Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Tiêm phòng cúm trong thai kỳ - Một phần không thể thiếu trong hành trình mang thai an toàn

Ngày 24/07/2024
Kích thước chữ

Bệnh cúm nếu xảy ra ở phụ nữ mang thai có thể gây ra những biến cố có hại rất lớn. Dùng vắc xin là một phương pháp đặc hiệu để ngừa bệnh, tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng cúm trong thai kỳ còn khá thấp. Lý do chủ yếu đến từ việc người mẹ lo ngại về tính hiệu quả và an toàn của vắc xin.

Để biết được tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm trong thai kỳ, Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin về sự nguy hiểm của bệnh cúm trên phụ nữ mang thai và lý do tại sao đối tượng đặc biệt này lại luôn được khuyến cáo nên tiêm phòng cúm.

Cúm và gánh nặng của bệnh cúm ở phụ nữ mang thai

Bệnh cúm, hay còn gọi là cúm mùa (influenza hoặc flu). Cúm xảy ra khi cơ thể bị nhiễm virus cúm và chúng khiến cơ thể rơi vào tình trạng nhiễm trùng hô hấp (bao gồm mũi, cổ họng và phổi).

Bệnh cúm trong thai kỳ

Ở những người trẻ bình thường, bệnh cúm thường không đáng quan ngại và có thể tự khỏi trong thời gian ngắn. Thế nhưng cúm lại là một mối nguy hiểm tiềm ẩn ở một vài đối tượng, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Nhiễm virus cúm trong thai kỳ sẽ khởi động những biến chứng cấp tính và để lại những hậu quả mãn tính lâu dài cho hệ hô hấp ở thai phụ.

Trong giai đoạn mang thai, để giữ thai phát triển, cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi khác nhau và những thay đổi này đã góp phần vào việc làm cho việc bị cúm và biến chứng do cúm xảy ra dễ dàng hơn, cụ thể:

  • Hệ miễn dịch được điều chỉnh theo hướng suy giảm, tạo cơ hội cho virus cúm xâm nhập dễ dàng.
  • Nhu cầu tiêu thụ oxy ở thai phụ tăng, cùng với việc nồng độ cytokine máu thay đổi do điều chỉnh của hệ miễn dịch, tất cả điều này sẽ thúc đẩy tình trạng viêm phổi diễn ra nhanh hơn, đặc biệt hội chứng suy hô hấp cấp (Acute respiratory distress syndrome - ARDS) sẽ diễn tiến thuận lợi hơn.
  • Khi mang thai, cơ thể sẽ tăng cường quá trình đông máu và thể tích huyết tương sẽ mở rộng để đối phó với sự mất một lượng máu lớn khi sinh. Tuy nhiên việc này sẽ làm tăng nguy cơ quá tải tuần hoàn và phù phổi.

Gánh nặng của bệnh cúm ở phụ nữ mang thai

Ngoài các biến chứng thường gặp sau nhiễm cúm, phụ nữ có thai khi nhiễm cúm còn có nguy cơ bị các biến chứng trên thai và các tai biến sản khoa khác.

Một nghiên cứu cắt ngang được đăng trên tạp chí khoa học Obstetrics & Gynecology, thực hiện tại Hoa Kỳ trên 74.7 triệu phụ nữ mang thai nhập viện sinh, nhằm đánh giá mối liên quan giữa việc có chẩn đoán cúm tại thời điểm nhập viện và biến chứng nặng khi sinh của thai phụ. Dữ liệu cho thấy nhóm phụ nữ mang thai được chẩn đoán bị cúm khi nhập viện sinh sẽ tăng nguy cơ các kết cục nặng so với nhóm không mắc cúm, cụ thể là:

  • Biến chứng nặng ở mẹ cao hơn.
  • Tử vong cao hơn.
  • Sinh non cao hơn.
  • Tăng huyết áp thai kỳ cao hơn.
  • Biến chứng liên quan đến cúm cao hơn (choáng, nhiễm trùng huyết, đặt nội khí quản, thông khí cơ học, ARDS).

Có thể thấy rằng, virus cúm có thể gây bệnh nặng cho cả người mẹ và thai nhi lúc mới sinh ra.

Tiêm phòng cúm trong thai kỳ - Một phần không thể thiếu trong hành trình mang thai an toàn 1
Bệnh cúm nếu xảy ra ở phụ nữ mang thai có thể gây ra những biến cố có hại rất lớn

Tại sao tiêm phòng cúm trong thai kỳ lại quan trọng?

Tiếp theo, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao các tổ chức y tế trên thế giới đều luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm cho phụ nữ trong thai kỳ.

Tiêm phòng cúm trong thai kỳ mang lại những lợi ích nào?

Trong một bài phân tích hệ thống được đăng trên tạp chí khoa học Health Provides từ các nghiên cứu RCT và nghiên cứu quan sát hiệu quả tiêm chủng cúm khi mang thai, kết quả được ghi nhận như sau:

  • Giảm 48% nguy cơ trẻ < 6 tháng tuổi nhiễm cúm.
  • Giảm 72% nguy cơ trẻ < 6 tháng tuổi nhập viện do cúm.

Ngoài ra, các nghiên cứu tổng hợp trên các tạp chí khoa học khác còn cho thấy tiêm phòng cúm trong thai kỳ có thể giúp làm giảm đi những biến cố như:

  • Giảm 25% tỷ lệ trẻ sinh non.
  • Giảm đáng kể tỷ lệ thai lưu.
  • Giảm đáng kể tỷ lệ tử vong sơ sinh.

Qua những số liệu trên, có thể khẳng định tiêm vắc xin cúm cho phụ nữ mang thai là rất quan trọng, vì ba lợi ích lớn sau:

  • Tiêm phòng cúm làm giảm nguy cơ nhiễm cúm trên phụ nữ mang thai.
  • Tiêm chủng vắc xin bệnh cúm cho mẹ đem lại hiệu quả bảo vệ thụ động cho con, thông qua việc truyền kháng thể đặc hiệu từ mẹ qua con thông qua nhau thai và sữa mẹ, giúp bảo vệ trẻ trong 6 tháng đầu đời.
  • Tiêm phòng cúm ở phụ nữ mang thai còn giúp giảm các biến cố bất lợi chu sinh so với việc không tiêm.

Tiêm phòng cúm trong thai kỳ quan trọng như vậy, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ tiêm chủng người dân nói chung và cho phụ nữ mang thai nói riêng còn khá thấp. Lý do chủ yếu đến từ việc không tin tưởng vào hiệu quả của vắc xin, mối lo ngại về tác dụng không mong muốn gặp phải sau khi tiêm, và liệu tiêm vắc xin có ảnh hưởng gì với em bé không.

Tiêm phòng cúm trong thai kỳ - Một phần không thể thiếu trong hành trình mang thai an toàn 2
Tiêm phòng cúm trong thai kỳ rất quan trọng

Độ hiệu quả và an toàn của việc tiêm phòng vắc xin cúm cho phụ nữ mang thai

Đã có rất nhiều nghiên cứu khẳng định tính nguy hiểm của cúm mùa và lợi ích to lớn của việc tiêm phòng cúm trong thai kỳ. Ngoài ra, về mối lo liệu tiêm vắc xin cúm có gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi hay không, gần đây cũng đã có nhiều nghiên cứu mới hơn, tạo dựng được niềm tin vững chắc hơn để mọi người chủ động tiêm phòng cúm.

Nghiên cứu đoàn hệ cộng đồng hồi cứu tại Anh đăng trên tạp chí khoa học Clinical Infectious Diseases, thực hiện với hơn 78.000 người phụ nữ mang thai đã ghi nhận rằng: Chủng ngừa cúm ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ đều không làm tăng nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh nặng ở trẻ, ngay cả khi chủng ngừa trong tam cá nguyệt thứ nhất.

Ngoài ra, như đã đề cập ở phần trên, tiêm phòng cúm cho mẹ khi mang thai có thể giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn dưới 6 tháng tuổi - thời điểm mà trẻ chưa thể được tiêm phòng. Trong những tháng cuối thai kỳ, miễn dịch tăng vượt trội và quá trình chuyển miễn dịch tự thân của người mẹ sang thai nhi sẽ xảy ra. Điều này đảm bảo trẻ sơ sinh nhận được kháng thể đủ tốt để chống lại các tác nhân gây bệnh đầu đời.

Cơ chế truyền kháng thể cho con khi tiêm chủng cho mẹ đã được khẳng định ở các nghiên cứu trên nhiều loại vắc xin khác nhau. Mới đây nhất là một nghiên cứu đoàn hệ trên 78 phụ nữ mang thai tại Hy Lạp vào năm 2023. Những người này đã được tiêm phòng vắc xin cúm tứ giá trong khoảng thời gian từ 6 tháng trước khi mang thai cho đến lúc sinh. Kết quả cho thấy kháng thể IgG chống cúm A và B đã được tìm thấy ở máu ngoại biên của trẻ sơ sinh trong vòng 10 ngày sau sinh. Kết quả này đã khẳng định thêm một lần nữa việc tiêm phòng cúm cho mẹ còn có thể bảo vệ em bé khi chào đời.

Tiêm phòng cúm trong thai kỳ - Một phần không thể thiếu trong hành trình mang thai an toàn 3
Các loại vắc xin cúm hiện có tại Việt Nam

Hiện nay tại Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc xin cúm khác nhau, được phân loại theo công nghệ bào chế:

  • Vắc xin phân mảnh (Ivacflu-S): Chứa hầu hết các thành phần của virus (các kháng nguyên của virus cũng như các kháng nguyên bề mặt).
  • Vắc xin tiểu đơn vị (Influvac TetraVaxigrip Tetra): Thành phần đã được chọn lọc, chỉ chứa các kháng nguyên bề mặt của virus.

Vắc xin tiểu đơn vị mang đến lợi ích tối ưu hơn nhờ vào việc chọn lọc chỉ sử dụng các kháng nguyên có giá trị đáp ứng miễn dịch, sau đó được tinh khiết để loại bỏ những tạp chất không cần thiết khác. Nhờ đó loại vắc xin này sẽ giảm được nguy cơ xảy ra phản ứng bất lợi. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy so với khi dùng vắc xin phân mảnh, các tác dụng phụ sau tiêm như đau cơ, sưng hoặc sốt đã giảm đáng kể khi dùng vắc xin tiểu đơn vị.

Các khuyến cáo tiêm phòng cúm cho phụ nữ mang thai

Rất nhiều tổ chức y tế trên toàn cầu như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC), Liên đoàn Sản phụ khoa quốc tế (FIGO)... đã đưa ra các khuyến cáo về sự cần thiết phải tiêm phòng cúm trong thai kỳ. Dưới đây là một số khuyến cáo tiêu biểu.

Hướng dẫn của WHO và Ủy ban tư vấn thực hành chủng ngừa Hoa Kỳ (ACIP):

“Phụ nữ mang thai nên được tiêm vắc xin cúm ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.”

Khuyến cáo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG):

“Phụ nữ đang hoặc sẽ mang thai trong mùa cúm được khuyến cáo tiêm vắc xin cúm bất hoạt sớm ngay khi thuốc có sẵn. Bất kỳ loại vắc xin cúm bất hoạt nào được cấp phép, khuyến cáo, phù hợp với lứa tuổi, đều có thể được tiêm an toàn trong bất kỳ tam cá nguyệt nào.”

Quyết định 1950/QĐ-BYT của Bộ Y tế Việt Nam (2013):

“Phụ nữ mang thai đã được đưa vào nhóm nguy cơ, cần được tiêm ngừa trong kế hoạch sử dụng và phát triển vắc xin cúm.”

Hướng dẫn đồng thuận của Hội Y học Dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Hội Nhi khoa năm 2020:

“Khuyến cáo tiêm nhắc 1 liều vắc xin cúm mùa bất kỳ lúc nào trong thai kỳ.”

Tiêm phòng cúm trong thai kỳ - Một phần không thể thiếu trong hành trình mang thai an toàn 4
Tiêm vắc xin cúm có thể bảo vệ kép cho cả người mẹ và em bé khi chào đời

Tóm lại, tiêm phòng cúm trong thai kỳ là một giải pháp nhằm bảo vệ kép cho người mẹ trước, trong khi mang thai và trẻ sơ sinh cho đến 6 tháng tuổi. Đồng thời, đây là giải pháp rất hiệu quả và an toàn, đã được chứng minh qua nhiều bằng chứng khoa học có giá trị.

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào là đơn vị hàng đầu cung cấp dịch vụ tiêm chủng chất lượng, với vắc xin được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới. Liên hệ với Tiêm chủng Long Châu qua Hotline 1800 6928 để được tư vấn, hẹn lịch miễn phí.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.