Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sinh mổ là gì? Những điều cần biết về quá trình mổ lấy thai

Ngày 30/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Với những trường hợp tiên đoán gặp khó khăn nếu sinh thường, bác sĩ sẽ trao đổi với thai phụ để quyết định lựa chọn phương pháp sinh mổ. Vậy sinh mổ là gì, sinh mổ có gặp nguy hiểm hay biến chứng gì không? Mời bạn cùng theo dõi bài viết sau đây để có câu trả lời.

Mang thai và sinh con là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ, là chuyến “vượt cạn” có thể thuận lợi nhưng cũng có thể gặp phải những nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa tính mạng cả thai phụ lẫn thai nhi. Trong nhiều trường hợp, sinh mổ là giải pháp giúp thai nhi chào đời được thuận lợi hơn, mẹ bầu cũng không phải chịu nhiều đau đớn như khi sinh thường.

Sinh mổ là gì?

Sinh mổ là phương pháp phẫu thuật mổ lấy thai, thông qua một vết mổ ở thành tử cung để đưa thai nhi, nhau và màng ối ra ngoài (không bao gồm việc mổ lấy thai trong trường hợp vỡ tử cung).

Sinh mổ là gì? Những điều cần biết về quá trình mổ lấy thai 1
Thai nhi sinh mổ thường có sức khỏe yếu hơn trẻ sinh thường

Trước đây, biện pháp sinh mổ không phổ biến, bác sĩ hạn chế chỉ định do vấn đề nhiễm trùng lẫn gây mê hồi sức. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của phẫu thuật, điều kiện vô khuẩn, kháng sinh, truyền máu lẫn gây mê hồi sức đã giúp hạn chế được các tai biến của phương pháp này. Nói như thế không có nghĩa là quyết định mổ lấy thai có thể tùy tiện đưa ra mà phải được chỉ định vì lý do y khoa. Thông thường, với những trường hợp bác sĩ tiên lượng thai phụ không thể sinh thường qua ngã âm đạo một cách an toàn thì mới chỉ định tiến hành sinh mổ.

Tùy theo từng điều kiện thực tế mà bác sĩ sẽ tiến hành rạch vết rạch dọc hoặc là vết rạch ngang để mổ lấy thai. Thường vết rạch ngang là phổ biến do nó mau lành và ít chảy máu hơn.

Vì sao cần sinh mổ?

Quá trình sinh con, dù là sinh thường hay sinh mổ cũng đều tiềm ẩn những nguy cơ đối với sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên, như đã nói bên trên, khi tiên lượng thai phụ khó sinh thường qua ngả âm đạo, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định sinh mổ. Việc chỉ định mổ lấy thai có thể được đưa ra một cách chủ động, hay trong những trường hợp bán cấp cứu, cấp cứu, tối cấp.

Dưới đây là những trường hợp cụ thể mà bác sĩ cân nhắc để đưa ra chỉ định phù hợp:

Sinh mổ là gì? Những điều cần biết về quá trình mổ lấy thai 2
Sinh mổ được chỉ định trong các trường hợp sinh khó do mẹ

Về thai phụ

  • Mẹ bầu có khung chậu hẹp, lệch.
  • Mẹ bầu bị tình trạng dị dạng đường sinh dục.
  • Mẹ bầu có những cơn co tử cung bất thường, cổ tử cung có vết mổ cũ gây khó sinh, thời gian chuyển dạ kéo dài, dọa vỡ tử cung,...
  • Mẹ bầu lớn tuổi mang thai.

Về thai nhi

  • Thông qua máy theo dõi tim thai, bác sĩ phát hiện sớm thai nhi có khả năng suy thai, buộc phải tiến hành mổ lấy thai để cứu thai nhi.
  • Ngôi thai bất thường, nhất là thai nhi ngôi mông.
  • Thai to, thai suy, tính mạng thai nhi trong tử cung bị đe dọa bởi một số tình trạng như vô ối, thai chậm tăng trưởng, thai quá ngày,...).

Về phần phụ của thai

  • Có hiện tượng sa dây rốn, nhau tiền đạo, nhau bong non,...

Những lợi ích của phương pháp sinh mổ

Trong trường hợp mẹ bầu không thể sinh thường qua ngã âm đạo, bác sĩ sẽ ưu tiên mổ lấy thai để hạn chế các tai biến cho bé khi chào đời. Việc cố sinh thường trong trường hợp này sẽ khiến bé gặp phải một số tổn thương như kẹt vai gây tổn thương đám rối dây thần kinh cánh tay, gãy xương, hoặc có thể bị ngạt do sa dây rốn,...

Sinh mổ là gì? Những điều cần biết về quá trình mổ lấy thai 3
Thai sa dây rốn cũng được chỉ định mổ lấy thai

Mặt khác, biện pháp mổ lấy thai còn mang lại lợi ích giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cho bé khi sinh qua ngã âm đạo, có thể kể đến các trường hợp lây nhiễm phổ biến như nhiễm Herpes simplex virus, viêm gan siêu vi B, C, HIV,...

Về phía thai phụ, sinh mổ có thể giúp chị em giảm nguy cơ tổn thương tầng sinh môn như khi sinh con qua đường âm đạo, đồng thời còn giúp giảm nguy cơ chảy máu mẹ trong trường hợp như nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau cài răng lược.

Tuy nhiên, theo bác sĩ chuyên khoa, việc chỉ định mổ lấy thai không phải từ phía sản phụ mà phải thuộc về phía y khoa bởi phương pháp sinh mổ muốn thực hiện phải tiến hành gây tê, gây mê, rạch thành bụng, rạch cơ tử cung,... Những kỹ thuật này có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị dị ứng, nhiễm trùng thành bụng, nhiễm trùng vết mổ cơ tử cung,... Do đó, chính bác sĩ mới là người quyết định có thực hiện sinh mổ cho thai phụ hay không cũng như đảm bảo ca mổ có tỷ lệ thành công cao nhất.

Sinh mổ là gì? Những điều cần biết về quá trình mổ lấy thai 4
Sinh mổ mất nhiều thời gian hồi phục hơn so với sinh thường

Quá trình phục hồi sau sinh mổ

Sinh mổ mang lại nhiều lợi ích trong các trường hợp không thể sinh thường. Tuy nhiên, do phương pháp mổ lấy thai phải trải qua nhiều bước thủ thuật, trong đó có mức độ tổn thương lớn (vết rạch dài để lấy thai ra ngoài) nên chị em rất quan tâm đến quá trình phục hồi sau sinh mổ.

Hơn nữa, sau sinh mổ lấy thai, việc chăm sóc sản phụ cần đặc biệt chú ý vì chị em  mất máu nhiều hơn, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn,... so với những mẹ sinh thường nên cần nhiều thời gian để phục hồi hơn. Dưới đây là một số điều cần lưu ý cho sản phụ lẫn người chăm sóc để giúp quá trình hồi phục sau mổ được an toàn và trọn vẹn:

Chăm sóc vết mổ

Vết mổ chưa thể khô và liền da trong vài tuần đầu, do đó sản phụ cần được chăm sóc, vệ sinh vết mổ thật kỹ. Hiện nay, một số bệnh viện đã sử dụng keo dán sinh học thay cho việc khâu vết thương ngoài da, giúp bảo vệ vết thương tốt hơn.

Keo dán sinh học có nhiều ưu điểm, điển hình như cho phép sản phụ thoải mái tắm rửa hàng ngày mà không cần thay băng vì loại keo này có đặc tính không thấm nước, không cần cắt chỉ, đồng thời lại có hiệu quả thẩm mỹ cao.

Sinh mổ là gì? Những điều cần biết về quá trình mổ lấy thai 5
Vệ sinh vết mổ đúng cách để tránh nhiễm trùng vết mổ

Dinh dưỡng

Sáu giờ đầu sau ca mổ lấy thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn sản phụ nhịn ăn cho đến lúc có thể “xì hơi” được. Chị em có thể uống nước lọc, nước cháo loãng trong khoảng thời gian này chứ không nhất định phải nhịn uống hoàn toàn.

Bên cạnh đó, thai phụ tuyệt đối tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều chất bột, đường vì chúng dễ gây đầy hơi. Thay vào đó, chị em nên ưu tiên bổ sung cho cơ thể những loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng đạm, đường, chất sắt, rau củ nấu chín,...

Vận động, nghỉ ngơi hợp lý

Không nên sợ ảnh hưởng đến vết thương mà chị em lại ngại vận động, ít vận động. Bác sĩ khuyến khích thai phụ sau khi được rút ống thông tiểu thì nên rời giường, vận động nhẹ nhàng (không được cố quá) để cơ thể nhanh chóng phục hồi; đồng thời còn giúp tránh được nguy cơ bị dính ruột.

Nếu mổ lấy thai bằng cách gây tê, mẹ bỉm mẹ hoàn toàn có thể cho con bú ngay trong 1 giờ đầu sau sinh mổ. Trường hợp sinh mổ bằng phương pháp gây mê toàn thân, mẹ bỉm thường có thể cho bé bú sau khoảng 4 - 6 tiếng đồng hồ sau sinh mổ. Lúc này hiệu quả của thuốc gây mê đã giảm hẳn tác dụng.

Sinh mổ là gì? Những điều cần biết về quá trình mổ lấy thai 6
Mẹ có thể cho con bú sau 1 giờ mổ lấy thai

Vệ sinh cá nhân

Sản phụ sau sinh vẫn được phép rửa mặt, đánh răng, súc miệng mỗi ngày, đặc biệt là chú ý lau rửa cơ thể với nước ấm, dùng khăn mềm lau khô cơ thể mỗi lần vệ sinh. Lưu ý chị em không chà xát mạnh lên vết mổ. Trường hợp cảm thấy đau, khó khăn khi tự vệ sinh cơ thể, chị em nên nhờ người thân trợ giúp.

Tóm lại, ngày nay sinh mổ là biện pháp rất phổ biến để giúp thai nhi chào đời thuận lợi, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa cả mẹ lẫn con trong quá sinh trình mẹ bầu “vượt cạn”. Lưu ý là việc thai phụ sinh mổ hay sinh thường không phải là quyết định từ phía thai phụ mà phải từ phía bác sĩ sản khoa sau khi cân nhắc các yếu tố nguy cơ để đưa ra hướng thực hiện nhằm đảm bảo quá trình sinh được an toàn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm