Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vi khuẩn HIB nguy hiểm thế nào? Một số cách phòng ngừa vi khuẩn HIB

Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ

Vi khuẩn Haemophilus Influenzae type B (HIB) là một loại vi khuẩn gram âm gây ra nhiều bệnh nguy hiểm ở trẻ em. Người mắc bệnh do vi khuẩn HIB nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, các bệnh này có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Vi khuẩn HIB có lẽ vẫn còn là khái niệm xa lạ đối với chúng ta. Trong bài viết dưới đây, Long Châu sẽ chia sẻ thông tin về vi khuẩn HIB, các bệnh do HIB gây ra và cách phòng ngừa hiệu quả.

Vi khuẩn HIB là gì?

Haemophilus influenzae type b (Hib) là một loại vi khuẩn có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng. Loại khuẩn này có 6 type đã được phân loại. Trong đó vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (HIB) chiếm phần lớn nguyên nhân gây bệnh từ nhóm khuẩn này. 

Vi khuẩn HIB gây ra các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như:

  • Viêm màng não;
  • Nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu);
  • Viêm phổi (nhiễm trùng phổi);
  • Viêm nắp thanh quản (nhiễm trùng họng).

Những bệnh nhiễm khuẩn này rất nguy hiểm bởi khả năng phát tác rất nhanh, nếu nghiêm trọng có thể gây tử vong, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não.

Vi khuẩn Hib 1
Vi khuẩn HIB có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng 

Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi HIB gồm:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu (bị suy giảm miễn dịch) bởi các nguyên nhân như người nhiễm HIV.
  • Người mắc bệnh hồng cầu hình liềm, Asplenia (không có lá lách).
  • Hội chứng thiếu hụt kháng thể và bổ sung (tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng đến khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể).
  • Người mắc ung thư cần điều trị bằng hóa trị, xạ trị hoặc ghép tế bào gốc tủy xương.

HIB lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất bài tiết qua giọt bắn của người bị nhiễm bệnh. Các chất bài tiết này có thể lây lan qua hắt hơi, ho hoặc tiếp xúc với đồ chơi hoặc bề mặt bị ô nhiễm. Nguy hiểm hơn, người mang mầm bệnh có thể không phát bệnh nhưng vẫn có thể lây cho người khác.

Mức độ nguy hiểm do vi khuẩn HIB gây ra

Haemophilus influenzae type b (Hib) là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn đến bệnh nặng, đặc biệt là ở trẻ em. Các triệu chứng bao gồm đau đầu nghiêm trọng, cổ cứng, co giật hoặc động kinh, buồn ngủ nghiêm trọng, khó thức dậy, mất ý thức hoặc khó thở.

Trước khi có vắc xin HIB, vi khuẩn này là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm phổi và viêm màng não ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ở các quốc gia đã triển khai tiêm chủng vắc xin HIB, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn này đã giảm đáng kể.

Các triệu chứng của nhiễm trùng do HIB gây ra có thể khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như sốt cao và ớn lạnh, ho, khó chịu, đổ mồ hôi, quấy khóc, bỏ bú, nôn trớ, đau nhức,...

Vi khuẩn Hib 2
Trẻ sốt cao, quấy khóc là một trong những triệu chứng của bệnh

Các bệnh phổ biến do HIB gây ra bao gồm:

  • Viêm màng não do HIB: là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn. Tỷ lệ tử vong của bệnh này ở các nước đang phát triển có thể lên tới 40%, và từ 10 đến 15% số người sống sót bị biến chứng nặng lâu dài.
  • Nhiễm trùng huyết: Là tình trạng nhiễm trùng máu, sau đó gây ra các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi, viêm khớp và viêm màng ngoài tim.
  • Viêm phổi: Viêm phổi HIB có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch.
  • Viêm nắp thanh quản do HIB: Là một bệnh nhiễm trùng cấp tính nghiêm trọng có thể gây tắc nghẽn đường thở và tử vong.

Một số biện pháp phòng ngừa vi khuẩn HIB

Phòng ngừa là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh do HIB.

Sự tái nhiễm

Một người có thể bị nhiễm bệnh bởi HIB nhiều lần. Nghĩa là người nhiễm HIB trước đây, sau khi khỏi bệnh vẫn có thể mắc các bệnh do vi khuẩn này gây ra. Do đó, cần được tiêm phòng đủ liều theo khuyến cáo ngay cả khi ai đó đã mắc bệnh HIB trước đây.

Tiêm vắc xin phòng ngừa

Vắc xin HIB là một loại vắc xin an toàn và hiệu quả giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn này gây ra. Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng đã áp dụng lịch tiêm 3 mũi vacxin phối hợp cho trẻ dưới 5 tuổi, bao gồm: ho gà, bạch hầu, viêm gan B, uốn ván và viêm màng não mủ/viêm phổi do HIB. Chương trình tiêm chủng mở rộng có liệu trình gồm:

  • Mũi 1 (mũi 5 trong 1): Khi trẻ được 2 tháng tuổi.
  • Mũi 2 (mũi 5 trong 1): Khi trẻ được 3 tháng tuổi.
  • Mũi 3 (mũi 5 trong 1): Khi trẻ được 4 tháng tuổi.
  • Mũi tiêm nhắc lại vacxin 5 trong 1 khi trẻ được 16-18 tháng tuổi.

Cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đưa trẻ tiêm chủng theo đúng khuyến cáo để đạt hiệu quả tốt nhất.

Vi khuẩn Hib 3
Cha mẹ hoặc nên đưa trẻ tiêm chủng theo đúng khuyến cáo để phòng ngừa bệnh hiệu quả 

Ngoài ra, để giúp trẻ phòng bệnh do HIB hiệu quả nhất, cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì trong sữa mẹ có chứa các kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm trùng.
  • Hạn chế cho trẻ đến những nơi ô nhiễm, có nhiều mầm bệnh.
  • Khi chăm sóc trẻ cần thực hiện tốt nguyên tắc vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường xung quanh nơi trẻ sống, sinh hoạt.
  • Vận động thường xuyên, tăng cường sức đề kháng.
  • Thường xuyên làm sạch đồ chơi của trẻ, vật dụng.
  • Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ do nhiễm HIB.
  • Các vết thương cần được chăm sóc, làm sạch tránh gây nhiễm trùng.

Khi phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời, đồng thời hạn chế cho người nghi ngờ mắc bệnh để giảm nguy cơ lây lan.

Khi phát hiện trẻ có triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc bệnh do vi khuẩn HIB, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị sớm bằng kháng sinh có thể giúp tăng khả năng điều trị và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm