Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Theo dõi thân nhiệt trẻ sơ sinh khi nào?

Ngày 25/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giai đoạn sơ sinh là giai đoạn bé có sức đề kháng cực kỳ yếu ớt nên cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên. Và đo thân nhiệt là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để phát hiện bất cứ điều gì bất thường ở cơ thể trẻ nhỏ.

Thân nhiệt cao hay thấp sẽ phản ánh tình trạng sức khoẻ của bé. Do đó không chỉ có y bác sĩ mà các bậc phụ huynh cũng nên trang bị cho mình các kiến thức về thân nhiệt bình thường của trẻ sơ sinh cũng như biết được thân nhiệt trẻ sơ sinh so với người lớn có gì khác để có thể xử lý đúng cách nếu thân nhiệt có điểm bất thường.

Khi nào cần đo thân nhiệt cho bé?

Cơ chế hoạt động ở các cơ quan chức năng của trẻ sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện nên bé rất dễ bị ốm. Thân nhiệt của trẻ sơ sinh chính là biểu hiện dễ nhận biết nhất. Các mẹ nên tiến hành đo thân nhiệt cho các bé khi bé có các dấu hiệu dưới đây:

  • Bé thở chậm, thở nhanh bất thường hoặc thở phát ra âm thanh.
  • Cơ thể bé bị nóng sốt hoặc lạnh bất thường.
  • Bé chảy nước mũi liên tục, hắt hơi và ho nhiều lần.
  • Trẻ bỏ ăn, thường ưỡn người, kéo tai, khó chịu hoặc quấy khóc.
  • Xuất hiện tình trạng nôn mửa, tiêu chảy. Phân có màu và mùi bất thường, cơ thể suy nhược thiếu sức sống.
Kiến thức cần biết để theo dõi thân nhiệt trẻ sơ sinh Các bậc phụ huynh nên nắm vững cách đo và theo dõi thân nhiệt cho trẻ

Theo dõi thân nhiệt của trẻ sơ sinh

Một số mức nhiệt cần quan tâm khi đo thân nhiệt trẻ sơ sinh:

  • Nhiệt độ bình thường của trẻ: Trong khoảng 36,5°C – 37,2°C (nhiệt độ khi đo ở nách). Trẻ sơ sinh có thể bị hạ thân nhiệt ngay cả trong mùa hè, do đó rất trẻ dễ bị các bệnh như viêm phổi. Lúc này cần cho trẻ nằm trong phòng thoáng, đủ ánh sáng, nhiệt độ phòng từ 28-30°C (lớn hơn 25°C). Không nên quấn khăn mền cho trẻ quá kỹ để tránh làm cho trẻ phát sốt, viêm da, viêm phổi,...
  • Nhiệt độ của trẻ >37,5°C: Cơ thể của trẻ lúc này có thể nóng hơn mức bình thường. Cần cho trẻ nằm trong phòng thoáng, nới lỏng quần áo, chườm khăn ấm cho trẻ ở những vị trí như: trán, nách, bẹn. Luôn theo dõi sát nhiệt độ của trẻ. Nếu thấy trên 38,5°C cần đưa trẻ nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
  • Nếu nhiệt độ <36°C: Tích cực ủ ấm cho trẻ bằng chăn hoặc bằng phương pháp da kề da.
chỉ đo thân nhiệt ở miệng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên Chỉ áp dung biện pháp đo thân nhiệt ở miệng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên

Đo nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh ở các điểm khác nhau có thể sẽ cho các kết quả khác nhau. Nếu thấy các thông số hiển thị sau có nghĩa là trẻ vẫn bình thường:

  • Đo hậu môn: Thân nhiệt từ 36,6 – 38°C;
  • Đo ở tai: Thân nhiệt từ 35,8 – 38°C;
  • Đo ở miệng: Thân nhiệt từ 35,5 – 37,5°C;
  • Đo ở nách: Thân nhiệt từ 34,7 – 37,3°C.

Để đảm bảo nhiệt độ cơ thể của bé luôn trong trạng thái bình thường, tốt nhất thân nhiệt của trẻ sơ sinh nên được duy trì ở mức từ 36 đến 37°C. Nếu thân nhiệt của trẻ chênh lệch với mức này, giảm hoặc tăng thêm 1°C đều rất nguy hiểm. Chẳng hạn nếu thân nhiệt bé tăng lên 38°C có nghĩa là sốt nhẹ và trên 39°C tức là sốt cao. Tất cả những mức nhiệt này đều được đo từ hậu môn của trẻ và nó sẽ có sự chênh lệch nhỏ so với nhiệt được đo từ bộ phận khác trên cơ thể.

Bình thường, nhiệt độ được đo ở miệng luôn thấp hơn so với nhiệt độ đo ở hậu môn từ 0,3 -0,5°C. Trong khi đó, nhiệt độ ở nách và cổ thì sẽ thấp hơn so với nhiệt độ đo ở miệng từ 0,3 -0,5°C. Như vậy, nếu đo thân nhiệt trẻ sơ sinh, tốt là nên đo ở hậu môn để cho kết quả chính xác nhất vì đó là mức nhiệt cơ bản để đảm bảo mọi hoạt động của cơ thể đang diễn ra trong trạng thái bình thường.

Cách xử lý khi thân nhiệt của trẻ sơ sinh bất thường

Không khó để các bậc phụ huynh nhận ra con mình đang nóng hay đang lạnh hơn bình thường. Bằng cách kiểm tra thân nhiệt ở chân và tay bé, cha mẹ sẽ nhanh chóng biết được con đang nóng hay lạnh bất thường. Nếu nhiệt độ cơ thể bé tăng cao, không chỉ ra mồ hôi nhiều mà đôi môi bé cũng đỏ và khô hơn bình thường thì đây là một dấu hiệu rõ ràng để phụ huynh nhận biết. Tùy vào từng trường hợp, bậc cha mẹ cần đưa ra những bước xử lý thích hợp.

Khi trẻ bị tăng thân nhiệt

Triệu chứng tăng thân nhiệt của trẻ thường là trán ấm, trẻ trở nên cáu gắt, quấy khóc, ăn ngủ kém, ít hoạt động, thậm chí có thể xuất hiện tình trạng co giật

Đối với những trường hợp trẻ dưới một tuổi bị tăng thân nhiệt thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 

Đối với những trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể áp dụng những cách sau: 

  • Dùng khăn ấm lau người cho trẻ. 
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát.
  • Cho trẻ uống đủ nước để tránh mất nước, cho trẻ bú hoặc uống dung dịch oresol đúng tỉ lệ. 
  • Trẻ từ 6 tháng trở lên đã đi khám và không phát hiện bệnh lý, có thể cho trẻ uống Paracetamol hoặc ibuprofen, dán miếng dán để hạ sốt.
dùng miếng dán hạ sốt để hạ thân nhiệt cho trẻ Phụ huynh có thể dán miếng dán hạ sốt cho bé khi bé bị tăng thân nhiệt 

Khi trẻ bị hạ thân nhiệt

Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu hạ thân nhiệt, bạn nên mặc thêm quần áo cho trẻ, ủ ấm nhanh chóng, có thể tăng nhiệt độ phòng bằng máy điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên nếu đã áp dụng những phương pháp trên mà thân nhiệt của bé vẫn không được cải thiện thì phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 

Trẻ sơ sinh luôn cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Thân nhiệt của trẻ sơ sinh cũng có sự khác biệt so với người trưởng thành. Do đó, cha mẹ hay người chăm sóc cần hết sức lưu ý điều này và theo dõi thân nhiệt của trẻ mỗi ngày nhằm giúp trẻ có được sự chăm sóc thích hợp nhất.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Các bài viết liên quan