Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn có dấu hiệu gì?

Ngày 29/08/2024
Kích thước chữ

Trẻ sinh non, thiếu tháng rất dễ gặp phải rất nhiều các vấn đề về sức khỏe. Trong số đó, tình trạng trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn xảy ra rất phổ biến. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn luôn ở mức cao. Vậy cụ thể, trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn là như thế nào?

Nhiễm khuẩn sơ sinh là gì? Trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn sẽ có những dấu hiệu như thế nào? Bố mẹ cần chăm sóc trẻ ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây, mời bạn đọc chú ý theo dõi.

Nhiễm khuẩn sơ sinh là gì?

Trẻ sinh non hay đẻ non chính là khi trẻ được sinh ra sớm hơn so với ngày dự sinh, thường ở tuổi thai từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Vì không được nuôi dưỡng bên trong bụng mẹ đủ ngày đủ tháng nên từ khi sinh ra, sức khỏe của trẻ sinh non rất yếu ớt và dễ gặp phải nhiều các vấn đề về sức khỏe. Điển hình trong số đó chính là tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh.

Nhiễm khuẩn sơ sinh là tình trạng trẻ ở lứa tuổi sơ sinh (tính từ lúc sinh cho đến 28 ngày tuổi) bị nhiễm khuẩn. Do hệ thống miễn dịch chưa được phát triển đầy đủ kết hợp với việc phải can thiệp nhiều thủ thuật xâm lấn vào cơ thể nên trẻ sinh non rất dễ mắc phải tình trạng này.

Nhiễm khuẩn sơ sinh có thể gây ra rất nhiều những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến các cơ quan, bộ phận trong cơ thể trẻ và nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, nhiễm khuẩn sơ sinh vẫn đang là một trong những thách thức lớn và là mối quan tâm hàng đầu của nền Y tế thế giới. Tình trạng nhiễm khuẩn có thể xảy ra ở nhiều các khoa khác nhau như khoa sơ sinh, khoa hồi sức tích cực, khoa bỏng và nhất là ở những trẻ có can thiệp các thủ thuật xâm lấn.

Trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn có dấu hiệu gì?1
Nhiễm khuẩn sơ sinh có nguy cơ cao dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn sơ sinh

Yếu tố cơ địa

Các trẻ sinh non, tuổi thai thấp hoặc trẻ sinh ra thiếu cân nặng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn hơn so với các trẻ bình thường. Ngoài ra, tình trạng ngạt khí khi sinh, mắc bệnh nặng hoặc suy giảm hệ miễn dịch cũng là các yếu tố gây nhiễm khuẩn sơ sinh.

Can thiệp xâm lấn

  • Trẻ phải can thiệp các dụng cụ đặt trong lòng mạch.
  • Trẻ phải đặt nội khí quản, thở máy.
  • Trẻ cần can thiệp các thủ thuật khác như thay máu, lọc máu, đặt ống thông tiểu, nuôi ăn qua ống,...

Can thiệp điều trị

  • Trẻ phải sử dụng thuốc ức chế thụ thể H2.
  • Trẻ phải sử dụng nhiều kháng sinh.
  • Trẻ phải nuôi ăn qua đường tiêu hóa, tĩnh mạch từ sớm và không được bú mẹ.
  • Trẻ phải truyền máu, thay máu, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, nằm viện thời gian dài.

Yếu tố môi trường

  • Các nguồn lây vi khuẩn, virus từ ngoài môi trường sống, từ người chăm sóc trẻ.
  • Môi trường lưu trữ sữa không an toàn.
  • Nước trong các dụng cụ y tế không được tiệt trùng kỹ càng.
  • Cơ sở y tế không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn, nhân viên y tế không rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ.
  • Người nhà bệnh nhi không tuân thủ quy định kiểm soát nhiễm khuẩn.
Trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn có dấu hiệu gì?2
Có rất nhiều yếu tố khác nhau có thể gây nhiễm khuẩn sơ sinh 

Trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn có dấu hiệu gì?

Tùy thuộc vào loại nhiễm khuẩn mà mỗi trẻ sẽ có những triệu chứng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, biểu hiện thường thấy đó chính là trẻ biếng bú và quấy khóc trong một thời gian ngắn. Bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến trẻ để có thể nhận ra những biểu hiện khác của tình trạng nhiễm khuẩn như:

  • Trẻ thay đổi hành vi: Trẻ có thể quấy khóc nhiều hơn hoặc ngủ nhiều hơn bình thường,...
  • Trẻ thở nhanh: Trẻ thở trên 60 lần/phút hoặc có các biểu hiện rối loạn nhịp thở như thở không đều, có lúc ngừng thở,...
  • Màu môi: Da môi của trẻ nhợt nhạt, xung quanh môi có màu tím.
  • Thân nhiệt thay đổi: Thân nhiệt trẻ hạ thấp hoặc trẻ bị sốt.
  • Mắt: Mắt trẻ bị sưng hoặc chảy ghèn vàng.
  • Các biểu hiện khác: Trẻ bú kém, nôn mửa, tiêu chảy,...

Một khi nhận thấy cơ thể trẻ xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ không nên chủ quan bỏ qua mà hãy cho con đi thăm khám càng sớm càng tốt để được các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng trẻ đang mắc phải. Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho trẻ, giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn có dấu hiệu gì?3
Trẻ có thể quấy khóc, bỏ bú mẹ, thay đổi hành vi khi bị nhiễm khuẩn

Chăm sóc trẻ đúng cách như thế nào?

Tác nhân gây ra tình trạng nhiễm trùng đó chính là vi khuẩn, virus và nấm. Do đó, chăm sóc và giữ vệ sinh cho trẻ đúng cách sẽ giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Việc theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển và an toàn cho bé. Dưới đây là một số điểm quan trọng mà ba mẹ nên chú ý:

Theo dõi trẻ (nhịp thở, thân nhiệt,…)

  • Nhịp thở: Theo dõi xem bé có thở đều và dễ dàng không. Nhịp thở của trẻ sơ sinh thường dao động từ 40-60 lần/phút. Nếu bé thở nhanh hơn, chậm hơn hoặc có dấu hiệu khó thở (như lồng ngực phập phồng quá mức, thở khò khè), cần kiểm tra ngay.
  • Thân nhiệt: Đo nhiệt độ cơ thể của bé thường xuyên. Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh là khoảng 36.5°C đến 37.5°C. Nhiệt độ quá cao (sốt) hoặc quá thấp (hạ thân nhiệt) đều có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe.
  • Màu sắc da: Da của bé nên có màu hồng nhạt. Nếu da bé có màu xanh, xám hoặc nhợt nhạt, đặc biệt là quanh miệng hoặc đầu ngón tay có thể là dấu hiệu của thiếu oxy.
  • Tri giác và phản xạ: Quan sát sự tỉnh táo của bé, phản xạ khi bị kích thích. Nếu bé quá buồn ngủ hoặc không phản ứng với các kích thích có thể là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe.

Cho trẻ bú mẹ

Đảm bảo sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Vì hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh rất yếu và trong sữa mẹ lại có chứa các kháng thể giúp chống lại virus. Trẻ thiếu tháng có thể cần thêm hỗ trợ về dinh dưỡng và theo dõi sự tăng trưởng đặc biệt. Do đó, ngoài dinh dưỡng cung cấp qua đường tĩnh mạch trong những ngày đầu, trẻ sẽ rất cần được bú mẹ. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra, trẻ bú mẹ thường ít bị nhiễm khuẩn hơn so với trẻ bú bình.

Vệ sinh đúng cách

Cần đặc biệt lưu ý trong việc tắm và chăm sóc các vùng da, rốn cũng như mắt cho trẻ ở giai đoạn này vì đây là các vùng nhạy cảm và rất dễ bị nhiễm khuẩn. Đồng thời, bố mẹ hãy giữ cho thân nhiệt của con ổn định, không quá lạnh cũng không quá nóng để tránh khiến cho trẻ khó chịu.

Đảm bảo môi trường sống xung quanh của trẻ luôn sạch sẽ, thông thoáng không nấm mốc, đồ dùng được vệ sinh, tiệt trùng kỹ càng để hạn chế tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.

Trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn có dấu hiệu gì?4
Giữ vệ sinh cho con đúng cách là việc rất quan trọng giúp hạn chế nhiễm khuẩn, nhiễm trùng

Trẻ sinh non bị nhiễm khuẩn thuộc nhóm bệnh nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong cao, do đó bố mẹ hãy thật thận trọng trong việc chăm sóc trẻ. Bố mẹ cũng có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia cách chăm sóc, giữ vệ sinh cho trẻ khoa học, đúng cách để bảo vệ sức khỏe trẻ, phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn một cách tối ưu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin