Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thắc mắc: Vàng mắt ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?

Ngày 21/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ sơ sinh bị vàng mắt là hiện tượng thường gặp, không chỉ ở những trẻ sinh non mà còn xảy ra ở trẻ sinh đủ tháng. Vậy trẻ sơ sinh bị vàng mắt bao lâu thì hết?

Trẻ sơ sinh bị vàng mắt là tình trạng lòng trắng hay còn gọi là kết mạc chuyển sang màu vàng. Đây là biểu hiện thường gặp ở phần lớn những trẻ sinh non và cả sinh đủ tháng. Triệu chứng này xuất hiện trong tháng đầu tiên sau sinh, đặc biệt thường gặp là 2 tuần đầu và kèm theo biểu hiện của hội chứng vàng da do sinh lý hoặc bệnh lý.

Có thể nhận biết trẻ sơ sinh bị vàng mắt bằng mắt thường. Một số bé sơ sinh có da hơi ngăm đen hoặc đỏ hồng có thể khó phát hiện hơn những bé có làn da trắng. Ngoài vàng mắt, vàng da, trẻ cũng có thể bị vàng da ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, nước tiểu và phân cũng đậm màu hơn bình thường.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vàng mắt

Trẻ sơ sinh bị vàng mắt là do nồng độ bilirubin cao hơn mức bình thường. Đối với người trưởng thành và trẻ em ở độ tuổi tập đi trở lên, nồng độ bilirubin sẽ được gan xử lý và đào thải qua ruột. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, các cơ quan bên trong cơ thể như gan đang trong giai đoạn phát triển, do đó, cơ thể trẻ chưa thể đào thải bilirubin, khi bilirubin bị ứ đọng trong gan, mật sẽ gây vàng mắt và vàng da.

Tuy nhiên, trẻ bị vàng mắt cũng có thể đang tiềm ẩn một bệnh lý nào đó mà bậc cha mẹ nên kiểm tra, nhằm có phương án xử lí kịp thời:

  • Trẻ sinh non và sinh trước 37 tuần.
  • Trẻ sơ sinh không được bú mẹ đầy đủ.
  • Trẻ sơ sinh và người mẹ có nhóm máu không tương thích.
  • Trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết.
  • Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh về mật, gan (viêm gan – lây từ mẹ sang con).
  • Trẻ mắc hội chứng thiếu enzyme.
  • Trẻ bị xuất huyết trong.
  • Trẻ bị bầm tím lúc sinh.
Vàng mắt ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?1 Trẻ sơ sinh bị vàng mắt là do nồng độ bilirubin cao hơn mức bình thường

Vàng mắt ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?

Thông thường, khoảng 2 – 3 ngày đầu sau khi sinh, trẻ sẽ có dấu hiệu vàng mắt và giảm dần trong 2 tuần tuổi đầu tiên mà không cần phải điều trị.

Tuy nhiên, nếu là vàng mắt do bệnh lý, đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó, lúc đó trẻ sẽ bị vàng mắt sớm hơn, ngay trong 24 giờ đầu tiên sau khi chào đời. Cách nhận biết vàng mắt do bệnh lý như sau:

  • Màu vàng của da và mắt rất sậm.
  • Trẻ sinh đủ tháng không hết vàng da và vàng mắt sau 1 tuần.
  • Trẻ sinh non thì không hết vàng mắt và vàng da sau 2 tuần.
  • Trẻ sơ sinh bị vàng mắt, vàng da toàn thân, đặc biệt là lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Trẻ luôn trong trạng thái lừ đừ, khóc thét, uể oải, mệt mỏi, bỏ bú hoặc bú kém, thậm chí còn có thể bị co giật.

Vàng mắt do bệnh lý nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm như vàng da nhân não, viêm não cấp tính – do bilirubin ứ đọng trong cơ thể, thấm vào não một cách gián tiếp.

Hậu quả cuối cùng là trẻ có thể bị nhiễm độc thần kinh, một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong, nhẹ hơn là não bị tổn thương vĩnh viễn bại não.

Vàng mắt ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?2 Vàng mắt ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?

Phải làm gì khi trẻ sơ sinh bị vàng mắt?

Ở bệnh viện, sau khi chào đời, trẻ sẽ được thăm khám thường xuyên trong 3 – 4  ngày đầu tiên để kiểm tra sức khỏe. Cũng trong thời gian này, cha mẹ và người chăm sóc nếu nhận biết sớm trẻ bị vàng mắt nên nhanh chóng báo ngay với bác sĩ.

Như đã đề cập ở trên, phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng mắt là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể và không cần can thiệp điều trị. Mặc dù vậy, trẻ vẫn cần được theo dõi kỹ lưỡng để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường nếu có. Thậm chí, sau khi xuất viện về nhà, nếu phát hiện trẻ bị vàng mắt hoặc mức độ vàng mắt trở nên nghiêm trọng hơn như trẻ bỏ bú, quấy khóc thì cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Trẻ bị vàng mắt sinh lý có nguy hiểm không?

Thông thường, trẻ sơ sinh bị vàng mắt sinh lý nếu được bú mẹ hoặc bú sữa công thức đầy đủ, tăng cân đều thì sẽ tự khỏi. Nếu trẻ sơ sinh bị vàng mắt sau 2 tuần nhưng chưa có dấu hiệu khỏi, bác sĩ có thể sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu, sinh hóa máu nhằm kiểm tra nồng độ bilirubin cũng như các rối loạn khác trong cơ thể nếu có.

Hiện nay, các phương pháp điều trị vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh chủ yếu là cung cấp đủ nước cho cơ thể cũng như các chất dinh dưỡng thông qua việc cho bú hoặc truyền dịch nhằm tăng tốc độ chuyển hóa và đào thải bilirubin. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được chiếu đèn nhằm hỗ trợ điều trị vàng da, vàng mắt. Một số trường hợp trẻ có biểu hiện, nghi ngờ có khả năng bị nhiễm độc thần kinh thì sẽ được thay máu, truyền máu.

Vàng mắt ở trẻ sơ sinh bao lâu thì hết?3 Trẻ sơ sinh bị vàng mắt sinh lý nếu được bú mẹ, tăng cân đều thì sẽ tự khỏi

Tắm nắng có điều trị được bệnh vàng mắt không?

Có rất nhiều lời khuyên cho rằng việc tắm nắng có thể giúp làm giảm tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng mắt. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu khoa học hơn về việc chứng minh biện pháp này có thể điều trị được bệnh vàng mắt. Thông thường, việc tắm nắng có thể hỗ trợ điều trị trẻ bị vàng mắt, vàng da ở mức độ nhẹ.

Cách phòng ngừa trẻ sơ sinh bị vàng mắt như thế nào?

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng mắt là do trẻ có vấn đề về gan như viêm gan A, B, C. Do đó, ngay khi có kế hoạch mang thai, cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe, nếu không mắc bệnh viêm gan, không mang mầm bệnh thì cần phải tiêm phòng viêm gan để đảm bảo giai đoạn mang thai, sinh con được an toàn.

Trường hợp chưa được tiêm phòng nhưng trong thai kỳ phát hiện bị viêm gan B, người mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cách xử trí đúng nhất. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị viêm gan do lây truyền từ mẹ sang con có biểu hiện vàng mắt nếu người mẹ bị viêm gan B trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Sau khi chào đời, cần xét nghiệm để kiểm tra xem trẻ có bị viêm gan không. Trường hợp trẻ bị viêm gan sơ sinh, cần được điều trị và tái khám định kỳ trong 6 tháng đầu tiên sau sinh. Nếu trẻ không bị viêm gan sơ sinh thì nhanh chóng tiêm phòng viêm gan B với lịch tiêm cụ thể như sau:

  • Mũi 1: 24 giờ đầu tiên sau khi sinh.
  • Mũi 2: Nhắc lại cách mũi 1 sau 1 tháng.
  • Mũi 3: Nhắc lại khi trẻ 2 tháng tuổi.

Trẻ sơ sinh bị vàng mắt, da là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, đó cũng có thể triệu chứng của các bệnh lý khác cần được theo dõi và nhận biết để chữa trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe cũng như tính mạng của trẻ. Nếu nhận thấy trẻ bị mắt nhưng không khỏi hoặc có các triệu chứng bất thường khác, cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Hoàng Yến

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm