Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là gì? Cách điều trị như thế nào?

Ngày 19/09/2022
Kích thước chữ

Nhiều trẻ sơ sinh có rốn phồng lên và khối phồng thay đổi khi trẻ vận động. Đây là dấu hiệu của chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt là trẻ sinh non nhẹ cân dưới 1.7kg. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và có cần phải phẫu thuật không?

Thoát vị rốn là tình trạng các cơ quan nội tạng trong ổ bụng nhô ra ngoài qua lỗ rốn. Tình trạng này phổ biến ở trẻ sơ sinh khi cơ bụng chưa phát triển đủ để có thể bịt kín ống dây rốn. Căn bệnh này thường không quá nguy hiểm và có thể tự khỏi. Kích thước khối rốn sẽ xẹp dần khi trẻ lớn hơn nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn cảm thấy lo lắng khi thấy khối thoát vị rốn của con có thể ngày càng to hơn rất nguy hiểm. Vậy thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh có thể gây biến chứng và cần can thiệp bằng phẫu thuật hay không, hãy cùng theo dõi để có câu trả lời.

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là gì?

Thoát vị xảy ra khi một cơ quan nội tạng lồi ra khỏi vị trí bình thường trong cơ thể và tạo thành một khối lồi ở vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa chất dịch lỏng. Thoát vị rốn thường gặp ở trẻ sinh non hoặc nhẹ cân. Có tới 75% trẻ sơ sinh nặng dưới 1.5kg bị thoát vị rốn. Hầu hết khiếm khuyết này sẽ tự lành sau 1 tuổi, nhưng cũng có những trường hợp mất nhiều thời gian hơn. Khoảng 90% trường hợp thoát vị rốn sẽ tự đóng lại. Tuy nhiên, nếu trẻ lên 4 tuổi mà không tự đóng thì có thể cần phải phẫu thuật.

Nguyên nhân trẻ bị thoát vị rốn là khi mang thai, dây rốn đi qua một lỗ nhỏ trên cơ bụng của em bé và bị cắt đứt khi được sinh ra. Trong vòng 1 - 2 tuần sau khi sinh, dây rốn teo dần và rụng, vết thương sẽ lành và lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua cũng được đóng lại tự nhiên. Trường hợp các cơ ở rốn không khép lại hoàn toàn ở đường giữa của bụng và có thể gây thoát vị rốn sau này.

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là gì Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là tình trạng một cơ quan nội tạng lồi ra khỏi vị trí bình thường trong vùng bụng

Dấu hiệu của thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Một khối tròn nổi lên tại vị trí của rốn, có thể nhìn thấy và sờ thấy sưng. Khối thoát vị có thể phình to ra khi trẻ cử động. Thoát vị rốn thường không đau. Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ hiếm khi gây ra biến chứng. Tuy nhiên, đôi khi một đoạn ruột có thể bị kẹt trong khối thoát vị và không thể đẩy trở lại ổ bụng. Phần ruột này nhận được ít máu gây đau vùng rốn và tổn thương mô ruột. Nghiêm trọng hơn, ruột có thể bị bóp nghẹt, không thể tiếp nhận máu dẫn đến hoại tử. Nhiễm trùng có thể lan đến bụng và nguy hiểm đến tính mạng. Hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng sau: 

  • Trẻ khóc to, khó chịu. 
  • Vùng bụng có vẻ to, tròn hơn bình thường. 
  • Da thoát vị sưng lên và chuyển sang màu đỏ. 
  • Sốt, nôn mửa. 
  • Khó hoặc không đi ngoài, có máu trong phân.

Cách điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh bị thoát vị rốn như thế nào?

Cách điều trị thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi trước một tuổi mà không cần can thiệp. Khi bé lớn lên, cơ thành bụng khỏe hơn và có khả năng đóng lỗ trên thành bụng, khối thoát vị rốn sẽ tự biến mất. Trong thời gian chờ cơ thành bụng đóng lại, mẹ có thể dùng băng gạc hoặc khăn mềm để che rốn lại.

Nếu trường hợp thoát vị rốn không gây đau nhưng sau 1 tuổi vẫn chưa tự mất đi, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ sẽ tìm cách đẩy khối thoát vị rốn. Còn nếu trường hợp khối thoát vị gây đau, bị nghẹt ruột, vùng da sưng đỏ thì phải can thiệp bằng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ tại chân rốn và đưa thoát vị rốn trở lại ổ bụng, lỗ hở ở thành bụng sẽ được đóng lại.

Lưu ý: Một số mẹ thường sử dụng mẹo dùng băng dính, đồng xu hoặc các loại băng ép khác đặt lên vùng thoát vị rốn để khắc phục là hoàn toàn không đúng. Phương pháp này không đem lại hiệu quả và thậm chí có thể làm tình trạng xấu hơn. Do đó thay vì áp dụng những mẹo chữa thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh như vậy, ba mẹ nên đưa con đi khám tại bệnh viện uy tín.

Mẹo chữa thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn sẽ tự khỏi trước một tuổi

Cách chăm sóc khi trẻ bị thoát vị rốn

Khi trẻ bị thoát vị rốn, ba mẹ cố gắng không để trẻ khóc quá nhiều. Hạn chế để trẻ vận động quá mức khiến áp lực trong ổ bụng tăng đột ngột, khiến khối thoát vị rốn sưng to hơn. Tăng cường cho trẻ ăn nhiều chất xơ, rau củ quả để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị táo bón, vì táo bón khiến trẻ rặn khi đi ngoài làm tăng hiện tượng thoát vị. Nếu khối thoát vị đột ngột lớn, cứng, đau khi chạm vào, kèm theo đau bụng và nôn trớ, trẻ có thể bị thoát vị nghẹt. Trong trường hợp này, ba mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Cách điều trị thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh Vệ sinh rốn cho trẻ sạch sẽ và khô thoáng để không bị nhiễm trùng

Trên đây là những thông tin được chia sẻ về nguyên nhân và cách điều trị của bệnh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh. Ba mẹ chú ý không áp dụng các mẹo truyền miệng trong dân gian để chữa thoát vị rốn cho trẻ khi chưa được khoa học kiểm chứng tính an toàn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến ​​thức cần thiết để chăm sóc và điều trị cho trẻ bị khuyết điểm này.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin