Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Say nắng ngày hè và cách sơ cứu nhanh

Ngày 24/04/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.

Khi bị say nắng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... mà say nắng say nóng còn có khả năng dẫn đến khả năng đột quỵ. Vậy có những cách sơ cứu nhanh tình trạng này?

Say nắng ngày hè là gì?

Say nắng - say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C, thường kèm theo đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương cơ quan đích cùng với tổn thương thần kinh. Điều đặc biệt phân biệt về mặt cơ chế giữa say nắng say nóng và các thể rối loạn thân nhiệt khác là trung tâm điều nhiệt mất kiểm soát hoàn toàn.

Say nắng được chia thành 2 loại: say nắng - say nóng kinh điển và say nắng - say nóng do gắng sức. Hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng lâm sàng giống nhau.

Say nắng - say nóng kinh điển gặp do tiếp xúc với môi trường nóng bên ngoài và dẫn tới nhiệt độ trung tâm tăng trên 40 độ C. Bệnh có thể diễn tiến chậm trong vài ngày sau đó dẫn tới rối loạn ý thức trong khi say nắng - say nóng do gắng sức gặp ở các vận động viên, hoặc người trẻ vận động quá mức nên triệu chứng xuất hiện nhanh trong vài giờ và nhiệt độ môi trường ngoài không cần phải quá cao.

Say nắng ngày hè và cách sơ cứu nhanh 1Say nắng - say nóng kinh điển gặp do tiếp xúc với môi trường nóng bên ngoài

Dấu hiệu nhận biết khi bị say nắng

Có hai đặc điểm chính tăng thân nhiệt và triệu chứng thần kinh trung ương. Triệu chứng điển hình là tăng thân nhiệt > 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột tới 80% các trường hợp. Triệu chứng có thể kín đáo gồm giảm khả năng đánh giá, cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật.

Bệnh nhân có thể vã mồ hôi, mặc dù không ra mồ hôi là triệu chứng phổ biến thường xuất hiện ở giai đoạn muộn.

Khám thực thể: thông thường, hầu hết bệnh nhân đều có dấu hiệu tăng thân nhiệt mà kèm theo dấu hiệu thần kinh trung ương và tiền sử tiếp xúc đều có thể nghĩ tới say nắng và cần điều trị ngay.

Nhiệt độ thường quá 41 độ C nhưng cũng có thể bình thường hoặc tăng nhẹ nếu hạ thân nhiệt xảy ra trước khi tới viện.

Bệnh nhân có thể có triệu chứng tuần hoàn như mạch nhanh, tăng thông khí, tăng huyết áp, giảm huyết áp tâm trương, giảm sức cản mạch hệ thống. Có thể có loạn nhịp nhanh đáp ứng với chuyển nhịp.

Suy chức năng hệ thần kinh trung ương như co giật, hôn mê, sảng, ảo giác, duỗi cứng, suy chức năng tiểu não, co hoặc giãn đồng tử; rối loạn đông máu hoặc xuất huyết kết mạc, ỉa ra máu, đái máu và chảy máu não.

Da ấm khô hoặc vã mồ hôi đầm đìa. Bí mồ hôi chỉ xuất hiện trong giai đoạn muộn và hay gặp hơn ở say nắng thể kinh điển. Thở nhanh, kiềm máu, thở bù khi có suy hô hấp cấp. Đái máu, thiểu niệu, vô niệu, dẫn đến suy thận cấp.

Say nắng ngày hè và cách sơ cứu nhanh 2Người bị say nắng có dấu hiệu vã mồ hôi, tim đập nhanh, thở nhanh, choáng

Lưu ý, say nắng có thể không có cứng cơ nhưng có thể xuất hiện tình trạng chuột rút cơ.

Cách xử trí người bị say nắng

Sơ cứu ban đầu khi gặp người bị say nắng

Khi bắt gặp người nào đó bị say nắng, bạn cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp sơ cứu ngay lập tức cho nạn nhân khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế:

Hãy cố gắng giảm thân nhiệt cho người bệnh.

Chuyển ngay người mắc vào chỗ mát, thoáng gió, cố gắng cởi bỏ bớt quần áo ngoài, bó và cho uống nước mát có pha muối. Sau đó, tiến hành chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ. Việc tiến hành giúp bệnh nhân hạ nhiệt là vô cùng quan trọng và bức thiết.

Say nắng ngày hè và cách sơ cứu nhanh 3Chườm mát để hạ thân nhiệt cho người bị say nắng ngay lập tức

Nếu nạn nhân lúc này bị hôn mê nên không uống được nước hoặc nếu tỉnh sẽ nôn và sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng khác như đau bụng, đau ngực, khó thở. Lúc này bạn phải phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, trong quá trình di chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho người bệnh.

Tại các trung tâm y tế, người bệnh sẽ được truyền bù nước và điện giải cũng như các biện pháp hỗ trợ khác. Trong trường hợp bị sốt cao, bác sĩ có thể dùng paracetamol để hỗ trợ hạ sốt. Nếu có biểu hiện co giật thì phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân. Còn trường hợp nạn nhân rơi vào hôn mê có thể phải đặt ống nội khí quản cho thở máy.

Xử trí tại khoa cấp cứu

Tất cả bệnh nhân say nắng say nóng đều bắt buộc cho vào bệnh viện theo dõi.

Nhanh chóng ổn định đường thở, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Thở oxy và truyền dịch tinh thể khi đã cởi bỏ quần áo và đo được nhiệt độ trung tâm.

Sử dụng các biện pháp làm mát tích cực để hạn chế các tổn thương đích. Lý tưởng là giảm nhiệt độ 0,2 độ C/phút. Nên dừng khi nhiệt độ là 38 độ.

Làm mát bằng bay hơi an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện, thích nghi tốt: cởi bỏ quần áo bệnh nhân lau bằng nước ấm sau đó dùng quạt thổi hoặc dùng hơi nước mát 15 độ C sau đó thổi bằng hơn ấm 45 độ C.

Dùng nước đá hoặc nhúng bệnh nhân vào bể lạnh. Mặc dù phương pháp này có hiệu quả nhanh nhưng có nhiều biến chứng như gây co mạch ngoại biên, shunt máu, run. Ngoài ra còn gây khó chịu cho bệnh nhân và dễ gây hạ nhiệt độ quá mức.

Thanh Hoa

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Mùa hè