Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về loại dị ứng nguy hiểm: Dị ứng thuốc mê

Ngày 07/09/2022
Kích thước chữ

Thuốc mê là loại thuốc được sử dụng phổ biến trong phẫu thuật hoặc trong các thủ thuật can thiệp khác. Tuy nhiên, ít ai biết loại thuốc này có thể gây dị ứng. Vậy cụ thể, dị ứng thuốc mê là như thế nào? Có nguy hiểm không?

Mặc dù khá hiếm gặp, khoảng 10.000 người mới có 1 người bị dị ứng với thuốc mê nhưng tình trạng dị ứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu kỹ về tình trạng dị ứng thuốc mê cũng như các tác dụng phụ mà thuốc có thể để lại để từ đó có những can thiệp và điều trị kịp thời khi cần thiết. 

Tìm hiểu về thuốc mê

Dị ứng nguy hiểm: Dị ứng thuốc mê1
Dị ứng thuốc mê là dị ứng hiếm gặp

Thuốc mê là loại thuốc mà khi đưa vào cơ thể sẽ khiến ta bị mất ý thức tạm thời nhưng vẫn sẽ duy trì các chức năng cần thiết như hô hấp, bài tiết, tuần hoàn,... Khi sử dụng thuốc mê cần cẩn trọng và sử dụng đúng liều lượng và đúng cách, sử dụng thuốc mê với liều lượng quá thấp sẽ không thể gây mê người bệnh, còn nếu như dùng với liều lượng quá cao thì người bệnh có thể sẽ bị nhiễm độc. 

Thuốc gây mê gồm 2 loại là thuốc gây mê qua đường hô hấp và thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch. Đến nay, cơ chế hoạt động của thuốc gây mê chưa được biết đến một cách rõ ràng. Thuốc gây mê qua đường hô hấp là chất gây mê toàn thân hoàn toàn, sau khi hít thuốc mê, thuốc sẽ gây nên tác dụng từ an thần đến gây mê toàn thân, liều càng cao thì mức độ gây mê càng sâu. Còn loại thuốc gây mê qua đường tĩnh mạch được sử dụng qua đường tĩnh mạch kết hợp với thuốc bổ trợ trong quá trình gây mê toàn thân.

Các hoạt động của thuốc mê khi sử dụng cho người bệnh bao gồm:

  • Mất ý thức;
  • Mất trí nhớ;
  • Giảm đau;
  • Bất động;
  • Mất cảm giác, mất tri giác.

Triệu chứng của dị ứng thuốc mê

Dị ứng nguy hiểm: Dị ứng thuốc mê2
Dị ứng thuốc mê có thể dẫn đến sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng 

Phản ứng dị ứng trong quá trình gây mê thường là do các loại thuốc chứa chất ức chế thần kinh cơ (NMBA) gây nên. Tuy nhiên, các loại thuốc khác được sử dụng trong quá trình này cũng có thể gây nên dị ứng cho bạn, bao gồm cả thuốc kháng sinh và thuốc chlorhexidine sát trùng. Đa phần các phản ứng dị ứng sẽ xảy ra trong quá trình gây mê toàn thân. Tùy theo mức độ từ nhẹ đến trung bình, dị ứng thuốc mê sẽ gây một vài các triệu chứng sau:

  • Phát ban, nổi mề đay, ngứa da, viêm da tiếp xúc;
  • Bị sưng phù toàn bộ khuôn mặt hoặc ở môi và đặc biệt là vùng xung quanh mắt;
  • Khó thở (ở mức độ nhẹ);
  • Ho;
  • Tụt huyết áp nhẹ.

Trong một số trường hợp, dị ứng thuốc mê có thể dẫn đến sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Lúc này, người bệnh sẽ cần đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để kịp thời can thiệp điều trị. Triệu chứng của sốc phản vệ sẽ bao gồm:

  • Khó thở trầm trọng do bị tắc đường thở;
  • Huyết áp tụt nghiêm trọng;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Chóng mặt;
  • Sốc;
  • Suy hô hấp;
  • Tim ngừng đập.

Tác dụng phụ của thuốc gây mê

Ngoài tình trạng dị ứng, thuốc gây mê còn gây nên một vài tác dụng phụ bạn nên lưu tâm chú ý. Tác dụng phụ của thuốc gây mê khá giống với các triệu chứng của dị ứng nên rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Cụ thể, tác dụng phụ của thuốc gây mê bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn;
  • Đau cơ;
  • Ngứa;
  • Có dấu hiệu hạ thân nhiệt;
  • Khó tiểu sau phẫu thuật;
  • Lú lẫn nhẹ.

Ngoài ra, tác dụng phụ nghiêm trọng nhất mà thuốc gây mê gây ra đó chính là mê sảng sau phẫu thuật. Người bệnh khi rơi vào tình trạng này sẽ bị mất phương hướng, lú lẫn nhẹ và hành xử lạ lùng trong nhiều ngày sau khi tiến hành xong phẫu thuật.

Phản ứng không dị ứng của thuốc gây mê

Phản ứng bất thường nhưng không phải do dị ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc mê gây ra được gọi là phản ứng không dị ứng của thuốc gây mê. Tăng thân nhiệt ác tính và thiếu hụt pseudocholinesterase là hai phản ứng không dị ứng thường gặp nhất.

  • Tăng thân nhiệt ác tính: Đây là phản ứng mang tính di truyền. Khi phản ứng này xảy ra nhiệt độ cơ thể của người bệnh sẽ tăng cao, gây nên các cơn co thắt cơ nghiêm trọng. Một vài triệu chứng bao gồm: sốt cao tới 45 độ, đau cơ co thắt, khó thở, nước tiểu màu nâu, tụt huyết áp, lú lẫn, mê sảng, suy thận,...
  • Thiếu hụt pseudocholinesterase: Các cơ trong cơ thể sẽ thư giãn lâu hơn bình thường khi bị thiếu hụt men pseudocholinesterase. Tình trạng tê liệt các cơ xảy ra sẽ khiến cho người bệnh không thể tự thở.

Cách giảm nguy cơ bị dị ứng thuốc mê

Dị ứng nguy hiểm: Dị ứng thuốc mê3
Thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng của bạn 

Chúng ta không thể thay đổi cách cơ thể phản ứng với một số loại thuốc, tuy nhiên chúng ta có thể hạn chế và giảm thiểu nguy cơ gặp phản ứng hoặc tác dụng phụ của nhóm thuốc mê.

Cần cho bác sĩ biết tình trạng của bạn nếu:

  • Bạn dị ứng với bất kỳ loại thuốc, thành phần của thuốc, thực phẩm nào.
  • Phản ứng dị ứng từng gặp khi sử dụng thuốc gây mê.
  • Tác dụng phụ bạn đã gặp khi sử dụng thuốc gây mê.
  • Tiền sử thành viên trong gia đình bị tăng thân nhiệt ác tính hoặc thiếu hụt chất pseudocholinesterase.

Khi cần thiết hãy tìm đến các cơ sở uy tín để tiến hành quá trình gây mê. Các bác sĩ sẽ nhận biết được các dấu hiệu của phản ứng tiềm ẩn và tác dụng phụ của thuốc, từ đó sẽ có phương án xử lý kịp thời nếu như có tai biến xảy ra.

Trên đây là một vài thông tin về dị ứng thuốc mê mà nhà thuốc Long Châu tổng hợp đến bạn đọc. Mong rằng bạn đã có thêm cho mình những thông tin sức khỏe thật bổ ích. 

Phương Thảo

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin