Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

U túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ

U túi mật là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mà nhiều người không nhận biết. Vậy nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này là gì và cách điều trị ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn những thông tin liên quan đến u túi mật, đừng bỏ lỡ nhé!

U túi mật được biết đến là một dạng u nhú trên bề mặt niêm mạc túi mật hay polyp túi mật. Tình trạng này khá phổ biến và có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, rất khó để phát hiện bệnh sớm bởi không có biểu hiện rõ ràng nào cho thấy khối u đang hình thành ở túi mật. Để có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh lý này, hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu tổng quan về u túi mật

U túi mật là tình trạng u nhú hoặc các khối polyp xuất hiện trên bề mặt lớp niêm mạc túi mật. Các triệu chứng của u thường không rõ ràng nên rất khó nhận biết, chỉ được phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát hoặc điều trị bệnh lý về gan, mật.

Tình trạng u ở túi mật được chia thành 2 loại chính là u túi mật lành tính và u túi mật ác tính. Trong đó, u lành tính chiếm đa số với tỷ lệ lên đến 92% các trường hợp. Và 8% trường hợp còn lại là u ác tính, bao gồm ung thư túi mật, ung thư u sắc tố, di căn ung thư...

U túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
U túi mật là tình trạng u nhú xuất hiện trên bề mặt lớp niêm mạc túi mật

Tình trạng u và polyp túi mật có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau, cao nhất là ở phụ nữ trong khoảng từ 30 - 60 tuổi. Kích thước và số lượng của các u này đa dạng, nhưng thường sẽ nhỏ hơn 10mm. Tuy nhiên, cần chú ý đến trường hợp người bệnh có nhiều u cùng lúc hoặc u lớn hơn, với kích thước lên tới 20 - 40 mm; hoặc trường hợp có cả u và sỏi trong túi mật.

So với sỏi túi mật, khối u và polyp túi mật sẽ ít phổ biến hơn, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,03 - 9% trong cộng đồng và thường xuất hiện nhiều nhất ở phụ nữ độ tuổi từ 30 - 50.

Nguyên nhân gây ra u túi mật

Việc hiểu và nhận biết các nguyên nhân gây ra u túi mật có thể giúp ngăn ngừa và quản lý tình trạng này một cách hiệu quả. Dưới đây là một tóm tắt về các nguyên nhân phổ biến gây ra u túi mật như:

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Thói quen ăn uống ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng, ít chất xơ, nhiều đồ dầu mỡ, thức ăn nhanh và chất kích thích có thể góp phần làm tăng hàm lượng đường và lipid trong máu. Điều này đặt áp lực lên gan và túi mật phải làm việc liên tục, dẫn đến suy yếu chức năng và phát sinh nhiều vấn đề.

Tăng cân nhanh

Tăng cân quá nhanh có thể tạo áp lực lên túi mật và góp phần vào sự hình thành của u nang mật hoặc các vấn đề khác liên quan đến u túi mật.

U túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Tăng cân quá nhanh sẽ có nguy cơ bị u túi mật

Yếu tố di truyền

Tiền sử gia đình về u túi mật có thể tăng nguy cơ mắc u nang mật. Yếu tố di truyền có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của u túi mật.

Bệnh lý nền

Các bệnh liên quan đến gan mật như suy giảm chức năng gan mật, viêm nhiễm đường mật hoặc tắc nghẽn đường mật, viêm gan có thể tạo điều kiện cho sự hình thành các khối u ở túi mật.

Biện pháp chẩn đoán và điều trị u túi mật

Để chẩn đoán và đánh giá chính xác tình trạng u ở túi mật, người bệnh cần phải thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ. Chẳng hạn như:

  • Siêu âm ổ bụng: Phương pháp này sẽ giúp chẩn đoán xác định kích thước, vị trí và hình dáng của u túi mật với tỷ lệ chính xác lên đến 90%. Đồng thời, theo dõi sự phát triển của u để quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
  • Chụp đường mật cản quang qua đường uống: Phương pháp này cho thấy hình ảnh u túi mật là một hình khuyết cản quang ở túi mật sau khi đã ngấm thuốc.
  • Nội soi mật tuỵ ngược dòng: Phương pháp nội soi này thường chỉ được áp dụng đối với các trường hợp siêu âm nhưng không thể phát hiện bất thường.
  • Chụp CT scanner: Được chỉ định khi có nghi ngờ bị u túi mật ác tính, phương pháp này tạo ra hình ảnh chi tiết và có độ chính xác cao.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Được chỉ định trong trường hợp tổn thương polyp nghi ngờ ác tính.
  • Xét nghiệm sinh hóa: Người bệnh có thể được chỉ định thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm chức năng gan, thận và kiểm tra virus viêm gan B, C cùng với các chỉ dấu ung thư như CEA, CA...
U túi mật: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Siêu âm ổ bụng giúp chẩn đoán vị trí và kích thước u túi mật

Hầu hết các trường hợp u túi mật đều u lành tính, vì vậy người bệnh có thể yên tâm sống chung với khối u bình thường mà không cần phải can thiệp hoặc cắt bỏ túi mật. Bởi chức năng của túi mật là điều hòa bài tiết mật, tiêu hóa thức ăn nên không thể tùy tiện cắt bỏ. Nếu khối u túi mật là ác tính, các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Ngoài ra, đối với những trường hợp u túi mật lành tính, người bệnh cần khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để theo dõi tính trạng và có biện pháp can thiệp kịp thời khi u tiến triển thành ác tính. Đồng thời, người bệnh cần kết hợp với việc tập luyện thể thao và thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ và đường.

Hy vọng những chia sẻ từ bài viết trên đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh u túi mật. Việc hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị bệnh sẽ giúp bạn quản lý và duy trì một sức khỏe tốt. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến u túi mật, hãy thăm bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin