Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, mỗi năm có thêm 21.555 ca ung thư vú mắc mới. Bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa nên việc mỗi chúng ta tự biết cách kiểm tra thường xuyên và phát hiện sớm dấu hiệu bất thường là điều vô cùng quan trọng. Tự khám tại nhà có thể thực hiện thường xuyên hơn tầm soát ung thư vì không tốn chi phí. Vậy tự khám phát hiện sớm dấu hiệu ung thư vòng 1 (ung thư v1) như thế nào?
Các cách tự khám phát hiện sớm dấu hiệu ung thư v1
Hầu hết mọi người đều có thể tự khám tuyến vú để phát hiện ung thư tại nhà qua những thao tác đơn giản. Tuy nhiên, khám thế nào để không bỏ sót những những dấu hiệu cảnh báo ngay khi chúng mới xuất hiện? Nếu bạn chưa biết cách, hãy cùng Long Châu tìm hiểu nhé!
Ung thư vú có xu hướng gia tăng và trẻ hóa ở nước ta
Cách 1: Quan sát hình dáng ngực
Với cách tự khám này, bạn nên có một tấm gương đủ lớn để bao quát phần trên cơ thể và điều chỉnh vị trí đứng sao có qua gương có thể quan sát toàn bộ khuôn ngực một cách rõ nét. Bạn cởi bỏ áo, đứng trước gương, tư thế đứng thẳng, hai tay chống ngang hông để quan sát tổng thể của ngực. Những tiêu chí cần đánh giá gồm:
- Kích thước, hình dáng hai bên vú có gì thay đổi so với trước đây không?
- Quan sát bên ngoài da vùng ngực có màu sắc bất thường gì không?
- Hai bên vú có đồng đều không? Có bên nào bị sưng phù, biến dạng không?
Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú sớm có thể là:
- Vùng ngực da nhăn nhúm, da bị phồng lên hoặc bị lột da.
- Núm vú một hoặc 2 bên bị rút lõm vào phía trong hoặc thay đổi vị trí.
- Khu vực tuyến vú có tình trạng sưng phù, nổi mẩn, sưng đỏ, có cảm giác đau.
Sau khi quan sát ngực ở tư thế đứng, bạn cũng nên cúi ngang người để quan sát hình dáng bộ ngực một cách toàn diện nhất. Với cách này, bạn sẽ dễ so sánh và đánh giá sự bất thường và khác biệt về hình dáng của hai bên tuyến vú.
Quan sát bất thường ở tuyến vú khi nhìn vào gương
Cách 2: Kiểm tra vận động cơ ngực
Tự khám phát hiện sớm dấu hiệu ung thư v1 bằng cách kiểm tra vận động cơ ngực như sau:
- Bạn vẫn đứng trước gương và giơ 2 tay lên đầu. Trong quá trình giơ tay bạn chú ý quan sát cơ ngực 2 bên thay đổi thế nào? Có cân xứng với nhau không?
- Sau đó bạn kiểm tra khu vực gần nách xem có khối u hay các biểu hiện bất thường nào không?
- Bạn từ từ hạ tay xuống để kiểm tra độ xệ của ngực xem có đồng đều không?
Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể quan sát các bất thường nếu giữ nguyên một tư thế. Nhưng khi chúng ta vận động cơ ngực, bất thường sẽ lộ rõ.
Cách 3: Kiểm tra dấu vết u, cục
Để kiểm tra dấu vết u, cục trong tuyến vú, bạn cần nằm ngửa sau đó dùng 2 tay sờ, nắn kỹ càng tuyến vú. Khi thực hiện cần lưu ý những điểm sau:
- Giữ các ngón tay thẳng, khép lại với nhau và rà soát theo chuyển động tròn từ núm vú đến hết bầu vú và khu vực xung quanh.
- Thực hiện đúng trình tự từ bên này sang bên kia, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài mới không bỏ sót.
- Thao tác chậm rãi, kỹ càng, không bỏ sót bất cứ vùng ngực nào.
- Đảm bảo dùng áp lực phù hợp để ngón tay chạm đến các mô sâu, cảm nhận được xương lồng ngực.
Tự khám phát hiện sớm dấu hiệu ung thư v1
Cách 4: Kiểm tra dấu vết của chất dịch lạ
Một trong những triệu chứng khá điển hình của ung thư vú là tuyến vú chảy dịch bất thường. Bạn nên quan sát kỹ ở cả 2 núm vú để kiểm tra xem có chất dịch màu trắng đục như sữa hay màu vàng, thậm chí có lẫn mủ và máu không? Dù đầu núm vú tiết bất kỳ loại chất dịch nào (trừ phụ nữ đang cho con bú hoặc mới cai sữa cho con) đều là dấu hiệu bất thường.
Chất dịch có thể chảy ra từ 1 hoặc 2 bên núm vú. Đôi khi, dịch tiết không phải dấu hiệu của ung thư mà là biểu hiện của các bệnh lý thường gặp. Dịch tiết có các màu trắng, vàng, xanh lá cây có thể là biểu hiện của nhiễm trùng tuyến vú hoặc tắc ống dẫn sữa.
Lưu ý khi tự thực hiện cách kiểm tra ung thư vú
Khi tự kiểm tra tuyến vú, để đạt kết quả chính xác bạn cần lưu ý những điều sau:
-
Với phụ nữ chưa mãn kinh: Nên kiểm tra sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt vài ngày. Đây là lúc ngực ít căng, sưng và đau do sự thay đổi của hormone giới tính. Hãy chọn 1 ngày dễ nhớ và kiểm tra hàng tháng.
-
Với phụ nữ mãn kinh từ 1 năm trở lên: Kiểm tra ngực vào bất kỳ ngày cố định nào trong tháng.
Bạn cần lưu ý: Việc tự kiểm tra vú tại nhà không thể thay thế các biện pháp khám lâm sàng hay chụp X-quang. Một số người bị ung thư vú nhưng không xuất hiện bất cứ một triệu chứng nào. Vì vậy, mỗi phụ nữ vẫn cần khám lâm sàng và chụp nhũ ảnh tuyến vú định kỳ hàng năm.
Kiểm tra thường xuyên, phát hiện bệnh sớm giúp tăng khả năng chữa bệnh
Phải làm gì nếu bạn tìm thấy vú có u cục?
Khi tự khám phát hiện sớm dấu hiệu ung thư v1, nếu phát hiện u cục, bạn cũng không nên quá hoang mang. Một số phụ nữ có u, cục do thay đổi nội tiết tố hoặc do bệnh lý thông thường và nó là lành tính.
Những việc tiếp theo bạn cần làm là đến các cơ sở y tế để được thăm khám chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm những kỹ thuật kiểm tra cần thiết để biết chính xác tình trạng sức khỏe của bạn.
Những người có nguy cơ cao bị ung thư vú thường là:
- Phụ nữ ngoài 40 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người trẻ tuổi.
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú như mẹ hoặc chị gái.
- Người đã từng làm xét nghiệm di truyền ADN và phát hiện các đột biến gen BRCA1 và BRCA2.
- Phụ nữ chưa sinh con hoặc sinh con muộn.
- Người có lối sống kém lành mạnh: Sử dụng nhiều đồ uống có cồn, dùng chất kích thích…
- Người sử dụng nhiều hormone estrogen và progestin.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người có tiền sử bị tiểu thùy tuyến vú hay ung thư biểu mô tuyến vú.
- Người từng xạ trị tuyến vú khi còn nhỏ.
Nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư vú
Chỉ cần dành khoảng 15 phút mỗi tháng cho việc tự khám phát hiện sớm dấu hiệu ung thư v1, bạn đã có thể yên tâm về sức khỏe hoặc nhận biết sớm dấu hiệu ung thư. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để chủ động theo dõi sức khỏe và phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Hellobacsi