Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những nguyên nhân gây loãng xương cần biết để phòng ngừa hiệu quả

Ngày 05/08/2024
Kích thước chữ

Bất kỳ ai đều có thể mắc bệnh loãng xương và phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên từng trường hợp cụ thể. Việc hiểu rõ các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây loãng xương sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả hơn.

Loãng xương là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây loãng xương trong bài viết dưới đây.

Loãng xương là gì?

Loãng xương (xốp xương, giòn xương) là tình trạng xương dần trở nên mỏng và giảm mật độ, khiến xương giòn, dễ tổn thương và dễ gãy ngay cả khi gặp chấn thương nhẹ. Gãy xương do loãng xương có thể xảy ra ở bất kỳ xương nào nhưng phổ biến nhất là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Một số xương như xương cột sống và xương đùi khi gãy sẽ không thể tự lành lại, thường cần đến phẫu thuật điều trị gây tốn kém chi phí.

Bạn có biết nguyên nhân gây loãng xương là gì? 1
Loãng xương là tình trạng xương dần trở nên mỏng hơn và giảm mật độ

Bệnh loãng xương thường tiến triển âm thầm. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau mỏi không rõ ràng, giảm dần chiều cao, cột sống gù vẹo nhưng thường chỉ phát hiện sau một thời gian dài. Một số trường hợp chỉ nhận biết bệnh khi đã xuất hiện dấu hiệu gãy xương.Tuổi càng cao, tình trạng xốp xương càng nặng hơn do quá trình chuyển hóa xương trải qua nhiều biến đổi, gây ra rối loạn trong việc tạo và hủy xương, dẫn đến giảm mật độ xương.

Loãng xương có nguy hiểm không?

Khi không được điều trị kịp thời hoặc đúng cách, loãng xương có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Gãy xương: Loãng xương làm giảm mật độ xương, khiến xương trở nên yếu, giòn và dễ gãy. Xương cột sống, xương đùi, xương cẳng tay, cánh tay và xương cẳng chân là những xương chịu lực tác động nhiều nhất và thường bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi loãng xương. Gãy cổ xương đùi, gãy xương cẳng tay và gãy khớp háng là những tình trạng thường gặp ở người cao tuổi bị loãng xương.
  • Lún xẹp đốt sống: Biến chứng lún xẹp đốt sống có thể khiến các rễ dây thần kinh bị chèn ép, gây đau nhức kéo dài. Số lượng đốt sống bị tổn thương nhiều có thể làm tình trạng thoái hóa cột sống diễn tiến nhanh hơn.
  • Suy giảm khả năng vận động: Loãng xương có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn, làm giảm chất lượng cuộc sống, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Người bệnh thường phải nằm bất động một chỗ trong thời gian dài, dẫn đến những biến chứng khác như viêm phổi, hoại tử và tắc mạch chi.

Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách bệnh loãng xương là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng.

Bạn có biết nguyên nhân gây loãng xương là gì? 2
Loãng xương có thể gây suy giảm khả năng vận động

Nguyên nhân gây loãng xương

Người bệnh có thể được chẩn đoán mắc loãng xương nguyên phát hoặc thứ phát với các nguyên nhân cụ thể như sau.

Nguyên nhân gây loãng xương nguyên phát:

  • Loãng xương sau mãn kinh;
  • Loãng xương ở người cao tuổi.

Nguyên nhân gây loãng xương thứ phát:

  • Bệnh lý toàn thân: Bao gồm suy thận, suy gan, bệnh Kahler (đa u tủy xương), ung thư di căn và viêm khớp dạng thấp.
  • Thiếu vitamin D và canxi: Sự thiếu hụt này làm giảm khả năng tạo và duy trì mật độ xương.
  • Bệnh lý nội tiết: Bao gồm hội chứng Cushing, cường cận giáp, cường giáp,...
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc như glucocorticoid, chống động kinh,...

Ngoài ra, các yếu tố tăng nguy cơ loãng xương:

  • Tuổi;
  • Giới tính;
  • Tiền sử gia đình;
  • Tiền sử gãy xương do loãng xương;
  • Chỉ số cơ thể BMI thấp;
  • Bệnh lý viêm hệ thống;
  • Loãng xương thứ phát;
  • Hút thuốc lá;
  • Uống nhiều rượu.
Những nguyên nhân gây loãng xương cần biết để phòng ngừa hiệu quả 3
Có rất nhiều nguyên nhân gây loãng xương

Các đối tượng cần đo loãng xương

Một số đối tượng nên thực hiện đo loãng xương định kỳ, bao gồm:

  • Nam giới trên 70 tuổi;
  • Nữ giới trên 65 tuổi;
  • Nữ giới sau tuổi mãn kinh có các yếu tố nguy cơ chính;
  • Người sử dụng corticoid kéo dài;
  • Người mắc các bệnh toàn thân gây tăng nguy cơ loãng xương.

Cách phòng tránh loãng xương

Để làm chậm và ngăn ngừa loãng xương, ngoài việc nhận biết nguyên nhân thứ phát, bạn cần lưu ý:

  • Bổ sung vào chế độ ăn uống nhiều canxi và vitamin D.
  • Kiểm tra mật độ xương định kỳ đối với những người thuộc đối tượng nguy cơ cao.
  • Duy trì thói quen tập thể dục với cường độ phù hợp để xây dựng hệ xương chắc khỏe và tăng cường sự dẻo dai cho cơ bắp.
  • Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia và các chất kích thích vì chúng có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe xương khớp.
  • Tránh lạm dụng thuốc giảm đau và chống viêm (đặc biệt là corticoid) vì chúng có thể làm tình trạng loãng xương thêm trầm trọng và dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
  • Thận trọng khi sinh hoạt và làm việc để tránh các tai nạn đáng tiếc gây chấn thương xương.
Bạn có biết nguyên nhân gây loãng xương là gì? 3
Tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp để giúp xương chắc khỏe

Hiểu rõ nguyên nhân gây loãng xương là bước quan trọng để phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. Bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập luyện thể dục thường xuyên và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ loãng xương và bảo vệ sức khỏe xương khớp của mình.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin