Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Thắp nến thơm liên tục có ảnh hưởng như thế nào? 5 cách sử dụng nến thơm an toàn

Ngày 18/03/2023
Kích thước chữ

Đốt nến có thể giải phóng hóa chất vào không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài viết sau sẽ giúp bạn chọn nến an toàn và thắp sáng đúng cách.

Sau một ngày dài làm việc, bạn bật một vài bản nhạc, rót cho mình một cốc trà thảo dược và thắp một ngọn nến thơm. Nhưng khi ngôi nhà của bạn tràn ngập hương thơm ấm áp của nến thơm thì nó cũng có thể chứa hóa chất độc hại gây hại cho sức khỏe của bạn. Tại đây, hãy tìm hiểu xem nến thơm có hại hay không và cách đốt chúng trong nhà một cách an toàn.

Ảnh hưởng sức khỏe của việc thắp nến thơm

Khi bị đốt cháy, nến giải phóng CO, bồ hóng và các hợp chất hóa học vào không khí, bao gồm cả toluene và benzen. Có thể bạn đã biết về CO và bồ hóng, những hóa chất không tốt đối với chất lượng không khí. Còn về toluen và benzen thì sao?

Toluen thường liên quan đến khói tỏa ra từ chất pha loãng sơn và có thể gây kích ứng mắt, mũi, cổ họng và da. Nó cũng có thể gây ra các rối loạn liên quan đến hô hấp đối với những người dễ mắc các vấn đề về hô hấp. Tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc, toluen cũng có thể dẫn đến mệt mỏi, lú lẫn, chóng mặt, nhức đầu, lo lắng và mất ngủ - cũng như làm hỏng thận, gan và thần kinh.

Benzen - một trong những chất độc thải ra khi hút thuốc lá, rất có hại cho sức khỏe. Benzen là một hóa chất công nghiệp có liên quan đến chất gây ung thư. (Nói cách khác, nó có liên quan đến ung thư.)

Tuy nhiên mối liên hệ nhân quả giữa việc sử dụng nến và ung thư máu vẫn chưa được chứng minh. Và lượng benzen do nến thải ra thấp hơn đáng kể so với lượng do khói thuốc lá tạo ra.

Ngoài ra, hãy nhớ rằng, ở một mức độ nào đó, tác động đối với sức khỏe của việc đốt nến phụ thuộc vào từng cá nhân.

Thắp nến thơm liên tục có ảnh hưởng như thế nào? 5 cách sử dụng nến thơm an toàn 1 Nến thơm có thể dẫn đến rủi ro sức khỏe

Nến thơm có hại hơn không?

Các nhà nghiên cứu cho biết chưa có đủ bằng chứng để chứng minh nến thơm có độc hại hay không. Nhưng chúng có khả năng chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hoặc VOC, chẳng hạn như formaldehyde.
 

Tiếp xúc với VOC có thể dẫn đến các phản ứng dị ứng và làm trầm trọng thêm các bệnh về đường hô hấp hiện có. Ví dụ, formaldehyde có độc tính cao và là chất gây ung thư tiềm ẩn.

Một nghiên cứu vào tháng 1 năm 2023 trên ‌BMC Public Health‌ cho thấy gần một phần tư sinh viên đại học sử dụng nến thơm đã báo cáo các vấn đề về sức khỏe - bao gồm đau đầu, khó thở, ho và việc tiếp xúc với nến thơm trong một giờ trở lên có liên quan đến tỷ lệ bị nhức đầu, hắt hơi và thở khò khè cao hơn.

Hơn nữa, một đánh giá vào tháng 10 năm 2019 trong ‌“Nghiên cứu phòng chống ung thư”‌ cho thấy các hợp chất thơm tỏa ra khi đốt nến có mùi thơm liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

Thắp nến thơm liên tục có ảnh hưởng như thế nào? 5 cách sử dụng nến thơm an toàn 2Đốt nến thơm có thể giải phóng chất hóa học vào không khí gây ảnh hưởng tới sức khỏe

Cách chọn nến thơm an toàn

Lựa chọn an toàn nhất là nến không có mùi thơm, nhưng nếu bạn vẫn muốn có mùi dễ chịu, hãy tìm loại nến có thành phần là sáp tự nhiên hoặc tinh dầu. Nến làm từ sáp ong hoặc sáp thực vật như đậu nành có thể ít giải phóng formaldehyde vào không khí hơn so với nến làm từ paraffin – hợp chất từ dầu mỏ.

Ngoài ra, hãy kiểm tra bấc nến. Tránh dùng bấc có màu hoặc kim loại, có thể chứa hóa chất độc hại và gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bấc bông, giấy hoặc gỗ không nhuộm là một lựa chọn an toàn hơn. (Bóc bấc ra để đảm bảo không có kim loại bên trong).

5 cách sử dụng nến thơm an toàn

Nếu bạn vẫn muốn đốt nến trong nhà thì hãy tham khảo những lời khuyên sau đây.

Tăng lưu lượng không khí

Cho dù bạn đang đốt loại nến nào đi nữa thì khói vẫn có thể được thải vào không khí. Vì vậy, hãy thắp nến trong một căn phòng thông thoáng. Mở cửa sổ hoặc cửa ra vào để thông gió. Nếu bạn đặt nến trong phòng tắm, hãy bật quạt trên cao.

Thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn cháy nổ

Để nến tránh xa bất cứ thứ gì dễ cháy. Cơ quan Quản lý Cứu hỏa Hoa Kỳ đề nghị đặt chúng cách xa bất cứ thứ dễ cháy nổ ít nhất một bước chân. Tránh sử dụng chúng trong phòng tắm hoặc phòng ngủ, đặt chúng ra ngoài trước khi đi ngủ.

Nên giữ cho bấc nến được cắt còn khoảng 0.6 cm. Như thế sẽ làm giảm lượng bồ hóng mà nến tạo ra khi cháy.

Đừng thổi tắt nến

Thổi tắt nến trực tiếp gây ra nhiều khói hơn, dẫn tới việc thải ra nhiều bồ hóng vào không khí hơn. Thay vào đó, hãy sử dụng dụng cụ dập lửa để dập tắt ngọn lửa.

Vứt bỏ nến ám khói

Nếu nhận thấy khói tỏa ra từ bấc nến, hãy vứt chúng ngay. Một ngọn nến bốc khói có nghĩa là chất độc và hạt vật chất đang được thải vào không khí.

Điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn thấy có vòng bồ hóng đen hình thành xung quanh ngọn nến.

Thắp nến thơm liên tục có ảnh hưởng như thế nào? 5 cách sử dụng nến thơm an toàn 3 Không sử dụng nến thơm đã ám khói

Để ý các triệu chứng dị ứng

Các dấu hiệu ban đầu của phản ứng dị ứng hoặc kích ứng đường hô hấp do hít phải khói nến bao gồm: ngứa mắt hoặc mũi, sổ mũi và hắt hơi. Nếu bạn có bất cứ triệu chứng nào kể trên thì hãy vứt bỏ nến ngay.

Thắp nến thơm liên tục có ổn không?

Câu trả lời là vẫn ổn. Chỉ cần chú ý sử dụng chúng một cách an toàn, bao gồm mua nến tự nhiên, chất lượng cao và đặt chúng trong phòng thông thoáng. Nếu nến có hợp chất thơm trong đó, hãy kiểm tra xem bạn có thể bị dị ứng hay không.

Đồng thời hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung nếu bạn bị dị ứng hoặc mắc bệnh hô hấp từ trước.

Nhìn chung, mọi người sử dụng nến thơm để có thể cải thiện tâm trạng tốt hơn, trong một số trường hợp sử dụng nến thơm còn giúp điều trị sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý đến các rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng nến thơm liên tục, tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe vật chất.

Hà My

Nguồn tham khảo: Livestrong.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin