Dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng cơ thể trẻ phản ứng miễn dịch với thành phần đạm trong sữa bò cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò. Trên thực tế, đây là tình trạng dị ứng chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các loại dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ thường gặp phải.
Thực phẩm cần kiêng cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
Trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Đối với trẻ bú mẹ: Với trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn, không trực tiếp sử dụng sữa bò nhưng vẫn bị dị ứng đạm sữa bò có thể là do lượng đạm được truyền cho bé qua đường sữa mẹ. Khi đó, mẹ sẽ được bác sĩ tư vấn chế độ ăn loại bỏ đạm sữa bò (sữa tươi, sữa đặc, phô mai…) có hoặc không kèm theo việc loại bỏ trứng và đậu nành. Ngoài ra, cần bổ sung canxi và vitamin D đầy đủ khi mẹ thực hiện chế độ ăn này.
- Đối với trẻ dùng sữa công thức: Với trẻ không may mắn có sữa mẹ, nên tránh sử dụng các loại sữa công thức thông thường, sữa thủy phân một phần hoặc được thủy phân. Không tùy tiện lựa chọn sữa mà tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có được sự tư vấn và lựa chọn loại sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh.
Trẻ dưới 6 tháng tuổi tốt nhất nên cho bú bằng sữa mẹ
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Ở độ tuổi này, ngoài sữa trẻ bắt đầu được ăn bổ sung. Bố mẹ nên chọn thức ăn bổ sung theo nguyên tắc “dị ứng món gì thì tránh món đó”. Trẻ cần kiêng các chế phẩm và thực phẩm có chứa thành phần từ sữa bò. Cụ thể:
- Bơ sữa, bơ thực vật.
- Phô mai, bao gồm cả phô mai làm từ gạo và đậu nành vì chúng có thể chứa đạm casein - một chế phẩm từ sữa.
- Sữa nguyên kem, váng sữa.
- Kem tươi và các loại kem phết lên bánh.
- Kem lạnh, kem siro và kem sữa chua.
- Sữa đặc có đường, sữa đặc không đường, bột sữa, sữa dê, sữa ít béo, sữa tách béo…
- Thức ăn dặm, bột ăn dặm, bánh ăn dặm chứa thành phần có nguồn gốc sữa bò, sữa tươi.
- Các món tráng miệng và một số thực phẩm thường được thêm sữa hoặc nấu với sữa: Bánh quy, bánh bông lan, bánh muffins, bánh nướng, bánh custard, các loại Pudding, socola, các loại kẹo có bột sữa, pizza, các loại súp…
- Thịt và các món có thịt: Các loại thịt hoặc thực phẩm chế biến sẵn có đạm casein như: Xúc xích, thịt nguội, pate, cá ngừ đóng hộp…
- Các món tinh bột: Bánh pancakes, bánh mì sandwich, bánh tổ ong, ngũ cốc…
- Các loại đồ uống, nước giải khát: Trà sữa, cafe sữa, các loại nước xay có chứa sữa đặc, bột sữa…
- Một số loại thuốc: Thuốc dùng để điều trị bệnh hen suyễn, vitamin và thuốc viên có chứa đường sữa.
Trẻ dị ứng đạm sữa bò nên chú ý lựa chọn thực phẩm thích hợp
Khi chọn thực phẩm cho trẻ dị ứng đạm sữa bò, bố mẹ phải luôn quan tâm tới thành phần bằng cách đọc nhãn sản phẩm. Tuyệt đối không được thêm các nguyên liệu chứa sữa bò khi chế biến thức ăn cho trẻ. Một số trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể dị ứng thịt bò nên cần thận trọng khi cho trẻ ăn loại thịt này.
Các loại sữa công thức trẻ dị ứng đạm sữa bò nên tránh
- Sữa công thức có nguồn gốc từ sữa dê, sữa cừu hay sữa từ bất cứ động vật nào cũng có chứa đạm tương tự trong sữa bò. Vì vậy chúng không được khuyên dùng cho trẻ dị ứng với đạm sữa bò.
- Trẻ dị ứng đạm sữa bò có khả năng cũng dị ứng với sữa công thức chứa đạm đậu nành. Mặt khác, loại sữa này khuyến cáo không được dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi (vì thành phần chứa protein thực vật gây hạn chế hấp thu khoáng chất và yếu tố vi lượng).
- Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cũng không nên sử dụng sữa công thức đạm thủy phân. Nguyên nhân là vì chúng vẫn tồn đọng một lượng lớn chất gây dị ứng và có khả năng cao gây phản ứng trên trẻ bị dị ứng sữa bò.
Ngoài ra, sữa gạo, sữa đậu nành và sữa bột yến mạch chế biến sẵn không chứa đầy đủ dưỡng chất. Do đó, không nên cho trẻ nhỏ sử dụng những loại sữa và thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ này.
Trẻ dị ứng đạm sữa bò nên lựa chọn sữa thích hợp
Lưu ý khi chọn sữa cho trẻ dị ứng đạm sữa bò
Dưới đây là một số lưu ý lựa chọn sữa cho bé bị dị ứng đạm sữa bò mà các mẹ có thể tham khảo:
- Để đảm bảo an toàn cho trẻ dị ứng đạm sữa bò, ưu tiên chọn sữa chứa protein đã bị thủy phân hoàn toàn hoặc sữa acid amin.
- Chọn sữa chứa các thành phần đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ. Trong đó các chất béo, chất đường bột, vitamin, canxi (tối thiểu 90mg/100kcal), kali (tối thiểu 80mg/100kcal), natri (từ 20 - 85mg/100kcal), kẽm (tối thiểu 0,5mg/100kcal)… là những thành phần không thể thiếu trong sữa dành cho trẻ.
- Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thường có niêm mạc ruột bị tổn thương nên hay gặp tình trạng tiêu chảy, phân nhầy ra máu hay táo bón. Các mẹ nên lựa chọn các loại sữa có bổ sung lợi khuẩn để hỗ trợ tiêu hóa. Đồng thời, sau thời gian 1 - 2 tuần sử dụng còn giúp rút ngắn thời gian hồi phục niêm mạc ruột ở trẻ.
- Thông thường, tình trạng dị ứng đạm sữa bò hầu như sẽ hỏi hoàn toàn khi trẻ được 3 tuổi. Các sản phẩm sữa cho trẻ dị ứng đạm sữa bò cũng cần lựa chọn phù hợp với độ tuổi của bé.
- Sữa cho trẻ dị ứng đạm sữa bò thường là sữa thủy phân protein có giá cả cao hơn các loại sữa công thức thông thường. Bố mẹ nên tham khảo trước mức giá từng loại và đưa ra lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
- Không có nhãn hiệu sữa nào là tốt nhất cho tất cả trẻ dị ứng đạm bò. Bạn có thể tham khảo và lựa chọn một trong số các thương hiệu nổi tiếng như: Sữa bột Nutren Junior Nestlé, Meiji, Mead Johnson, Abbott… để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa an toàn cho trẻ.
Nên chọn sữa chứa protein đã bị thủy phân hoàn toàn hoặc sữa acid amin
Hệ tiêu hóa của còn non nớt, chưa hoàn thiện về cấu tạo và chức năng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị mắc chứng dị ứng đạm sữa bò. Biện pháp tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng là đảm bảo hoàn toàn không sử dụng các protein từ sữa bò trong thực phẩm dùng cho trẻ. Nếu cần những lời khuyên về dinh dưỡng và chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò, bạn hãy đưa bé đi thăm khám bác sĩ nhi khoa để được tư vấn.
Minh QA
Nguồn: Tổng hợp