Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Uống Panadol Extra có hại dạ dày không? Giải đáp bởi chuyên gia sức khỏe

Ngày 10/02/2023
Kích thước chữ

Panadol Extra là thuốc có chứa paracetamol với công dụng giảm đau và hạ sốt nhanh chóng, hiệu quả. Thuốc thuộc nhóm thuốc không cần kê đơn nên thường được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng Uống Panadol Extra có hại dạ dày không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Uống Panadol Extra có hại dạ dày không? Paracetamol là loại thuốc duy nhất thuộc nhóm thuốc giảm đau bậc một không gây kích ứng hay tổn thương niêm mạc dạ dày - tá tràng. Ngược lại, một số loại thuốc giảm đau khác như aspirin hay thuốc chống viêm không steroid làm tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày - tá tràng.

Uống Panadol Extra có hại dạ dày không?

Panadol Extrathuốc giúp giảm đau và hạ sốt nhanh chóng với thành phần hoạt động chính là hoạt chất paracetamol (acetaminophen hay N-acetyl-p-aminophenol) và caffeine - chất giúp tăng cường tác dụng giảm đau của paracetamol.

Paracetamol sẽ được hấp thu, sau đó tác động tới vùng dưới đồi ở não và gây hạ nhiệt cơ thể ở bệnh nhân đang sốt. Ngược lại, ít khi ghi nhận trường hợp paracetamol gây hạ thân nhiệt ở bệnh nhân có nhiệt độ bình thường. Khi hoạt chất này tác dụng, mao mạch giãn rộng và tăng lưu lượng tuần hoàn máu ngoại biên, từ đó cơ thể tăng tỏa nhiệt giúp hạ nhiệt độ.

Khi bệnh nhân tuân thủ liều điều trị, paracetamol không gây hại cho cơ thể, cũng như không gây tổn thương hay kích ứng cho niêm mạc dạ dày hay đường ruột. Đồng thời, sử dụng với liều lượng thích hợp sẽ không gây viêm loét dạ dày - tá tràng hay xuất huyết tiêu hóa.

Theo phân loại của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), paracetamol là thuốc giảm đau bậc một hay thuốc giảm đau ngoại vi, tương đối an toàn khi sử dụng thường quy. Trong nhóm thuốc giảm đau bậc một có paracetamol, aspirin (salicylate) và NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid).

Tuy nhiên, chỉ có paracetamol trong nhóm phân loại thuốc đảm bảo an toàn và không gây hại cho đường tiêu hóa. Bởi vậy, đây là thuốc ưu tiên sử dụng cho những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý đường tiêu hóa trên.

Uống Panadol Extra có hại dạ dày không? Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau mà bạn nên biết 1 Uống Panadol Extra có hại dạ dày không?

Lưu ý khi sử dụng thuốc

Uống Panadol Extra có hại dạ dày không? Liều lượng sử dụng an toàn

Liều dùng Panadol sẽ khác nhau tùy vào độ tuổi cũng như thể trạng của người bệnh, như sau:

  • Trẻ dưới 6 tuổi không nên sử dụng Panadol.
  • Đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi: Uống 250 đến 500 mg paracetamol, mỗi liều cách nhau 4 - 6 giờ. Tổng liều tối đa hàng ngày trẻ được dùng tính theo cân nặng là 60 mg/kg. Chia thuốc thành nhiều lần uống, mỗi lần chỉ dùng 10 - 15 mg/kg cân nặng của trẻ. Sử dụng tối đa 4 liều trong một ngày. Nếu không có bác sĩ theo dõi, chỉ sử dụng thuốc cho trẻ trong tối đa 3 ngày.
  • Với người lớn, trẻ em từ 12 tuổi trở lên và người cao tuổi: Dùng liều 500 đến 1000 mg paracetamol sau 4 - 6 giờ. Liều tối đa mỗi ngày là 4 g. 
  • Với người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có cồn như bia hay rượu, cần giảm liều tối đa, khuyến cáo của bác sĩ chỉ nên sử dụng 2g/ngày.
  • Bệnh nhân không sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc giảm đau mà không có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc

Thuốc Panadol thuộc danh mục thuốc không cần sự chỉ định của bác sĩ, đồng thời lại dễ mua, dễ sử dụng, công dụng giảm đau và hạ sốt nhanh. Bởi vậy, đây là loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến hàng ngày.

Tuy không phải là loại thuốc có nguy cơ gây viêm loét dạ dày, paracetamol đã được ghi nhận một số tác dụng không mong muốn, bao gồm:

  • Người bệnh bị giảm hoặc mất thính giác trong thời gian ngắn.
  • Xuất hiện phản ứng mẫn cảm, dị ứng, nổi ban đỏ hay ngứa ngáy, đặc biệt ở người lần đầu sử dụng thuốc.
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ tới vừa với biểu hiện như: Buồn nôn, nôn trớ, đau bụng, đầy bụng…

Sử dụng thuốc Panadol chỉ là cách để giảm bớt triệu chứng bệnh mà không phải là thuốc điều trị bệnh. Đồng thời, uống nhiều paracetamol có thể gây hại cho gan, thận hoặc gây ngộ độc do quá liều thuốc.

Bởi vậy, nếu người dân xuất hiện triệu chứng đau, uống thuốc không thuyên giảm nên tới khám bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ khám tổng quát về mặt lâm sàng và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng, từ đó phát hiện chính xác bệnh lý nếu có. 

Đây sẽ là thông tin tốt nhất giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh, chỉ định loại thuốc phù hợp để điều trị triệu chứng và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ theo dõi người bệnh trong suốt quá trình điều trị và hiệu chỉnh liều thuốc phù hợp.

Uống Panadol Extra có hại dạ dày không? Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau mà bạn nên biết 2 Panadol Extra có thể gây rối loạn tiêu hóa

Chống chỉ định với thuốc

Mặc dù, Panadol Extra là thuốc tương đối an toàn khi sử dụng nhưng một số đối tượng bệnh nhân cần tránh dùng thuốc, đó là:

  • Người bị thiếu men G6PD (glucose-6-phosphate dehydrogenase) trong cơ thể.
  • Người có tiền sử mẫn cảm với thành phần có trong thuốc hoặc dị ứng với loại thuốc khác có chứa paracetamol.

Ngoài ra, trường hợp cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc, bao gồm:

  • Người đang hoặc đã điều trị các bệnh lý gan và thận.
  • Phụ nữ đang thai nghén và đang cho con bú.

Một số loại thuốc hại dạ dày cần lưu ý

Trong bảng phân loại thuốc giảm đau bậc một, NSAIDs là nhóm thuốc làm tăng nguy cơ gây viêm loét dạ dày cũng như xuất huyết đường tiêu hóa. Đặc biệt là bệnh nhân sử dụng NSAIDs trong thời gian dài để điều trị bệnh lý mãn tính.

Trường hợp như bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp hay điều trị bệnh miễn dịch ban đỏ hệ thống thường phải sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) thường xuyên. Thuốc sẽ giúp làm dịu cơn đau sâu ở vị trí xương khớp. Thuốc thường được sử dụng thuộc nhóm NSAIDs có aspirin, Diclofenac, Ibuprofen và Naproxen.

Một trong những nhược điểm lớn nhất của NSAIDs đó là gây kích ứng, viêm loét cũng như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác của dạ dày. Nếu bệnh nhân dùng thuốc trong khoảng thời gian dài như vài tuần hoặc vài tháng có thể dẫn tới viêm loét dạ dày cấp tính.

NSAIDs tác động làm giảm tiết prostaglandin - chất có tác dụng kích thích tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và trung hòa axit từ dịch vị. Vì vậy, nếu prostaglandin giảm sẽ khiến niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương và hình thành ổ viêm loét.

Ngoài ra, một số đối tượng bệnh nhân sẽ dễ bị viêm loét dạ dày hơn, cụ thể:

  • Người từ 65 tuổi trở lên.
  • Người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có cồn như bia, rượu.
  • Người có thói quen ăn uống thất thường.
  • Có tiền sử bị viêm loét dạ dày - tá tràng.
  • Điều trị và sử dụng nhiều loại thuốc giảm đau một lúc.
  • Tiền sử gia đình có người bị viêm loét dạ dày - tá tràng.

Uống Panadol Extra có hại dạ dày không? Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau mà bạn nên biết 3 Người thường xuyên uống rượu bia dễ bị viêm loét dạ dày

Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về thắc mắc “Uống Panadol Extra có hại dạ dày không?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể giải đáp được thắc mắc cũng như biết được những thông tin cơ bản về thuốc Panadol Extra và nguy cơ gây viêm loét dạ dày của các loại thuốc giảm đau khác. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định và hướng dẫn sử dụng với liều lượng hiệu quả nhất nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm