Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm bàng quang: Nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm bàng quang hay còn gọi là nhiễm trùng bàng quang là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong bàng quang hay niệu đạo gây ra. Viêm bàng quang là một bệnh rất phổ biến, chiếm khoảng trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thường gặp nhiều ở nữ giới với tỷ lệ nữ/nam là 9/1. Trong một số trường hợp, bệnh viêm bàng quang có thể tái phát nhiều lần trong thời gian dài. Viêm bàng quang cũng có thể do một số nguyên nhân khác gây ra như thuốc, xạ trị hoặc là một biến chứng của bệnh khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm bàng quang là gì?

Viêm bàng quang là tình trạng bàng quang bị viêm do nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Nhiễm trùng bàng quang xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và đi vào bàng quang. Hệ tiết niệu bình thường có cấu trúc ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, nước tiểu cũng có đặc tính kháng khuẩn, ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Nhưng khi cơ thể bạn suy yếu, giảm sức đề kháng hoặc niệu đạo bị tổn thương thì vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây bệnh.

Nhiễm trùng bàng quang là một trong những nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Khoảng 60% phụ nữ và 12% nam giới sẽ bị nhiễm trùng tiểu ít nhất một lần trong suốt cuộc đời của họ. Bệnh nhiễm trùng này có thể tái phát: Từ 20% đến 40% phụ nữ bị nhiễm trùng bàng quang sẽ bị ít nhất một lần nữa trong đời. Nam giới ít bị nhiễm trùng bàng quang hơn vì sự khác biệt về giải phẫu niệu đạo của họ, nếu bị viêm bàng quang có thể là do dị dạng đường tiểu, phì đại tiền liệt tuyến hoặc tắc nghẽn đường tiểu do sỏi.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ gây viêm bàng quang bao gồm:

  • Bất thường giải phẫu của đường tiết niệu;

  • Thời kỳ mãn kinh;

  • Sử dụng ống thông tiểu;

  • Sử dụng chất diệt tinh trùng;

  • Táo bón;

  • Quan hệ tình dục không an toàn.

Viêm bàng quang có những triệu chứng điển hình là tiểu nhiều lần, tiểu gấp và nóng rát hoặc đau khi đi tiểu với một lượng nước tiểu rất ít. Chứng tiểu đêm, đau trên xương mu và đau thắt lưng thường rất phổ biến. Nước tiểu thường đục và đái máu vi thể (hiếm khi đái máu đại thể) có thể xảy ra, có thể có sốt nhẹ. Tiểu hơi (tiểu có bọt khí trong nước tiểu) có thể xảy ra khi có nhiễm trùng do rò bàng quang-ruột hoặc rò bàng quang-âm đạo hoặc viêm bàng quang do vi khuẩn sinh hơi.

Ngoài ra, một số loại thuốc và sản phẩm vệ sinh cũng có thể gây viêm bàng quang. Hầu hết các trường hợp viêm bàng quang là cấp tính, do nguyên nhân nhiễm khuẩn, chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn Escherichia coli (E.coli). Các trường hợp mãn tính là viêm bàng quang kẽ hoặc tái phát nhiều lần trong thời gian dài. 

Viêm bàng quang có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào, nhưng viêm bàng quang ở nữ giới mắc phải nhiều nhất. Đối với trường hợp viêm nhẹ, bệnh có thể tự hết trong vòng vài ngày. Một số người có thể trải qua đợt viêm tái phát nhiều lần và cần được điều trị lâu dài. Để điều trị triệt để bệnh viêm bàng quang, bạn cần được thăm khám và điều trị kịp thời. 

Nếu kéo dài không điều trị, bệnh sẽ thành mãn tính ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe có thể biến chứng tiến triển thành suy thận, viêm thận, ung thư. Người bị viêm bàng quang cần tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng để mau hồi phục sức khỏe.

Bệnh viêm bàng quang tuy dễ xử lý nhưng có thể rất khó điều trị nếu không được phát hiện sớm và đã gây biến chứng.

Tại sao phụ nữ hay bị viêm bàng quang

Đặc điểm cấu tạo của cơ quan sinh dục nữ có niệu đạo - đường dẫn nước tiểu ngắn nên mầm bệnh ở vùng hậu môn thường di chuyển dễ dàng đến bàng quang. Nguy cơ mắc bệnh viêm bàng quang sẽ tăng lên vào mùa hè, nhất là các nước nhiệt đới, mọi người sẽ ra mồ hôi nhiều và tiểu ít đi.

Thuốc tránh thai cũng có thể gây viêm bàng quang. Thuốc tránh thai bên cạnh làm nhiệm vụ tránh thai, thuốc có thể gây tác dụng phụ là làm cản trở việc bài tiết, thay đổi hệ vi khuẩn ở cơ quan sinh dục. 

Phụ nữ cần chú ý giữ vệ sinh tốt, đặc biệt trong các kỳ kinh nguyệt. Ít thay băng vệ sinh cũng làm vi khuẩn sinh sản nhanh hay làm vệ sinh quá nhiều cũng làm mất cân bằng hệ vi khuẩn cũng gây viêm.

Một vài loại bệnh như táo bón, đái tháo đường, chứng bại liệt, các bệnh thần kinh cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm do đọng nước tiểu ở bàng quang.

Mặc quần áo quá chật, bó sát làm tăng nhiệt độ sơ thể, gây ẩm vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn cư trú và phát triển cũng là nguyên nhân gây viêm bàng quang.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang

  • Nước tiểu đục, có mủ, có mùi hôi hoặc tiểu ra máu. 

  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày nhưng tiểu dắt và mỗi lần chỉ tiểu ra một ít. 

  • Đi tiểu đau buốt và có cảm giác nóng rát, cảm giác rùng mình sau khi tiểu xong. 

  • Đột nhiên buồn tiểu, không thể nín tiểu được.

  • Đau vùng thượng vị.

  • Mỏi lưng, khó chịu ở vùng xương chậu. 

  • Bị đau rát khi quan hệ tình dục. 

  • Đối với trẻ em có thể đái dầm nhiều lần vào ban ngày. 

  • Cảm giác mệt mỏi, đau đầu và thường không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ (dưới 38 độ). 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm bàng quang

Bệnh viêm bàng quang nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm sau đây:

  • Tiểu ra máu, thiếu máu: Khi bệnh viêm bàng quang trở nặng người bệnh có thể đi tiểu ra máu. Nếu kéo dài không điều trị sẽ có nguy cơ dẫn tới thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu,…

  • Nhiễm trùng thận, suy thận: Do vi khuẩn đi ngược từ bàng quang lên trên thận có thể gây nên nhiễm trùng thận, thời gian nhiễm trùng càng kéo dài có thể dẫn tới thận hư, suy thận. Vì vậy cần điều trị triệt để bệnh viêm bàng quang để tránh biến chứng này. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ suy thận do nhiễm trùng bàng quang lớn nhất vì triệu chứng thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác hoặc bị bỏ qua.

  • Tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn: Biến chứng thận hư, suy thận sẽ làm giảm khả năng sinh lý gây nên nguy cơ hiếm muộn và vô sinh cao, đời sống tình dục sẽ dễ bị rối loạn do các vấn đề bệnh lý gây nên như đau rát khi quan hệ tình dục. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm bàng quang

Nguyên nhân viêm bàng quang bao gồm:

  • Phần lớn nguyên nhân gây viêm bàng quang là do nhiễm khuẩn. Chiếm nhiều nhất (khoảng 95%) là Escherichia coli (E. coli). Ngoài ra, còn có các loại vi khuẩn khác cũng gây viêm bàng quang như tụ cầu vàng (S. aureus), trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa), lậu cầu (Neisseria gonorhoeae), Chlamydia, Mycoplasma, Proteus, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis

  • Thuốc: Các loại thuốc hóa trị, cyclophosphamide, ifosfamide cũng có thể gây viêm bàng quang. 

  • Bức xạ: Điều trị khu vực khung xương chậu bằng bức xạ dẫn tới thay đổi vùng mô có thể gây viêm bàng quang. 

  • Thường xuyên phải sử dụng ống thông nước tiểu. 

  • Do hóa chất: Sử dụng dung dịch vệ sinh không phù hợp hay không đúng cách, xà phòng tắm tạo bọt… gây kích ứng. 

  • Viêm bàng quang cũng có thể xảy ra do biến chứng của các bệnh khác như bệnh viêm vùng chậu, ung thư phụ khoa, bệnh đái tháo đường, sỏi thận…

Nguy cơ tái phát hoặc tái nhiễm là rất cao một khi bạn đã bị viêm bàng quang.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm bàng quang?

Viêm bàng quang là một trong những bệnh viêm đường tiết niệu rất phổ biến. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, nhưng phụ nữ là nhóm có nguy cơ bị viêm bàng quang cao nhất. Ở nam giới, viêm bàng quang gia tăng theo độ tuổi.

Viêm bàng quang là một bệnh khi đã mắc phải thì nguy cơ tái phát hoặc tái nhiễm bệnh là rất cao. 

Yếu tố nguy cơ gây mắc phải viêm bàng quang

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm bàng quang, bao gồm:

  • Giới tính: Viêm bàng quang xảy ra ở nữ nhiều hơn nam giới.

  • Tuổi tác: Nguy cơ bị viêm bàng quang tăng dần theo độ tuổi.

  • Người bị nằm bất động lâu ngày.

  • Đời sống tình dục không an toàn hoặc quá nhiều.

  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hay thời kỳ mãn kinh.

  • Có sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi trong bàng quang,…

  • Một số bệnh khác mắc phải như: Bệnh đái tháo đường, nhiễm HIV, phì đại tiền liết tuyến ở nam giới hoặc đang điều trị ung thư.

  • Người bệnh sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài dể bị viêm bàng quang.

  • Uống ít nước: Nếu bạn uống ít nước khiến cho bàng quang hoạt động ít, vi khuẩn có có hội phát triển mạnh hơn tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm.

  • Vệ sinh không sạch sẽ, không đúng cách thì vi khuẩn từ hậu môn có thể xâm nhập vào niệu đạo lên bàng quang gây viêm.

  • Suy giảm hệ miễn dịch: Làm cho hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây hại tấn công gây viêm bàng quang.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm bàng quang

Viêm bàng quang có thể được chẩn đoán bằng các xét nghiệm như:

Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để kiểm tra sự xuất hiện của máu và/hoặc mủ trong nước tiểu.

Cấy nước tiểu: Xét nghiệm này giúp xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng bàng quang và vi khuẩn nhạy với kháng sinh.

Nội soi bàng quang để kiểm tra bên trong của bàng quang.

Xét nghiệm hình ảnh (chụp X-quang, chụp CT scanner) để kiểm tra thận.

Phương pháp điều trị viêm bàng quang hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Đôi khi nhiễm trùng tiểu có thể tự giới hạn ở phụ nữ, có nghĩa là cơ thể có thể chống lại nhiễm trùng mà không cần kháng sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nhiễm trùng tiểu không biến chứng có thể được điều trị nhanh chóng bằng một đợt kháng sinh uống ngắn ngày. Bạn muốn điều trị triệt để bệnh viêm bàng quan thì bạn cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Không bao giờ tự ý sử dụng thuốc kháng sinh đã được kê đơn cho người khác.

Một số loại kháng sinh dùng trong điều trị viêm bàng quang, gồm:

Nitrofurantoin (Furadantin, Macrobid, Macrodantin);

Fosfomycin (Monurol);

Trimethoprim - sulfamethoxazole (TMP-SMX) (Bactrim®);

Amoxicilin/clavulanate (Augmentin);

Cephalosporin (cefpodoxim, cefdinir, hoặc cefaclor);

Fluoroquinolones (ciprofloxacin, levofloxacin).

Bác sĩ sẽ chọn kháng sinh dựa trên tiền sử, loại nhiễm trùng tiểu, mô hình kháng thuốc tại chỗ và cân nhắc chi phí. Các lựa chọn đầu tay thường được chọn từ nitrofurantoin, fosfomycin và sulfamethoxazole-trimethoprim (TMP-SMX).

Amoxicillin/clavulanate (Augmentin) và một số cephalosporin có thể là những lựa chọn thích hợp khi không thể sử dụng các lựa chọn đầu tay. Nên để dành fluoroquinolones cho những trường hợp nhiễm khuẩn nghiêm trọng hơn là viêm bàng quang cấp và cần lưu ý rằng tỉ lệ kháng fluoroquinolones cũng có xu hướng tăng. 

Thời gian điều trị viêm bàng quang có thể từ một liều duy nhất, một lần cho đến một đợt thuốc kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Nhiễm trùng thận có thể cần điều trị bằng đường tiêm, nhập viện, cũng như một đợt kháng sinh dài hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Một đợt điều trị dài hơn có thể là cần thiết cho các bệnh nhiễm trùng tại các vị trí khác như tuyến tiền liệt.

Đôi khi nhiễm trùng tiểu có thể tự giới hạn ở phụ nữ, có nghĩa là cơ thể có thể chống lại nhiễm trùng mà không cần kháng sinh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp viêm bàng quang có thể được điều trị nhanh chóng bằng một đợt kháng sinh uống ngắn ngày. 

Ở nam giới bị viêm bàng quang, không có triệu chứng viêm tuyến tiền liệt có thể được điều trị trong 7 ngày bằng fluoroquinolon (ciprofloxacin, levofloxacin). Có thể được điều chỉnh phác đồ điều trị khi có kết quả cấy nước tiểu. Cần bổ sung thêm Amoxicillin/ clavulanate (Augmentin) vào phác đồ điều trị nếu vi khuẩn gây bệnh là Enterococcus.

Để chắc chắn là đã hết vi khuẩn niệu sau khi điều trị khỏi các đợt viêm cấp của viêm bàng quang tái phát ở phụ nữ cần cấy lại nước tiểu sau 1-2 tuần điều trị. Chỉ áp dụng điều trị dự phòng khi nước tiểu đã sạch vi khuẩn. Để phòng ngừa tái phát, có thể uống kháng sinh phòng ngừa sau mỗi lần có quan hệ tình dục hoặc liên tục.

Để giảm tác dụng không mong muốn của kháng sinh đối với phụ nữ lớn tuối trong điều trị viêm bàng quang cấp có thể dùng phác đồ điều trị kháng sinh 3 ngày. Hai phác đồ này  có hiệu quả điều trị tương đương nhau nhưng phác đồ 3 ngày ít tác dụng phụ của kháng sinh hơn so với phác đồ 7 ngày. Đối với những bệnh nhân không cải thiện triệu chứng lâm sàng sau 3 ngày điều trị cần được cấy nước tiểu và làm kháng sinh đồ để đổi kháng sinh cho phù hợp, trong khi chờ đợi kết quả có thể đổi kháng sinh theo kinh nghiệm trong điều trị. Trường hợp  bệnh nhân có triệu chứng không cải thiện sau 7 ngày điều trị cần được xử trí như viêm bàng quang cấp có biến chứng.

Để theo dõi đáp ứng điều trị, bên cạnh sự cải thiện triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm nước tiểu sau điều trị được cải thiện so với trước điều trị là bằng chứng chứng minh hiệu quả của phác đồ dã được sử dụng. Khi triệu chứng lâm sàng của nhiễm khuẩn gây viêm bàng quang hoặc khi triệu chứng nhiễm khuẩn bàng quang đi kèm với khí hư âm đạo hoặc ngứa, rát âm đạo hoặc triệu chứng không cải thiện sau khi kết thúc điều trị hoặc triệu chứng tái phát trong vòng 2 tuần sau khi đã hết, cần làm xét nghiệm nước tiểu và cấy nước tiểu trước khi bắt đầu lại một phác đồ  kháng sinh khác với thuốc đã sử dụng đợt đầu.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bàng quang

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Bạn có thể làm giảm sự khó chịu do bệnh viêm bàng quang này gây nên gây nên trong quá trình điều trị bằng các biện pháp như:

  • Để làm giảm cảm giác áp lực bàng quang bạn có thể dùng túi chườm nóng đặt trên vùng bụng;

  • Uống nhiều nước;

  • Bạn nên tắm và vệ sinh bằng nước ấm. 

Chế độ dinh dưỡng:

Bên cạnh điều trị viêm bàng quang bằng thuốc, bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh sẽ làm tăng hiệu quả trong điều trị. Cùng khám phá những thực phẩm mà người bệnh viêm bàng quang nên tránh một số loại thực phẩm như: 

  • Bạn cần hạn chế nhóm thực phẩm chứa axit như là: Chanh, cam, giấm, ổi, dứa...Nhóm chất này sẽ thúc đẩy bệnh diễn biến nặng hơn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

  • Tránh thực phẩm kích thích bàng quang gây cảm giác khó chịu hơn như: Cà phê, rượu, trà và các thức ăn cay nóng như tiêu, ớt, mù tạt... 

  • Bạn không nên ăn những thức phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh. Ngoài ra, hạn chế ăn những nhóm đồ ăn chứa chất ngọt nhân tạo và phô mai, những nhóm thực phẩm này không tốt cho sức khỏe do có chứa nhiều tyramine.

  • Tuyệt đối tránh xa nhóm đồ uống có chứa cồn như rượu, bia.

Nên xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh  viêm bàng quang như:

  • Tránh đồ uống chứa các chất kích thích, nên uống nhiều nước.

  • Không nín tiểu, đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn tiểu.

  • Sau khi đi vệ sinh bạn nên lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo, niệu đạo.

  • Sau khi quan hệ tình dục bạn nên làm rỗng bàng quang càng sớm càng tốt bằng cách đi tiểu.

  • Tránh sử dụng những sản phẩm kích thích niệu đạo và bàng quang như thuốc xịt khử mùi hoặc các sản phẩm xịt phụ nữ ở vùng sinh dục. 

  • Tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm dung dịch vệ sinh không rõ nguồn gốc, những sản phẩm dễ gây kích ứng,…

Phương pháp phòng ngừa viêm bàng quang hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tạo thói quen vệ sinh tốt, bạn nên lau từ trước ra sau và điều trị tích cực chứng táo bón hoặc tiêu chảy. Tắm vòi hoa sen, hạn chế ngâm mình trong bồn tắm hay tắm dưới sông suối, ao hồ.

  • Uống đủ nước hàng ngày sẽ giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi bàng quang.

  • Kem Estrogen dành cho phụ nữ sau mãn kinh: Khi phụ nữ bước qua thời kỳ mãn kinh, các mô âm đạo của họ thay đổi và các vi khuẩn có lợi thường cư trú trong âm đạo không thể tồn tại. Vi khuẩn gây bệnh có thể cư trú, gây nhiễm trùng bàng quang. Để thiết lập lại các vi khuẩn tốt, bạn có thể cần kem bôi estrogen. Tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn về việc liệu kem estrogen tại chỗ có phù hợp với bạn hay không.

  • Thay đổi biện pháp ngừa thai: Bạn cũng có thể thay đổi lựa chọn việc ngừa thai của mình nếu bạn bị nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng tiểu thường xuyên. Phụ nữ có nguy cơ bị nhiễm trùng cao khi sử dụng màng ngăn và chất diệt tinh trùng. 

  • Để việc bài tiết và lưu thông nước tiểu được dễ dàng, bạn nên thường xuyên tập thể dục, vận động cơ thể đều đặn hàng ngày để nâng cao sức khỏe và để phòng ngừa bệnh viêm bàng quang.

  • Chế độ ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng.

  • Đặc biệt cần quan tâm vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bộ phận sinh dục ngoài đối với người bị bệnh bại liệt, tiểu không tự chủ, dùng bỉm…

  • Tích cực điều trị bệnh sỏi tiết niệu, viêm tiết niệu, bệnh của tuyến tiền liệt.

  • Không nên nhịn tiểu. Tránh sử dụng thuốc vệ sinh phụ nữ dạng xịt, thuốc thụt rửa âm đạo. Nên mặc quần áo rộng, chất liệu thấm hút mồ hôi như cotton...

Nguồn tham khảo

https://www.healthline.com/health/cystitis#treatment

Chủ đề:viêm bàng quang

Các bệnh liên quan