Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tán sỏi bàng quang: Bạn biết gì về kỹ thuật này?

Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ

Sỏi bàng quang gây ra những cơn đau dai dẳng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu ngay về phương pháp tán sỏi bàng quang.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh sỏi bàng quang như: Phẫu thuật mổ mở, nội soi ngược dòng,... Trong đó, tán sỏi bàng quang vẫn là kỹ thuật được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá rất cao. Vậy tán sỏi bàng quang có những ưu điểm gì? Đối tượng nào cần tán sỏi bàng quang? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.

Nội soi tán sỏi bàng quang là gì?

Nội soi tán sỏi bàng quang là phương pháp sử dụng năng lượng tia laser để phá vỡ sỏi qua đường niệu đạo. Với kỹ thuật này, các mảnh vụn của sỏi sẽ được lấy ra một cách triệt để. Nhờ đó, mang lại hiệu quả cao, ít xâm lấn và gây tổn thương các bộ phận khác của cơ thể.

Trước hết, người bệnh sẽ được chẩn đoán lâm sàng để xác định mức độ nghiêm trọng và kích thước của sỏi bàng quang. Với những trường hợp sỏi còn nhỏ, sỏi bàng quang dưới 5mm, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh điều trị kết hợp cả nội khoa và ngoại khoa. Nếu sỏi có kích thước quá lớn, bác sĩ buộc phải tiến hành phẫu thuật nội soi tán sỏi bàng quang.

Khi nào người bệnh cần phải tán sỏi bàng quang?

Hiện nay, hầu hết người bệnh mắc sỏi bàng quang đều được điều trị theo phương pháp tán sỏi. Nó giúp người bệnh tránh được cảm giác đau ở vết mổ và rút ngắn được thời gian phục hồi. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phù hợp với kỹ thuật tán sỏi bàng quang.

Dưới đây là một số đối tượng được chỉ định làm phẫu thuật này:

  • Người bệnh mắc bệnh nội khoa được chống chỉ định gây mê và phẫu thuật.
  • Người mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu chưa được kiểm soát tốt.
  • Kích thước sỏi bàng quang lớn hơn 5mm hoặc có nhiều sỏi.
  • Người bệnh bị hẹp niệu đạo do sỏi chèn ép vào đường dẫn tiểu.
Tán sỏi bàng quang - Bạn biết gì về kỹ thuật này? 1
Người bệnh cần được kiểm tra kỹ càng trước khi tán sỏi bàng quang 

Tán sỏi bàng quang được thực hiện như thế nào?

Quá trình tán sỏi bàng quang thường được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề cao, nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Quy trình thực hiện sẽ bao gồm các bước sau:

  • Bước 1: Bác sĩ tiến hành thăm khám, chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết như: Chụp X-quang, xét nghiệm máu, siêu âm,... để xác định vị trí và kích thước của sỏi.
  • Bước 2: Bác sĩ phân tích kết quả khám cận lâm sàng để đưa ra hướng điều trị phù hợp.
  • Bước 3: Người bệnh được gây tê tủy sống và hướng dẫn nằm ở tư thế sản khoa.
  • Bước 4: Bác sĩ tiến hành đưa ống nội soi vào bàng quang để tiếp cận vị trí có sỏi theo hình ảnh trên màn hình qua camera.
  • Bước 5: Sử dụng năng lượng laser để tán sỏi thành những mảnh nhỏ.
  • Bước 6: Khi sỏi đã vỡ vụn, bác sĩ sẽ hút các mảnh vỡ nhỏ ra hoặc sử dụng kìm lấy ra ngoài. Trong một vài trường hợp, người bệnh sẽ tự đào thải ra ngoài qua nước tiểu.
  • Bước 7: Thời gian tán sỏi thường diễn ra trong khoảng 30 phút - 1 giờ tùy kích thước sỏi. Sau khi hoàn tất, người bệnh sẽ được đưa về phòng điều trị sau tán sỏi để theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu không xuất hiện bất cứ triệu chứng bất thường nào, người bệnh sẽ được chỉ định xuất viện chỉ sau 24 giờ.
Tán sỏi bàng quang - Bạn biết gì về kỹ thuật này? 2
Người bệnh không cần quá lo lắng khi thực hiện phương pháp tán sỏi bàng quang

Ưu điểm của phương pháp tán sỏi bàng quang

Hiện nay, kỹ thuật tán sỏi bàng quang đã được ứng dụng ở rất nhiều bệnh viện khác nhau. Một số ưu điểm nổi trội của tán sỏi bàng quang có thể kể đến như:

  • Tán sạch sỏi bàng quang, ngay cả các viên sỏi có kích thước lớn.
  • Được thực hiện qua đường tự nhiên của cơ thể là đường bàng quang nên không để lại sẹo, không gây đau.
  • Không gây tổn thương các mô và cơ quan xung quanh.
  • Thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm chi phí sau tán sỏi, người bệnh nhanh chóng phục hồi để trở lại công việc hàng ngày.

Biến chứng của phẫu thuật tán sỏi bàng quang

Cũng giống như các cuộc phẫu thuật khác, kỹ thuật tán sỏi bàng quang vẫn có thể kéo theo một vài tác dụng phụ nguy hiểm như:

  • Tổn thương bàng quang do tia laser bị lan hoặc đốt nhầm vị trí.
  • Người bệnh tiểu ra máu sau khi tán sỏi.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu sau tán sỏi.

Thời gian phục hồi sau tán sỏi bàng quang là bao lâu?

Như đã nói ở trên, người bệnh có thể nhanh chóng hồi phục chỉ sau 1 - 2 tuần. Với những người già, người có thể trạng yếu, thời gian phục hồi có thể dài hơn. Thông thường, người bệnh sau mổ khoảng 24 giờ đã có thể xuất viện. Trong trường hợp cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, hoặc có bệnh nền cần được nằm viện theo dõi từ 2 - 3 ngày.

Sau khi về nhà, người bệnh cần nghỉ ngơi một vài ngày cho đến khi cơ thể hồi phục hoàn toàn rồi mới quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Tán sỏi bàng quang - Bạn biết gì về kỹ thuật này? 3
Tán sỏi bàng quang ít xâm lấn nên người bệnh có thể nhanh chóng hồi phục

Bài viết này đã cung cấp đến bạn đọc những thông tin chi tiết nhất về phương pháp tán sỏi bàng quang. Nếu cơ thể xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào bất thường, đừng chần chừ gì mà hãy đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín để được khám chữa kịp thời nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin