Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ bị đau xương ống chân nguyên nhân do đâu?

Ngày 04/02/2024
Kích thước chữ

Trẻ bị đau xương ống chân khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng vì không biết nguyên nhân do đâu. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng này nhé!

Trẻ bị đau xương ống chân là dấu hiệu thường gặp của chứng đau nhức xương tăng trưởng. Nhưng đôi khi, đó cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng. Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp bố mẹ tìm được biện pháp khắc phục kịp thời, tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân khiến trẻ bị đau xương ống chân

Nguyên nhân phổ biến khiến cho trẻ bị đau xương ống chân thường do bệnh đau nhức xương tăng trưởng. Tuy nhiên, đó cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng như bệnh lyme, bệnh lupus, bệnh bạch cầu, viêm khớp tự phát thiếu niên.

Đau nhức xương tăng trưởng ở trẻ

Đau nhức xương tăng trưởng (growing pains) thường xuất hiện ở trẻ đang trong giai đoạn phát triển và sẽ biến mất khi trẻ ở tuổi thiếu niên. Những cơn đau này thường sẽ tự khỏi và không phải là biểu hiện của các bệnh lý nghiêm trọng. Một số biểu hiện đặc trưng mà bố mẹ có thể dựa vào để nhận biết tình trạng đau xương tăng trưởng ở trẻ như:

  • Cơn đau chủ yếu xuất hiện ở cơ đùi, bắp chân hoặc phía sau đầu gối, ảnh hưởng ở cả hai chân;
  • Trẻ có thể bị chuột rút hoặc đau nhức với cường độ từ nhẹ đến nặng;
  • Cơn đau không xuất hiện liên tục, thường xảy ra vào buổi tối và giảm đi vào buổi sáng;
  • Đau kéo dài và tái lại sau một khoảng thời gian;
  • Một số trẻ có thể đi kèm theo đau bụng hoặc đau đầu.
Trẻ bị đau xương ống chân nguyên nhân do đâu? 1
Nguyên nhân khiến trẻ bị đau xương ống chân có thể do tăng trưởng

Nguyên nhân của đau nhức xương tăng trưởng thường do hoạt động vận động hằng ngày của trẻ, như chạy, nhảy và leo trèo. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể liên quan đến một số yếu tố như hội chứng chân không yên, mệt mỏi, khả năng chịu đau kém hoặc bị thiếu hụt vitamin D.

Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên

Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA - Juvenile Idiopathic Arthritis) có thể gây sưng và đau ở một hoặc nhiều khớp của trẻ. Khác với các cơn đau nhức do tăng trưởng, trẻ bị đau xương ống chân do viêm khớp tự phát thiếu niên sẽ gây ảnh hưởng đến sức mạnh cơ bắp, khả năng vận động cũng như sự phát triển xương của trẻ. Điều này có thể gây ra các biến chứng khó hồi phục nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất cần thiết.

Bệnh lupus

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE - Systemic Lupus Erythematosus) là một dạng rối loạn hệ thống tự miễn, gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Một số triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm:

  • Mệt mỏi liên tục và kéo dài mặc dù đã nghỉ ngơi;
  • Sưng, đau hoặc cứng khớp;
  • Phát ban trên da, chủ yếu ở trên hoặc xung quanh mũi;
  • Sốt;
  • Rụng tóc.
Trẻ bị đau xương ống chân nguyên nhân do đâu? 3
Bệnh lupus ban đỏ có thể khiến trẻ bị đau xương ống chân

Việc chẩn đoán và điều trị bệnh sớm có thể giúp tăng hiệu quả kiểm soát và điều trị bệnh. Chính vì vậy, khi trẻ than bị đau nhức xương thì bố mẹ nên kiểm tra xem trẻ có xuất hiện kèm các biểu hiện trên hay không để đưa trẻ đi khám kịp thời nhé!

Bệnh lyme

Bệnh lyme do vi khuẩn borrelia burgdorferi lây truyền sang người thông qua vết cắn của bọ ve. Triệu chứng thường gặp có thể bao gồm phát ban, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau khớp hoặc cơ. Tuy nhiên, một số trẻ còn xuất hiện kèm biểu hiện đau khớp. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp làm tăng tỷ lệ ngăn chặn các biến chứng nặng. Do vậy, bố mẹ cần kiểm tra xem trẻ có bị bọ ve cắn khi chơi ngoài trời hay không.

Bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu là một loại ung thư máu bắt nguồn từ trong tủy xương và phổ biến nhất ở trẻ em bệnh bạch cầu thường sẽ đi kèm với triệu chứng đau khớp và xương. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể đi kèm với các triệu chứng khác như thiếu máu, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, nhiễm trùng, sốt tái phát hoặc dai dẳng, sưng hạch bạch huyết, đau bụng, khó thở.

Cách giúp bé giảm bớt cơn đau xương ống chân

Khi trẻ bị đau xương ống chân có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và tâm lý của trẻ. Trường hợp nếu trẻ bị đau do bệnh lý, bố mẹ cần mang trẻ đến các bệnh viện uy tín để được bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị kịp thời. Đối với trẻ bị đau xương do tăng trưởng, bố mẹ có thể giúp trẻ vượt qua giai đoạn này nhẹ nhàng thông qua các biện pháp sau:

Giảm bớt các hoạt động mạnh

Khi trẻ có dấu hiệu đau xương ống chân do tăng trưởng, bố mẹ nên khuyên con giảm vận động mạnh để không bị căng cơ và gây đau. Việc vận động nhiều cũng có thể khiến trẻ cảm thấy mỏi chân và đau nhiều hơn khi về đêm.

Giúp con thư giãn khi đau

Trong trường hợp trẻ bị đau chân gây khó ngủ hoặc trằn trọc khi ngủ, bố mẹ có thể ở bên động viên con và xoa nắn nhẹ nhàng để trẻ quên đi cảm giác đau. Hoặc nói chuyện, kể chuyện với con để giúp con giảm bớt sự chú ý vào những cơn đau. Đồng thời, vỗ về con để con có cảm giác an tâm và giảm bớt cảm giác đau.

Trẻ bị đau xương ống chân nguyên nhân do đâu? 2
Mẹ hãy ở bên động viên con và xoa nắn nhẹ nhàng để trẻ quên đi cảm giác đau

Cân bằng dinh dưỡng cho trẻ

Trong giai đoạn trẻ bị đau xương ống chân do tăng trưởng, bố mẹ cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của con. Theo đó, cần tránh bổ sung canxi khi chưa có chỉ định của bác sĩ và hạn chế dùng thuốc giảm đau để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Trong giai đoạn này, mẹ nên bổ sung đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, đường, vitamin (đặc biệt là vitamin D và vitamin C) và canxi tự nhiên từ thực phẩm.

Trẻ bị đau xương ống chân phải làm sao?

Đối với những trường hợp trẻ bị đau xương ống chân do tăng trưởng thường không có phương pháp điều trị cụ thể. Nhưng bố mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để làm giảm cơn đau cho trẻ như:

  • Tắm nước ấm, đặc biệt là trước khi đi ngủ sẽ giúp làm giảm đau nhức và ngủ ngon hơn.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng xương ống chân bị đau có thể giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và giảm cảm giác đau.
  • Áp dụng các bài tập kéo giãn cho bắp chân và đùi có thể xoa dịu cũng như làm giảm cơn đau.
  • Chườm ấm cho trẻ trước khi đi ngủ, nhưng cần lưu ý không chườm sau khi trẻ đã bắt đầu giấc ngủ.
  • Sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen có thể giúp giảm cơn đau và giúp trẻ ngủ thoải mái hơn (theo chỉ định của bác sĩ).

Hy vọng những chia sẻ trong bài viết trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được cho câu hỏi trẻ bị đau xương ống chân nguyên nhân do đâu. Từ đó, biết cách khắc phục hiệu quả tình trạng này và giúp trẻ vượt qua cơn đau một cách nhẹ nhàng nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin