Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng? Nên ngừa thai bằng phương pháp nào?

Ngày 09/02/2023
Kích thước chữ

Theo nhiều thông tin cho rằng, phụ nữ sinh mổ không nên đặt vòng tránh thai. Vậy nguyên nhân tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng? Bạn nên dùng phương pháp nào thay thế để phòng tránh thai? Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thực hư vấn đề qua bài viết này nhé!

Sau khi sinh em bé, nhiều bà mẹ quan tâm đến vấn đề đặt vòng để có kế hoạch sinh con khoa học hơn. Đặt vòng tránh thai là một phương pháp ngừa thai hiệu quả được các chuyên gia sản phụ khoa đánh giá cao. Tuy nhiên, sản phụ đẻ mổ được khuyên là không nên dùng phương pháp này. Nguyên nhân tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng sẽ được giải đáp chi tiết cho mẹ thông qua những thông tin dưới đây.

Vòng tránh thai và cơ chế hoạt động

Vòng tránh thai là dụng cụ nhỏ có hình dạng chữ T, làm bằng nhựa, phía cuối dụng cụ có cuộn dây đồng nhỏ. Khi đặt vòng tránh thai, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê, sau đó đưa vòng vào sâu trong lòng tử cung. Dụng cụ này sẽ khiến niêm mạc tử cung phù nề, sinh hóa nội mạc tế bào thay đổi, ngăn cản quá trình tinh trùng gặp trứng, không cho trứng làm tổ trong tử cung.

Phương pháp sử dụng vòng tránh thai có độ an toàn cao, tiện lợi, dễ sử dụng, không gây tác dụng phụ lại còn tiết kiệm chi phí.

Tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng tránh thai? Nên ngừa thai bằng phương pháp nào? 1 Vòng tránh thai là biện pháp ngừa thai tiện lợi và an toàn

Khả năng ngừa thai của phương pháp này là từ 3, 5 năm, thậm chí là 10 năm tùy thuộc từng loại:

  • Vòng tránh thai có đồng: Đồng liên tục tác động vào tử cung gây tăng phản ứng viêm, trứng sẽ khó làm tổ trong tử cung dẫn đến quá trình thụ thai bị ngăn chặn. Đồng thời, ion đồng cũng làm thay đổi tính chất dịch nhầy cổ tử cung, ảnh hưởng đến quá trình di chuyển và chất lượng tinh trùng.
  • Vòng tránh thai chứa progesterone: Nồng độ progesterone cao sẽ ức chế quá trình rụng trứng, ngăn cản trứng đã thụ tinh làm tổ trong niêm mạc tử cung hiệu quả.

Giải đáp: Tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng tránh thai?

Các chị em sau khi sinh con khá ưa chuộng biện pháp đặt vòng tránh thai bởi nó mang đến hiệu quả ngừa thai cao, không có tác dụng phụ. Mặc dù vậy, các bác sĩ sản khoa không khuyến khích sản phụ đẻ mổ đặt vòng tránh thai. Nguyên nhân của vấn đề này là do đâu?

Cơ thể sản phụ sau khi đẻ mổ còn rất yếu, tử cung chưa phục hồi và ổn định như trước. Vì thế, mẹ chưa nên đặt vòng tránh thai tại tử cung vào lúc này. Chưa kể sau khi đẻ mổ, tư thế của tử cung sẽ bất thường gây cản trở cho việc đặt vòng. Nếu muốn thực hiện, bạn hãy chờ cho cơ thể có đủ thời gian bình phục, tử cung hồi phục lại hoạt động bình thường thì mới có thể đặt vòng.

Các mẹ sau sinh đã có kinh nguyệt trở lại sau khi sinh thì cần đợi sạch kinh rồi mới tiến hành đặt vòng tránh thai. Trong trường hợp chưa có kinh trở lại sau sinh, mẹ cần kiểm tra lại chắc chắn xem mình có đang mang thai hay không. Nếu không mang thai thì bạn mới có thể đặt vòng tránh thai.

Để thực hiện biện pháp tránh thai này, bạn hãy đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám và nhận định tình hình cụ thể. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn loại vòng phù hợp với tình trạng tử cung hoặc cho bạn thời gian chính xác mà cơ thể có thể đáp ứng được phương pháp đặt vòng.

Tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng tránh thai? Nên ngừa thai bằng phương pháp nào? 2 Tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng tránh thai là thắc mắc của nhiều cặp vợ chồng

Sau sinh mổ bao lâu được đặt vòng tránh thai?

Sau khi biết được nguyên nhân tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng, chị em cần biết thời gian thích hợp áp dụng phương pháp này sau khi sinh em bé. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, thời gian đặt vòng tránh thai thích hợp đối với phụ nữ sau khi sinh mổ là từ 6 tháng trở lên. Tử cung lúc này sẽ dần hồi phục, không còn chảy quá nhiều máu. Việc đặt vòng sẽ an toàn và hiệu quả hơn.

Nếu đặt vòng tránh thai quá sớm, khi cơ thể và tử cung chưa sẵn sàng thì bạn sẽ phải đối mặt với những nguy cơ như viêm vùng chậu, thai ngoài tử cung, đau bụng nhiều, tiểu nhiều, tiểu buốt, đau khi quan hệ tình dục… Chính vì thế, chị em hãy chú ý những vấn đề sau nếu muốn đặt vòng tránh thai sau khi sinh mổ:

  • Chọn cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao.
  • Chỉ đặt vòng khi kinh nguyệt đã sạch.
  • Không đặt vòng khi đang mắc bệnh u xơ tử cung, dị tật tử cung, bệnh lây qua đường tình dục.
Tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng tránh thai? Nên ngừa thai bằng phương pháp nào? 3 Sau khi sinh mổ 6 tháng mới được đặt vòng tránh thai

Bên cạnh đó, sau khi đặt vòng, chị em hãy lưu ý:

  • Hạn chế vận động mạnh.
  • Không thụt rửa âm đạo quá sâu để tránh bị viêm nhiễm phụ khoa.
  • Không quan hệ tình dục từ 7 đến 10 ngày để không làm vòng bị lệch, tụt gây ảnh hưởng đến hiệu quả tránh thai.
  • Theo dõi kỹ các biểu hiện để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường như dịch âm đạo có mùi hôi, màu lạ, viêm ngứa âm đạo, xuất huyết không đúng chu kỳ kinh… Khi đó, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, thăm khám và có biện pháp xử lý phù hợp.

Các phương pháp ngừa thai sau sinh

Ngoài phương pháp đặt vòng tránh thai, bạn có thể áp dụng những biện pháp ngừa thai hiệu quả cao như:

  • Dùng bao cao su: Đây là phương pháp tiện lợi, đơn giản nhưng vẫn cho hiệu quả tránh thai cao, phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Dùng thuốc tránh thai chứa progestin: Bạn cần uống thuốc hàng ngày vào một giờ nhất định để thuốc phát huy tác dụng tốt. Xác suất mang thai của phương pháp này rơi vào khoảng 8%.
  • Tiêm thuốc ngừa thai: Biện pháp này hiệu quả hơn so với dạng viên uống và có tác dụng trong nhiều tuần. Thành phần của thuốc tránh thai dạng tiêm là một loại hormone tương tự như progesterone.
  • Dùng màng chắn âm đạo và mũ chụp tử cung: Các công cụ này giúp ngăn chặn quá trình trứng và tinh trùng gặp nhau. Hiệu quả của phương pháp lên đến 48 tiếng. Tuy nhiên, cách này khá bất tiện vì bạn phải lấy ra đặt vào các công cụ sau mỗi lần quan hệ dẫn đến không thể ngăn ngừa được bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Miếng dán tránh thai sau sinh: Biện pháp tránh thai này khá đơn giản và tiện lợi. Chỉ cần dán miếng dán tránh thai ở lưng, bụng, bắp tay… thì nó sẽ phân phối progestin và estrogen vào cơ thể, ngăn cản sự rụng trứng. Mặc dù vậy, đây là phương pháp tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chị em hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng tránh thai? Nên ngừa thai bằng phương pháp nào? 4 Dùng miếng dán tránh thai khá tiện lợi và đơn giản

Mong rằng những thông tin trên từ nhà thuốc Long Châu đã giúp mẹ có được lời giải đáp chi tiết cho thắc mắc tại sao đẻ mổ không nên đặt vòng. Bên cạnh việc đặt vòng tránh thai, mẹ hãy cân nhắc, tìm hiểu rõ hơn về các biện pháp khác để có kế hoạch sinh sản hợp lý. Chị em hãy biết cách bảo vệ sức khỏe và cơ thể bản thân sau khi sinh con để sức khỏe sinh sản luôn được ổn định nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Thu Cúc

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin