Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu cách sơ cứu say nắng hiệu quả

Ngày 22/05/2022
Kích thước chữ

Cách sơ cứu say nắng sao cho an toàn, nhanh chóng là một kỹ năng ai trong số chúng ta cũng nên biết, đặc biệt vào những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt. Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bạn nhé!

Biết cách sơ cứu say nắng đúng, chúng ta có thể góp phần rất lớn vào việc đảm bảo an toàn cho nạn nhân. Ngược lại, việc sơ cứu không kịp thời hoặc sai cách có thể khiến cho tình trạng bệnh nhân diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn.

Say nắng là gì?

Say nắng hay sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao kèm theo mất nước đột ngột cùng với sự rối loạn chức năng điều hòa thân nhiệt của hệ thống thần kinh trung ương do chịu sự tác động của ánh nắng gay gắt.

Tìm hiểu cách sơ cứu say nắng hiệu quả 1 Sơ nắng là tai nạn hay gặp trong cuộc sống thường ngày

Ai dễ bị say nắng?

Vào mùa hè, khoảng thời gian từ 10 giờ sáng tới 16 giờ chiều, nhiệt độ bên ngoài trời có thể tăng tới 38 - 40 độ C. Tại thời điểm này ánh sáng mặt trời chứa nhiều các tia tử ngoại có hại tác động vào khu vực đầu, cổ, gáy, vai trong thời gian lâu dài sẽ gây chấn động tới trung tầm điều hòa thân nhiệt. Ngoài ra còn một số yếu tố khác như:

  • Trẻ em, người già có khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể và thích nghi kém với ánh nắng nóng.
  • Tập luyện, làm việc ở môi trường nắng nóng trong một thời gian dài.
  • Mặc quần áo không phù hợp (quá dày, không thấm nước, hấp thụ nhiệt…).
  • Không bù nước và muối đầy đủ khi tiếp xúc lâu dài với nắng nóng.
  • Đang có sử dụng một số các loại thuốc gây giảm bài tiết mồ hôi: Lợi tiểu, kháng cholinergic, kháng histamin, ethanol…
  • Bệnh nhân đang có một số tình trạng bệnh lý khác nhau như: Rối loạn nội tiết tố, béo phì

Biểu hiệu, triệu chứng của say nắng

Các dấu hiệu nhẹ ban đầu của các trường hợp say nắng:

  • Nhịp tim, nhịp thở nhanh.
  • Da đỏ ửng.
  • Có hoặc không có tình trạng vã mồ hôi.
  • Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.
  • Lưu ý : Các dấu hiệu ở người già thường kín đáo, không đặc hiệu tại giai đoạn sớm.
Tìm hiểu cách sơ cứu say nắng hiệu quả 2 Biểu hiện tình trạng say nắng

Các biểu hiện, triệu chứng nặng hơn nếu như bệnh nhân không được sơ cứu say nắng kịp thời bao gồm: Tụt huyết áp, rối loạn các chức năng của hệ thần kinh như: Thay đổi tri giác, dễ kích động, co giật mê sảng, lú lẫn và hôn mê.

Nặng hơn nữa, khi thân nhiệt của bệnh nhân đã tăng quá cao có thể gây mất điện giải, rối loạn thăng bằng nội môi, xuất huyết. Tồi tệ nhất có thể dẫn tới tử vong.

Sơ cứu say nắng đúng cách

Khi phát hiện những người có dấu hiệu nghi ngờ đã nêu trên, hãy lập tức tiến hành sơ cứu say nắng. Quy trình sơ cứu say nắng được tiến hành như sau:

  • Bước 1: Lập tức gọi xe cứu thương. Kiểm tra tình trạng ý thức của nạn nhân.
  • Bước 2: Nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực thoáng mát, tránh xa những nơi nóng bức.
  • Bước 3: Kiểm tra mạch và nhịp thở của nạn nhân, nếu có dấu hiệu bất thường thì cần tiến hành kỹ thuật hồi sức tim phổi theo trình tự CAB như sau:

C (Circulation): Ép tim ngoài lồng ngực: Vị trí ép tim sẽ nằm ở ½ dưới của xương ức. Với người trưởng thành, chúng ta đặt tay thuận lên trước sau đó đặt bàn tay còn lại đan xen các ngón lên bên trên. Với trẻ em từ 1 tới 8 tuổi thì ta chỉ nên ép bằng một tay thuận. Thực hiện ép tim với độ lún tối đa phải đạt từ ⅓ tới ½ độ dày lồng ngực (khoảng 4 - 5cm ở người trưởng thành) đủ để sờ thấy mạch khi ép xuống. Tần số ép tim phải đạt 100 đến 120 lần trên một phút. Phương châm khi thực hiện động tác ép tim là: "Ép thật nhanh, thật mạnh, không được gián đoạn và phải để lồng ngực phồng lên hết cỡ sau mỗi lần ép xuống”.

A (Airway): Kiểm soát đường thở: Đặt nạn nhân nằm tại khu vực có nền phẳng và cứng. Đặt ngửa đầu và ưỡn cổ nạn nhân. Thực hiện động tác kéo hàm dưới đồng thời nâng cằm. Trong trường hợp nghi ngờ nạn nhân có chấn thương ở cổ thì chỉ nâng hàm dưới, hạn chế di động cổ bệnh nhân.

Móc và loại bỏ các dị vật nằm trong miệng của nạn nhân. Tháo và loại bỏ răng giả trong trường hợp nạn nhân có sử dụng.

B (Breathing): Hà hơi thổi ngạt: Bịt mũi nạn nhân đồng thời hít một hơi thật sâu sau đó thổi toàn bộ lượng khí đó qua miệng của bệnh nhân. Với trẻ em, chúng ta thực hiện thổi ngạt qua cả mũi và miệng cùng một lúc. Thực hiện động tác thổi ngạt phải đủ mạnh khiến ta nhìn thấy được ngực bệnh nhân căng phồng lên. Lưu ý: Chu kỳ ép tim/thổi ngạt phải được thực hiện theo tỷ lệ 30/2.

  • Bước 4: Ngay lập tức áp dụng các biện pháp giúp làm mát và hạ nhiệt độ cơ thể: Cởi bỏ quần áo rồi chườm nước ấm lên người nạn nhân. Sau đó dùng quạt để có thể đẩy nhanh quá trình bốc hơi. Nạn nhân nên được nằm nghiêng hoặc ngồi đỡ ở tư thế tay chống vào đầu gối để giúp da tiếp xúc với nhiều gió nhất có thể.
  • Bước 5: Đắp khăn lạnh hoặc sử dụng gói nước đá để áp vào khu vực cổ, bẹn và nách.
  • Bước 6: Cho bệnh nhân uống thật nhiều nước hoặc dung dịch bù điện giải nếu họ tỉnh táo và có thể uống được.
  • Bước 7: Liên tục thực hiện các biện pháp làm mát cơ thể đồng thời theo dõi thể trạng nạn nhân cho tới khi xe cứu thương tới.

Đặc biệt lưu ý: “Thời điểm vàng” để cấp cứu là khoảng thời gian 1 tiếng đồng hồ sau khi người bệnh bị say nắng ở mức độ nặng. Bởi vì nếu tiến hành cấp cứu trong khoảng thời gian này thì độ hiệu quả sẽ gần như đạt 100%. Ngược lại, nếu tiến hành cấp cứu chậm, làm mát cho nạn nhân trong 3 tiếng sau khi đột quỵ não do nóng thì 100% bệnh nhân sẽ bị tử vong. Chính vì thế, phải hết sức chú ý đến việc sơ cứu say nắng ban đầu tại hiện trường. Bằng mọi giá, mọi biện pháp buộc phải nhanh chóng hạ thấp nhiệt độ cơ thể nạn nhân trong “thời điểm vàng”.

Tìm hiểu cách sơ cứu say nắng hiệu quả 3 Lập tức cởi bỏ trang phục nạn nhân khi sơ cứu say nắng

Các biện pháp phòng tránh say nắng

  • Khi ra ngoài lúc thời tiết nắng nóng, bạn nên che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ, sáng màu và đội mũ có vành rộng đồng thời hãy cố gắng thoa kem chống nắng giúp bảo vệ da.
  • Khi trời nắng nóng, bạn nên thường xuyên bổ sung đầy đủ nước, tốt nhất là uống các loại nước có khả năng bù cả điện giải. Hãy uống ngay cả khi không cảm thấy khát.
  • Không lao động, làm việc quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, tránh những hoạt động thể lực gây quá sức. Nên nghỉ ngơi sau mỗi 45 phút tới 1 tiếng làm việc liên tục dưới ánh nắng nóng. Hãy nghỉ ngơi tại những nơi thoáng mát từ 10 đến 15 phút.
  • Khi vừa từ ngoài trời nắng về là thời điểm cơ thể tiết ra rất nhiều mồ hôi, thân nhiệt đang cao, hãy nghỉ ngơi khô ráo mồ hôi rồi mới tắm rửa. Nếu tắm luôn sẽ khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột, có thể dẫn đến đột quỵ. 
  • Tuyệt đối không được để trẻ con hoặc bất cứ ai trong xe hơi dừng đỗ, tắt máy, khi thời tiết nắng nóng kể cả chỉ trong thời gian ngắn. Bởi lẽ, nhiệt độ trong ô tô có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong vòng có 10 phút.
Tìm hiểu cách sơ cứu say nắng hiệu quả 4 Tốt nhất nên chủ động các biện pháp chống nắng, chống nóng

Vậy qua bài viết trên, hi vọng các bạn đã biết được cách sơ cứu say nắng đúng cách và đồng thời có cho mình những biện pháp giúp phòng tránh các tai nạn này.

Ánh Vũ 

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.