Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Ưu và nhược điểm của phương pháp phẫu thuật Crossen

Ngày 19/05/2024
Kích thước chữ

Sa sinh dục, són tiểu tuy không đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống và hoạt động hàng ngày của phụ nữ. Trong số các phương pháp điều trị, phẫu thuật Crossen đã được ứng dụng thành công giải quyết vấn đề sa sinh dục. Vậy, phẫu thuật Crossen là gì, liệu phương pháp này có ưu nhược như thế nào?

Sa sinh dục là bệnh lý thường gặp đặc biệt ở những phụ nữ lớn tuổi sinh đẻ nhiều lần, gây mất tự tin và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. 

Hiện nay, phương pháp phẫu thuật Crossen đạt hiệu quả cao trong điều trị sa sinh dục ở phụ nữ. Vậy phẫu thuật Crossen là gì? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé.

Tìm hiểu phẫu thuật Crossen điều trị sa sinh dục ở phụ nữ

Sa sinh dục, còn gọi là sa các cơ quan vùng chậu, là tình trạng suy yếu của hệ thống nâng đỡ đáy chậu, khiến các cơ quan này trượt khỏi vị trí ban đầu, gây ra khối sa lồi ở vùng âm hộ, tầng sinh môn. Ban đầu, khối sa sinh dục nhỏ và chỉ xuất hiện khi lao động hoặc đi lại nhiều, nhưng khi nằm nghỉ hoặc tự đẩy lên, khối sa có thể tụt vào trong âm đạo. Tuy nhiên, theo thời gian, khối sa càng to, xuất hiện thường xuyên hơn, không thể tự đẩy lên, kèm theo cảm giác tức nặng bụng dưới, khó chịu vùng âm hộ - tầng sinh môn.

Các triệu chứng của sa sinh dục bao gồm rối loạn tiểu tiện do bàng quang và niệu đạo bị sa, khiến người bệnh xuất hiện tình trạng đái buốt, són đái, đái ra máu khi có viêm bàng quang hoặc sỏi bàng quang hình thành do ứ trệ nước tiểu lâu ngày. Rối loạn đại tiện do sa trực tràng cũng là triệu chứng phổ biến, gây táo bón, cảm giác mót rặn, tức nặng vùng hậu môn. 

Sinh đẻ nhiều lần và lao động nặng là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, do vùng cơ bụng dưới bị rách, không hồi phục tốt sau mỗi lần sinh.

Ưu và nhược điểm của phương pháp phẫu thuật crossen 1
Phương pháp phẫu thuật Crossen dùng để điều trị sa sinh dục

Có nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị sa sinh dục, trong đó phương pháp phẫu thuật Crossen là một lựa chọn. Phương pháp Crossen bao gồm cắt toàn bộ tử cung theo đường âm đạo, khâu treo lại bàng quang, khâu các mỏm dây chằng ở hai bên lại với nhau, tạo thành một phên vững chắc để ngăn không cho ruột sa xuống. Phương pháp này thường được áp dụng cho phụ nữ trên 40 tuổi, sa sinh dục độ III, là một phẫu thuật khó chỉ được thực hiện ở tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh.

Ưu và nhược điểm của phương pháp phẫu thuật Crossen

Phương pháp phẫu thuật Crossen được sử dụng để điều trị sa sinh dục, có những ưu điểm và nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

  • Hiệu quả cao trong điều trị sa sinh dục độ III: Phương pháp này giúp điều trị triệt để tình trạng sa sinh dục nặng, đặc biệt là ở phụ nữ trên 40 tuổi.
  • Giảm triệu chứng khó chịu: Bằng cách cắt toàn bộ tử cung, khâu treo lại bàng quang, phương pháp này hỗ trợ giảm các triệu chứng tức nặng bụng dưới, khó chịu vùng âm hộ và tầng sinh môn.
  • Ngăn ngừa tái phát: Khâu các mỏm dây chằng, mỏm khâu âm đạo tạo thành một phên vững chắc, giúp ngăn ngừa sự tụt xuống của các cơ quan vùng chậu trong tương lai.
  • Khắc phục rối loạn tiểu tiện, đại tiện: Phương pháp này giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiểu tiện (đái khó, đái buốt, són đái) và rối loạn đại tiện (đại tiện khó, táo bón).
Ưu và nhược điểm của phương pháp phẫu thuật crossen 2
Phương pháp phẫu thuật Crossen có cả ưu điểm và nhược điểm

Nhược điểm:

  • Phẫu thuật phức tạp: Đây là một phẫu thuật khó, đòi hỏi kỹ thuật cao và kinh nghiệm từ bác sĩ phẫu thuật, do đó chỉ được thực hiện ở các bệnh viện tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh.
  • Rủi ro biến chứng: Như bất kỳ phẫu thuật nào, phương pháp Crossen cũng có nguy cơ gây biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương các cơ quan lân cận, khó lành vết thương.
  • Thời gian hồi phục lâu: Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần thời gian dài để hồi phục, quá trình chăm sóc hậu phẫu cần được thực hiện cẩn thận để tránh nhiễm trùng và các biến chứng khác.
  • Không phù hợp với người trẻ và người có sức khỏe yếu: Phương pháp này thường không được khuyến nghị cho người trẻ tuổi hoặc những người có bệnh lý nội khoa nghiêm trọng như tiểu đường, bệnh tim mạch, các bệnh tự miễn do nguy cơ biến chứng cao.

Chăm sóc sau phẫu thuật Crossen như thế nào?

Chăm sóc sau phẫu thuật Crossen là một phần quan trọng để đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi và giảm thiểu nguy cơ biến chứng:

  • Trước hết, cần giữ vết mổ sạch sẽ, khô ráo, thay băng gạc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, đỏ, nóng, đau hoặc chảy dịch bất thường, báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào.
  • Để đảm bảo quá trình phục hồi suôn sẻ sau phẫu thuật, có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định và tránh các hoạt động thể lực nặng trong vài tuần đầu sau phẫu thuật. Song song đó là chế độ nghỉ ngơi đầy đủ, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ quá trình nhanh lành vết thương.
  • Bệnh nhân nên bắt đầu với các hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ ngắn để thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa tình trạng huyết khối, đồng thời tránh nâng đồ nặng hoặc thực hiện các động tác gây áp lực lên vùng bụng trong ít nhất 6 - 8 tuần. 
  • Tuân thủ lịch tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra tiến triển hồi phục và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ nếu có các triệu chứng bất thường như đau dữ dội, sốt, chảy máu nhiều, hoặc khó thở.
Ưu và nhược điểm của phương pháp phẫu thuật crossen 3
Bệnh nhân sau phẫu thuật Crossen nên bắt đầu với các hoạt động nhẹ nhàng 
  • Về sinh hoạt cá nhân, nên tránh tắm bồn hoặc ngâm mình trong nước cho đến khi vết mổ lành hoàn toàn, thay vào đó tắm nhanh bằng vòi hoa sen, giữ vết mổ khô ráo. Kiêng quan hệ tình dục trong ít nhất 6 tuần sau phẫu thuật hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, giữ tinh thần thoải mái và tránh căng thẳng cũng góp phần quan trọng vào quá trình hồi phục.

Bệnh nhân và người nhà nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, không ngần ngại hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc hay lo lắng nào trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật Crossen bạn nhé!

Xem thêm: Phẫu thuật sa tử cung có nguy hiểm không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin