Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiệt miệng ở lưỡi

Ngày 17/01/2023
Kích thước chữ

Nhiệt miệng ở lưỡi bao gồm triệu chứng là chấm loét nông, tròn, có màu trắng hoặc ngà có viền đỏ, đường kính vài milimet và hay gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh. Những vết loét lớn hơn cùng với hình dạng không xác định có thể gây ra nhiều đau đớn và lâu khỏi bệnh.

Nhiệt miệng ở lưỡi là một căn bệnh lý thường gặp, với triệu chứng nổi bật là vết loét nhỏ có đường kính nhỏ hơn 1cm và nông. Tuy bệnh này lành tính nhưng lại gây ra cảm giác đau rát, khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này qua bài viết dưới đây nhé.

Nhiệt miệng ở lưỡi là gì?

Nhiệt miệng ở lưỡi là hiện tượng viêm loét niêm mạc miệng thường gặp, nổi bật bởi các vết loét gây ra cảm giác đau đớn và tái phát thường xuyên. Các vết loét thường có dạng hình tròn, lành tính, không lây và có thể xuất hiện ở dạng đơn lẻ hoặc từng nhóm. Đa số các trường hợp bị bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày.

Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiệt miệng ở lưỡi 1 Nhiệt miệng ở lưỡi đem lại cảm giác đau rát và khó chịu cho người bệnh

Nhiệt miệng ở lưỡi xảy ra là do kết quả của rối loạn chức năng miễn dịch qua trung gian tế bào T và sự phá hủy của biểu mô niêm mạc qua trung gian bạch cầu trung tính và tế bào mast. Tổn thương xuất hiện có thể gây ra sự thay đổi của các chất chuyển hóa trung gian trong tế bào, như gia tăng interferon gamma, các nhân tố hoại tử và phân tử kết dính giữa các tế bào biểu mô. Quá trình viêm này sẽ tạo ra một màng giả có chứa dịch tiết dạng sợi, vi khuẩn, tế bào tiêm và tế bào niêm mạc bị hoại tử.

Nhiệt miệng ở lưỡi xảy ra ở trên niêm mạc miệng không sừng hóa như dọc theo theo bề mặt môi hay miệng, sàn miệng, khẩu cái mềm, mặt bụng hoặc hạch amidan, nướu răng ở hàm trên hoặc hàm dưới, mặt bên của lưỡi. Ngược lại, các vết loét do virus Herpes simplex (HSV) có liên quan đến các bề mặt niêm mạc bị sừng hóa như mặt lưng của lưỡi và lợi, môi và khẩu cái cứng.

Nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiệt miệng ở lưỡi

Cho đến hiện nay, nguyên nhân khiến cho người bệnh gặp phải tình trạng nhiệt miệng ở lưỡi vẫn chưa được giải thích rõ ràng, đa số là vô căn và đa yếu tố, có khả năng liên quan đến việc kích thích hệ thống miễn dịch qua trung gian tế bào. Nhiệt miệng ở lưỡi không phải là một căn bệnh nhiễm trùng cấp tính, vì vậy người bệnh không cần phải lo bị lây truyền từ người này sang người khác.

Ngoài ra, có một số nguyên nhân khác có thể khiến bạn dễ bị mắc bệnh nhiệt miệng ở lưỡi như:

  • Chấn thương tại chỗ ( tự cắn vào lưỡi).
  • Gặp căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc sinh lý.
  • Có vấn đề về kinh nguyệt.
  • Ăn đồ ăn quá nóng.
  • Dị ứng với thành phần như Natri lauryl sulfat có ở trong kem đánh răng và các sản phẩm vệ sinh răng miệng hoặc một số thực phẩm như dứa, sung, quế, pho mát, cam quýt,...
  • Tiếp xúc trực tiếp với độc tố (nitrat trong nước uống).
  • Mắc một số bệnh lý gây kém hấp thu như bệnh Celiac, bệnh đường ruột,...
  • Có khoảng 20% trường hợp bị nhiệt miệng ở lưỡi có liên quan đến việc thiếu hụt vi chất như vitamin B6, vitamin B12, vitamin D, sắt, folate, kẽm hoặc thiamine,...
  • Xuất hiện những thay đổi ở trong hệ vi sinh vật miệng.
  • Nhiệt miệng ở lưỡi sẽ ít xảy ra hơn đối với những người thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch. Có nhiều nghiên cứu cho thấy căn bệnh này ít xuất hiện ở những người hay hút thuốc lá, nhưng những người này lại có nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng nặng nề hơn như ung thư vòm họng.

Tuy nguyên nhân gây ra bệnh nhiệt miệng ở lưỡi vẫn chưa được xác định rõ ràng nhưng vẫn có nhiều cách để chữa bệnh hiệu quả nhằm xoa dịu những cơn đau do các vết loét gây ra.

Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiệt miệng ở lưỡi 2 Vệ sinh răng miệng không sạch là nguyên nhân gây ra nhiệt miệng ở lưỡi

Nhận biết dấu hiệu nhiệt miệng ở lưỡi

Khi bạn bị nhiệt miệng ở lưỡi, dấu hiệu rõ ràng nhất chính là miệng bị nóng rát 1 - 2 ngày trước khi bắt đầu loét. Một số triệu chứng bị bệnh phổ biến bao gồm:

  • Xuất hiện một hoặc nhiều vết loét đau tại lưỡi. Các vết loét là những tổn thương hoại tử trung tâm bao quanh bởi dịch tiết màu xám, có dạng sợi và ở ngoài cùng là một quầng ban đỏ.
  • Có cảm giác bị bỏng rát hoặc ngứa ran.
  • Bệnh thường không đi kèm với nổi hạch, sốt, nhức đầu, phát ban. Nếu như thấy bản thân có những triệu chứng trên thì cần phải tìm nguyên nhân khác.

Ngoài ra, các chẩn đoán phân biệt bao gồm:

  • Ung thư lưỡi;
  • Viêm da tiếp xúc;
  • Bệnh lichen phẳng;
  • Tổn thương do thuốc gây ra;
  • Nhiễm Herpes simplex;
  • Lupus ban đỏ hệ thống.

Hướng dẫn cách trị nhiệt miệng ở lưỡi

Đa số các trường hợp bị bệnh nhiệt miệng ở lưỡi là mức độ nhẹ, bệnh sẽ tự lành sau 7 - 14 ngày và không để lại sẹo. Mục tiêu của việc điều trị bệnh là giảm đau và phòng ngừa bệnh tái phát. Có nhiều cách để chữa bệnh này nhanh và hiệu quả, bao gồm:

  • Sử dụng nước muối sinh lý hoặc các loại dung dịch nước súc miệng có chứa Dexamethasone, Chlorhexidine, Hydrogen peroxide để súc miệng.
  • Sử dụng thuốc gây tê tại chỗ như Benzocain.
  • Thuốc kháng viêm tại chỗ như Fluocinonide, Beclomethasone hoặc Hydrocortisone hemisuccinate. Các chất chống viêm tại chỗ là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất, giúp làm suy giảm nhanh chóng các triệu chứng, làm lành các vết loét nhanh hơn và làm giảm tỷ lệ tái phát bệnh. Có thể sử dụng thuốc kháng viêm không steroid hoặc Acetaminophen đường để uống hoặc đường tĩnh mạch để làm giảm đau khi cần.
  • Thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân là cách được sử dụng phổ biến vì một số nhân tố lây nhiễm chưa được phát hiện có thể gây ra nhiệt lưỡi. Tetracyclin và Minocycline là những loại thuốc được sử dụng nhiều nhất, có thể giúp làm giảm đau và giảm thời gian bị loét.
  • Nếu như bạn bị lở loét do thiếu hụt các chất dinh dưỡng thì bạn cần bổ sung vitamin hoặc vi chất thiếu hụt như vitamin B6, vitamin B12, sắt, folic, kẽm,...
  • Đối với các trường hợp bị vết loét nặng, bác sĩ có thể đề nghị cắt đốt vết loét. Phương pháp này có thể khử trùng vết loét giúp làm giảm cơn đau và đẩy nhanh tốc độ phục hồi vết loét.
  • Chườm túi đá hoặc đá viên lên vùng bị nhiệt.
  • Hạn chế ăn một số loại thức ăn khi bị nhiệt lưỡi như trái cây có chứa nhiều acid (cam, quýt, bưởi...); cà phê, thực phẩm cay nóng; thức ăn quá cứng.

Cách ngăn ngừa bệnh nhiệt miệng ở lưỡi xuất hiện

Để đảm bảo bệnh nhiệt miệng ở lưỡi ít khi xảy ra, bạn nên lưu ý một số điều sau:

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên và sạch sẽ.
  • Có chế độ nghỉ ngơi tốt, hạn chế căng thẳng lâu ngày.
  • Tránh tự cắn vào lưỡi.
  • Không nên sử dụng sản phẩm vệ sinh răng miệng có chứa chất gây dị ứng.
  • Tránh xa các loại thực phẩm dị ứng làm cho bạn bị nhiệt miệng ở lưỡi.
  • Những đối tượng mắc bệnh Celiac thì nên chọn chế độ ăn không có gluten.
  • Cân nhắc trước khi sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung sắt, kẽm hoặc vitamin nhóm B hoặc vitamin C nếu như bạn đã được chẩn đoán là thiếu hụt khoáng chất và vitamin.

Khi bị bệnh nhiệt miệng ở lưỡi, bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay khi:

  • Những vết loét bắt đầu lan rộng.
  • Vết loét có kích thước to bất thường.
  • Tình trạng bệnh kéo dài hơn 2 tuần.
  • Gặp khó khăn trong việc ăn, uống hoặc các thói quen sinh hoạt hàng ngày khác.
  • Có triệu chứng sốt cao kèm theo.
Tìm hiểu về nguyên nhân gây ra hiện tượng nhiệt miệng ở lưỡi 3 Nếu sốt cao xuất hiện cùng với nhiệt miệng ở lưỡi, cần nhanh chóng đi khám bác sĩ

Bài viết trên nhà thuốc Long Châu đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin quan trọng về bệnh nhiệt miệng ở lưỡi. Căn bệnh này xuất hiện rất phổ biến, hầu như ai cũng có thể mắc bệnh nên tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bạn nên lựa chọn tự điều trị bệnh tại nhà hoặc đi khám bác sĩ nhé.

Tạ Quỳnh

Nguồn tham khảo: Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin