Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về tinh thể urat ở người bị bệnh Gout

Ngày 10/06/2024
Kích thước chữ

Sự lắng đọng của các tinh thể urat là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh Gout. Các tinh thể urat tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng viêm và tổn thương các khớp, tạo thành các đợt Gout cấp. Vậy tinh thể urat là gì? Phòng ngừa tình trạng tinh thể urat tăng cao như thế nào?

Gout là bệnh lý viêm khớp phổ biến với những cơn đau khớp, sưng đỏ khớp đột ngột, dữ dội. Nếu như trước đây bệnh Gout thường chỉ gặp ở người giàu thì hiện nay số người mắc bệnh này ngày càng gia tăng nhanh chóng. Trong đó, sự hình thành tinh thể urat do chỉ số axit uric trong máu tăng cao chính là nguyên nhân hàng đầu.

Khái quát về tinh thể urat

Tinh thể urat là muối urat hình kim nhọn hai đầu giống như hạt muối trắng. Tinh thể muối urat lắng đọng khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Axit uric là hợp chất có công thức C5H4N4O3 được tạo thành tạo thành từ quá trình chuyển hóa purin.

Tìm hiểu về tinh thể urat ở người bị bệnh Gout 1
Tinh thể urat do axit uric lắng đọng tại các khớp

Ở trạng thái bình thường, các nhân purin sau khi thoái hóa sẽ tạo thành axit uric hòa tan trong máu và được đào thải ra ngoài qua nước tiểu. Trong một số trường hợp, chỉ số axit uric trong máu tăng cao mà không đào thải ra ngoài sẽ gây lắng đọng thành các tinh thể urat trên da, trong các khớp và thận. Trong đó, sự xuất hiện các tinh thể muối urat là dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh Gout người bệnh không nên chủ quan. Nếu không điều trị sớm, tình trạng bệnh có thể nặng hơn gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ở người bị Gout, các tinh thể này thường lắng đọng trong màng hoạt dịch khớp gây viêm khớp, đau khớp. Trên hình ảnh nội soi thấy tinh thể urat bám khắp bề mặt sụn khớp, màng khớp, gân,... Việc tinh thể urat tích tụ nhiều có thể ảnh hưởng đến tim, thận, xương khớp, da, niêm mạc.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng axit uric trong máu tăng cao như:

  • Ăn nhiều thực phẩm chứa purin;
  • Rối loạn chức năng đào thải axit uric qua đường ruột hoặc thận;
  • Tăng chuyển hóa purin trong cơ thể;
  • Đang uống thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc niacin,...

Nguyên nhân hình thành tinh thể muối urat

Nguyên nhân trực tiếp hình thành nên tinh thể urat chính là nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Ngoài ra, một số yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình lắng đọng tinh thể urat gồm:

  • Chế độ dinh dưỡng: Đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quá trình hình thành tinh thể urat trong cơ thể. Theo đó, thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm nhiều đạm, thức ăn nhiều dầu mỡ, sử dụng nhiều gia vị mặn, rượu, bia, thuốc lá,... có thể khiến hàm lượng axit uric trong máu tăng lên. Đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành tinh thể urat.
  • Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Lười vận động, thường xuyên ăn nhậu, căng thẳng,... cũng là những yếu tố khiến tăng nguy cơ hình thành tinh thể muối urat.
  • Nhiệt độ và môi trường axit: Đây là 2 yếu tố thúc đẩy quá trình kết tủa tinh thể urat nhanh hơn. Đó cũng chính là lý do bệnh Gout thường bùng phát mạnh vào mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp.
  • Chấn thương lặp lại hoặc vận động mạnh.
  • Sỏi thận: Sỏi hình thành ở thận sẽ làm giảm chức năng đào thải axit uric của cơ quan này. Điều này khiến nồng độ axit uric trong máu tăng cao và dễ dàng hình thành tinh thể muối urat ở người bị sỏi thận.
Tìm hiểu về tinh thể urat ở người bị bệnh Gout 2
Người bị sỏi thận có nguy cơ hình thành tinh thể urat cao

Phương pháp làm tan tinh thể urat

Làm giảm nồng độ axit uric về ngưỡng bình thường là giải pháp tối ưu để làm tan các tinh thể urat. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong điều trị bệnh Gout. Dưới đây là 3 phương pháp có tác dụng làm giảm nồng độ axit uric trong máu hàng đầu hiện nay.

Ăn uống khoa học

Chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng đối với tình trạng urat lắng đọng. Một số thực phẩm cần tránh để không làm tăng nồng độ axit uric trong máu như nội tạng động vật, thịt đỏ (thịt bò, thịt dê, thịt cừu), hải sản có vỏ (ghẹ, tôm, cua, sò,...), các loại nước giải khát, nước có ga, bia, rượu,... Đặc biệt, những người đang bị thừa cân, béo phì cần giảm cân và kiểm soát cân nặng ở mức ổn định. Đồng thời, người bị tinh thể urat nên tăng cường thực phẩm ít dầu mỡ, chất xơ, rau xanh, bổ sung đủ nước mỗi ngày.

Tìm hiểu về tinh thể urat ở người bị bệnh Gout 3
Thịt đỏ là thực phẩm nên hạn chế để giảm nồng độ axit uric máu

Dùng thuốc hạ axit uric máu

Trong nhiều trường hợp, sử dụng thuốc hạ axit uric là rất cần thiết nhằm giảm lắng đọng tinh thể urat và hoà tan các tinh thể đã lắng đọng. Thuốc được chia làm 2 nhóm gồm thuốc giảm sản xuất axit uric, tăng đào thải và thuốc phân hủy axit uric. Trong đó, 2 loại thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay gồm Febuxostat và Allopurinol. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả điều trị cao và hạn tác dụng phụ do thuốc gây ra, người bệnh cần tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ về liều lượng, thời gian uống thuốc.

Tập thể dục, vận động đúng cách

Tập luyện thể dục và vận động đúng cách cũng là giải pháp kiểm soát nồng độ axit uric hiệu quả. Đồng thời, cách này cũng giúp cải thiện quá trình trao đổi chất và đào thải axit uric ra ngoài diễn ra nhanh chóng hơn. Người bệnh có thể đi bộ, thể dục nhịp điệu, bơi lội,... tùy theo sở thích và tình trạng sức khỏe của bản thân. Lưu ý, không nên vận động quá sức tránh nguy cơ viêm khớp, đau khớp.

Trên đây là những thông tin chi tiết về tinh thể urat ở người bị bệnh Gout. Hy vọng những nội dung trong bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân hình thành tinh thể muối urat và bệnh Gout. Từ đó xây dựng chế độ dinh dưỡng, lối sống khoa học đẩy lùi căn bệnh này hiệu quả.

Xem thêm: Phân biệt bệnh gout và giả gout: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin