Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ 24 tháng tuổi: Những mốc phát triển của con mà mẹ cần biết

Ngày 29/10/2023
Kích thước chữ

Trẻ 24 tháng tuổi đã bắt đầu có sự độc lập và các kỹ năng như: Có thể tự đi một mình, chạy và thực hiện các hoạt động phối hợp cả tay và chân. Ở giai đoạn này, trẻ biết thêm nhiều trò chơi mới và biết cách giả vờ giận dỗi để đạt được điều mình muốn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần nhỏ trong quá trình phát triển của trẻ ở giai đoạn này.

Trẻ 24 tháng tuổi đã biết sử dụng ngôn ngữ, biết chạy và leo trèo nên bố mẹ cần phải quan tâm và giám sát kỹ càng. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về sự phát triển của trẻ trong độ tuổi lên 2 và những lưu ý cần biết để có sự điều chỉnh trong chế độ dinh dưỡng cũng như cách dạy con nhé!

Cột mốc phát triển thể chất và hoạt động của trẻ 24 tháng tuổi

Trẻ 24 tháng tuổi có sự phát triển đáng kể về thể chất. Cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ rơi vào khoảng 12kg, chiều cao là 87cm. Ở lứa tuổi này, răng sữa của bé cũng đã mọc tương đối hoàn thiện.

Trong giai đoạn này, trẻ thường khá hiếu động, đặc biệt là các bé trai. Lúc này, khả năng vận động của trẻ tương đối tốt, trẻ có thể chạy nhảy bất cứ khi nào trẻ muốn. Bé có thể leo trèo cầu thang, thậm chí là nhảy và lắc lư theo điệu nhạc. Đa số các bé đều thích chạy hơn đi và sẵn sàng chạy bất kỳ khi nào muốn. Khả năng vận động của bé rất tốt, thích khám phá và tìm tòi thế giới xung quanh.

Trẻ 24 tháng tuổi: Các mốc phát triển và lưu ý cần biết 1
Trẻ 24 tháng tuổi thích chạy và leo trèo

8 cột mốc quan trọng của trẻ 24 tháng tuổi:

  • Trẻ 24 tháng tuổi đã có thể tự đi một mình, chạy và thực hiện các hoạt động phối hợp cả tay và chân, chẳng hạn như nắm tay cầu thang để đi lên đi xuống, cúi xuống sàn nhặt đồ,…
  • Trẻ có thể điều khiển đồ đạc bằng tay, có thể xoay nắp, chơi xếp hình đơn giản.
  • Trẻ biết biểu lộ cảm xúc, thích bắt chước các hành động của người lớn.
  • Trẻ giao tiếp bằng ngôn ngữ, bày tỏ mong muốn bằng ngôn ngữ và thích chơi chung với bạn bè.
  • Trẻ bước vào giai đoạn nổi loạn, hay còn gọi là “khủng hoảng tuổi lên 2”. Biểu hiện là tức giận, ném đồ đạc khi không hài lòng, dễ cáu bẳn, nhõng nhẽo và khóc nhè.
  • Trẻ 24 tháng tuổi có thể ghi nhớ được nhiều thứ và làm theo một số mệnh lệnh đơn giản.
  • Trẻ có nhận thức về chuỗi hành động, chẳng hạn như tắm rửa, ăn cơm, đánh răng rồi mới đi ngủ, đắp chăn,…
  • Bé có thể hiểu được cảm xúc của những người xung quanh, chẳng hạn như biết được mẹ đang vui hay giận dữ.

Sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ 24 tháng tuổi

Trẻ 24 tháng tuổi đã có sự thấu hiểu và biết được các cử chỉ của những người xung quanh. Vì vậy nên khả năng nhận thức của trẻ đã đạt đến một tầm cao mới, bố mẹ nên có những phương pháp giáo dục đúng đắn để bé phát triển toàn diện. Cụ thể:

Kích thích não bộ phát triển bằng cách chơi trò xếp hình hoặc dán giấy lên sách để giúp bé ghi nhớ. Bố mẹ hãy thường xuyên chơi với bé, bé sẽ học theo và ghi nhớ cách bố mẹ làm và thực hiện lại.

Ở giai đoạn này, trẻ thường đặt ra rất nhiều câu hỏi và muốn được người lớn trả lời ngay. Do đó, bạn hãy cố gắng ôn hòa, không nên bực tức hay cáu giận mà hãy bớt chút thời gian để trả lời trẻ hoặc hứa sẽ trả lời trẻ, điều này giúp trẻ hình thành thói quen có trách nhiệm và quan tâm tới việc của người khác.

Trẻ thích bắt chước bố mẹ, đặc biệt thích thú khi được nói chuyện điện thoại và bắt chước hành động của người khác. Một số trẻ thường tự cầm một đồ vật gì đó và xem nó như chiếc điện thoại, tự sáng tạo ra một câu chuyện. Thái độ và cách nói chuyện của bố mẹ khi gọi điện được trẻ bắt chước một cách cực kỳ chính xác. Bố mẹ cần chú ý đến hành động để làm gương cho con.

Trẻ 24 tháng tuổi: Các mốc phát triển và lưu ý cần biết 2
Khả năng nhận thức của trẻ 24 tháng tuổi đã đạt đến một tầm cao mới

Một trong những đặc điểm nổi bật của trẻ trong giai đoạn này là sự lì lợm. Trẻ có thể nhõng nhẽo, mè nheo cho đến khi mẹ đồng ý yêu cầu của bé. Nhiều bé còn biết cách giả bộ giận dỗi để đạt được mục đích của mình. Đây là giai đoạn mà bố mẹ cần có sự nghiêm khắc lẫn mềm dẻo để “uốn nắn” bé.

Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 được thể hiện rõ nhất ở việc trẻ thường xuyên thay đổi cảm xúc và rất dễ nổi cáu. Trẻ có thái độ chống đối, thường xuyên khó chịu nhưng cũng rất nhanh trở lại bình thường. Bố mẹ cần có sự kiên nhẫn rất lớn để giúp bé điều chỉnh cảm xúc.

Trẻ 24 tháng tuổi bắt đầu có những mối quan hệ với bạn bè, có thể chơi chung và chia sẻ đồ chơi cho nhau, cũng có những mâu thuẫn xảy ra. Mẹ nên để bé tự giải quyết với nhau, trừ những vấn đề nghiêm trọng.

Trẻ 24 tháng tuổi có sự phát triển vượt trội về ngôn ngữ. Bé có thể nói được những câu ngắn 2 - 3 từ, có thể lặp lại những từ nghe được từ câu chuyện. Trong giai đoạn này, bố mẹ có thể đọc truyện cho bé nghe, mở những bài hát thiếu nhi đơn giản và trò chuyện với bé nhiều hơn.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ giai đoạn 24 tháng tuổi

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức y tế giới, chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ 24 tháng tuổi là:

  • Đối với bé gái: Chiều cao trung bình cần đạt 86,4cm. Cân nặng trung bình đạt 11,5 kg.
  • Đối với bé trai: Chiều cao trung bình cần đạt 87,8 cm. Cân nặng trung bình đạt 12,2 kg.

Ở độ tuổi lên 2, hệ tiêu hóa của bé đã khá hoàn thiện, răng sữa đã mọc đầy đủ. Do vậy, về cơ bản thì bé đã có thể ăn được nhiều món giống như người lớn, khẩu phần ăn bằng 1/2. Tuy nhiên, bé vẫn đang trong quá trình phát triển nên cần chú ý nhiều đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Cụ thể:

  • Cần đảm bảo trẻ được bổ sung dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm như chất béo (thịt, cá, trứng), chất đạm (sữa, phô mai, sản phẩm từ sữa), tinh bột và đường (ngũ cốc, khoai tây, gạo), chất xơ (hoa quả, rau).
  • Ngoài 3 bữa ăn chính, hãy bổ sung cho bé 2 bữa ăn nhẹ mỗi ngày.
  • Trẻ 24 tháng tuổi thường không hứng thú với những món ăn lạ. Nếu bé muốn trải nghiệm, mẹ nên tập cho bé ăn từ ít tới nhiều để tránh bị dị ứng thức ăn.
  • Tập cho bé uống nước lọc, nước hoa quả chỉ uống tối đa 120 - 180ml/ngày.
  • Tránh để bé ăn các loại kẹo cao su, kẹo cứng, hạt, trái cây có hạt, thạch,…
  • Giai đoạn này bé cần bổ sung kẽm (5mg kẽm nguyên tố/ngày). Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về tác dụng của kẽm đối với trẻ nhỏ và cách bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
  • Ngoài ra, bé còn cần được bổ sung các vitamin nhóm B và các khoáng chất khác như lysine, crom. 
Trẻ 24 tháng tuổi: Các mốc phát triển và lưu ý cần biết 3
Trẻ 2 tuổi đã có thể ăn được nhiều món giống như người lớn

Trẻ 24 tháng tuổi cũng có thể đến nhà trẻ và thích nghi tốt với môi trường. Bố mẹ có thể cân nhắc về việc cho bé đi học. Bên cạnh đó, hãy chú ý đến khâu vệ sinh để giúp bé luôn khỏe mạnh, ít mắc bệnh. Hy vọng với những thông tin trên, bố mẹ đã hiểu rõ hơn về trẻ 24 tháng tuổi và biết cách chăm sóc bé nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin