Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Trẻ sốt cao không hạ mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt: Nguyên nhân và hướng xử trí

Ngày 01/12/2024
Kích thước chữ

Ở trẻ em, sốt là một trong những triệu chứng thường gặp gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa số các trường hợp trẻ sẽ hết sốt khi được dùng thuốc hạ sốt và chăm sóc đúng cách. Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp trẻ sốt cao không hạ, kể cả khi đã dùng thuốc hạ sốt. Vậy cần làm gì trong trường hợp này?

Vậy nguyên nhân trẻ sốt cao không hạ cả khi đã dùng thuốc hạ sốt là gì? Trẻ sốt cao không hạ phải làm sao? Theo dõi hết bài viết sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu để biết được nguyên nhân trẻ sốt cao không hạ và cách xử trí bạn nhé.

Tổng quan về tình trạng sốt cao không hạ ở trẻ

Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ em và triệu chứng này có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng do vi khuẩn và virus, do thời tiết hoặc do tác dụng phụ của việc tiêm phòng…

Thông thường, thân nhiệt của trẻ sẽ trong khoảng 37 độ C. Trẻ được đánh giá là bị sốt khi:

  • Thân nhiệt của trẻ dưới 3 tháng tuổi từ 38 độ C trở lên.
  • Thân nhiệt của trẻ lớn hơn từ 38,5 độ C.
  • Thân nhiệt của trẻ từ 39 độ C trở lên được xem là sốt cao.

Trẻ sốt cao không hạ là tình trạng sốt mà nhiệt độ cơ thể của trẻ không giảm xuống mức bình thường mặc dù đã được áp dụng các biện pháp như dùng thuốc hạ sốt hoặc chườm ấm. Tình trạng này có thể gây lo lắng cho cha mẹ và có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Trẻ sốt cao không hạ mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt: Nguyên nhân và hướng xử trí 4
Trẻ sốt cao không hạ là tình trạng như thế nào?

Vì sao trẻ sốt cao không hạ mặc dù đã áp dụng các biện pháp hạ sốt?

Thực tế cho thấy, tình trạng trẻ sốt cao không hạ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến, bạn đọc có thể tham khảo:

Sử dụng thuốc hạ sốt sai cách

Khi trẻ sốt cao và không hạ dù đã sử dụng thuốc hạ sốt, có thể do sử dụng thuốc hạ sốt sai cách khiến cho tác dụng của thuốc không được phát huy tối đa dẫn đến trẻ sốt cao không ạ. Việc sử dụng thuốc không đúng cách có thể là:

  • Liều lượng không đúng: Việc sử dụng thuốc hạ sốt (như paracetamol hoặc ibuprofen) không đúng liều lượng có thể làm giảm hiệu quả. Cần dựa vào cân nặng của trẻ để xác định liều lượng chính xác.
  • Khoảng cách giữa các liều: Nếu thời gian giữa các liều thuốc không đủ, nồng độ thuốc trong cơ thể có thể không đạt mức cần thiết để hạ sốt.
  • Thời gian sử dụng thuốc: Một số loại sốt có thể cần thời gian nhất định để hạ. Không nên quá lo lắng nếu sốt không hạ ngay lập tức.
Trẻ sốt cao không hạ mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt: Nguyên nhân và hướng xử trí 2
Sử dụng thuốc hạ sốt không đúng cách có thể là nguyên nhân khiến trẻ sốt cao không hạ

Nguyên nhân gây sốt chưa được khắc phục

Nếu bạn đang băn khoăn vì sao trẻ uống thuốc hạ sốt mà không hạ thì hãy lưu ý đến nguyên nhân khiến trẻ bị sốt. Về bản chất, sốt không phải là bệnh mà là triệu chứng của tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng trong cơ thể. Chính vì thế, bên cạnh việc sử dụng thuốc hạ sốt, trẻ cần được điều trị bệnh lý gốc rễ gây ra sốt, chẳng hạn như viêm phổi, tay chân miệng, sốt xuất huyết hay sốt siêu vi…

Việc không điều trị bệnh lý trẻ đang gặp phải sẽ khiến cơn sốt quay trở lại ngay sau khi thuốc hạ sốt hết tác dụng. Chỉ đến khi bệnh đã dứt thì cơn sốt mới bị đẩy lùi hoàn toàn.

Chăm sóc trẻ bị sốt sai cách

Trong một số trường hợp, nếu không được chăm sóc đúng cách thì dù đã uống thuốc hạ sốt, nhưng tình trạng trẻ sốt cao không hạ vẫn có thể xảy ra, thậm chí là trẻ có thể bị sốt cao hơn sau đó.

Phải làm sao khi trẻ bị sốt cao không hạ?

Khi trẻ bị sốt cao không hạ, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được khám và xử trí kịp thời. Đặc biệt nếu:

  • Trẻ sốt cao kéo dài: Nếu nhiệt độ cơ thể trẻ trên 39 độ C và không hạ sau khi đã dùng thuốc hạ sốt.
  • Trẻ có những triệu chứng như khó thở, xuất hiện phát ban, đau đầu dữ dội, cứng cổ, mất ý thức hoặc co giật.
  • Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có sốt từ 38 độ C trở lên, bạn cần đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
  • Trẻ có các bệnh lý nền: Nếu trẻ có sẵn tình trạng sức khỏe yếu, hệ miễn dịch kém hoặc bệnh lý mãn tính, bạn cũng nên cho trẻ đi khám.
Trẻ sốt cao không hạ mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt: Nguyên nhân và hướng xử trí 3
Cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu trẻ bị sốt cao không hạ

Bên cạnh việc điều trị y tế, cha mẹ cũng có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Bù nước cho trẻ: Khi trẻ bị sốt cao, việc bổ sung nước cho trẻ là rất quan trọng vì sốt có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Chính vì thế, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước với trẻ đã lớn hoặc bú tích cực với những trẻ đang bú mẹ để vừa đảm bảo trẻ không bị thiếu nước và vừa hỗ trợ làm mát cơ thể khi thân nhiệt của trẻ tăng cao.
  • Mặc quần áo thoáng mát: Khi trẻ bị sốt cao, việc mặc quần áo thoáng mát là rất quan trọng để giúp cơ thể trẻ thoát nhiệt tốt hơn. Cha mẹ nên chọn quần áo làm từ chất liệu cotton hoặc vải tự nhiên, những chất liệu này giúp thấm hút mồ hôi và cho phép không khí lưu thông tốt hơn, chỉ nên mặc cho trẻ một lớp áo mỏng bởi mặc nhiều lớp sẽ giữ nhiệt và có thể làm trẻ thấy khó chịu.
  • Chườm ấm: Chườm ấm là một phương pháp hiệu quả để giúp giảm sốt cho trẻ em. Cha mẹ có thể chườm khăn ấm lên các vùng trán, cổ, nách và bẹn của trẻ. Chườm ấm những khu vực này giúp hạ nhiệt độ cơ thể nhanh chóng. Nếu khăn trở nên nguội, hãy nhúng lại vào nước ấm và vắt khô, sau đó tiếp tục chườm cho đến khi trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt và thuốc điều trị theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi trẻ bị sốt cao, việc cho trẻ nghỉ ngơi là rất quan trọng. Nghỉ ngơi giúp cơ thể có đủ năng lượng để chống lại bệnh tật. Hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn khi cơ thể được nghỉ ngơi. Ngoài ra, nghỉ ngơi sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn, có thể giảm đau và khó chịu liên quan đến sốt.
Trẻ sốt cao không hạ mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt: Nguyên nhân và hướng xử trí 1
Cha mẹ cần lưu ý thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ

Ngoài ra, cha mẹ cần lưu ý thường xuyên theo dõi thân nhiệt của trẻ. Đây là một trong những việc cần làm khi trẻ bị sốt cao nhằm theo dõi thân nhiệt của trẻ và đánh giá tình trạng sốt của trẻ có thuyên giảm hay không từ đó thông báo với bác sĩ để có hướng điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề trẻ sốt cao không hạ mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng, qua bài viết trên đây, cha mẹ sẽ hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh này, đồng thời nắm được một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị sốt cao không hạ và cách xử trí nếu không may trẻ sốt cao không hạ. Cảm ơn quý độc giả đã luôn đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong thời gian vừa qua.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin