Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Trẻ bị nóng trong phát ban: Nguyên nhân và giải pháp

Ngày 04/11/2023
Kích thước chữ

Trẻ bị nóng trong phát ban có thể biểu hiện các triệu chứng rất nhẹ và biến mất sau ít giờ. Tuy nhiên có không ít trường hợp chúng xuất hiện dai dẳng và tái diễn nhiều lần. Từ đó gây tổn thương da đồng thời làm phát sinh nhiều phản ứng tiêu cực ở trẻ nhỏ.

Khi thời tiết oi nực, nhiệt độ môi trường cao hơn hoặc ngang bằng với thân nhiệt trẻ nên quá trình thoát nhiệt qua da bị ngưng trệ. Lúc này trẻ rất dễ bị nóng trong, nổi mẩn ngứa trên da và thường xuyên quấy khóc. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, hiện tượng trẻ bị nóng trong phát ban này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm lý của bé con.

Phát ban do nóng trong là gì?

Phát ban do nóng trong là hiện tượng trẻ xuất hiện những vết ban trên da do cơ thể tăng nhiệt đột ngột và kéo dài qua thời gian. Bệnh có thể phát sinh ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những đối tượng có làn da đặc biệt nhạy cảm và các chức năng sinh lý đang còn trong giai đoạn hoàn thiện.

Trẻ bị nóng trong phát ban: Nguyên nhân và giải pháp 1
Phát ban do nóng trong là hiện tượng rất phổ biến ở trẻ nhỏ

Khi nóng trong người, trẻ có thể bị nổi ban ở bất cứ đâu, từ đầu, mặt, lưng, cổ cho tới mông, tay, chân và thậm chí là toàn thân. Tuy nhiên, chúng sẽ biểu hiện nặng nề hơn ở các khu vực nếp gấp như: bẹn, nách, cổ,… Vì đây là nơi bế khí và cũng là vị trí phát tán lượng nhiệt lớn nhất trong cơ thể.

Hiện tượng trẻ phát ban do nóng trong thường không kéo dài lâu mà chỉ xuất hiện trong vài tiếng hoặc vài ngày. Khi nhiệt độ môi trường dần hạ, thân nhiệt của bé trở về trạng thái ổn định thì vết ban cũng lặn và tiệp hẳn vào màu da. Thế nhưng, chúng có thể lặp lại liên tục qua thời gian, xuất hiện dai dẳng hết lần này đến lần khác và nếu không điều trị đúng cách thì nguy cơ bội nhiễm, hình thành sẹo sẽ rất cao.

Các dạng phát ban do nóng trong thường gặp nhất

Biểu hiện bên ngoài của phát ban do nóng trong không giống nhau ở mọi trường hợp. Chúng được phân chia làm nhiều dạng khác nhau và dưới đây là 3 dạng phổ biến nhất:

Ban bạch

Loại ban này thường chỉ gặp ở trẻ dưới 1 tháng (trẻ sơ sinh). Chúng thường nổi thành đám ở hai bên gò má, cằm, trán và mũi của trẻ. Ở chính giữa mỗi ban có một chấm trắng, sờ thấy sần sùi và hơi cứng. Vùng da lân cận không hề chuyển đỏ và ít khi gây ngứa. Ban bạch thường nổi theo đợt từ 2 - 5 ngày, một số trường hợp hi hữu có thể kéo dài vài tuần.

Ban kê đỏ

So với ban bạch, ban kê đỏ (rôm sảy) phổ biến hơn nhiều và hầu như trẻ nhỏ nào cũng từng xuất hiện vết ban này. Chúng gồm những nốt li ti có màu đỏ hồng, xuất hiện với mật độ dày và có thể nhìn thấy cả những bóng nước nằm xen kẽ. Đặc trưng của loại ban trên là rất ngứa, gây bỏng rát như châm chích trên da. Ban kê đỏ thường phát sinh ồ ạt trong mùa nắng nóng, khi quá trình thoát nhiệt qua da trở nên hạn chế và tuyến mồ hôi bị ứ nghẽn do bít tắc lỗ chân lông.

Trẻ bị nóng trong phát ban: Nguyên nhân và giải pháp 2
Nổi rôm sảy (ban kê đỏ) ở trẻ

Ban kê sâu

Về bản chất, ban kê sâu là giai đoạn nặng của ban kê đỏ, khi rôm sảy tái đi tái lại nhiều lần và làm suy giảm sức đề kháng, khả năng phục hồi của da. Các kiểm chứng lâm sàng cho thấy trẻ bị ban kê mủ thường có tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn sâu và sinh bội nhiễm. Nhìn từ bên ngoài, chúng không có biểu hiện cấp tính như ban kê đỏ vì màu ngả sậm, có mụn cứng và nổi bóng nước. Tuy nhiên, vì bị nhiễm trùng da nên biến chứng của bệnh là cực khó lường.

Nguyên nhân phát sinh

Như đã nhắc đến ở trên, hiện tượng trẻ bị nóng trong phát ban chủ yếu do lượng nhiệt nội sinh không thể phóng thích ra môi trường ngoài. Và có 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, đó là:

  • Trẻ bị sốt, thân nhiệt cao hơn bình thường nên da cũng tăng nhiệt theo và hình thành những vết ban đỏ.
  • Môi trường có nền nhiệt quá cao khiến cơ thể không thể đào thải lượng nhiệt tồn ứ.
  • Trẻ vận động mạnh và trong thời gian dài, tuyến mồ hôi hoạt động liên tục nhưng vẫn không bài xuất hết lượng nhiệt năng sinh ra, từ đó gây nên hiện tượng nổi ban.
  • Trẻ mặc nhiều quần áo khiến quá trình thoát mồ hôi bị ảnh hưởng và làm phát sinh tình trạng nóng trong.
  • Da của trẻ không được vệ sinh đúng cách, tắc nghẽn lỗ chân lông do dầu thừa, bụi bẩn, tế bào chết và vi khuẩn. Chính vì vậy làm cản trở con đường thoát nhiệt qua da.
  • Trẻ sử dụng đồ ăn có tính cay, nóng, mặn hoặc dung nạp gián tiếp qua đường sữa mẹ.
Trẻ bị nóng trong phát ban: Nguyên nhân và giải pháp 3
Thời tiết oi nực là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị nóng trong phát ban

Cách chăm sóc trẻ bị nóng trong phát ban

Khi trẻ bị nóng trong phát ban, chúng ta hãy dựa vào nguyên nhân làm phát sinh hiện tượng này để tìm ra cách thức chăm sóc phù hợp. Cụ thể như sau:

  • Nếu trẻ bị sốt, hãy cho bé mặc đồ thoáng mát, mỏng nhẹ ở nền nhiệt dưới 38,5 độ C. Khuyến khích bé uống nhiều nước ấm và ăn trái cây. Khi thân nhiệt của trẻ vượt quá ngưỡng này thì cho bé dùng Paracetamol với hàm lượng 10 - 15mg/1kg thể trọng. Chú ý lặp lại sau mỗi 4 - 6 tiếng nếu còn sốt và không sử dụng nhiều hơn 60mg/1kg thể trọng trong 24h.
  • Khi cơ thể tăng nhiệt, trẻ không chỉ mất nước mà còn mất đi nhiều vi khoáng. Vậy nên đừng quên cho bé uống thuốc điện giải (thuốc Oresol) pha chuẩn tỉ lệ trong trường hợp này.
  • Sử dụng quạt điều hòa, máy lạnh để hạ nhiệt môi trường ngoài. Điều này sẽ làm cho các vết ban lặn đi đáng kể.
  • Khi trẻ ra nhiều mồ hôi, mẹ hãy lấy khăn xô lau sạch bề mặt để da bé được hạ nhiệt nhanh chóng.
  • Không để trẻ chạy nhảy, vui chơi quá độ vì điều này cũng là nguyên nhân khiến thân nhiệt của trẻ tăng cao và khiến hiện tượng phát ban ngày càng khó kiểm soát.
  • Không mặc cho trẻ quá nhiều quần áo, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời đang ở mức cao.
Trẻ bị nóng trong phát ban: Nguyên nhân và giải pháp 4
Hãy mặc quần áo thoáng mát cho trẻ trong ngày oi nực hoặc khi bị sốt

Ngoài những cách chăm sóc trên, bạn cũng có thể tham khảo một số cách sau: 

  • Cắt móng tay gọn gàng cho bé để phòng ngừa trường hợp trẻ cào cấu dẫn đến trầy xước da do quá ngứa. Nếu cần, chúng ta có thể đeo bao tay cho trẻ để ngăn chặn nguy cơ này.
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của bé, ưu tiên các thực phẩm có tính mát và nói không với đồ cay, mặn.
  • Vệ sinh thân thể bé bằng sản phẩm có nguồn gốc thảo dược lành tính, tích hợp các thành phần làm dịu và mát da như: Nha đam, diếp cá, rau má, mướp đắng, sài đất,… Đây là một trong những cách trị rôm sảy vừa hiệu quả, vừa an toàn đối với trẻ.
  • Trong trường hợp sau 2 - 3 ngày chăm sóc tích cực mà tình trạng phát ban vẫn không có nhiều biến chuyển thì tốt nhất hãy đưa bé đến bệnh viện hoặc phòng khám da liễu để được hỗ trợ kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa.

Trẻ bị nóng trong phát ban là vấn đề không quá đáng ngại nhưng chúng gây bức bách, khó chịu và tác động tiêu cực đến tâm lý cũng như sức khỏe làn da của bé. Vậy nên hãy ghim lại những thông tin đắt giá mà Nhà thuốc Long Châu đã chia sẻ này để không thấy hoang mang và luôn có giải pháp đối phó kịp thời nếu hiện tượng trên xảy đến với bé con của bạn. Tuy nhiên, nếu tình trạng nóng trong phát ban kèm theo các dấu hiệu sốt cao trên 40 độ, đau đầu, buồn nôn, sưng hạch bạch huyết,.... thì có thể là dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Hãy nhanh chóng đăng ký tiêm vắc xin sốt xuất huyết cho trẻ tại Long Châu để phòng bệnh hiệu quả nhé!

Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị nóng trong mẹ nên ăn gì?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin