Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Ung thư cổ tử cung có chữa được không​? Tỷ lệ sống là bao nhiêu?

Cẩm Ly

25/01/2025
Kích thước chữ

Nhiều người thắc mắc liệu ung thư cổ tử cung có chữa được không, vì khi nhắc đến ung thư, chúng ta thường nghĩ đây là căn bệnh nan y, khó có cách điều trị. Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ với tỷ lệ mắc khá cao.

Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phụ khoa nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong cao ở phụ nữ. Đa phần những người mắc bệnh hay có người thân mắc bệnh thường có thắc mắc đầu tiên là ung thư cổ tử cung có chữa được không​, làm thế nào để điều trị hiệu quả? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.

Ung thư cổ tử cung có chữa được không?

Ung thư cổ tử cung có chữa được không? Theo các bác sĩ, bệnh có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời ở giai đoạn I và II mang lại cơ hội hồi phục cao nhất.

Phát hiện bệnh càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi (sống khỏe mạnh trên 5 năm) và khả năng bảo tồn chức năng sinh sản càng cao. Ngược lại, nếu phát hiện muộn, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Khả năng điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào từng giai đoạn bệnh.

Như vậy, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Vì thế, phụ nữ nên tầm soát định kỳ để phát hiện kịp thời và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp, tránh để bệnh tiến triển nặng gây khó khăn trong việc chữa trị. Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, vì vậy theo khuyến cáo WHO phụ nữ cần chủ động tầm soát ung thư cổ tử cung 3 - 5 năm tùy độ tuổi và phương pháp xét nghiệm.

Ung thư cổ tử cung có chữa được không​? Tỷ lệ sống là bao nhiêu? 1
Ung thư cổ tử cung có chữa được không​ là lo lắng của nhiều người

Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng điều trị ung thư cổ tử cung

Thời điểm phát hiện bệnh là yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả điều trị ung thư cổ tử cung. Nếu được chẩn đoán sớm, tiên lượng sẽ tốt hơn nhiều so với phát hiện muộn. Khi ung thư đã di căn, việc điều trị chủ yếu nhằm kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Ngoài ra, phương pháp điều trị phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều người mắc sai lầm nghiêm trọng khi từ bỏ điều trị Tây y để theo các phương pháp chưa được khoa học chứng minh như thuốc nam, thực dưỡng hay hấp thụ năng lượng. Những phương pháp này có thể khiến bệnh nhân bỏ lỡ "giai đoạn vàng" để điều trị, khiến bệnh tiến triển nặng và khó kiểm soát. Vì vậy, người bệnh và gia đình cần tỉnh táo, tin tưởng vào phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu muốn kết hợp phương pháp bổ trợ giúp cải thiện tinh thần, có thể áp dụng kèm nhưng không nên từ bỏ điều trị y khoa khi sức khỏe vẫn đáp ứng tốt.

Bên cạnh đó, tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực, chế độ dinh dưỡng hợp lý và sự chăm sóc từ gia đình, bệnh viện cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị. Khi những yếu tố này được đảm bảo, bệnh nhân sẽ có thêm sức mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần để chiến đấu với ung thư.

Ung thư cổ tử cung có chữa được không​? Tỷ lệ sống là bao nhiêu? 3
Tỷ lệ sống khi mắc ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tổng trạng người bệnh

Khả năng điều trị và tỷ lệ sống khi bị ung thư cổ tử cung

Với sự phát triển của y học hiện đại, ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, giống như các bệnh ung bướu khác, càng để lâu, khả năng chữa khỏi càng giảm. Vì vậy, việc phòng ngừa và tầm soát định kỳ là vô cùng quan trọng.

  • Bé gái từ 9 - 26 tuổi, phụ nữ chưa lập gia đình và chưa quan hệ tình dục nên tiêm vắc xin phòng HPV để giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Phụ nữ từ 21 - 65 tuổi nên thăm khám định kỳ mỗi 12 tháng, thực hiện xét nghiệm tế bào học và HPV để kịp thời phát hiện bất thường.

Bên cạnh tiêm phòng và tầm soát, chị em cũng nên thực hiện các biện pháp bảo vệ như:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục (dù không thể ngăn chặn HPV hoàn toàn).
  • Giữ vệ sinh vùng kín đặc biệt vào các thời điểm nhạy cảm như kỳ kinh nguyệt, sau vận động mạnh hoặc quan hệ tình dục.
  • Duy trì tinh thần lạc quan, tránh stress, cân bằng công việc và cuộc sống.
  • Tránh hút thuốc lá và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất.
  • Thực hiện tốt những biện pháp trên, bạn sẽ không còn phải lo lắng về ung thư cổ tử cung, mà có thể tự tin bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Tỷ lệ sống sót theo từng giai đoạn ung thư cổ tử cung

  • Giai đoạn tiền ung thư: Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tỷ lệ sống trên 5 năm có thể lên tới 96%.
  • Giai đoạn 1: Tỷ lệ sống trên 5 năm dao động từ 80 - 90%.
  • Giai đoạn 2: Khả năng sống sót giảm xuống còn 50 - 60%.
  • Giai đoạn 3: Tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 25 - 35%.
  • Giai đoạn 4: Cơ hội sống trên 5 năm dưới 15%.

Đáng lo ngại là hơn 90% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn (khi ung thư đã di căn) sẽ tử vong trong vòng chưa đến 5 năm. Vì vậy, tầm soát định kỳ và phát hiện sớm là chìa khóa giúp nâng cao khả năng điều trị thành công.

Ung thư cổ tử cung có chữa được không​? Tỷ lệ sống là bao nhiêu? 2
Tiêm vắc xin HPV giúp phòng ngừa ung thư tử cung hiệu quả

Các phương pháp chữa trị ung thư cổ tử cung

Việc điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh và thể trạng của bệnh nhân. Hiện nay, có ba phương pháp chính được sử dụng trong điều trị: Phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả tối ưu.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp thường được áp dụng khi ung thư cổ tử cung còn ở giai đoạn sớm (giai đoạn I hoặc II). Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ càng nhiều mô bệnh càng tốt, ngăn chặn tế bào ung thư lan rộng.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp dùng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó có thể được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với phẫu thuật, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và thể trạng người bệnh.

  • Giai đoạn muộn (giai đoạn III hoặc IV): Xạ trị thường là lựa chọn chính khi khối u đã phát triển lớn hoặc lan rộng, không thể phẫu thuật.
  • Thay thế phẫu thuật: Một số trường hợp giai đoạn sớm nhưng bệnh nhân có sức khỏe yếu, không thể gây mê để thực hiện phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị thay thế.
  • Hỗ trợ sau phẫu thuật: Nếu sau phẫu thuật vẫn còn nguy cơ tế bào ung thư sót lại, xạ trị có thể được áp dụng để giảm nguy cơ tái phát.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc chống ung thư để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau:

  • Sau phẫu thuật hoặc xạ trị: Nhằm ngăn ngừa tái phát, vì dù đã điều trị nhưng vẫn có thể còn sót lại tế bào ung thư trong cơ thể.
  • Giai đoạn muộn (giai đoạn III hoặc IV): Khi ung thư đã di căn, hóa trị giúp kiểm soát bệnh, kéo dài thời gian sống và giảm triệu chứng.
  • Kết hợp với xạ trị: Một số trường hợp, bác sĩ chỉ định hóa xạ trị đồng thời để tăng hiệu quả điều trị.

Hóa trị có thể được thực hiện qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc uống thuốc, tùy vào tình trạng bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, rụng tóc, mệt mỏi… nên cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị.

Ung thư cổ tử cung có chữa được không​? Tỷ lệ sống là bao nhiêu? 4
Hiện nay điều trị ung thư cổ tử cung bao gồm 3 phương pháp chính: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị

Cách chăm sóc, hỗ trợ điều trị ung thư cổ tử cung

Bệnh nhân và gia đình có thể quyết định nhập viện để được theo dõi chặt chẽ với đầy đủ trang thiết bị y tế hoặc chăm sóc tại nhà nhằm tạo không gian nghỉ ngơi thoải mái hơn. Mỗi lựa chọn đều có ưu điểm riêng và cần được cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe cũng như điều kiện của bệnh nhân.

Chăm sóc tại bệnh viện

Trong quá trình điều trị, hầu hết các phương pháp như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị đều được thực hiện tại bệnh viện dưới sự giám sát của đội ngũ y tế chuyên nghiệp. Mỗi liệu trình xạ trị thường kéo dài 5 - 8 tuần, trong khi hóa trị có thể cần thực hiện theo chu kỳ định kỳ.

Khi điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được:

  • Theo dõi sát sao: Các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ giám sát tình trạng sức khỏe, đảm bảo phát hiện kịp thời những biến chứng hoặc tác dụng phụ.
  • Chăm sóc chuyên sâu: Sau phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị, bệnh nhân có thể gặp nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, viêm loét da… Các bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ giảm đau.
  • Hỗ trợ tâm lý: Việc được điều trị trong môi trường y tế chuyên nghiệp giúp bệnh nhân và gia đình yên tâm hơn, hạn chế lo lắng và hoang mang.
  • Bệnh nhân và người nhà cần trao đổi thường xuyên với bác sĩ về các triệu chứng bất thường để điều chỉnh phương án điều trị phù hợp.

Chăm sóc tại nhà

Nhiều gia đình lựa chọn chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối tại nhà để mang lại cảm giác thoải mái, giúp bệnh nhân có không gian nghỉ ngơi quen thuộc. Tuy nhiên, khi chăm sóc tại nhà, cần lưu ý những điều sau:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa bệnh nhân về: Hỏi rõ về phương pháp chăm sóc, các loại thuốc cần dùng, cách xử lý biến chứng và khi nào cần quay lại bệnh viện.
  • Chuẩn bị đầy đủ các thiết bị hỗ trợ: Một số trường hợp cần có bình oxy, máy đo huyết áp, giường bệnh chuyên dụng… để đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt nhất.
  • Theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe: Nếu bệnh nhân có dấu hiệu bất thường như khó thở, đau dữ dội hoặc biến chứng nghiêm trọng, cần liên hệ ngay với bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.

Dù lựa chọn chăm sóc tại bệnh viện hay tại nhà, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất cho bệnh nhân, giúp họ giảm đau đớn và có được sự quan tâm, yêu thương từ gia đình.

Ung thư cổ tử cung có chữa được không​? Tỷ lệ sống là bao nhiêu? 5
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao

Tác dụng phụ sau điều trị ung thư cổ tử cung

Hóa trị, xạ trị có thể gây ra nhiều tác dụng phụ do ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh, bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn, ăn mất ngon.
  • Rụng tóc, loét miệng.
  • Mệt mỏi kéo dài.
  • Giảm tế bào máu, dẫn đến nhiễm trùng, chảy máu dễ dàng và khó thở.

Khi kết hợp với xạ trị, tác dụng phụ có thể nghiêm trọng hơn:

  • Thay đổi kinh nguyệt: Kinh nguyệt không đều, mãn kinh sớm hoặc vô sinh. Cần trao đổi với bác sĩ về tránh thai trước điều trị.
  • Bệnh lý thần kinh: Một số thuốc như paclitaxel, cisplatin có thể gây tê, đau, ngứa ran tay chân, yếu cơ.
  • Nguy cơ ung thư máu hiếm gặp: Một số thuốc có thể làm tổn thương tủy xương vĩnh viễn, dẫn đến bệnh bạch cầu.

Tác dụng phụ có thể kéo dài nhưng thường giảm dần sau khi kết thúc điều trị.

Tóm lại, ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, nguy cơ tử vong trong vòng 5 năm là rất cao và khả năng sinh sản không thể được bảo tồn. Đây là căn bệnh nguy hiểm, vì vậy nữ giới không nên chủ quan mà cần thực hiện tầm soát ung thư định kỳ mỗi 12 tháng để phát hiện sớm và tăng cơ hội điều trị thành công.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin