Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Chửa trứng có nguy hiểm không? Những điều cần biết về tình trạng chửa trứng

Ngày 29/11/2024
Kích thước chữ

Chửa trứng hay thai trứng là tình trạng thai nghén bất thường, xảy ra khi có sự phát triển bất thường ở các gai nhau. Vậy chửa trứng có nguy hiểm không? Bạn sẽ có được lời giải đáp khi theo dõi hết bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Chửa trứng có nguy hiểm không? Đây vẫn đang là nỗi băn khoăn của không ít mẹ bầu, đặc biệt là những chị em được chẩn đoán là chửa trứng. Để có thể giải quyết nỗi băn khoăn này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu sơ qua về tình trạng chửa trứng trước bạn nhé.

Tổng quan về tình trạng chửa trứng

Thông thường, sau khi tinh trùng kết hợp với trứng, tạo thành hợp tử, hợp tử này sẽ di chuyển vào lòng tử cung, bám dính và làm tổ ở niêm mạc tử cung. Sau khi làm tổ, các tế bào của hợp tử sẽ phân chia và phát triển thành thai nhi, cùng với các phần phụ như túi ối và nhau thai. Vậy chửa trứng là gì?

Chửa trứng hay thai trứng là một dạng rối loạn phát triển của thai kỳ, trong đó có sự phát triển bất thường của nhau thai. Hiện tượng này xảy ra khi có sự thụ tinh, nhưng thay vì hình thành một bào thai bình thường, nhau thai phát triển thành một khối u chứa các tế bào và các cấu trúc tương tự như bào thai, được gọi là những "gai nhau".

Xét theo đại thể, chửa trứng được phân chia thành 2 loại chính, bao gồm chửa trứng toàn phần và chửa trứng bán phần. Trong đó:

  • Chửa trứng toàn phần: Không có sự hiện diện của tổ chức thai nhi, gai thai đã phình to và mạch máu lông rau đã biến mất. Ở loại chửa trứng này, lớp tế bào nuôi tăng sinh mạnh.
  • Chửa trứng bán phần: Thấy sự hiện diện của thai nhi hoặc một phần của thai nhi, phần lớn gai nhau biến thành túi nước và phần còn lại của gai nhau bình thường.

Xét theo vi thể, chửa trứng có thể được phân chia thành hai loại chính như sau:

  • Chửa trứng thể lành tính: Trong loại chửa trứng này, lớp hợp bào của màng nhau vẫn còn nguyên vẹn, không bị phá vỡ. Lớp đơn bào không xâm lấn vào cơ của tử cung hay nói cách khác không gây ra tổn thương nghiêm trọng hoặc bất thường cho niêm mạc tử cung và cấu trúc mô xung quanh.
  • Chửa trứng thể ác tính: Lớp hợp bào trong trường hợp này sẽ bị mỏng đi và có khả năng bị phá vỡ. Lớp đơn bào có thể xâm lấn niêm mạc tử cung và thâm nhập sâu vào cơ tử cung. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chửa trứng có thể ăn thủng lớp cơ tử cung và dẫn đến chảy máu trong ổ bụng, tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người phụ nữ.
Chửa trứng có nguy hiểm không? Những điều cần biết về tình trạng chửa trứng 1
Chửa trứng có nguy hiểm không? Đây vẫn đang là nỗi băn khoăn của không ít mẹ bầu

Chửa trứng có nguy hiểm không?

Như đã trình bày phía trên chửa trứng là một dạng rối loạn trong quá trình mang thai, xảy ra khi có sự phát triển bất thường của mô nhau thai. Vậy chửa trứng có nguy hiểm không?

Với câu hỏi chửa trứng có nguy hiểm không, các chuyên gia cho biết, chửa trứng có thể gây ra một số nguy hiểm và biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm cũng như điều trị kịp thời. bao gồm:

  • Chảy máu: Chửa trứng có thể dẫn đến chảy máu nặng, gây ra tình trạng thiếu máu.
  • Ung thư biểu mô nuôi thai: Trong một số trường hợp, chửa trứng có thể phát triển thành ung thư biểu mô nuôi thai.
  • U nang hoàn tuyến: Biến chứng này xuất hiện ở những ca bệnh có nồng độ HCG tăng cao.
  • Nhiễm độc thai nghén: Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với thai phụ, gây tổn thương đến các mạch máu và tác động đến các cơ quan như thận, gan, tử cung… và dẫn đến các triệu chứng tiền sản giật hoặc sản giật.
  • Suy giảm sức khỏe sinh sản nói riêng và sức khoẻ tổng thể nói chung: Nếu không được điều trị kịp thời, chửa trứng không chỉ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ trong tương lai mà còn có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khoẻ tổng thể của người phụ nữ.

Nếu có dấu hiệu hoặc triệu chứng liên quan đến chửa trứng (như chảy máu âm đạo, đau bụng, hoặc nôn mửa nặng), thì bạn nên tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chữa trị sớm thường mang lại kết quả tốt và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Chửa trứng có nguy hiểm không? Những điều cần biết về tình trạng chửa trứng 2
 Chửa trứng có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện sớm

Nguyên nhân dẫn đến chửa trứng

Tính đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây chửa trứng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ chửa trứng bao gồm:

  • Khiếm khuyết di truyền: Thai trứng thường xảy ra khi có sự bất thường trong việc chia tách các nhiễm sắc thể trong quá trình thụ tinh. Khi đó, nó có thể dẫn đến sự phát triển quá mức của mô nhau thai mà không có sự phát triển bình thường của phôi thai.
  • Tuổi tác của người mẹ: Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ trên 40 tuổi hoặc dưới 20 tuổi có nguy cơ cao hơn mắc chửa trứng.
  • Tiền sử mang thai: Những phụ nữ đã từng chửa trứng trong quá khứ có nguy cơ cao hơn tái phát trong các thai kỳ sau.
  • Suy dinh dưỡng: Một số nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu vitamin A và một số vi chất dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ mắc chửa trứng.
  • Yếu tố môi trường: Một số yếu tố môi trường như tiếp xúc với hóa chất độc hại, mẹ bầu không được chăm sóc chu đáo, lao động nặng nhọc, môi trường sống bị ô nhiễm… cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc chửa trứng.
Chửa trứng có nguy hiểm không? Những điều cần biết về tình trạng chửa trứng 4
Nhiều người thường lo lắng về mức độ nguy hiểm của chửa trứng

Dấu hiệu sớm nhận biết chửa trứng

Mặc dù các ca chửa trứng lành tính chiếm đa số trong tổng số ca bệnh, song chửa trứng lành tính có thể tiến triển thành ác tính nếu không được phát hiện và xử lý sớm. Dưới đây là một số dấu hiệu sớm nhận biết chửa trứng, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Ra máu âm đạo: Một trong những triệu chứng phổ biến nhất là ra máu âm đạo. Máu âm đạo có thể có màu đỏ loãng hoặc nâu sẫm.
  • Kích thước tử cung lớn hơn bình thường: Tử cung có thể phát triển nhanh hơn so với thời gian thai kỳ, gây ra cảm giác nặng nề hoặc khó chịu.
  • Triệu chứng ốm nghén: Một số chị em có thể cảm thấy buồn nôn và nôn mửa giống như khi mang thai bình thường nhưng triệu chứng có thể nặng hơn.
  • Đau bụng: Có thể xuất hiện cảm giác đau hoặc co thắt ở vùng bụng dưới.
  • Các triệu chứng của cường giáp: Như đổ nhiều mồ hôi, tính cách thay đổi thất thường, thường xuyên khó thở khi hoạt động gắng sức, đi tiểu nhiều, gầy sút nhanh…
  • Các triệu chứng tiền sản giật: Như tăng cân đột ngột, tăng huyết áp, phù mặt, phù tay chân, suy giảm thị lực, đau đầu…
  • Mức độ hormone HCG cao bất thường: Xét nghiệm máu có thể cho thấy nồng độ hormone HCG cao hơn mức bình thường.
  • Siêu âm không có thai: Khi siêu âm, bác sĩ có thể không thấy phôi thai trong tử cung, mặc dù nhau thai có thể xuất hiện.
Chửa trứng có nguy hiểm không? Những điều cần biết về tình trạng chửa trứng 3
Kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm chửa trứng

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng chửa trứng mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng chửa trứng đồng thời giải đáp được thắc mắc chửa trứng có nguy hiểm không. Cảm ơn bạn đọc đã luôn dành sự quan tâm đến các bài viết sức khỏe của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin