mực trước khi đâm lên da. Bản chất của xăm môi là đưa màu mực xuống dưới lớp biểu bì môi. Có thể nói xăm môi chính là phương pháp làm đẹp “đời đầu”, giúp màu môi đậm hơn, giữ được màu bền hơn.
Tác hại của phun môi là gì hay xăm môi có hại không luôn là vấn đề gây tranh luận nhưng hiện nay đa phần người thực hiện đã yên tâm hơn để thực hiện, đặc biệt phun môi được cho là giải pháp “tân tiến” hơn so với xăm môi. Bản chất của phun môi là tác động nông tới phần da môi bằng kim siêu nhỏ, từ đó giúp sắc màu môi được in đậm.
Vậy điểm khác biệt của phun môi so với xăm môi là gì? Mức độ tác động lên biểu bì môi để thay đổi sắc tố môi ở phun môi sẽ không sâu bằng xăm môi. Vậy nên màu môi khi phun sẽ bay nhanh hơn khi xăm nhưng cũng ít gây tổn thương hơn.
Tác hại của phun môi, xăm môi?
Trước khi đề cập đến tác hại của xăm hay phun môi thì ta không thể phủ định ưu điểm của các giải pháp này. Với sự ra đời của phun môi còn giúp khắc phục được hạn chế của xăm môi như tác động nhẹ nhàng lên môi, cho màu môi lên tự nhiên, mịn màng, hỗ trợ giảm tình trạng môi thâm hay màu môi không đồng đều. Những ai có đôi môi nhợt nhạt sẽ thích hợp với phương pháp này. Đặc biệt với nữ giới luôn muốn bản thân xinh đẹp với mặt mộc thì phun môi là cách làm đẹp hữu ích.
Vậy tác hại của phun môi là gì? Dù thực hiện bởi dụng cụ tân tiến, ít gây tổn thương cho môi hơn nhưng vẫn không tránh khỏi tác dụng phụ. Bởi đặc tính cần sử dụng các mũi kim nhỏ đâm xuyên qua da nên nếu chọn sai cơ sở phun môi cũng như kỹ thuật viên có tay nghề kém thì dễ gây mất thẩm mỹ. Một số nguy cơ có thể gặp khi phun môi không an toàn như:
Nhiễm trùng
Sử dụng dụng cụ phun môi không được khử trùng sạch sẽ thì bạn rất dễ bị nhiễm trùng. Nếu chẳng may kỹ thuật viên không tuân thủ quy tắc an toàn nghề nghiệp, khả năng lây bệnh truyền nhiễm như viêm gan virus, HIV, Herpes có thể xảy ra.
Màu mực không đều
Hiện nay rất nhiều cơ sở thẩm mỹ phun môi được lập nên và tình trạng kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản rất phổ biến. Với thao tác phun mực không đều sẽ khiến viền môi không sắc nét, màu môi lên không đúng như màu sắc ban đầu, từ đó gây mất thẩm mỹ.
Môi khô, bong tróc, nứt nẻ
Tác hại của phun môi ở mức độ nhẹ mà bạn có thể gặp phải là gây khô nứt môi. Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời thì môi có thể chảy máu và làm sắc mực bị loang lỗ. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do mực xăm không đảm bảo chất lượng hoặc quá trình phun môi bất cẩn làm kim đâm sâu hơn so với tiêu chuẩn, từ đó ảnh hưởng đến mạch máu dưới da.
Tróc da, lồi sẹo
Phun môi kém chất lượng không chỉ gây mất thẩm mỹ về sắc tố và tính định hình mà còn có nguy cơ làm lồi sẹo, gây mủ, ngứa ngáy. Bởi kỹ thuật và màu mực không đảm bảo nên tình trạng tróc da môi sẽ xảy ra, vết thương không nhanh lành và kéo dài gây ra sẹo lồi trên khuôn môi. Một khi đã hình thành sẹo thì bạn phải mất rất nhiều chi phí để điều trị.
Dị ứng với mực phun
Đây là một trong những tác hại của phun môi ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ mà chị em nên lưu tâm. Mực kém chất lượng dễ gây dị ứng và thấm sâu vào tế bào môi gây tình trạng nhiễm trùng, thâm sạm thêm nặng. Ngoài ra nếu bạn là người có cơ địa dị ứng thì hãy cân nhắc kỹ trước khi thực hiện phun môi.
Không thể xoá màu phun môi
Thực tế sau khi phun môi một thời gian, màu môi sẽ nhạt dần và cần thực hiện lại. Nhưng nếu chẳng may cơ sở phun xăm dùng mực không chất lượng sẽ khiến môi ngả màu thâm đen và rất khó phai. Nặng nề hơn, việc hồi phục màu môi về sau có thể không thành công và mất nhiều chi phí.
Vậy làm sao để phun môi hay xăm môi đẹp, an toàn? Bạn cần dành thời gian để chọn địa chỉ thực hiện uy tín. Nên hỏi thăm ý kiến của người thân, khách hàng cũ hoặc tham vấn trên các cộng đồng làm đẹp để có cho bản thân lựa chọn phù hợp nhất. Ngoài ra nên tuân thủ các quy tắc vệ sinh và giữ gìn môi sau phun theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ tư vấn.
Làm gì để môi không xỉn màu?
Sau khi giải đáp được những tác hại của phun môi, ta cùng tìm hiểu về cách hạn chế đôi môi bị xỉn màu để có thể duy trì được sắc tố môi hồng tự nhiên mà không cần phải can thiệp thẩm mỹ:
Tẩy tế bào chết cho môi
Việc tẩy tế bào chết cho đôi môi rất cần thiết bởi cách làm này giúp môi hồng hào hơn. Hỗn hợp từ mật ong kết hợp với đường nâu tẩy da chết môi lành tính và bạn có thể sử dụng thường xuyên tại nhà. Chưa kể mật ong cấp ẩm tốt sẽ giúp bảo vệ đôi môi của bạn. Sau khi massage nhẹ nhàng cho môi với hỗn hợp, bạn cần rửa lại bằng nước ấm và lau khô.
Thoa dầu dừa cho môi
Môi thâm có thể do bạn đã để bộ phận này bị khô tróc lâu ngày. Với hàm lượng vitamin dồi dào trong dầu dừa, khi thoa lên môi giúp dưỡng ẩm và làm sáng môi. Một khi cảm nhận môi có dấu hiệu nứt nẻ, cần bôi dầu dừa một lớp mỏng để trị thâm môi.
Bổ sung củ dền, chanh vào chế độ ăn
Ăn uống cũng là cách giúp cải thiện sắc tố môi từ bên trong một cách lành mạnh. Trong củ dền giàu enzyme có khả năng loại bỏ sắc tố làm sạm môi. Bạn có thể dùng nước ép củ dền để thoa lên môi trước khi đi ngủ và rửa sạch với nước vào sáng hôm sau. Hoặc thường xuyên ăn canh củ dền để nhanh chóng giúp bờ môi hồng hào. Với chanh thì sao? Thực phẩm này giàu acid citric có khả năng làm trắng, tẩy tế bào chết tốt. Uống nước chanh hay tẩy da chết trực tiếp bằng chanh lên môi sẽ là cách khắc phục môi xỉn màu hiệu quả.
Trên đây là những chia sẻ về tác hại của phun môi. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, bạn hiểu hơn về phương pháp thẩm mỹ này và có cho bản thân những chuẩn bị tốt trước khi can thiệp.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.