Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng/
  4. Ăn ngon khỏe

Trái dư ăn được không? Công dụng chữa bệnh của trái dư không phải ai cũng biết

Ngày 23/02/2024
Kích thước chữ

Nhiều năm trở lại đây, người dân miền Tây thường sử dụng quả dư để chưng mâm ngũ quả ngày tết với mong muốn cả năm dư dả đủ đầy. Vậy trái dư ăn được không? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ bật mí cho bạn câu trả lời nhé.

Trái dư ăn được không? Có nhiều người nói rằng trái dư chưng mâm ngũ quả miền Tây chỉ để ngắm thôi chứ đừng ăn. Vậy thực hư câu chuyện về trái dư này ra sao? Trước hết, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài nét về trái dư bạn nhé.

Tìm hiểu về trái dư

Cây dư có tên khoa học là Solanum Mammosum, thuộc loài thực vật có hoa trong họ nhà cà. Thân cây nhỏ, cao 0,5 - 1m, trên thân và lá có nhiều gai nhọn. Phiến lá to với kích thước khoảng 10 - 15cm. Hoa của loài cây này có màu tím, quả màu vàng với hình dáng khá đặc biệt.

Trái dư nhỏ và cứng, trung bình trên mỗi cành dư sẽ có khoảng 3 - 4 trái dư.

Cây dư có nguồn gốc ở Virginia (Trung Mỹ) được nhập trồng làm cảnh. Ở Việt Nam, bạn có thể bắt gặp cây dư ở các tỉnh miền Tây, Đà Lạt và một số tỉnh phía Bắc như Phú Thọ, Cao Bằng và Lạng Sơn…

Trái dư có rất nhiều tên gọi thú vị và ở mỗi địa phương hay vùng miền, trái dư lại có một cách gọi riêng. Chẳng hạn như:

  • Cây dư: Sở dĩ loại cây này ở miền Tây có tên như vậy bởi trái của nó có các múi thịt dư ra và theo quan niệm dân gian thì chữ dư gắn liền với sự dư dả, sự giàu có.
  • Cà độc dược: Đây là tên gọi ở một số địa phương như Cần Thơ. Lý do là vì cây dư thuộc họ nhà cà, lá và thân cây đều có gai tua tủa, trong quả có chứa chất độc, khi ghép lại thành cà độc dược.
  • Cà vú, cà trời hay đào tiên: Dựa theo các tác giả của công trình "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam", tập 1, trang 305 thì trái dư miền Tây còn được gọi đến với tên gọi là cà vú bởi hình dạng quả giống như núm vú, cà trời hay đào tiên.
  • Ngũ giác cà: Đây là tên gọi tại Trung Quốc bởi trái dư có năm góc thịt dư ra.
Trái dư ăn được không? Công dụng chữa bệnh của trái dư không phải ai cũng biết 1
Trái dư được biết đến với rất nhiều tên gọi độc đáo

Ý nghĩa của trái dư trong mâm ngũ quả ngày tết

Theo quan niệm của ông bà ta từ xưa đến nay, bên cạnh thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ thì mâm ngũ quả ngày tết có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc góp phần làm nên một cái tết viên mãn và đong đầy, một năm mới may mắn và hạnh phúc.

Mâm ngũ quả được chưng bởi năm loại trái cây có tên gọi và màu sắc khác nhau, tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) - năm yếu tố tạo nên trời đất.

Có nhiều loại trái cây với tên gọi hay và hình dáng đẹp đã được đưa vào danh sách các loại quả chưng ngày tết như đu đủ là đủ đầy, thịnh vượng hay quả sung mang ý nghĩa của sự sung túc… thì trái dư cũng vậy. Trái dư được nhiều người lựa chọn bởi cái tên mang đầy ý nghĩa của sự phú quý và dư dả. Họ tin rằng, việc chưng trái dư lên mâm ngũ quả vào ngày đầu xuân sẽ mang đến sự may mắn, tài lộc, cả năm làm ăn dư dả và dồi dào.

Trái dư ăn được không? Công dụng chữa bệnh của trái dư không phải ai cũng biết 2
Trái dư trong mâm ngũ quả mang ý nghĩa của dư dả và phú quý

Trái dư ăn được không?

Trái dư ăn được không vẫn đang là chủ đề được nhiều độc giả quan tâm gần đây. Nhìn bề ngoài, trái dư nhìn trông rất bắt mắt xong các chuyên gia cho biết loại trái này không ăn được.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trái dư có chứa hàm lượng lớn các chất độc cực mạnh đó là solanine, scopolamine, hyoscyamine và atropine. Khi ăn phải trái dư, các độc tố này sẽ đi vào cơ thể và gây ra các tác hại vô cùng khủng khiếp. Cụ thể:

  • Solanine: Là chất được chứng minh là có khả năng gây rối loạn dạ dày - ruột và thần kinh. Do vậy nếu bạn ăn trái dư, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như đau đầu, sốt, loạn nhịp tim, tiêu chảy, nôn mửa, ngứa, viêm đau khớp, thậm chí là gây ảo giác, vàng da, sốt và tử vong.
  • Scopolamine, hyoscyamine và atropine: Các chất này thuộc nhóm chất anticholinergic, nếu sử dụng quá nhiều sẽ khiến cơ thể bị ngộ độc. Chúng ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine gắn kết với các thụ thể muscarinic acetylcholine. Các thụ thể này được tìm thấy ở dây thần kinh ruột, phế quản, tim, mi mắt, tuyến nước bọt và toàn bộ hệ thần kinh. Hậu quả là khi ăn quả dư, da của bạn sẽ trở nên khô và đỏ, tăng thân nhiệt, mù mắt và mê sảng.

Với liều rất thấp, trái dư có tác dụng như một chất gây mê, nếu ăn phải sẽ nguy hiểm vô cùng. Trên thực tế, chỉ cần ăn 2 trái dư thì độc tính đi vào cơ thể sẽ khiến bạn rơi vào trạng thái hôn mê sâu và lúc này nguy cơ tử vong rất cao. Nếu trẻ con lỡ ăn phải loại trái này sẽ dẫn đến hiện tượng chóng mặt, ói mửa, huyết áp tăng cao, co giật và tử vong ngay sau đó.

Có thể thấy rằng, trái dư là loại trái cây được nhiều gia đình lựa chọn để bày mâm ngũ quả song bạn cần hết sức thận trọng với loại quả độc này bởi khi ăn phải, sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của bạn có thể bị đe doạ.

Trái dư ăn được không? Công dụng chữa bệnh của trái dư không phải ai cũng biết 3
Trái dư ăn được không? Loại trái này không ăn được

Công dụng của trái dư trong chữa bệnh

Trái dư ăn được không? Câu trả lời là không bạn nhé bởi loại trái này có chứa nhiều độc tố. Tuy vậy, trong y học cổ truyền, trái dư vẫn có thể được dùng để làm thuốc chữa bệnh.

Một số công dụng của trái dư có thể kể đến như:

  • Trái dư có thể sử dụng như một loại thuốc bôi ngoài da với tác dụng sát khuẩn. Bạn có thể sử dụng trái dư khô hay tươi đều được nha.
  • Trái dư còn được sử dụng như thuốc an thần giúp cải thiện tình trạng mất ngủ vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng trái dư với mục đích này, bạn chỉ nên dùng với một liều lượng thấp và đặc biệt cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Ở Trung Quốc, nhiều người sử dụng trái dư để giảm đau tiêu viêm, làm tan máu bầm, viêm mạch bạch huyết hay mụn bọc… bằng cách bổ đôi quả dư và hơ trên ngọn lửa khoảng 5 phút sau đó đắp lên da.
  • Ngoài ra, trái dư còn được biết đến là một trong những vị thuốc có tác dụng chữa đau tâm vị và tràng nhạc vô cùng hiệu quả.
  • Bên cạnh công dụng chữa bệnh, trái dư còn được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu hiệu quả. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chất độc tồn tại trong trái dư có tác dụng tiêu diệt côn trùng gây hại và một số động vật thân mềm như ốc sên. Bạn có thể sử dụng dịch chiết của trái dư hoặc cả cây dư để làm chế phẩm trừ sâu bệnh hại.
Trái dư ăn được không? Công dụng chữa bệnh của trái dư không phải ai cũng biết 4
Trái dư tuy độc nhưng là một vị thuốc trong đông y

Trên đây là toàn bộ những thông tin xoay quanh trái dư và chủ đề trái dư ăn được không mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về loại trái cây này. Hãy để lại bình luận bên dưới bài viết nếu còn bất cứ thắc mắc nào về chủ đề này để được Nhà thuốc Long Châu giải đáp nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.