Trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách xử trí như thế nào?
Ngày 31/05/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Khi bước vào giai đoạn mọc răng, trẻ thường xuyên bị sốt kèm theo chân tay lạnh. Điều này khiến nhiều cha mẹ hoang mang và lo lắng. Vậy trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh có nguy hiểm hay không? Cha mẹ nên làm gì khi bé nhà mình bị sốt mọc răng chân tay lạnh? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Sốt mọc răng là tình trạng thường xuyên xảy ra ở trẻ trong thời kỳ mọc răng. Thế nhưng sốt mọc răng kèm theo chân tay lạnh có nguy hiểm không là câu hỏi được rất nhiều cha mẹ quan tâm. Vậy để hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh trong thời kỳ mọc răng bạn hãy tham khảo ngay bài viết sau đây nhé!
Trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh nguyên nhân do đâu?
Trước khi tìm hiểu trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh nguy hiểm không, bạn cũng nên nắm được những nguyên nhân gây nên tình trạng này. Theo các bác sĩ chuyên khoa, sốt mọc răng chân tay lạnh ở trẻ thường do các nguyên nhân sau:
Chân tay lạnh do tình trạng sốt gây nên: Theo các chuyên gia, đa số các trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh đều thuộc nguyên nhân này. Trong quá thời kỳ mọc răng, nướu răng tách ra để tạo điều kiện cho răng trồi lên. Đây cũng là thời điểm vi khuẩn dễ xâm nhập vào những vết nứt ở nướu và gây nên tình trạng viêm nhiễm. Lúc này, cơ thể bé phản ứng lại bằng hiện tượng sốt làm hệ miễn dịch giải phóng một số hoạt chất gây co mạch máu ở tay và chân, từ đó gây nên hiện tượng chân tay lạnh. Khi trẻ hạ sốt, các mạch máu này sẽ giãn ra và chân tay bé lúc này sẽ trở nên hồng hào như bình thường.
Nguyên nhân do virus: Trong một số trường hợp khác, sốt cao chân tay lạnh là do trẻ bị nhiễm virus. Virus có thể tấn công vào não và mạch máu, gây rối loạn trung tâm điều nhiệt, từ đó khiến trẻ bị sốt và chân tay lạnh. Trong trường hợp này, cha mẹ cần hết sức cẩn trọng, bởi đây là tình trạng nghiêm trọng, trẻ có thể bị viêm màng não hay nhiễm trùng huyết.
Biểu hiện trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh
Cha mẹ cần chú ý đến các biểu hiện của trẻ khi sốt mọc răng chân tay lạnh, cụ thể như sau:
Trẻ sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài không có dấu hiệu giảm mặc dù đã được uống thuốc hạ sốt.
Một số bé sau uống thuốc hạ sốt thì có hiện tượng toát mồ hôi.
Trẻ quấy khóc nhiều, mặt tím tái lại, ra nhiều mồ hôi trộm.
Môi, má của trẻ hồng hơn bình thường.
Chân tay bé trở nên lạnh trong nhiều giờ.
Bé thường xuyên mệt mỏi, li bì, có thể xuất hiện cơn rét run.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào những triệu chứng kèm theo. Nếu như trẻ sốt dưới 39 độ C, da trẻ bình thường, trẻ vẫn ăn uống, vui chơi bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Cha mẹ chỉ cần cho bé hạ sốt ngay tại nhà bằng những phương pháp thông thường và theo dõi trẻ từ 2 - 3 ngày.
Tuy nhiên, nếu tình trạng trên kéo dài có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi trẻ sốt cao trên 39 độ C, trẻ xanh xao, nhợt nhạt, mệt mỏi, li bì, không muốn ăn, không muốn chơi… cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời. Bởi nếu những dấu hiệu trên kéo dài không được xử trí kịp thời, trẻ có nguy cơ bị mất nước, suy hô hấp hay các di chứng về não khác.
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh?
Khi trẻ bị sốt mọc răng chân tay lạnh và không kèm theo các triệu chứng nguy hiểm, cha mẹ có thể chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà. Cha mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau:
Chườm ấm cho trẻ: Chườm ấm giúp cho các mạch máu dưới da của trẻ giãn ra, tăng lưu thông tuần hoàn máu, từ đó giúp trẻ hạ sốt, đồng thời giúp giảm hiện tượng chân tay lạnh. Cha mẹ có thể dùng khăn ấm chườm vào các vị trí như cổ, nách, bẹn cho trẻ.
Bổ sung nước cho trẻ: Khi trẻ bị sốt thường gây mất nước do tiêu hao năng lượng và mất nước do sốt. Chính vì vậy, cha mẹ cần bổ sung đầy đủ nước cho trẻ cả trong khi sốt và khi trẻ đang hạ sốt. Cha mẹ có thể bù nước bằng cách cho trẻ tăng cường bú, cho trẻ uống nước ấm, nước ép hoa quả, và khi trẻ bị mất nước nhiều có thể bù nước cho trẻ bằng dung dịch oresol.
Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ: Khi trẻ bị sốt trên 38.5 độ C, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Cha mẹ có thể cho bé hạ sốt bằng paracetamol hay ibuprofen, thuốc cho tác dụng hạ sốt hiệu quả đồng thời ít các tác dụng phụ không mong muốn. Khi dùng thuốc cha mẹ nên lưu ý: Đối với paracetamol cho trẻ uống 10 - 15 mg/kg cân nặng mỗi lần uống và khoảng cách giữa 2 lần uống tối thiểu là từ 4 - 6 giờ. Còn đối với ibuprofen, cha mẹ cho trẻ uống liều 10 mg/kg cân nặng mỗi lần và khoảng cách giữa 2 lần uống tối thiểu là 6 giờ.
Lưu ý khi trẻ bị sốt mọc răng chân tay lạnh
Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp điều trị trình bày ở trên, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây khi chăm sóc trẻ:
Không mặc quần áo hay cho trẻ đeo tất, đi găng quá dày: Nhiều cha mẹ nghĩ rằng việc làm này giúp làm ấm chân tay cho trẻ, tuy nhiên điều này lại vô tình khiến cho da trẻ khó thoát nhiệt, làm bít tắc tuyến mồ hôi và khiến trẻ bị sốt cao hơn.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ: Việc bổ sung cho trẻ đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng là điều hết sức cần thiết, nhất là chất đạm và vitamin giúp trẻ tăng cường sức khỏe đề kháng.
Sử dụng nướu gặm: Việc sử dụng nướu gặm chuyên dụng có thể giúp làm giảm tình trạng đau răng của trẻ.
Vệ sinh lưỡi, nướu sạch sẽ cho trẻ: Cha mẹ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng gạc răng chuyên dụng, điều này làm sạch lưỡi, nướu và giảm tình trạng sốt, viêm nhiễm ở trẻ.
Khi trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh kéo dài không thuyên giảm sau khi dùng các phương pháp điều trị tại nhà, hay xuất hiện thêm các triệu chứng nguy hiểm, cha mẹ cần đưa trẻ tới viện để được các bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời.
Hy vọng bài viết trên đã giúp cha mẹ hiểu hơn về tình trạng trẻ sốt mọc răng chân tay lạnh, nắm được nguyên nhân cũng như cách xử trí tình trạng này. Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ mang tính chất tham khảo, để đảm bảo an toàn cho bé, cha mẹ nên hỏi ý kiến các bác sĩ chuyên khoa trước khi cho trẻ sử dụng các phương pháp điều trị và đưa trẻ tới viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Chúc cha mẹ và các bé nhiều sức khỏe cũng như đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Vũ Ánh
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.