Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Thiếu hụt collagen: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách bổ sung hiệu quả

Ngày 23/10/2024
Kích thước chữ

Collagen là một loại protein quan trọng chiếm khoảng 30% protein trong cơ thể. Chính vì thế, tình trạng thiếu hụt collagen sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sắc đẹp. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu hụt collagen và cách bổ sung hiệu quả.

Collagen là thuật ngữ quen thuộc, đặc biệt với chị em phụ nữ. Đây là tên gọi của một loại protein chiếm tới 30% lượng protein trong cơ thể. Collagen đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cấu trúc và độ đàn hồi của làn da, được ví như thần dược giúp làn da mềm mịn, căng bóng. Không chỉ rất cần thiết với làn da, collagen còn là thành phần quan trọng cấu tạo nên xương, sụn và các mô liên kết khác. Vì thế, khi cơ thể bị thiếu hụt collagen sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp và chất lượng cuộc sống. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các dấu hiệu thiếu hụt collagen, nguyên nhân và cách cải thiện tình trạng này trong bài viết dưới đây.

Collagen có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Collagen là protein dạng sợi chiếm 70% cấu trúc da. Collagen tập trung chủ yếu ở lớp hạ bì của da, xương, gân, cơ, dây chằng, thậm chí ở mạch máu, niêm mạc, giác mạc,... Collagen được tạo ra bởi các axit amin bao gồm glycine, proline và hydroxyproline.

Trong cơ thể con người, collagen giống như chất kết dính liên kết các mô giúp chúng hoạt động trơn tru và linh hoạt hơn. Loại protein này là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng và liên kết các mô trong cơ thể lại với nhau tại da, tóc, móng, xương khớp,...

Thiếu hụt collagen: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách bổ sung hiệu quả 1
Collagen giúp làn da luôn căng bóng, mịn màng

Cơ thể sẽ sản xuất collagen liên tục để thay thế các sợi collagen có dấu hiệu tổn thương hoặc hao mòn. Tuy nhiên, quá trình này có thể suy yếu theo thời gian do lão hóa. Vì thế, tuổi càng cao thì tình trạng thiếu hụt collagen càng dễ xảy ra hơn.

Collagen mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe và sắc đẹp:

  • Đối với làn da: Collagen giúp tăng cường độ đàn hồi và hydrat hóa da. Đồng thời giúp da săn chắc, mịn màng.
  • Cải thiện tóc và móng: Collagen cung cấp dưỡng chất cải thiện các hoạt động của chất sừng, từ đó giúp tóc và móng của chúng ta luôn chắc khỏe, giảm gãy rụng.
  • Tăng cường sức khỏe xương khớp: Collagen là thành phần cấu tạo xương, đóng vai trò liên kết các khung xương với nhau. Ngoài ra, collagen còn giúp duy trì tính toàn vẹn của sụn, mô, giúp bảo vệ khớp. Bổ sung đầy đủ collagen sẽ giúp giảm nguy cơ viêm khớp, loãng xương.
  • Tốt cho hệ tim mạch: Collagen là thành phần cấu trúc cho động mạch có nhiệm vụ làm dẻo dai thành mạch và ngăn ngừa tình trạng xơ cứng động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim hiệu quả.

Dấu hiệu nhận biết cơ thể đang thiếu hụt collagen

Collagen đảm nhận nhiều vai trò quan trọng và tham gia cấu tạo nhiều bộ phận trong cơ thể. Vì thế, khi thiếu hụt collagen, cơ thể thường xuất hiện các dấu hiệu sau:

Làn da bị lão hóa

Có tới 70% collagen tồn tại ở da, vì thế lão hóa da là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết khi cơ thể bị thiếu hụt collagen. Khi lượng collagen trong cơ thể bị suy giảm không đáp ứng nhu cầu, da sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như khô da, da kém đàn hồi, nếp nhăn, da chảy xệ, sạm da, nám da,...

Tóc và móng tay khô cứng, dễ gãy

Collagen là một trong những thành phần nuôi dưỡng tóc và móng. Do đó, khi cơ thể thiếu hụt collagen, tóc và móng sẽ bị thiếu đi nguồn dưỡng chất cần thiết dẫn đến khô, xơ, chẻ ngon, dễ gãy rụng.

Thiếu hụt collagen: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách bổ sung hiệu quả 2
Thiếu collagen dẫn đến tóc khô xơ, dễ gãy

Dễ mắc bệnh nha chu

Cơ thể thiếu hụt collagen sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nha chu. Nguyên nhân là do collagen có nhiều trong nướu (lợi) đóng vai trò như chất đề kháng cần thiết bảo vệ răng miệng. Nếu thiếu collagen, nướu rất dễ bị nhiễm khuẩn dẫn đến các bệnh nha chu như sưng nướu, chảy máu chân răng, viêm lợi.

Các vấn đề về xương khớp

Đau mỏi xương khớp, cứng khớp, viêm khớp,... cũng là một trong những dấu hiệu thoái hóa xương khớp do cơ thể thiếu hụt collagen. Bởi collagen là thành phần kết dính, nếu thiếu chất này các khớp sẽ không thể hoạt động trơn tru.

Suy giảm thị lực

Collagen dạng kết tinh tồn tại trong giác mạc và thủy tinh thể, vì thế thiếu hụt collagen sẽ gây ra tình trạng mắt khô, nhìn mờ, thậm chí đục thủy tinh thể.

Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt collagen

Ngoài vấn đề di truyền và tuổi tác, thiếu hụt collagen chủ yếu do những yếu tố tác động từ bên ngoài như:

  • Hút thuốc lá, uống rượu bia: Đây là 2 thói quen xấu tác động tiêu cực đến sức khỏe. Khói thuốc làm giảm lượng oxy đến các mô dẫn đến mô không thể phục hồi, hư tổn và dần mất đi. Còn rượu bia làm cản trở quá trình sản xuất collagen trong cơ thể khiến làn da không thể phục hồi tự nhiên.
  • Chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến collagen trong cơ thể bị cứng lại và vỡ ra dẫn đến lão hóa sớm.
  • Tác động của tia UV: Thiếu hụt collagen trong cơ thể có thể do sự tiếp xúc trực tieps với tia UV trong ánh mặt trời làm suy giảm collagen trong da.
  • Mất ngủ, căng thẳng: Hormone cortisol cơ thể sản sinh ra khi căng thẳng, stress có thể làm giảm khả năng sản xuất collagen tự nhiên.
Thiếu hụt collagen: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách bổ sung hiệu quả 3
Tác động của ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân làm thiếu hụt collagen

Cách bổ sung collagen an toàn, hiệu quả

Tình trạng thiếu hụt collagen có thể cải thiện nếu bạn thực hiện những cách sau:

  • Chăm sóc da mặt mỗi ngày, bổ sung dưỡng chất tốt cho da. Đồng thời luôn bảo vệ da trước tác động của ánh nắng mặt trời.
  • Thay đổi thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng.
  • Bổ sung thực phẩm giàu collagen và các loại vitamin A, C, protein như rau màu xanh đậm, thực phẩm màu đỏ, tím, tôm, cá, thịt gà, trứng, nước hầm xương,...
  • Bổ sung collagen thông qua thực phẩm chức năng như viên uống, nước collagen, mỹ phẩm dưỡng da.

Trên đây là một số thông tin chi tiết về tình trạng thiếu hụt collagen. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức để nhận biết dấu hiệu thiếu collagen, từ đó có cách phòng ngừa và bổ sung kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin