Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Tiêm phòng HIB cho trẻ​ quan trọng như thế nào? Cho trẻ tiêm phòng HIB khi nào?

Ngày 13/10/2024
Kích thước chữ

Viêm phổi và viêm màng não là những căn bệnh gây ra bởi vi khuẩn HIB. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là 2 bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng người bệnh. Chính vì thế, việc chủ động cho trẻ tiêm phòng HIB là điều vô cùng cần thiết. Vậy nên tiêm phòng HIB cho trẻ vào thời điểm nào?

Nên tiêm phòng HIB cho trẻ vào thời điểm nào vẫn luôn là chủ đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Hiểu được tâm lý đó, trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về vắc xin HIB và việc tiêm phòng HIB cho trẻ.

Tầm quan trọng của việc tiêm phòng HIB cho trẻ

Vi khuẩn HIB có tên đầy đủ là Haemophilus influenzae tuýp B. Đây là tác nhân chính gây viêm phổi và viêm màng não ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn HIB tồn tại ở mũi và họng, do đó dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp.

Thực tế cho thấy, nhiều trẻ mang vi khuẩn HIB nhưng lại không có bất cứ dấu hiệu hay triệu chứng bất thường của bệnh. Những đứa trẻ này có thể lây truyền HIB cho những đứa trẻ khác và hậu quả là dễ bùng phát dịch trong cộng đồng. Do sức đề kháng còn non yếu, trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi từ 6 - 24 tháng.

Ngoài ra, sự nguy hiểm của vi khuẩn HIB còn được thể hiện rất rõ trong những ca bệnh nặng. Trẻ sẽ có nguy cơ cao phải đối mặt với nhiều di chứng nặng nề gây ra bởi 2 căn bệnh viêm phổi và viêm màng não nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời. Các di chứng gây ra bởi viêm phổi và viêm màng não có thể kể đến như nhiễm trùng huyết, phù não, phù phổi, trí tuệ suy giảm, vận động khó khăn…

Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 8 triệu trường hợp trẻ mắc viêm phổi và viêm màng não mủ, trong đó có đến 400.000 trường hợp bị tử vong trên tổng số ca mắc bệnh.

Nhận thấy được mức độ nguy hiểm của vi khuẩn HIB, Bộ Y tế đã quyết định đưa vắc xin phòng HIB vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 2000. Từ sau khi thực hiện quyết định này, các thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ mắc bệnh viêm phổi và viêm màng não gây ra bởi vi khuẩn HIB đã giảm đi đáng kể.

Tiêm phòng HIB cho trẻ​ quan trọng như thế nào? Cho trẻ tiêm phòng HIB khi nào? 1
Chủ động tiêm phòng HIB cho trẻ là việc làm vô cùng cần thiết

Như vậy, có thể thấy rằng, việc chủ động tiêm vắc xin phòng HIB cho trẻ là điều vô cùng cần thiết. Việc làm này sẽ giúp trẻ có miễn dịch chủ động phòng ngừa 2 căn bệnh viêm phổi, viêm màng não, từ đó giúp bảo vệ trẻ trước những biến chứng nguy hiểm gây ra bởi những căn bệnh này, đặc biệt giảm tỷ lệ tử vong gây ra do bệnh.

Nên tiêm phòng HIB cho trẻ vào thời điểm nào?

Như các bạn đã biết, vắc xin phòng HIB là loại vắc xin giúp phòng ngừa bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn HIB. Hiện nay, có 2 loại vắc xin phòng HIB được sử dụng rộng rãi đó là Pentaxim (vắc xin 5 trong 1) và Infanrix Hexa (vắc xin 6 trong 1).

Thông thường, một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến khi trẻ được 2 - 3 tuổi sẽ cần phải tiêm đầy đủ 4 mũi vắc xin phòng HIB. Trong đó:

  • Ba mũi cơ bản sẽ được tiêm khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi.
  • Thời gian tiêm mũi 4 phụ thuộc vào loại vắc xin phối hợp hay vắc xin đơn mà bé được tiêm trong lần trước đó. Thông thường, mũi tiêm nhắc lại thường được tiêm khi trẻ được 16 - 18 tháng tuổi.
Tiêm phòng HIB cho trẻ​ quan trọng như thế nào? Cho trẻ tiêm phòng HIB khi nào? 2
Nên tiêm phòng HIB cho trẻ vào thời điểm nào là thắc mắc của nhiều phụ huynh

Một số vấn đề cần lưu ý khi tiêm phòng HIB cho trẻ

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, cha mẹ nên chủ động cho trẻ tiêm phòng HIB đầy đủ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, khi cho trẻ tiêm phòng HIB, cha mẹ cần lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín đồng thời nắm được một số vấn đề cần lưu ý sau đây:

Lưu ý trước khi tiêm vắc xin phòng HIB

Trước khi tiêm vắc xin phòng HIB, trẻ sẽ được khám sàng lọc trước khi tiêm. Khám sàng lọc trước khi tiêm phòng là việc làm vô cùng cần thiết để quyết định rằng trẻ có đủ điều kiện về sức khỏe để thực hiện tiêm phòng hay không. Chính vì thế, cha mẹ cần trao đổi và thảo luận kỹ với bác sĩ về tình trạng sức khoẻ hiện tại của trẻ để tránh những tình huống xấu không mong muốn xảy ra. Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý một số thông tin như:

  • Trẻ có tiền sử dị ứng với thành phần nào của vắc xin hay không?
  • Trẻ từng xuất hiện các triệu chứng sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin trước đó hay không?
  • Trẻ có đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào hay không?
  • Trẻ có đang sử dụng loại thuốc nào không?
Tiêm phòng HIB cho trẻ​ quan trọng như thế nào? Cho trẻ tiêm phòng HIB khi nào? 3
Trẻ sẽ được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng HIB

Lưu ý trong quá trình tiêm phòng cho trẻ

Trước khi bắt đầu tiến hành tiêm cho trẻ, nhân viên y tế sẽ giải thích cho cha mẹ những thông tin về vắc xin, đối thiếu thông tin vắc xin với chỉ định của bác sĩ. Lúc này cha mẹ cần chú ý lắng nghe, quan sát và báo lại với nhân viên y tế nếu có sai sót, tránh tình trạng trẻ bị tiêm nhầm loại vắc xin, sai liều lượng…

Trong quá trình tiêm phòng cho trẻ, cha mẹ cần phối hợp với nhân viên y tế trấn an tinh thần trẻ, giúp cho quá trình tiêm diễn ra thuận lợi hơn.

Lưu ý sau khi cho trẻ tiêm phòng HIB

Sau khi cho trẻ tiêm vắc xin phòng HIB, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không nên cho trẻ về nhà ngay mà thay vào đó, cha mẹ nên để trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng thêm 30 phút. Việc ở lại cơ sở tiêm chủng 30 phút sẽ giúp các bác sĩ dễ dàng theo dõi bé sau tiêm chủng, đồng thời có thể xử lý kịp thời nếu không may xảy ra các trường hợp phản ứng với thuốc hay sốc phản vệ…Nếu sức khoẻ ổn định và trẻ hoàn toàn không có bất cứ biểu hiện nào bất thường, thì trẻ có thể được về nhà.
  • Sau khi về nhà, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất 48 tiếng tiếp theo. Cha mẹ cần chú ý quan sát các dấu hiệu về tinh thần, ăn uống, ngủ nghỉ, toàn trạng của trẻ, nhất là về buổi đêm.
  • Sau tiêm vắc xin, trẻ có thể gặp phải một số phản ứng phụ như sưng đỏ, nổi cục và đau tại vị trí tiêm, sốt, quấy khóc, bỏ bú… Tuy nhiên, đây là các phản ứng phụ hết sức bình thường sau tiêm vắc xin nên cha mẹ không cần quá lo lắng, bởi các phản ứng này có thể giảm dần và biến mất sau một vài ngày.
  • Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, co giật và khó thở… cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có hướng can thiệp, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Ngoài ra, cha mẹ cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, tăng cường cho trẻ bú nếu trong độ tuổi đang bú sữa mẹ và bổ sung đủ nước mỗi ngày.
Tiêm phòng HIB cho trẻ​ quan trọng như thế nào? Cho trẻ tiêm phòng HIB khi nào? 4
Trẻ có thể bị sốt sau tiêm phòng HIB

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề tiêm phòng HIB cho trẻ mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức sức khỏe hữu ích từ đó chăm sóc trẻ được tốt hơn. 

Hiện nay, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào là đơn vị hàng đầu cung cấp dịch vụ tiêm chủng chất lượng, với vắc xin được nhập khẩu chính hãng từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới. Khi đến tiêm chủng tại Long Châu, khách hàng sẽ được khám sàng lọc bởi bác sĩ, tư vấn gói vắc xin phù hợp, theo dõi trong và sau khi tiêm để đảm bảo an toàn. Liên hệ với Tiêm chủng Long Châu qua Hotline 1800 6928 để được tư vấn, hẹn lịch miễn phí hoặc đặt lịch online tại đây.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin