Dị ứng đạm sữa thường xảy ra sau vài phút hoặc vài giờ kể từ khi trẻ sử dụng sữa bò hoặc các chế phẩm từ sữa bò. Phản ứng này gây ra tình trạng dị ứng và ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể trẻ như: Da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp.
Nên cho trẻ xét nghiệm dị ứng đạm sữa bò vào lúc nào?
Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm cần thiết khi có các dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò sau:
Dấu hiệu ở đường tiêu hóa
Có đến 50 - 60% trẻ bị dị ứng đạm có những biểu hiện rối loạn về tiêu hóa như: Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có thể lẫn máu, táo bón, nôn trớ thường xảy ra ngay khi sử dụng sữa hoặc sau khi uống vài giờ.
Ngoài ra trẻ dị ứng đạm sữa bò còn có thể bị đầy hơi, khó tiêu, sôi bụng, chướng bụng khiến trẻ ít ăn, chán ăn và thường xuyên quấy khóc.
Khi trẻ có các dấu hiệu dị ứng đạm sữa bò nên tiến hành thăm khám và xét nghiệm ngay
Dấu hiệu ngoài da
Trẻ bị dị ứng đạm có thể xuất hiện các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, phát ban, chàm sau vài phút đến một giờ sau khi trẻ uống sữa bò. Thậm chí một số bé còn bị sưng mặt và môi - dấu hiệu này thường đi kèm với các biểu hiện ở đường tiêu hóa. Các triệu chứng dị ứng đạm ngoài da xuất hiện ở khoảng 50 - 70% số trẻ bị dị ứng đạm sữa bò.
Dấu hiệu ở hô hấp
Nếu trẻ xuất hiện các triệu chứng khó thở, thở khò khè kèm theo dịch nhầy trong mũi và cổ họng sau khi dùng sữa thì có thể là cơ thể trẻ đang phản ứng với protein trong sữa. Các dấu hiệu này chiếm khoảng 20 - 30% các biểu hiện bên ngoài ở trẻ dị ứng đạm sữa và có thể xảy ra gần như ngay sau khi trẻ uống sữa bò hoặc ẩn đi và sau 1 tuần mới biểu hiện.
Ngoài ra, nếu trẻ không tăng cân, sụt cân, chậm lớn kèm các dấu hiệu như nôn mửa, tiêu chảy thì rất có thể con bạn bị dị ứng đạm sữa mà bạn không hay biết.
Dấu hiệu hô hấp bất thường chiếm 20 - 30% ở trẻ dị ứng đạm sữa bò
Các phương pháp test dị ứng đạm sữa bò phổ biến hiện nay
Để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ khai thác thông tin tiền sử và khám toàn thân thể bé. Dưới đây là một số phương pháp kiểm tra dị ứng đạm sữa bò thường được sử dụng:
Test lấy da
Test lấy da (skin prick test) là kỹ thuật cơ bản được thường chỉ định đầu tiên vì chúng được tiến hành nhanh chóng và đặc biệt chính xác trong xét nghiệm dị ứng sữa bò.
Cách thực hiện: Nhỏ 1 - 2 giọt sữa bò vào ô đã chia nhỏ trên da ở mặt trong cẳng tay của trẻ. Sau đó, dùng đầu kim tiêm chích một vết nhỏ tại ô đó. Đợi khoảng 15 - 30 phút và quan sát các biểu hiện trên da trẻ để tiến hành đánh giá.
Đọc kết quả:
- Dương tính: Trên da xuất hiện các vết mẩn ngứa, ban đỏ, xung huyết… có thể con bạn dị ứng với đạm sữa bò. Mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào độ rộng của vùng da bị kích ứng.
- Âm tính: Da trẻ không có biểu hiện phản ứng.
Nếu không có phản ứng nào mẫu test, vẫn có khả năng con bạn bị dị ứng thực phẩm. Điều này xảy ra nếu con bạn có biểu hiện chậm phản ứng sau khi ăn hay còn gọi là không dị ứng qua trung gian IgE.
Định lượng IgE đặc hiệu
Phương pháp này được áp dụng khi test lấy da không có phản ứng. Xét nghiệm máu có thể đo được nồng độ các kháng thể (IgE) trong máu của trẻ một cách cụ thể. Đây là loại kháng thể mà tất cả chúng ta đều có với nồng độ nhỏ (<100 U/ml), nhưng ở những người bị dị ứng thì IgE sản xuất ra số lượng lớn hơn nhiều.
Nồng độ IgE có thể được xác định thông qua phép đo màu và phương pháp phóng xạ miễn dịch. Xét nghiệm IgE sẽ giúp bác sĩ biết được cơ thể trẻ bị dị ứng với dị nguyên nào. Nhờ đó thuận tiện rất nhiều trong lâm sàng về chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò ở trẻ.
Định lượng IgE đặc hiệu được sử dụng khi test lấy da không có phản ứng
Test kích ứng đường miệng
Đây là phương pháp test đặc thù các phản ứng dị ứng do thực phẩm hay thức ăn gây nên. Các bác sĩ sẽ tiến hành cho trẻ dùng đạm sữa bò ngay tại cơ sở y tế để xác định tình trạng dị ứng đạm sữa của trẻ và đưa ra chẩn đoán phù hợp. Đây là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm dị ứng và được khuyến cáo không nên thực hiện tại nhà.
Test ăn kiêng
Đây là phương pháp có thể thực hiện tại nhà dưới sự theo dõi của phụ huynh. Bác sĩ sẽ khuyến nghị một chế độ ăn kiêng loại trừ để khẳng định trẻ có phản ứng với các loại thực phẩm như sữa bò, lúa mì, đậu nành hoặc trứng hay không. Bạn hãy ngừng cho bé sử dụng các sản phẩm chứa đạm sữa bò như: Bơ sữa, phomai, sữa tươi nguyên kem từ 2 - 6 tuần để đánh giá các triệu chứng dị ứng. Sau đó, mẹ có thể cho bé dùng lại lượng nhỏ thức ăn chứa thành phần đạm sữa bò và tiếp tục theo dõi tình trạng của con.
Với kết quả từ chế độ ăn loại bỏ này kết hợp khai thác tiền sử bệnh của bé, xét nghiệm máu cũng như nhật ký thực phẩm và triệu chứng, bác sĩ sẽ có nhiều cơ sở có ích hơn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Cần tuân thủ các phương án điều trị của bác sĩ đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò
Cần làm gì khi nghi ngờ trẻ bị dị ứng đạm sữa bò?
- Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán xác định.
- Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ cho trẻ dị ứng đạm sữa bò.
- Sử dụng đúng loại sữa dành cho trẻ dị ứng khi được bác sĩ chỉ định: Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và mẹ thực hiện chế độ kiêng đạm sữa bò hoặc sử dụng sữa thay thế (sữa thủy phân toàn phần, sữa thủy phân acid amin).
- Tái khám định kỳ.
Trên là một vài các phương pháp xét nghiệm phổ biến để bác sĩ đánh giá, xác định tình trạng của trẻ bị dị ứng đạm sữa bò bố mẹ có thể tham khảo. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý thao tác và thực hiện những bài test này tại nhà. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị dị ứng đạm sữa, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn và có hướng giải quyết phù hợp.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp