Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trẻ ho có đờm sổ mũi, sốt là bệnh gì? Có nên uống thuốc không?

Ngày 12/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh cảm lạnh, cảm cúm do cấu tạo của hệ hô hấp chưa hoàn thiện. Nếu trẻ ho có đờm sổ mũi, sốt thì mẹ đừng chủ quan, vì đây có thể là những dấu hiệu của các bệnh về đường hô hấp. Vậy các bệnh hô hấp đó là gì? Và ba mẹ cần làm những gì để giúp trẻ mau khỏi bệnh? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ thông tin hơn nhé.

Trẻ bị ho có đờm và sổ mũi không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn khiến trẻ khó chịu, quấy khóc, chán ăn khiến các mẹ lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho mẹ một vài cách chữa trị ho có đờm, sổ mũi cho trẻ mà không dùng đến thuốc tây.

Trẻ ho có đờm sổ mũi, sốt là biểu hiện của bệnh gì?

Ho, sổ mũi là phản ứng của cơ thể trước sự tấn công của nhiều loại virus, vi khuẩn khác nhau. Ho được chia làm 2 loại chính là ho khan, thường gặp khi bị viêm mũi họng và ho có đờm là dấu hiệu của viêm thanh khí quản. Khi trẻ bị ho có đờm và sổ mũi kéo dài khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, đau rát họng,... Các triệu chứng này có thể là do những nguyên nhân sau:

Cảm lạnh: Khi thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi đáng kể và độ ẩm tăng cao khiến trẻ dễ bị cảm lạnh. Ba mẹ có thói quen mặc cho trẻ quá nhiều quần áo giữ ấm khiến trẻ đổ nhiều mồ hôi khi ngủ làm trẻ dễ bị cảm lạnh. Khi cảm lạnh, cổ họng bị ảnh hưởng đầu tiên, trẻ sẽ thấy đau rát, khó nuốt nước bọt hoặc viêm họng. Sau đó các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi sẽ xuất hiện.

Cảm cúm: Rất nhiều người nhầm lẫn những triệu chứng của bệnh cúm lạnh thông thường và cảm cúm. Cảm cúm thường có dấu hiệu sốt cao 38 - 39 độ C, sổ mũi, đau họng và cơ thể mệt mỏi.

Viêm phế quản, viêm phổi và viêm tiểu phế quản: Trẻ em đặc biệt dễ bị vi khuẩn và virus tấn công do hệ hô hấp còn non nớt. Dấu hiệu của viêm phế quản và viêm phổi ở trẻ là khó thở, ho, sổ mũi, sốt cao, khó chịu, lười ăn.

Viêm mũi dị ứng, viêm xoang: Viêm mũi dị ứng do yếu tố khí hậu, môi trường (phấn hoa, bụi bẩn, lông động vật,…) dẫn đến triệu chứng sổ mũi. Dịch tiết ở mũi chảy xuống họng gây kích ứng phản xạ ho.

Trẻ ho có đờm sổ mũi, sốt là bệnh gì? Có nên uống thuốc không? 1 Khi trẻ ho có đờm sổ mũi, sốt không nên chủ quan vì sức đề kháng còn yếu có thể dẫn đến biến chứng nặng hơn

Làm cách nào để trẻ hết ho có đờm sổ mũi, sốt?

Bé bị ho có đờm và sổ mũi nên uống thuốc gì?

Nhiều bà mẹ khi thấy trẻ ho ra đờm, sổ mũi là lập tức mua các loại thuốc kháng sinh, long đờm, thuốc ho. Tuy nhiên tự ý kết hợp các loại thuốc mà không tìm đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ làm bệnh nặng thêm. Chẳng hạn như khi dùng thuốc long đờm và thuốc dị ứng, đờm sẽ khô và đọng lại khiến trẻ ho lâu hơn. Còn kết hợp thuốc long đờm và ức chế ho sẽ làm loãng đờm nhưng trẻ bị ức chế ho khiến không thể khạc đờm mà ứ đọng lại trong cổ.

Ngoài ra một số mẹ cho con uống kháng sinh mỗi khi ho có đờm, sổ mũi mà quên mất thuốc kháng sinh chỉ dùng khi bị viêm nhiễm và sử dụng thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc của bác sĩ. Bên cạnh đó có rất nhiều thuốc không được dùng cho trẻ nhỏ vì tuỳ theo độ tuổi và chỉ định riêng.

Vì vậy, lời khuyên tốt nhất cho các bà mẹ là nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt khi trẻ ho có đờm, sổ mũi, sốt để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Với những trẻ bị cảm thông thường, tình trạng nhẹ, sử dụng các bài thuốc dân gian trị ho đờm sẽ mang lại hiệu quả và an toàn cho trẻ.

Trẻ ho có đờm sổ mũi, sốt là bệnh gì? Có nên uống thuốc không?  2 Khi trẻ mới có dấu hiệu ho, sổ mũi ba mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân là gì thay vì cho trẻ uống thuốc kháng sinh ngay

Cách chăm sóc cho trẻ 

Vệ sinh mũi hàng ngày và giữ ấm cho trẻ: Sổ mũi và ho có đờm có thể bị biến chứng sang viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi. Vì vậy, các mẹ nên rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý thường xuyên để làm loãng đờm, thông đường thở, phục hồi sức khỏe nhanh chóng mà không lo tác dụng phụ. Trước khi nhỏ mũi phải làm sạch dịch tiết mũi để tránh trào ngược trong.

Đồng thời, ba mẹ cần giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhất là khi ra ngoài vào mùa lạnh và buổi tối. Bạn cũng có thể dùng tinh dầu tràm hoặc dầu khuynh diệp xoa bóp vào lòng bàn chân của trẻ vào mỗi buổi tối trước khi ngủ.

Vỗ rung long đờm cho trẻ: Đặt trẻ nằm nghiêng, sau đó mẹ vỗ nhẹ vào lưng trẻ từ phổi đến cổ. Chú ý lực gõ không quá mạnh từ dưới lên trên để hướng đờm từ dưới lên miệng. Thực hiện khoảng 3 phút mỗi lần, 2 - 3 lần mỗi ngày. Nếu mẹ thấy trẻ có đờm trong cổ họng, hãy lấy khăn sạch quấn vào ngón tay và lấy đờm ra. Thời điểm tốt nhất để làm là vào buổi sáng khi trẻ chưa ăn gì.

Chế độ dinh dưỡng: Nếu trẻ đang bú mẹ, hãy cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn vì ngoài các chất dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa các kháng thể tự nhiên giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Cho trẻ bú mẹ thường xuyên cũng làm long đờm dễ dàng hơn. Đối với trẻ lớn, nên cho trẻ ăn thức ăn nhiều mềm, lỏng, dễ tiêu hóa nhưng phải đảm bảo đủ dinh dưỡng như cháo, sữa, súp, nước ép trái cây, hoa quả, rau củ tươi,...

Trẻ ho có đờm sổ mũi, sốt là bệnh gì? Có nên uống thuốc không? Vỗ long đờm cho trẻ là cách được bác sĩ khuyên thực hiện đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ về nguyên nhân khiến trẻ ho có đờm sổ mũi, sốt từ đó có phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả. Khi trẻ ho có đờm, sốt, bỏ ăn, mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở,... kéo dài trên 1 tuần thì ba mẹ cần đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế chuyên khoa.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Hô hấp