Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Người bệnh lao xương kiêng ăn gì và nên ăn gì?

Ngày 12/09/2024
Kích thước chữ

Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh lao xương cũng cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp để đẩy nhanh quá trình điều trị bệnh. Vậy người bệnh lao xương kiêng ăn gì?

Bệnh lao xương do vi khuẩn lao gây nên và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời. Người bị bệnh lao xương cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao đề kháng và đẩy nhanh quá trình chữa lành tổn thương trong xương. Vậy bệnh lao xương kiêng ăn gì? Nội dung chia sẻ dưới đây sẽ giải đáp chi tiết hơn về vấn đề này nhé!

Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh lao xương

Duy trì cân nặng hợp lý và hoạt động thể chất đều đặn giúp tăng cường đề kháng, cải thiện sức khỏe toàn diện trong quá trình chữa trị bệnh lao xương. Tuy nhiên, thuốc lao dễ gây sụt cân nên cần kết hợp với chế độ ăn uống bổ dưỡng để duy trì cân nặng khỏe mạnh và mang đến những lợi ích sau:

  • Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch bị suy yếu có thể làm tăng nguy cơ dễ dẫn đến bệnh lao xương. Một chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn lao.
  • Cải thiện mật độ xương: Canxi và vitamin D là hai dưỡng chất quan trọng cho sự chắc khỏe của xương. Việc bổ sung đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết sẽ giúp tăng mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương.
  • Hỗ trợ quá trình điều trị: Một số loại thuốc trị lao xương có thể gây tác dụng phụ liên quan đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Chế độ ăn hợp lý sẽ giúp giảm bớt các tác dụng phụ này và cải thiện khả năng hấp thu thuốc của cơ thể.
  • Nâng cao thể trạng: Người bệnh lao xương thường hay có cảm giác mệt mỏi và suy nhược cơ thể. Chế độ ăn giàu protein và calo sẽ cung cấp đủ năng lượng, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Người bệnh lao xương kiêng ăn gì và nên ăn gì? 3
Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất giúp nâng cao đề kháng và hỗ trợ điều trị bệnh

Nguyên tắc xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người bị lao xương

Để rút ngắn thời gian điều trị, ngoài việc tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ thì người bệnh cần thiết lập chế độ ăn uống phù hợp nhằm tăng cường kháng, hỗ trợ quá trình phục hồi tổn thương trong xương và cải thiện khả năng vận động.

Khi xây dựng thực đơn cho người mắc lao xương, cần tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm dưỡng chất trong bữa ăn, bao gồm protein, đường, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Nên ưu tiên các nguồn cung cấp đường từ trái cây tươi để hỗ trợ quá trình đào thải độc tố cho gan, đồng thời hạn chế tăng đường huyết và giảm nguy cơ gặp phải tác dụng phụ từ thuốc Tây.
  • Tránh việc kiêng khem quá mức bởi điều này có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng, khiến cơ thể không đủ sức đề kháng để chống lại vi khuẩn lao.
  • Món ăn cần được chế biến đa dạng và thay đổi thường xuyên để kích thích vị giác, giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn.
  • Thay vì chỉ ăn 3 bữa chính, có thể chia thành 5 - 6 bữa nhỏ trong ngày để giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ dưỡng chất.
  • Giảm thiểu chất béo không lành mạnh và các thực phẩm có hại cho xương khớp. Thay vào đó, hãy bổ sung các dưỡng chất như sắt, kẽm, vitamin C, A, E, B6 và K để hỗ trợ quá trình phục hồi.
Người bệnh lao xương kiêng ăn gì và nên ăn gì? 1
Chế độ ăn của người bệnh lao xương cần đảm bảo bổ sung đủ các nhóm dưỡng chất

Để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và biết được bệnh lao xương kiêng ăn gì, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Đồng thời, có thể tham khảo các thực phẩm nên và không nên ăn để biết cách ăn uống hỗ trợ tốt nhất cho sức khỏe.

Người bệnh lao xương kiêng ăn gì?

Người bệnh lao xương cần kiêng những loại thực phẩm sau để tránh làm các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn:

  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ: Các món chiên rán như gà rán, thịt chiên, khoai tây chiên đều có thể gây tăng cân, làm tăng áp lực lên xương khớp và khiến cho xương bị hủy hoại nhanh hơn. Ngoài ra, thực phẩm nhiều dầu mỡ cũng dễ làm tăng mỡ máu, gây ra phản ứng viêm ở khu vực bị lao xương.
  • Đường tinh luyện: Các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt,... có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao và kích thích viêm nhiễm. Đồng thời, chúng cũng dễ gây tăng cân, không tốt cho quá trình điều trị.
  • Thức ăn nhanh: Những loại thức ăn chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, hamburger,... có chứa nhiều chất béo và đường, đồng thời có thể chứa chất bảo quản gây hại cho xương.
  • Đồ hộp: Thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản không có lợi cho sức khỏe và thường thiếu các dưỡng chất cần thiết cho sự hồi phục của xương.
  • Đồ uống có cồn và cà phê: Bia, rượu và cà phê có thể gây mất nước cũng như gây cản trở cho quá trình hấp thụ canxi, làm tăng triệu chứng khó chịu do lao xương và tăng nguy cơ loãng xương.
  • Thực phẩm chứa nhiều muối: Các món ăn mặn như cá muối, thịt kho mặn, mắm,... cần hạn chế vì chúng có thể gây tích nước và làm sưng tấy vùng xương bị tổn thương.
Người bệnh lao xương kiêng ăn gì và nên ăn gì? 2
Người bệnh lao xương nên kiêng ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ

Ngoài ra, người bệnh lao xương cần tránh hút thuốc lá và các chất kích thích để không làm suy giảm sức đề kháng và kéo dài thời gian điều trị.

Người bệnh nhân lao xương nên ăn gì?

Ngoài việc quan tâm người bệnh lao xương kiêng ăn gì, bệnh nhân cũng cần tập trung bổ sung các thực phẩm giàu sắt, vitamin, chất xơ và các nguyên tố vi lượng để hỗ trợ quá trình hồi phục.

  • Thực phẩm giàu kẽm và sắt: Sắt và kẽm là những khoáng chất quan trọng giúp duy trì sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch. Những thực phẩm chứa nhiều sắt và kẽm mà người bệnh có thể bổ sung như lòng đỏ trứng, thịt nạc, thịt bò, gan, hàu, đậu nành, nấm hương,...
  • Vitamin: Vitamin đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tái tạo tế bào bị tổn thương và nâng cao sức đề kháng. Một số loại vitamin như B6 và K còn hỗ trợ quá trình đông máu, đồng thời giảm các vấn đề tiêu hóa và hấp thu kém do vi khuẩn lao gây ra.
  • Chất xơ: Việc điều trị bệnh lao xương dài hạn bằng thuốc có thể gây tác động xấu đến gan và thận. Thực phẩm giàu chất xơ giúp tăng cường khả năng thải độc, giảm mỡ tích tụ, hỗ trợ chức năng gan và giúp cân bằng độ pH của nước tiểu.

Ngoài các nhóm thực phẩm trên, người bệnh cũng cần thay đổi thực đơn thường xuyên để đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Như vậy, bài viết trên đây đã giúp bạn phần nào nắm được người bệnh lao xương kiêng ăn gì và nên ăn gì để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin