Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thắc mắc cho người chuẩn bị niềng răng: Có nên niềng răng khểnh không?

Ngày 31/08/2022
Kích thước chữ

Theo quan điểm dân gian, răng khểnh được xem như là một nét đáng yêu và giúp cho nụ cười thêm xinh xắn. Tuy nhiên nếu răng khểnh mọc lệch quá nhiều có thể gây mất thẩm mỹ cho khuôn mặt. Vậy có nên niềng răng khểnh không? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Thông thường, răng được chia làm bốn loại là răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ và răng hàm lớn. Trong đó, răng khểnh thuộc nhóm răng nanh, có vai trò cắn, xé thức ăn. Nguyên nhân là do răng nanh khá nhọn và sắc, mọc ở góc của cung hàm.

Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của các nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, những người có răng khểnh được xem là duyên dáng dễ thương, với vẻ ngoài ưa nhìn và nụ cười ngọt ngào hơn.

Lý do nên niềng răng kéo răng khểnh

Nếu bạn có một chiếc răng khểnh đẹp và duyên dáng thì việc niềng răng là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu chiếc răng khểnh này bị sai lệch quá nhiều, bạn có thể niềng chúng vì:

  • Gây mất thẩm mỹ: Nếu răng khểnh bị sai lệch quá nhiều sẽ làm nụ cười của bạn trở nên kém duyên hơn.
  • Nguy cơ dẫn đến các bệnh lý răng miệng: Nếu có từ 2 răng khểnh trở lên, nguy cơ cao là mọc răng khấp khểnh. Nếu không thực hiện chỉnh nha sớm sẽ có thể dẫn đến viêm lợi, viêm nha chu.

Có nên niềng răng khểnh không?1 Răng khểnh nếu mọc lệch quá nhiều có thể khiến nụ cười trở nên kém duyên

Quy trình niềng răng khểnh đúng chuẩn

Niềng răng khểnh có quy trình thực hiện tương tự như niềng răng hô, móm,... theo các bước theo tiêu chuẩn sau:

  • Bước 1: Khám tổng quát và chụp X quang. Sau khi thăm khám và chẩn đoán bằng hình ảnh, bác sĩ sẽ kết luận tình trạng răng khểnh của bạn là nặng hay nhẹ và có cần thiết phải niềng răng không, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
  • Bước 2: Vệ sinh và lấy dấu hàm. Sau khi thống nhất phương pháp chỉnh nha phù hợp, nha sĩ sẽ giúp bạn lấy cao răng, vệ sinh răng miệng rồi thiết kế mắc cài.
  • Bước 3: Xử lý các vấn đề răng miệng. Trước khi bắt đầu niềng răng, các bệnh lý như viêm nướu, nha chu, sâu răng cần được xử lý triệt để. Việc này sẽ giúp quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi và hiệu quả nhất.
  • Bước 4: Đeo mắc cài. Trước khi đeo mắc cài, các bác sĩ sẽ tính toán xem bạn có cần nhổ răng trước khi niềng không. Tiếp đó, bác sĩ sẽ tiến hành gắn mắc cài lên răng của người bệnh, cùng với các khí cụ niềng răng chuyên dụng khác trong nha khoa.
  • Bước 5: Tái khám định kỳ. Trong quá trình niềng răng, vị trí răng của bạn sẽ dần thay đổi, vì vậy cần thăm khám thường xuyên để đảm bảo răng di chuyển đúng như dự kiến. Đồng thời khi kiểm tra răng, bác sĩ sẽ tính toán và điều chỉnh lại lực siết răng của dây cung, điều này giúp cho việc chỉnh nha diễn ra hiệu quả.

Các phương pháp niềng răng khểnh được áp dụng hiện nay

Hiện nay, trên thị trường có nhiều phương pháp chỉnh nha khác nhau cho người muốn niềng răng khểnh. Nhờ đó, người bệnh có nhiều lựa chọn cho mình, lựa chọn sao cho phù hợp với tình hình răng miệng và tài chính của bản thân. Cụ thể:

  • Niềng răng bằng mắc cài kim loại: Đây là phương pháp niềng răng nha khoa truyền thống với hệ thống các mắc cài bằng chất liệu kim loại. Với lực siết mạnh lên răng, cách chỉnh nha này mang lại hiệu quả cao, thời gian thực hiện ngắn hơn so với các phương pháp khác. Tuy nhiên, phương pháp này không đảm bảo về mặt thẩm mỹ cho lắm.
  • Niềng răng mắc cài sứ: Đây là phương pháp chỉnh nha cũng sử dụng mắc cài nhưng được làm từ chất liệu sứ cao cấp. Ưu điểm của phương pháp này là có màu giống với màu răng thật nên tính thẩm mỹ được đánh giá cao. Tuy nhiên, chi phí thực hiện cao hơn rất nhiều so với phương pháp mắc cài kim loại truyền thống.
  • Niềng răng trong suốt: Hay còn gọi là niềng răng invisalign hiện đại bậc nhất hiện nay và ngày càng được nhiều người lựa chọn. Với phương pháp này, người niềng răng có thể dễ dàng tháo khay niềng ra để vệ sinh và tăng tính thẩm mỹ, tự tin giao tiếp trong suốt quá trình thực hiện. Tuy nhiên chi phí rất cao, có thể lên tới hàng trăm triệu đồng nên không phải ai cũng lựa chọn phương pháp này.

Có nên niềng răng khểnh không?2 Hiện nay cũng có khá nhiều phương pháp niềng răng khểnh

Giải đáp một số vấn đề liên quan đến niềng răng khểnh

Thời gian niềng răng khểnh có lâu không, chi phí điều trị hết bao nhiêu,... là những vấn đề nhiều người băn khoăn khi quyết định niềng răng. Chúng tôi sẽ trả lời các thắc mắc trên qua một số thông tin dưới đây:

Niềng răng khểnh có lâu không?

Thông thường, thời gian niềng răng khểnh sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm tùy vào tình trạng răng, đặc biệt là vị trí của răng khểnh. Bên cạnh đó, thời gian điều trị còn phụ thuộc vào phương pháp niềng răng mà bạn lựa chọn.

Cụ thể nếu sử dụng phương pháp bằng mắc cài, quy trình chỉnh nha sẽ diễn ra nhanh hơn. Còn sử dụng giải pháp niềng răng không mắc cài thì thời gian thực hiện có thể kéo dài hơn, tuy nhiên có tính thẩm mỹ cao.

Khi niềng răng khểnh có cần nhổ răng hay không?

Có cần nhổ răng trước khi niềng răng khểnh không là thắc mắc của nhiều người. Theo đó, để biết chính xác có cần nhổ hay không thì phải cần tiến hành thăm khám để bác sĩ kiểm tra rồi mới đưa ra chỉ định phù hợp.

Thông thường, khi cung hàm không có đủ chỗ cho răng di chuyển lại thẳng hàng thì mới cần tiến hành nhổ răng để tạo ra khoảng trống. Đồng thời các bác sĩ sẽ tính toán tác động của việc nhổ răng đến sức khỏe răng miệng của bạn. Sau khi đảm bảo chắc chắn an toàn, họ sẽ tiến hành nhổ răng.

Có nên niềng răng khểnh không?3 Nha sĩ sẽ xem xét và quyết định xem bạn có cần nhổ răng hay không

Chi phí thực hiện niềng răng khểnh là bao nhiêu?

Niềng răng khểnh mất bao nhiêu tiền còn phụ thuộc vào phương pháp bạn thực hiện và tình trạng răng miệng cụ thể của từng người. Thông thường mức chi phí của phương pháp này dao động từ 20 - 120 triệu đồng. Để biết chính xác, các bạn đến khám và nghe tư vấn trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa tại những những phòng khám nha khoa uy tín.

Trên đây là một số thông tin về việc niềng răng khểnh. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên có thể giúp quý độc giả quyết định nên niềng răng khểnh hay không và sớm có được hàm răng như ý.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin