Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trẻ ho nhiều đờm về đêm: Cha mẹ nên làm gì để chăm sóc đúng cách?

Ngày 27/05/2023
Kích thước chữ

Trên thực tế, hiện tượng trẻ ho nhiều đờm về đêm là vấn đề không đáng lo ngại, bởi đây là cách cơ thể loại bỏ vi khuẩn và chất cặn bã ra khỏi đường hô hấp. Dù vậy, nếu tình trạng này kéo dài một cách dai dẳng sẽ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của trẻ.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến điều này? Liệu việc trẻ ho nhiều đờm về đêm nhiều ngày liền có phải là tình trạng đáng báo động? Đồng thời, các bậc cha mẹ cần phải làm gì để giúp con nhanh chóng trở lại khỏe mạnh? Tất cả sẽ được Nhà thuốc Long Châu giải đáp ngay trong bài viết dưới đây. 

Nguyên nhân dẫn đến trẻ ho nhiều đờm về đêm là gì?

Tình trạng trẻ ho có đờm về đêm có thể đến do nhiều nguyên nhân khác nhau, mỗi nguyên nhân lại đi kèm với một triệu chứng riêng. Điều này có thể giúp cha mẹ dễ dàng xác định nguyên nhân cụ thể gây ra cơn ho và áp dụng liệu pháp điều trị phù hợp. 

Viêm đường hô hấp 

Đối với những trẻ bị viêm đường hô hấp, khi ngủ, tư thế nằm để đầu thấp có thể dẫn đến hiện tượng nước mũi chảy ngược xuống họng qua lỗ mũi sau. Điều này khiến trẻ bị ho và có thể gây nôn ói. Ngoài ra, nhiều trẻ còn bị tắc mũi, buộc phải mở miệng để thở, dẫn đến việc không khí lạnh và khô đi vào phổi qua đường miệng, khiến không khí không được ấm và lọc bụi như khi đi qua đường mũi, dẫn đến tình trạng trẻ ho nhiều đờm về đêm.

Trẻ ho nhiều đờm về đêm: Cha mẹ nên làm gì để chăm sóc đúng cách? 1
Viêm đường hô hấp là nguyên nhân khiến trẻ ho nhiều đờm về đêm

Các triệu chứng thường gặp ở viêm đường hô hấp có thể kể đến như:

  • Sốt;
  • Ho kéo dài kèm theo đờm có màu đục hoặc xanh vàng;
  • Nghẹt mũi, chảy nước mũi;
  • Xung huyết kết mạc gây đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt;
  • Đau họng với niêm mạc họng đỏ và sưng.

Nếu trẻ ho kéo dài trong 2 - 3 tuần hoặc có sốt từ 39 - 40 độ và sốt không giảm sau khi sử dụng các biện pháp hạ sốt bằng thuốc, mẹ cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời.

Chảy dịch mũi sau

Dịch mũi sau là hiện tượng khi dịch mũi từ hốc xoang chảy qua mũi và xuống phía sau họng, đây là tình trạng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Thường thì dịch mũi được tiết ra nhằm loại bỏ dị vật, làm ấm màng mũi và chống lại nguy cơ nhiễm trùng.

Tuy nhiên, khi nằm ngủ, dịch mũi này sẽ dễ bị tụ lại ở đường thở dẫn đến tình trạng ho nhiều về đêm. Nếu trẻ chỉ ho nhiều và có đờm vào ban đêm mà không liên tục thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Nhưng nếu nhận thấy dịch mũi của trẻ chảy nhiều hơn bình thường, có màu sẫm và dai dẳng không dứt, nguyên nhân chính có thể đến từ việc nhiễm khuẩn. Nếu trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con em mình đến ngay các trung tâm y tế để có sự chẩn đoán chính xác từ bác sĩ. 

Ho gà

Ho gà là tình trạng ho kèm theo tiếng thở hổn hển sau mỗi cơn ho, một bệnh nhiễm trùng tương đối nguy hiểm. Đối với trẻ đã được tiêm vaccine phòng ho gà, triệu chứng thường sẽ nhẹ và không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, với những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu, chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh, ho gà có thể gây ra những cơn ho dữ dội liên tục, khiến trẻ trở nên yếu dần như ngừng thở do bị thiếu oxy, nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ ho nhiều đờm về đêm: Cha mẹ nên làm gì để chăm sóc đúng cách? 2
Ho gà gây nên tình trạng ho có đờm trong suốt nhiều đêm liền ở trẻ

Hen suyễn

Hen suyễn là căn bệnh hô hấp mãn tính thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân của bệnh liên quan đến vấn đề viêm nhiễm kéo dài của đường dẫn khí cùng các tác nhân kích thích như biến đổi thời tiết, ô nhiễm không khí, khói thuốc, thức ăn, hóa chất có mùi nồng hay dị ứng.

Các triệu chứng hay gặp của bệnh bao gồm:

  • Ho dai dẳng, tái phát nhiều lần trong năm, đặc biệt là trẻ ho nhiều đờm về đêm.
  • Tiếng thở khò khè.
  • Khó thở do các phế quản bị co thắt nhiều.
  • Nhịp thở tăng cao, vượt quá ngưỡng bình thường, ví dụ như trên 60 lần/phút (ở trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút (ở trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi) hoặc trên 40 lần/phút (ở trẻ trên 12 tháng tuổi).
  • Trẻ thường đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
  • Mặt trẻ có dấu hiệu nhợt nhạt do cơ thể không được cung cấp đủ lượng oxy cần thiết.

Viêm phổi

Viêm phổi có thể xuất hiện bất kỳ độ tuổi nào nhưng thường phổ biến nhất ở nhóm trẻ em dưới 5 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này có thể là do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất hay nhiều yếu tố khác. Cụ thể như sau:

  • Trẻ dưới 5 tuổi: Các vi khuẩn phổ biến như phế cầu, tụ cầu vàng và liên cầu pyogenes có thể gây bệnh.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi: Ngoài các vi khuẩn trên, còn có thể gây bệnh do một số vi khuẩn đường ruột như E.Coli, Proteus và những tác nhân khác.
  • Trẻ dưới 1 tuổi: Các yếu tố như sinh non, sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng, điều kiện sống khó khăn, chăm sóc y tế không đầy đủ và môi trường sinh hoạt đông người có thể góp phần vào bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ.
Trẻ ho nhiều đờm về đêm: Cha mẹ nên làm gì để chăm sóc đúng cách? 3
Trẻ ho nhiều đờm về đêm có thể là triệu chứng của căn bệnh viêm phổi

Cha mẹ cần làm gì khi thấy con ho nhiều đờm về đêm?

Trẻ em là những đối tượng có sức đề kháng kém, dẫn đến thường xuyên gặp phải các vấn đề về đường hô hấp. Thế nên, cha mẹ cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để nhận biết và chăm sóc con đúng cách, giúp con nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật trở về với cơ thể khỏe mạnh, năng động của mình. Dưới đây là những điều cha mẹ có thể áp dụng để cải thiện tình trạng trẻ ho nhiều đờm về đêm.

Vỗ rung long đờm

Vỗ rung long đờm là phương pháp cha mẹ có thể áp dụng ngay khi trẻ bị ho. Biện pháp tức thì này tuy mang lại hiệu quả nhưng không thể chữa trị hoàn toàn. Nhưng nếu thực hiện đúng kỹ thuật sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn ngay khi biểu hiện triệu chứng.

Sử dụng máy tạo độ ẩm

Sử dụng máy tạo ẩm để tăng độ ẩm không khí trong phòng ngủ sẽ giúp trẻ tránh bị khô họng khi ngủ. Ngoài ra, nó còn giúp làm mềm và loãng dịch nhầy trong mũi và họng của trẻ, từ đó làm giảm cơn ho và giảm nghẹt mũi. 

Trẻ ho nhiều đờm về đêm: Cha mẹ nên làm gì để chăm sóc đúng cách? 4
Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp cải thiện tình trạng ho có đờm ở trẻ

Để trẻ ngủ đúng tư thế

Tư thế ngủ không đúng có thể là nguyên nhân gây ra những cơn ho về đêm của trẻ. Bởi khi nằm ngửa, tư thế đầu thấp, dịch mũi và chất nhầy có thể chảy ngược xuống cổ họng, gây kích thích khiến cơn ho trở nên nghiêm trọng hơn. 

Bên cạnh đó, nếu trẻ nằm trên gối thấp, lượng acid trong dạ dày có thể trào ngược lên khoang họng và vùng phổi, gây ra triệu chứng ho. Do đó, việc điều chỉnh tư thế ngủ đúng cách sẽ giúp cơn ho về đêm của trẻ được thuyên giảm nhanh chóng và có được giấc ngủ trọn vẹn. 

Những lưu ý quan trọng khi chăm sóc trẻ bị ho

Khi nhận thấy con trẻ xuất hiện tình trạng ho nhiều về đêm, cha mẹ cần lưu ý:

  • Lựa chọn những loại thức ăn như cháo loãng và các món dễ tiêu, đồng thời hạn chế các loại thực phẩm dễ gây kích thích như tôm, cua, ghẹ...
  • Tránh để bé tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như khói thuốc, bụi đường, phấn hoa, lông động vật…
  • Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, thay chăn, ga, gối và đệm cho bé, đặc biệt đối với trẻ bị viêm xoang, hen suyễn hoặc dị ứng càng cần chú trọng hơn cả.
  • Đảm bảo giữ ấm cơ thể cho bé khi ngủ, tránh để bụng, cổ hay chân bé bị hở, đồng thời có thể sử dụng dầu tràm hoặc mang tất ấm cho bé không bị lạnh.

Nhìn chung, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ ho nhiều đờm về đêm rất đa dạng. Do đó, nếu cha mẹ nhận thấy tình trạng ho của con em dẫn trở nên nghiêm trọng, kéo dài với tần suất ho dày đặc, hãy nhanh chóng đưa bé đến thăm khám tại các cơ sở y tế để nhận được điều trị và chẩn đoán chính xác.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin