Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè là tình trạng thường gặp, song đối với những người lần đầu làm mẹ chưa có kinh nghiệm thì thường cảm thấy lo lắng. Dưới đây là nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng trẻ bị ọc sữa và thở khò khè mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp từ các chuyên gia.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè là hiện tượng phổ biến trong những ngày tháng đầu đời, song trong một số trường hợp thì đây có thể là dấu hiệu cảnh bảo một bệnh lý nguy hiểm nào đó. Khám phá ngay bài viết sức khỏe hôm nay để biết thêm chi tiết về tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè bạn nhé!
Ọc sữa là hiện tượng sinh lý phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này xuất phát từ việc đặc điểm cấu tạo, vị trí, kích thước cũng như chức năng dạ dày của trẻ còn chưa hoàn thiện. Theo giải phẫu, dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang, độ co giãn còn thấp, cùng với đó là các van chưa hoạt động hiệu quả dẫn đến tình trạng sữa có thể bị ọc ra khỏi dạ dày bất cứ lúc nào. Tình trạng ọc sữa có thể xảy ra cả khi mẹ vừa cho bé ăn, đã đặt bé nằm xuống hoặc bế với tư thế không phù hợp.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi, hệ hô hấp chưa hoàn thiện và phát triển, chính vì thế, trẻ rất dễ bị vi khuẩn tấn công dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đường thở, viêm đường thở đồng thời tiết nhiều đờm hơn bình thường. Lúc này nếu để ý, cha mẹ sẽ cảm thấy trẻ sơ sinh thở khò khè.
Khi phát hiện trẻ sơ sinh có biểu hiện ọc sữa đi kèm với triệu chứng thở khò khè thì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó, cụ thể:
Theo thống kê, có đến 50% trên tổng số trẻ sơ sinh mắc phải tình trạng trào ngược dạ dày. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những đặc điểm sinh lý nêu trên. Khi trẻ bị ọc sữa nhưng vẫn vui vẻ, không quấy khóc và tăng cân đều đặn thì được cho là bình thường.
Trong trường hợp trào ngược nghiêm trọng, tình trạng nôn trớ và cáu bẳn của trẻ diễn ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt cũng như sự phát triển của trẻ. Lúc này mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn cũng như hỗ trợ điều trị (nếu cần).
Khi trẻ bị trào ngược dạ dày, một phần sữa sẽ bị ọc ra ngoài, sữa bị ọc có thể bị lạc vào đường hô hấp gây kích thích và tăng tiết đờm. Lúc này, tiếng thở của trẻ sẽ khò khè. Tình trạng này xảy ra nhiều hơn sau khi trẻ ăn no hoặc cũng có thể xảy ra khi trẻ sơ sinh quấy khóc hoặc ho…
Khi mới chào đời, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu, do vậy rất dễ bị các yếu tố cũng như tác nhân từ môi trường xung quanh tác động, gây ra những vấn đề về đường hô hấp. Ngoài ra, việc trẻ hít phải nước ối khi đang còn trong bụng mẹ cũng có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe này.
Việc tăng tiết đờm dãi và ứ đọng đờm dãi tại niêm mạc mũi họng dẫn đến tình trạng thở khò khè và có thể ít nhiều khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi. Khi bị nghẹt mũi, trẻ sẽ thở bằng miệng, tình trạng này kéo dài khiến niêm mạc họng bị khô, từ đó kích thích phản xạ nôn đồng thời ọc sữa ra ngoài.
Khi thấy trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè, mẹ cần thực hiện song song các biện pháp để cải thiện cả 2 dấu hiệu này bởi ọc sữa và thở khò khè có thể tác động qua lại cũng như ảnh hưởng đến nhau theo chiều hướng cùng gia tăng hoặc cùng giảm. Mẹ có thể tham khảo một số cách sau đây để giúp trẻ dễ chịu hơn mẹ nhé:
Vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh không chỉ có tác dụng làm sạch khoang mũi, cải thiện tình trạng sổ mũi cũng như ngạt mũi của trẻ mà còn giúp trẻ phòng tránh được các bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, kích ứng mũi…
Cách thực hiện: Đầu tiên mẹ đặt bé nằm trên giường, đồng thời nghiêng đầu bé sang một bên. Mẹ có thể kê cao đầu bé một chút để rửa mũi cho bé dễ dàng hơn. Sau khi cho bé nằm đúng tư thế, mẹ từ từ nhỏ 1 - 2 giọt nước muối sinh lý vào mũi của trẻ. Chờ 1 - 2 phút để có thể khiến chất nhầy trong mũi loãng ra. Sau đó mẹ dùng tăm bông để thấm hút và loại bỏ dịch nhầy bên trong mũi của trẻ sơ sinh.
Trường hợp mũi của trẻ còn quá nhiều dịch nhầy, mẹ có thể tiếp tục rửa mũi cho trẻ cho đến khi mũi trẻ được thông thoáng. Sau khi rửa mũi xong, mẹ dùng khăn sạch và mềm lau bên ngoài mũi cho trẻ.
Ngoài cách vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, mẹ có thể dùng bóng hút, chai xịt phun sương hoặc bơm rửa mũi cho trẻ.
Việc cho trẻ bú đúng tư thế và khoa học sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nuốt phải nhiều không khí khi bú mẹ. Tùy vào điều kiện, mẹ có thể cho trẻ sơ sinh bú ở tư thế nằm hoặc từ thế ngồi, song cần đảm bảo cả mẹ và bé đều trong tư thế thoải mái và thư giãn.
Cách thực hiện tư thế cho con bú đúng cách: Mẹ bế trẻ sao cho đầu và thân trẻ nằm trên một đường thẳng, bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ, mặt trẻ hướng vào vú mẹ và mũi trẻ đối diện với núm vú. Ngoài đỡ đầu, mẹ cần đỡ cả mông của trẻ.
Ngoài việc cho bé bú đúng tư thế, mẹ cũng nên chia nhỏ các cữ ăn cho trẻ, không nên cho trẻ ăn quá no để tránh tình trạng ọc sữa.
Vỗ ợ cho trẻ sơ sinh sau bú mẹ sẽ giúp không khí trong dạ dày thoát ra ngoài, từ đó giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời giảm tình trạng trẻ bị ọc sữa và thở khò khè.
Cách thực hiện: Sau khi cho trẻ bú, mẹ nâng bé lên một cách nhẹ nhàng, đặt cằm bé vào vai mẹ, một tay giữ bé, tay còn lại cố định phần đầu, sau đó vỗ nhẹ nhàng vào lưng trẻ cho đến khi trẻ phát ra tiếng ợ.
Nếu sau 5 phút không thấy trẻ phát ra tiếng ợ, mẹ hãy đặt trẻ trở lại tư thế ban đầu, do có thể lượng khí trong dạ dày không đủ nhiều và trẻ chưa có nhu cầu ợ. Lúc này, mẹ nên bế bé thêm 20 - 30 phút rồi hãy đặt bé nằm xuống để hạn chế tình trạng ọc sữa sau khi ăn ở trẻ sơ sinh.
Trên thực tế, trẻ sơ sinh từ 1 - 4 tháng tuổi rất dễ gặp phải tình trạng ọc sữa và thở khò khè. Tuy nhiên, theo thống kê, tình trạng này sẽ giảm đáng kể (khoảng 60%) cho đến khi trẻ bước sang tháng thứ 6. Và có đến 90% trên tổng số trẻ sơ sinh không còn gặp tình trạng này khi trẻ tròn 1 tuổi. Một câu hỏi đặt ra: Trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè khi nào cần gặp bác sĩ?
Đối với những trường hợp trẻ sơ sinh bị sặc sữa và thở khò khè nặng, đã áp dụng các biện pháp nêu trên mà không thấy triệu chứng thuyên giảm thì mẹ cần cho trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chẩn đoán, đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất cho trẻ.
Cha mẹ cần lưu ý tuyệt đối không tự ý mua bất kỳ loại thuốc nào cho con uống khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ. Trong trường hợp trẻ sơ sinh còn ít tháng tuổi nhưng lại thường xuyên bị ọc sữa sẽ khiến trẻ bị khó thở, chậm tăng cân hay mắc các bệnh lý về đường hô hấp thì cha mẹ cũng không nên chần chừ mà cho trẻ đi khám để có hướng khắc phục kịp thời.
Các biện pháp cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè trên đây của Nhà thuốc Long Châu chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có bất kỳ vướng mắc gì, mẹ có thể tìm gặp bác sĩ để được giải đáp cụ thể. Chúc mẹ và bé yêu luôn khỏe mạnh, bình an.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...