Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Mùa đông với thời tiết lạnh giá có thể khiến trẻ sơ sinh dễ bị cảm lạnh nếu không được giữ ấm đúng cách. Cha mẹ thường rỉ tai nhau cách giữ ấm cho bé sơ sinh bằng mũ. Nhưng nhiều bậc phụ huynh thắc mắc rằng trẻ sơ sinh có nên đội mũ che thóp không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!
Liệu trẻ sơ sinh có nên đội mũ che thóp hay không? Sử dụng mũ che thóp cho trẻ là cách giữ ấm tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, cha mẹ nên lưu ý cách sử dụng mũ che thóp cho trẻ đúng cách. Đồng thời, phối hợp nhiều cách giữ ấm khác nhau như tăng nhiệt độ phòng bằng máy sưởi hoặc điều hòa, mặc thêm quần áo cho trẻ hay cho trẻ tắm nước ấm.
Trời chuyển đông cũng là thời điểm cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ nhỏ, đặc biệt là đối tượng trẻ sơ sinh. Nhiều cha mẹ thường chia sẻ nhau cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh bằng cách đội mũ che thóp và mặc thật nhiều lớp quần áo. Liệu cách làm này có ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ hay không?
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng có chia sẻ rằng nếu trời trở lạnh và nhiệt độ trong phòng không đủ đảm bảo thân nhiệt cho trẻ thì cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách đội mũ che thóp. Theo chuyên gia, khoảng 40% tới 45% thân nhiệt của trẻ sơ sinh được tạo ra từ vùng đầu. Ngược lại, đây lại là nơi thoát nhiệt nhanh nhất, chiếm tới 85% nhiệt độ cơ thể của bé.
Bởi vậy, đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh là cách giữ ấm hiệu quả cho trẻ, bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong mùa đông, đặc biệt ở trẻ đẻ non hay sinh thiếu tháng. Nếu trẻ sơ sinh không duy trì được nhiệt độ cơ thể cần thiết hay bị mất nhiệt qua vùng trán và đầu, bé sẽ dễ bị cảm lạnh và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên, khi giữ ấm cho trẻ với mũ che thóp, phụ huynh cần chú ý đội mũ đúng cách, đồng thời phối hợp các cách giữ thân nhiệt khác nếu cần thiết.
Trẻ sơ sinh có nên đội mũ che thóp không
Khi đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần chú ý một số điểm sau:
Tuy câu trả lời cho câu hỏi “Trẻ sơ sinh có nên đội mũ che thóp không?” là nên sử dụng mũ cho trẻ nhưng có một số quan điểm nói rằng đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh có thể làm tăng cao nhiệt độ vùng đầu. Đồng thời, quan điểm đó cho rằng nhiệt độ không thể thoát ra gây ảnh hưởng tới sự hoạt động não bộ của trẻ.
Chuyên gia đã khẳng định rằng luận điểm này hoàn toàn không chính xác. Nếu nhiệt độ vùng đầu tăng khiến trẻ khó chịu, trẻ sẽ biểu hiện cho cha mẹ biết như vã mồ hôi trán, quấy khóc đòi cởi mũ hay liên tục sờ đầu. Bởi vậy, khi giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra xem trẻ có bị vã mồ hôi, đặc biệt là vùng trán, lưng hay cổ.
Bởi vì, nếu trẻ bị vã mồ hôi nhiều thấm vào quần áo khiến bộ đồ bé đang mặc bị ẩm ướt sẽ dễ khiến bé bị cảm lạnh. Đối với trẻ sinh thiếu cân, trẻ sinh non và trẻ chưa có hệ miễn dịch hoàn thiện, tình trạng cảm lạnh có thể tiến triển nặng hơn gây viêm phế quản phổi.
Mặt khác, nhiều cha mẹ thắc mắc rằng “Nên che thóp cho trẻ sơ sinh đến khi nào?”. Thông thường, thóp của trẻ sẽ liền hoàn toàn trong giai đoạn 12 đến 18 tháng tuổi. Vậy nên nhiều phụ huynh quan niệm rằng qua giai đoạn đó trẻ sẽ không cần sử dụng mũ che thóp.
Tuy nhiên, mũ không chỉ bảo vệ vùng thóp cho trẻ mà còn giúp trẻ giữ ấm và tránh thất thoát thân nhiệt qua vùng đầu. Chính vì vậy, cha mẹ cần dùng mũ cho trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào khi cần thiết.
Để duy trì thân nhiệt thích hợp cho trẻ sơ sinh, cha mẹ cần giữ ấm đúng cách, đặc biệt là những bộ phận dễ bị lạnh như lòng bàn tay, bàn chân, thóp và vùng ngực. Cách nhanh nhất để giữ ấm cho trẻ đó là mặc thêm quần áo.
Khi chọn quần áo giữ ấm, phụ huynh cần chọn những bộ đồ thoải mái, có thể dễ dàng cởi ra nếu bé bị nóng. Chất liệu vải được ưu tiên là dạng cotton với khả năng giữ ấm và thấm hút mồ hôi tốt.
Bên cạnh đó, khi bé đi ngủ cần được mặc quần áo nhẹ và thoáng. Khi trẻ đang ngủ, cần điều chỉnh nhiệt độ phòng vừa phải, nhiệt độ quá cao kết hợp nhiều lớp chăn và quần áo làm tăng nguy cơ đột tử nhũ nhi (SIDS) ở trẻ.
Ngoài ra, bình thường cha mẹ cũng không nên cho bé mặc quá nhiều quần áo hay đắp quá nhiều chăn. Điều này sẽ làm thân nhiệt của bé tăng lên nhanh chóng, khiến bé bị nóng và ra mồ hôi. Mồ hôi thấm vào quần áo dễ khiến bé bị cảm lạnh.
Mặt khác, khi trẻ bị ốm hay sốt lại càng không nên cho trẻ mặc quá nhiều lớp. Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của bé bằng cách sờ vào bụng, tránh sờ vào tay hoặc chân sẽ có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt trung tâm của trẻ.
Về phòng ốc, cho trẻ nằm ở phòng có nhiệt độ ấm vừa phải, thông thoáng và tránh gió lùa. Nếu bé cần ra ngoài đường, cha mẹ cho bé ngồi ghế sau, đồng thời mặc thật ấm, cần che chắn kỹ vùng đầu, chân, tay và cổ của bé.
Trời đông giá rét có thể khiến bé không muốn tắm, cha mẹ cũng thường hạn chế tắm cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần đảm bảo cơ thể của bé được sạch sẽ, tránh để bụi bẩn gây bít tắc và viêm lỗ chân lông của bé.
Để quá trình tắm thuận lợi, cha mẹ nên tạo môi trường ấm áp và tránh để gió lùa. Bên cạnh đó, chuẩn bị nước tắm bằng với nhiệt độ cơ thể của trẻ, khoảng 37 độ C. Với trẻ trên 10 ngày tuổi, bé có thể tắm với tần suất 2 - 3 ngày/lần.
Khi tắm cho trẻ, nên rửa từ dưới lên trên. Bắt đầu với hai bàn chân, lau rửa dần lên trên tới đầu. Sau khi trẻ tắm xong, cha mẹ nên cho bé mặc quần áo mới đã được hơ ấm và đưa bé vào căn phòng có nhiệt độ ấm.
Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Trẻ sơ sinh có nên đội mũ che thóp không?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Trong mùa đông giá rét, giữ ấm cho trẻ sơ sinh là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bé. Một trong những cách duy trì thân nhiệt cho bé đó là sử dụng mũ che thóp. Tuy nhiên, khi giữ ấm cho trẻ, cha mẹ cần chú ý không để trẻ bị nóng quá và vã mồ hôi. Điều này có thể dẫn tới cảm lạnh hoặc viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ.
Ánh Vũ
Nguồn: Benhvienphusantrunguong.org.vn
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.