Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Ngày 26/10/2022
Kích thước chữ

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là một xét nghiệm phổ biến thường được các bác sĩ chỉ định trong khám chữa bệnh. Điều này giúp cho việc chẩn đoán theo dõi bệnh tốt hơn và tiên lượng bệnh chính xác hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản cũng như vai trò của xét nghiệm này trong việc theo dõi sức khỏe. Cùng tìm hiểu nhé!

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là một xét nghiệm cơ bản với cách thực hiện đơn giản và thời gian xét nghiệm nhanh chóng. Đồng thời cung cấp những thông số rất hữu ích về các tế bào máu (bạch cầu, hồng cầu và chỉ số tiểu cầu) để đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe mỗi người.

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là xét nghiệm gì?

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (xét nghiệm công thức máu hay Complete Blood Count - CBC) là một xét nghiệm thường quy không thể thiếu trong bộ xét nghiệm kiểm tra y tế thông thường hay trong khám chữa bệnh. Bên cạnh khả năng đo thành phần và đặc điểm của máu, xét nghiệm này còn giúp phát hiện những bất thường hay bệnh lý liên quan đến tế bào máu. Đồng thời đánh giá tình trạng nhiễm trùng, thiếu máu và rối loạn đông máu.

Tìm hiểu xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi dùng để đánh giá sức khỏe tổng quát

Hầu hết chúng ta khi đi khám bệnh sẽ được thực hiện xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để đánh giá sức khỏe tổng quát. Mẫu máu sau khi được lấy ra sẽ được đưa vào ống nghiệm có chứa chất chống đông để ngăn máu đông. Sau đó cho vào máy phân tích nhằm xác định, theo dõi các thông số hữu ích về các loại tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và các yếu tố liên quan.

Trước đây, việc xác định số lượng từng loại tế bào máu trong công thức máu được thực hiện bằng dụng cụ đếm tay. Hiện nay, nhờ sự xuất hiện của máy đếm laser tự động mà xét nghiệm này đã trở nên đơn giản hơn nhiều.

Mục đích việc thực hiện xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Đánh giá sức khỏe tổng thể

  • Kiểm tra tình trạng thể chất.
  • Kiểm tra số lượng các tế bào máu. 

Chẩn đoán bệnh

  • Giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng và dấu hiệu trên lâm sàng như: Mệt mỏi, sốt, nhiễm trùng hoặc thiếu máu
  • Với các bệnh gây mất máu, xét nghiệm này giúp xác định lượng máu đã mất.
  • Chẩn đoán các bệnh về máu. 

Tìm hiểu xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Theo dõi tình trạng bệnh lý là một trong những mục đích của tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Theo dõi tình trạng bệnh lý

  • Theo dõi một số tình trạng bệnh lý như: Thiếu máu, sốt xuất huyết, bệnh bạch cầu… có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu.
  • Kiểm tra các ảnh hưởng mà hiện tượng máu chảy bất thường có thể gây ra với số lượng và tế bào máu.
  • Theo dõi quá trình điều trị, kiểm tra các phản ứng của cơ thể với loại thuốc được chỉ định. Từ đó, đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp khi mắc bệnh.

Các chỉ số trong tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Một số chỉ số tế bào máu được xác định thông qua xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi gồm:

Hồng cầu

  • Số lượng hồng cầu trong mỗi ml máu (RBC).
  • Lượng huyết sắc tố (hemoglobin) có trong một thể tích máu (HGB).
  • Dung tích hồng cầu (HCT).
  • Các chỉ số hồng cầu: Thể tích trung bình hồng cầu (MCV), độ phân bố hồng cầu (RDW), nồng độ huyết sắc tố hemoglobin trung bình trong một thể tích máu (MCHC), lượng hemoglobin trung bình có trong một hồng cầu (MCH). 

Các chỉ số này cho biết tình trạng hồng cầu của người thực hiện xét nghiệm. Nhờ đó, chẩn đoán, gợi ý bệnh lý thiếu máu, đánh giá mức độ và nguyên nhân gây thiếu máu.

Tìm hiểu xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Số lượng bạc cầu được thể hiện chi tiết trong tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Bạch cầu

  • Số lượng bạch cầu trong một đơn vị thể tích máu (WBC).
  • Công thức bạch cầu: Bạch cầu trung tính (NEUT), bạch cầu mono (MONO), bạch cầu đa nhân ưa axit (EOS), bạch cầu lympho (LYM), bạch cầu đa nhân ưa kiềm (BASO).
  • Các chỉ số bạch cầu gợi ý một số bệnh như: Ung thư hạch bạch huyết (lymphoma), U lympho, bệnh bạch cầu (leukemia), nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng, bệnh tăng sinh hạch bạch huyết khác…

Tiểu cầu

  • Chỉ số cho biết số lượng tiểu cầu trong một thể tích máu (PLT).
  • Thể tích trung bình của tiểu cầu (MPV) trong mẫu thử.

Rối loạn tiểu cầu gợi ý đến tình trạng rối loạn đông máu, rối loạn tăng sinh tủy, suy giảm tiểu cầu do nhiễm trùng hay nguyên nhân khác.

Ngoài ra, các chỉ số hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong tổng phân tích tế bào máu ngoại vi còn gợi ý một số bệnh lý khác về suy giáp, gan, suy thận

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

  • Máu bị đông dây, vỡ hồng cầu.
  • Lấy không đủ thể tích máu xét nghiệm.
  • Chống đông sai tỷ lệ hoặc sai chất chống đông.
  • Kéo dài thời gian từ khi lấy mẫu đến khi làm xét nghiệm.
  • Sử dụng thuốc trước khi xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
  • Ảnh hưởng bởi môi trường sống (trên núi cao,...) hay điều kiện nhiệt độ.
  • Lắc mẫu không đều.
  • Máy đếm nhầm do kích thước bất thường của các tế bào máu.
  • Có bụi bẩn trong máu, hóa chất hay đường ống, dụng cụ xét nghiệm.
  • Máy có thể đếm nhầm mảnh vỡ của hồng cầu thành tiểu cầu.

Tìm hiểu xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Cần chú ý trước khi thực hiện tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để có kết quả chính xác

Lưu ý trước khi thực hiện tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Sau đây là một số lưu ý khi xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi:

  • Người bệnh không cần nhịn ăn nếu chỉ thực hiện riêng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi.
  • Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch ở mu bàn tay hoặc cánh tay, sau đó đem đến phòng xét nghiệm để phân tích và trả kết quả trong vòng 2 giờ sau khi lấy máu.
  • Mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có sự khác biệt trong khoảng giá trị của các chỉ số xét nghiệm máu. Đồng thời có sự thay đổi tùy theo bệnh lý và tình trạng tổng thể của mỗi cá nhân.
  • Hãy nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc (kê đơn và không kê đơn) mà bản thân đang dùng.
  • Phụ nữ mang thai thường có số lượng tế bào bạch cầu cao trong khi tế bào hồng cầu thấp và ít gặp hơn.
  • Ngay cả khi bạn đã tìm hiểu về các thông số xét nghiệm, việc đọc và phân tích kết quả công thức máu phải do bác sĩ có chuyên môn thực hiện.

Hiện nay, tổng phân tích tế bào máu ngoại vi đã trở thành xét nghiệm dễ thực hiện, chi phí không cao và vô cùng phổ biến. Phương pháp này cung cấp rất nhiều thông tin cần thiết và khó có thể kết luận một bệnh lý bất kỳ nếu thiếu đi công thức máu. Để bảo vệ bản thân, phát hiện và dự phòng kịp thời các bệnh lý thông qua xét nghiệm máu, mỗi cá nhân nên khám tổng quát định kỳ 6 tháng một lần để được kiểm tra và tư vấn sức khỏe.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin