Tắc ruột non: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ngày 27/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tắc ruột non là một trong những bệnh lý tắc ruột nguy hiểm và dễ dẫn đến biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Khi bị tắc ruột non người bệnh thường cảm thấy đau bụng, tức bụng, buồn nôn, nôn ói, táo bón,... Bài viết dưới đây chia sẻ đến bạn đọc một số thông tin về bệnh lý tắc ruột non.
Tình trạng tắc ruột non có thể gây nên nhiều biến chứng hết sức nguy hiểm như thủng ruột, rò rỉ các chất có trong đường tiêu hóa vào những cơ quan khác,... Vậy nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng tắc ruột non là gì?
Nguyên nhân gây bệnh tắc ruột non
Theo các chuyên gia, hiện tượng tắc nghẽn ruột non có nguyên nhân chính là do việc liệt ruột vô động lực. Mặc dù bệnh lý tắc ruột non thường có thể tự giới hạn và không cần phải can thiệp phẫu thuật để chữa trị. Ngoài liệt ruột vô động lực, tắc ruột non còn có nguyên nhân cơ học gồm những tác nhân từ bên ngoài gây ảnh hưởng đến hệ thống ruột và tiêu hóa.
Những tác nhân gây bệnh tắc ruột có thể kể đến như:
Tác nhân bên ngoài thành ruột non: Tác nhân gây bệnh từ thành ngoài của ruột non chủ yếu là do tình trạng hình thành các ổ áp xe ở bụng, áp xe khoang bụng hoặc xoắn ruột, khối máu tụ trong khoang bụng với kích thước lớn, không tự tan được,...
Tác nhân ở thành ruột non: Theo một vài nghiên cứu về bệnh lý tắc ruột non, các yếu tố bệnh lý ảnh hưởng đến thành ruột non như u bướu, tụ máu, hẹp thành ruột non, dính ruột, lồng ruột hoặc viêm ruột,...
Tác nhân ảnh hưởng từ bên trong gây tắc ruột non: Có thể kể đến một số bệnh lý như sỏi thận, sỏi mật, sỏi phân, viêm túi thừa, u bướu, dị vật tồn tại bên trong lòng ruột như bã thức ăn, giun sán,...
Nhìn chung, tắc ruột non có thể được gây ra từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó rất nhiều bệnh lý tác động đến nguy cơ bị tắc ruột non. Vì vậy, khi mắc bệnh về tiêu hóa hoặc các chứng viêm nhiễm tiêu hóa, bệnh nhân cần thực hiện điều trị kịp thời, dứt điểm, đúng cách nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng thành bệnh tắc ruột non rất nguy hiểm.
Dấu hiệu nhận biết khi tắc ruột non
Nhận biết bệnh tắc ruột non theo các bác sĩ là khá khó bởi dấu hiệu của bệnh có sự tương đồng khá lớn với những vấn đề tiêu hóa thông thường như đầy bụng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng,... nên để phát hiện bệnh từ sớm, người bệnh nên thường xuyên theo dõi sức khỏe, nhận biết tần suất có triệu chứng bất thường ở hệ tiêu hóa.
Ruột non khi bị bít tắc do bệnh lý hoặc có dị vật tồn tại thường có dấu hiệu điển hình, phổ biến nhất là các cơn đau quặn ở bụng, cảm giác bụng bị chướng rất khó chịu, vùng bụng có thể sưng to hơn thông thường và cảm thấy tức bụng liên tục.
Những cơn đau do tắc ruột non này thường xuất hiện ở vị trí như thượng vị, quanh rốn. Tần suất đau tăng dần và cảm giác đau quặn thắt. Nhiều trường hợp bệnh nhân không chịu được cơn đau khi bị tắc ruột non đã ngất xỉu.
Bên cạnh đó, khi bệnh xuất hiện và ở giai đoạn đầu, triệu chứng phổ biến thường thấy ngoài cơn đau bụng thì người bệnh còn có thể cảm thấy buồn nôn, nôn liên tục, không đi đại tiện được. Trong số đó, buồn nôn và nôn ói là 2 biểu hiện dễ bắt gặp nhất. Nếu tình trạng tắc ruột non còn tiếp tục và không có chuyển biến, bệnh nhân thậm chí có thể nôn ra chất phân.
Một số bác sĩ cũng cho biết tình trạng tắc ruột non ở giai đoạn đầu khá khó để nhận biết thông qua những dấu hiệu. Người bị tắc ruột bán phần thường có biểu hiện tiểu ít hoặc đi ngoài rất ít phân, những triệu chứng còn lại khá tương đồng với tắc ruột non toàn phần nên cần thật cẩn thận để nhận biết và phân biệt 2 tình trạng trên.
Tắc ruột non có nguy hiểm không?
Khi đề cập đến vấn đề bệnh tắc ruột non, nhiều người không khỏi thắc mắc tắc ruột non có nguy hiểm không. Thực tế mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh tắc ruột non khá nghiêm trọng. Theo xếp loại từ các chuyên gia, chứng tắc ruột non chỉ đứng sau viêm ruột thừa cấp về mức độ nguy hiểm và nguy cơ biến chứng đối với sức khỏe về lâu dài.
Ruột non khi bị tắc nghẽn quá lâu có thể làm cho thành ruột non bị kéo dãn ra và thành mạch, mạch máu ở thành ruột bị tổn thương nghiêm trọng, rất khó để phục hồi sau đó. Biến chứng khi bị tắc ruột non có thể gây hoại tử đường ruột và thủng ruột nếu không chữa trị và xử lý đúng lúc, đúng cách.
Bên cạnh đó, khi tắc ruột non, các loại vi khuẩn gây hại từ ruột có nguy cơ cao xâm nhập tế bào, xâm nhập vào thành ruột và gây tình trạng viêm nhiễm, viêm phúc mạc, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm độc làm cơ thể bị sốc nặng. Nhìn chung, biến chứng của bệnh tắc ruột non có nguy cơ cao ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong.
Chẩn đoán bệnh tắc ruột non
Quy trình chẩn đoán chứng tắc ruột non được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa với những xét nghiệm, chẩn đoán, kiểm tra dưới đây:
Chẩn đoán bệnh tắc ruột non lâm sàng với bác sĩ thông qua các biểu hiện bên ngoài của bệnh.
Chụp X-quang nhằm thu thập hình ảnh vật chất, dị vật bị ứ đọng làm tắc ruột non.
Chụp cắt lớp CT để chẩn đoán bệnh chính xác hơn thông qua hình ảnh của ruột non ở nhiều góc độ.
Siêu âm ổ bụng với mục đích là phương pháp chẩn đoán tắc ruột non thường gặp, gần như tất cả các ca bị tắc ruột non đều thực hiện bước xét nghiệm này.
Phương án điều trị tắc ruột non
Điều trị bệnh tắc ruột non hiện nay không còn quá khó khăn. Tuy nhiên khả năng thành công, tốc độ hồi phục nhanh hay chậm và nguy cơ di chứng để lại phụ thuộc nhiều vào thời gian phát hiện bệnh, nguyên nhân gây tắc ruột non và quy trình, phương pháp chữa trị của bác sĩ. Hiện nay có 2 phương án chữa tắc ruột non chính là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa: Thường áp dụng cho trường hợp bị tắc ruột non dính hoặc ruột bị viêm nhiễm. Bác sĩ thường sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch,...
Điều trị ngoại khoa: Áp dụng với trường hợp bệnh nhân tắc ruột non bị tắc hoàn toàn ruột hoặc khi điều trị nội khoa không đạt được hiệu quả như mong muốn. Phương pháp này bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để xử lý chỗ bị tắc trong ruột non.
Như vậy Nhà thuốc Long Châu vừa giải đáp một số câu hỏi liên quan đến bệnh lý tắc ruột non, hy vọng đã giúp ích cho bạn đọc. Bệnh nhân ngay khi nhận thấy dấu hiệu đau bụng bất thường và cơn đau tăng dần theo thời gian, có đi kèm biểu hiện chướng tức bụng, khó tiêu, nôn ói,... hãy đi khám sớm nhất có thể để tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe chung.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.